NGHỆ NHÂN -NĂNG KHIẾU - NGƯỜI CÓ CÔNG
Người truyền tải thông điệp từ tranh dân gian
(Ngày đăng: 03/12/2023   Lượt xem: 43)

 

Đám cưới chuột, Tranh dân gian Việt Nam và một số tranh về tín ngưỡng đạo Mẫu (Ngọc Hoàng, Thánh Mẫu, Điện thần đạo Mẫu và Ngũ hổ) trong cuốn sách.
Đám cưới chuột, Tranh dân gian Việt Nam và một số tranh về tín ngưỡng đạo Mẫu (Ngọc Hoàng, Thánh Mẫu, Điện thần đạo Mẫu và Ngũ hổ) trong cuốn sách.
Những bức tranh cổ được trang trí trong nhà mỗi dịp Tết đến, xuân về không đơn giản cho vui mắt mà mang nhiều thông điệp quý báu trong đời sống tinh thần người Việt.

Người truyền tải thông điệp đó đến với công chúng là Tiến sĩ Nguyễn Thị Hiệp, Khoa Lịch sử và Văn bản học, Viện Khảo cứu Cao cấp Pháp. Bà là đồng dịch giả cuốn “Tranh dân gian Việt Nam” của nhà nghiên cứu người Pháp Maurice Durand (EFEO và NXB Tổng hợp TP HCM đồng xuất bản, nhóm biên soạn và dịch: Philippe Papin, Marcus Durand, Olivier Tessier và Nguyễn Thị Hiệp). Cuốn sách này đã gây được chú ý của công chúng và giành giải B năm 2019 do Hội đồng Giải thưởng Sách quốc gia trao tặng.

Câu chuyện về tranh dân gian

Những bức tranh trong đền Độc Lôi (xã Nam Giang, tỉnh Nghệ An) được vẽ trong thế kỷ XVIII và hiện được bảo quản ở Hà Nội, được coi là bằng chứng cổ nhất về dòng tranh khắc gỗ dân gian. Đây là giai đoạn cực thịnh của nghề in mộc bản và tranh dân gian.

Vào nửa đầu thế kỷ XX, nhà nghiên cứu người Pháp Maurice Durand, thành viên của Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp đã sưu tập rất nhiều ván khắc và tranh dân gian. Tất cả được giới thiệu trong cuốn “Tranh dân gian Việt Nam” đã mang đến cho độc giả Việt Nam sự ngỡ ngàng về kho tàng đồ sộ này.

Tranh dân gian còn được gọi nôm na là tranh Tết vì thường được in và bán vào dịp Tết âm lịch cho khắp nơi ở chợ quê. Ngoài việc trang trí nó còn có ý nghĩa về sự an lành trong năm mới. Tết xưa, các gia đình, từ thành thị đến nông thôn, gỡ những tranh năm cũ và dán tranh mới lên tường, những tranh trang trí trên bàn thờ tổ tiên, hoặc là tranh trừ tà trong nhà hoặc trước cổng để xua đuổi tà ma và hy vọng một năm mới an lành. Việc làm tranh dân gian cũng thường theo truyền thống như những nghề truyền thống truyền từ đời này sang đời khác. Tranh đẹp hay xấu là do tài hoa của nghệ nhân. Mỗi nhà còn có bí quyết, kinh nghiệm riêng để tạo nét đặc trưng, từ cách xử lý giấy, hình vẽ, màu sắc đến cách in từng lớp màu.

Giá trị của tranh dân gian được nhà nghiên cứu Maurice Durand phân tích rất rõ trong cuốn sách: “Qua sách của ông, người đọc thấy ông phân tích rất chi tiết giá trị của tranh dân gian Việt Nam nói chung, thể hiện qua các loại tranh, như tranh chúc tụng, tranh biểu tượng cầu chúc, tranh cầu phúc, bùa trừ tà, tranh về tín ngưỡng tôn giáo, tranh giải trí châm biếm, tranh minh họa các tác phẩm văn học… Đó là điều thú vị để người đọc khám phá được cách thể hiện của hoạ sĩ dân gian qua các chủ đề” - Tiến sĩ Nguyễn Thị Hiệp đánh giá.


Như chúng ta đều biết, tranh dân gian có bốn dòng chính: Tranh Đông Hồ của Bắc Ninh, tranh Hàng Trống ở Hà Nội, tranh Kim Hoàng của Hà Tây và tranh làng Sình của Huế. “Dòng tranh Đông Hồ là dòng tranh dập từ ván khắc, nghĩa là sử dụng mẫu trên ván gỗ để rập tranh trên giấy điệp và số lần in phụ thuộc vào số lượng màu của tranh. Đề tài khá là phong phú, thể hiện mọi mặt của đời sống xã hội và nhất là đời sống nông thôn thời xưa của Việt Nam. Tranh Hàng Trống chủ yếu là tranh thờ, đặc biệt khai thác các chủ đề về tín ngưỡng với những gam mầu rất nổi trội. Tranh Kim Hoàng thì kết hợp nhiều kỹ thuật nhưng điểm khác biệt là chất liệu giấy. Họ sử dụng các loại giấy đỏ, giấy hồng điều hoặc là giấy Tàu vàng. Còn tranh làng Sình ở Huế là loại tranh thờ, tranh cầu phúc, được làm với kỹ thuật khá thô sơ và với họa tiết khá đơn giản” - Tiến sĩ Hiệp bày tỏ hy vọng rằng qua cuốn sách “Tranh dân gian Việt Nam” của Maurice Durand, cũng như kho tranh được lưu ở Viện Viễn Đông Bác Cổ Paris phần nào giúp những người tâm huyết khôi phục nghề truyền thống này ở Việt Nam.

Đến nay, nhiều làng nghề, nghệ nhân tranh dân gian bị tổn thất nhiều do nghệ nhân mất đi hay tranh không còn như bản gốc, tranh Kim Hoàng bị thất truyền từ lâu, tranh Hàng Trống chỉ còn một người giữ lại, làng tranh Đông Hồ cũng chỉ còn vài nghệ nhân.

Con đường khôi phục tranh dân gian qua cuốn sách

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hiệp cho biết, sở dĩ cuốn sách được tái bản nhiều lần là do nhu cầu của độc giả và ê kíp cũng muốn có một ấn phẩm hoàn hảo nhất có thể. Cuốn “Tranh dân gian Việt Nam” chỉ được in đen trắng, cách sắp xếp tranh cũng khá lộn xộn, được in đầu tiên vào năm 1960. Nhưng đến năm 2011, Giáo sư Philippe Papin và ông Marcus Durand là con trai của tác giả đã tiến hành biên soạn lại và tái bản bộ sách.

Công việc chụp lại tranh và in mầu được thực hiện bởi con trai duy nhất của tác giả là ông Marcus Durand. Công việc này diễn ra khá lâu, khá tỉ mỉ và như ông Marcus Durand đã miêu tả trong một số bài phát biểu, tức là nó kéo dài khá nhiều thời gian với việc phủ mầu cho một số bức tranh. Có một số bức tranh mà bản gốc đã là mầu rồi, giờ chỉ chụp lại và in lại bằng mầu. Thời xưa, kỹ thuật chưa cho phép in tranh mầu mà chỉ in đen trắng nên lấy lại những bản gốc mà Maurice Durand đã sưu tập lại thời đó để in lại bằng mầu cho ra những bức tranh rất đẹp. Ngoài ra, việc sắp xếp, biên soạn lại được thực hiện bởi Giáo sư Philippe Papin là một công việc rất đáng ghi nhận, rất tỉ mỉ, công phu. Ông đã sửa chữa những lỗi trong ấn bản đầu tiên và sắp xếp theo những chủ đề rất rõ ràng và dễ theo dõi cho độc giả.

Ấn bản mới này hoàn hảo hơn nhiều so với ấn bản đầu tiên nhờ sự sắp xếp lại hợp lý hơn, tất cả các bức tranh được chụp lại với kỹ thuật và chất lượng cao, được đánh số, sắp xếp và văn bản cũng được biên tập, chú thích, hiệu chỉnh. Ấn bản này gồm 473 bức tranh, có những bức tranh giống nhau về chủ đề nhưng khác nhau về mầu sắc và họa tiết. Sách bao gồm cả tranh mầu và tranh đen trắng, được xếp theo năm chủ đề chính: Cuộc sống thường nhật và nhịp độ thiên nhiên; Tranh tôn giáo, tín ngưỡng; Tranh minh họa lịch sử; Tranh minh họa văn học Việt Nam; Tranh minh họa văn học Trung Quốc.

Năm 2017, cuốn “Tranh dân gian Việt Nam” được dịch sang tiếng Việt và được Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp và Nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh đồng xuất bản năm 2018. Đây là lần đầu tiên bản Việt ngữ của “Tranh dân gian Việt Nam” được giới thiệu đến độc giả Việt Nam. Cuốn “Tranh dân gian Việt Nam” được Hội đồng Giải thưởng sách Quốc gia trao tặng giải B năm 2019. Tiến sĩ Hiệp cho biết, công trình này được đón nhận là niềm vui lớn của nhóm sau một hành trình dài vất vả. Vẻ đẹp cùng với thông điệp đến từ những bức tranh đã cuốn hút nhóm làm việc miệt mài bất chấp khó khăn.

“Việc dịch thuật cuốn sách này cũng vấp phải khá nhiều khó khăn vì cuốn sách này được sử dụng bốn ngôn ngữ khác nhau, tiếng Pháp, tiếng Việt, chữ Hán và chữ Nôm. Và đề tài của cuốn sách cũng rất phong phú, nên khi dịch, tôi phải tham vấn rất nhiều đồng nghiệp, bạn bè, tùy theo từng chuyên môn để dịch cho chính xác. Và nhóm chúng tôi có trao đổi với nhau để thống nhất về thuật ngữ, thống nhất về ý nghĩa của từng bản dịch một, ví dụ như một số bản dịch có cả nguyên bản chữ Hán và có bản tiếng Pháp, thì chúng tôi phải kết hợp cả hai bản làm sao cho thống nhất về ý nghĩa. Sau đó, khi lên trang, thì bản Việt ngữ phải làm sao cho nó ngắn gọn, súc tích nhưng mà phải đầy đủ ý để khớp với tranh vẽ của trang đó, không được tràn sang trang khác. Rồi chữ Nôm và chữ Hán, chữ Pháp, chữ Việt vào cùng một phông, cho nên bị nhảy chữ và một số chữ Nôm, chữ Hán bị biến thành một chữ khác, mà đôi khi mình không thể nào kiểm tra hết được”, theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Hiệp.

Cuốn sách dày gần 500 trang là một công trình công phu, trình bày rất đẹp mắt, từ chất lượng giấy đến màu sắc. Một dấu hiệu đáng mừng cho thấy tranh dân gian vẫn còn thu hút độc giả hiện nay vì toàn bộ số lượng sách được phát hành lần thứ nhất đã bán hết và sách đã được tái bản hai lần vào các năm 2020 và 2023.

Lần về Việt Nam này, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hiệp rất bận rộn, bà dành cho phóng viên một giờ uống cà phê sáng trên phố Phan Bội Châu, Hà Nội. Bà chia sẻ rằng không những về dòng tranh dân gian, mà những sinh hoạt tín ngưỡng dân gian luôn cuốn hút bà. Sự kết hợp giữa văn hoá bác học và truyền thống dân gian Việt Nam luôn là chủ đề khảo sát, nghiên cứu mà bà yêu thích nhất.

Chính vì thế, ngoài cuốn “Tranh dân gian Việt Nam”, bà đã cùng nhóm dịch triển khai dịch toàn bộ sách của Maurice Durand, một nhà Việt Nam học người Pháp lỗi lạc nửa đầu thế kỷ 20. Nhóm cũng đã dịch cuốn “Điện thần và nghi thức hầu đồng Việt Nam (2019)” và cuốn “Thế giới của truyện Nôm (2022)” của Maurice Durand. Trong thời gian tới, bản Việt ngữ các cuốn sách khác của Maurice Durand sẽ được lần lượt giới thiệu, trong đó có cuốn “Tri thức văn hoá cổ truyền Việt Nam” dự định ra mắt độc giả vào năm 2024.

Vài nét về Maurice Durand (1914 - 1966)

Sinh năm 1914 ở Hà Nội, Maurice Durand là con trai của một nhà Hán học người Pháp và mẹ ông là người Việt quê gốc ở Kiến An. Ông là một trong những nhà nghiên cứu song ngữ hiếm hoi của Viện Viễn Đông Bác Cổ sở hữu hai nguồn văn hóa Pháp, Việt và có mối liên hệ mật thiết với chữ Hán. Maurice Durand vừa là nhà sử học, ngữ văn học, nhà phê bình văn học và nhà phân tích mỹ thuật. Ông đã để lại nhiều công trình nghiên cứu tầm cỡ như: Điện thần và phương thức hầu đồng ở Việt Nam, Nhập môn văn học Việt Nam, Tri thức về Việt Nam, Lịch sử thời Tây Sơn, Truyện nôm Việt Nam... và nhiều công trình dịch, hàng trăm bài viết và một số lượng bản thảo đồ sộ chưa từng được xuất bản.

                                         Theo:  baophapluat.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

6
Đang xem:
72.474.847
Tổng truy cập: