NGHỆ NHÂN -NĂNG KHIẾU - NGƯỜI CÓ CÔNG
Đam mê đồ xưa cũ
(Ngày đăng: 02/12/2023   Lượt xem: 71)

Trong làng bảo tàng cả nước, hệ thống bảo tàng, không gian bảo tàng tư nhân có một vị trí quan trọng. Rất nhiều người sưu tầm, đam mê đến tận cùng, đã dành mấy chục năm sưu tầm, gìn giữ những đồ xưa cũ. Những kỷ vật ấy góp phần để nhận diện một vùng văn hóa, truyền lại cho đời sau.

1-khach-tham-quan-tai-bao-tang-co-vat-hoang-long.jpg
Khách tham quan tại Bảo tàng Cổ vật Hoàng Long.

Chịu khổ cho cổ vật… sướng

Ở phường Minh Tâm, TP Yên Bái (tỉnh Yên Bái), không gian bảo tồn của ông Nguyễn Đăng Luận có hàng nghìn hiện vật. Nơi đây là địa chỉ quen thuộc của những người yêu thích “đồ nhà quê” và nghe ông Nguyễn Đăng Luận, chủ nhân của những hiện vật quý chia sẻ về những phen “lên bờ xuống ruộng”.

Trước đây, ông Luận công tác tại Công an TP Yên Bái. Do công việc thường xuyên gắn bó với bà con miền núi nên ông luôn muốn khám phá đời sống sản xuất của họ và có niềm yêu thích đặc biệt với những đồ vật mà đồng bào các dân tộc tự sản xuất để phục vụ sinh hoạt gia đình. Hễ thấy món đồ nào mà người nông dân bỏ đi, ông liền xin hoặc mua về.

Khi về hưu, ông dành nhiều thời gian để đi khắp các làng, bản để tìm hiện vật.

Ông Luận tâm sự: “Thời gian đầu, sau mỗi chuyến công tác và ở cùng bà con, tôi đều mang về một thứ, lần thì cái mõ trâu, khi thì cái chổi bằng lá cọ cũ kỹ hay chỉ là chiếc lồng chim đan bằng lõi cây tế. Niềm đam mê cứ lớn dần...”

Khi các hiện vật đã “về với ông” nhiều, nhà chật, đến nỗi đi không thể lách người được nữa, ông Luận phải mang sang gửi thêm hàng xóm. Họ biết tính ông đam mê, ủng hộ cách làm của ông thì vui vẻ cho gửi. Nhưng vợ ông, do thấy chồng quá đam mê “đồ bỏ đi” thì giận, dọa bỏ. “Rồi bà ấy thấy, giời không chịu đất thì đất phải chịu giời. Sau đó vì thương chồng, thương lây sang các đồ vật dân dã nên bà ấy cũng ủng hộ tôi”, ông Luận bày tỏ.

Càng sưu tầm, tìm hiểu ông Luận nhận thấy mỗi dân tộc có một nét văn hóa đặc sắc riêng và nhiều món đồ, nếu không giữ gìn thì sẽ mất, thế hệ sau sẽ không thể hiểu được cuộc sống sản xuất nông nghiệp của cha ông ở vùng núi cao. Trong hàng nghìn hiện vật của ông có những chiếc cối xay bằng đá nặng hàng trăm cân, mua tận huyện Bắc Hà (Lào Cai); chiếc yên ngựa có niên đại gần 100 năm. Ngoài ra, ông Luận còn có 30 chiếc đèn cổ của người dân tộc thiểu số Tây Bắc. Có chiếc thì ông mua, chiếc thì xin, có chiếc lại do tình cờ nhặt được.

Ông tâm sự: “Làm công việc sưu tầm này ngoài tâm đắc phải có duyên nữa thì mới dễ bắt gặp. Kể cả đi mua cũng thế thôi, có những thứ thấy mình bảo mua họ cho không. Có thứ mình mua trả tiền rồi, lúc mang xe lên chuyển về thì họ không bán nữa. Có lần, tôi mua một cái máng mà bà con dân tộc Tày dùng để ép mật mía, tôi vừa thuê xe chở về nhà chưa được 15 phút đã thấy chủ nhân phi xe máy đến đòi lại, họ bảo không bán nữa vì đó là đồ của cha ông để lại.

Nhiều hiện vật tôi mua, trả tiền cho họ xong nhưng chưa chuyển về nhà, hôm sau lên lấy thì họ… đòi thêm tiền. Dẫu công việc không giúp ích gì cho kinh tế gia đình, nhưng tôi thấy vui vì đã làm được một việc có ích cho xã hội”.

Cũng là một người rất lạ, ông Nguyễn Văn Trường ở làng Kiệu Sơn, xã Chấn Hưng, huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) lại sưu tầm và gắn 10.000 bát đĩa cổ lên tường nhà.

Đến không gian nhà ông, từ ngoài ngõ, cổng đến tường sân, cột nhà, trong nhà đều gắn kín bát, đĩa cổ. Ngay cả hòn non bộ của ông cũng không phải bằng đá, mà được kết cấu từ tiền cổ và bát đĩa cổ. Khách đến thăm ngày một nhiều, bởi đây là ngôi nhà độc nhất vô nhị, cách chơi của chủ nhân rất lạ.

Hỏi vì sao lại làm như vậy? Ông Trường trả lời: “Như thế là tôi đã trưng bày tất cả ra cho mọi người được chiêm ngưỡng, chứ tôi không giữ cho riêng mình. Với lại đã gắn lên tường rồi, tôi chỉ giữ chứ không thể bán đi được. Và như thế, tôi khổ thì cổ vật mới… sướng”.

Qua chia sẻ, ông Nguyễn Văn Trường cho biết mình đam mê bát đĩa cổ từ năm 1986, một năm sau khi xuất ngũ. Ông làm nghề thợ mộc và có lần đã tới sửa bàn ghế cho một nhà sưu tập đồ cổ địa phương. Đây chính là người đầu tiên giúp ông biết về vẻ đẹp của những món đồ sứ truyền thống và quyết định sưu tầm.

Khổ nỗi, gia đình nghèo, vợ ông là nông dân. Việc ông mang tiền nhà đi săn tìm cổ vật, thậm chí có chuyến đi cả tuần khiến kinh tế gia đình càng thêm khó khăn. Vợ ông cũng dọa bỏ. Lúc đó, ông phải điều chỉnh bản thân bằng cách làm thật nhiều, tăng gia sản xuất để có thêm tiền dành cho sinh hoạt gia đình.

Bà Hồ Thị Nga, vợ ông Trường chia sẻ: “Có tiền là ông ấy đem đi mua đồ cổ. Có lần xe hết xăng mà không còn tiền, ông ấy phải dắt bộ gần 20km về nhà. Mỗi bận đi xa về người ông lại đen sạm, rộc hẳn đi. Dần dần tôi thấy ông ấy làm như vậy cũng có cái hay, cái tốt nên ủng hộ để cuộc sống vui vẻ”.
2-moi-mon-do-deu-duoc-ong-nguyen-dang-luan-nang-niu-nhu-bau-vat.jpg

Mỗi món đồ đều được ông Nguyễn Đăng Luận nâng niu như báu vật.

Người nhặt rác sông Thương

Ở thôn Đồi Lánh, Đông Sơn, huyện Yên Thế (Bắc Giang), ông Vũ Văn Lập là người sưu tập đồ cổ đầy tự hào. Ông được coi là “người nhặt rác sông Thương” bởi có tới 30 năm mò cổ vật dưới lòng sông và sưu tầm ở thượng và hạ nguồn dòng sông.

Ông thường khuân tiền đi và “nạp” những món đồ của bất kỳ một người dân nào tìm thấy, mang về lưu giữ trong ngôi nhà riêng của mình. Trong ngôi nhà ấy hiện đang lưu giữ các bộ sưu tập đồ đá, đồng, tiền cổ, đồ gốm và cả những phiến đá hóa thạch có niên đại hàng vạn năm.

Ông Lập chỉ tay vào những hòn đá lớn đặt ở sân: “Rất nhiều năm vất vả mới có những món này”.

Bản thân ông Lập trước đây không có kiến thức về đồ cổ. Có những chiếc rìu đá, mũi tên, cuốc đá được đẽo gọt công phu với những hoa văn rất tinh xảo, cứ nghĩ là một món đồ đẹp, lạ, thích thì sưu tầm. Sau này, ông gặp được cán bộ của Bảo tàng Bắc Giang, họ “chỉ” cho vài đường. Từ đó ông đọc thêm sách vở, hiểu được phần nào giá trị của chúng.

Ông Vũ Văn Lập chia những món đồ cổ của mình thành ba nhóm chính tương ứng ba thời kỳ: giai đoạn tiền và sơ sử là các loại đồ dùng sinh hoạt hằng ngày của người tiền sử như: chum, hũ, nồi, niêu… Loại cổ vật thứ hai có niên đại từ thế kỷ thứ II đến thế kỷ XIV. Còn loại thứ ba từ thế kỷ thứ XVII đến thời các vua chúa nhà Nguyễn.
3-ong-nguyen-van-truong-xa-chan-hung-huyen-vinh-tuong-vinh-phuc-trong-khong-gian-ngoi-nha-doc-dao.jpg

Ông Nguyễn Văn Trường, xã Chấn Hưng, huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) trong không gian ngôi nhà độc đáo.

Gìn giữ cho đời sau

Trong quá trình đi thực tế, tôi đã gặp không ít người có tâm huyết, mỗi người một vẻ, nhưng chung đam mê, gìn giữ cho đời sau biết về những món đồ đã từng gắn bó với công việc sản xuất của nhà nông, với cha ông một thuở.

Ví dụ ông Nguyễn Quang Mạnh chủ hiệu ảnh Vinh Hoa (TP Bắc Giang) đang sở hữu một bảo tàng nhỏ với hơn 3.000 hiện vật. Hay cô giáo Ngô Thị Khiếu đã lập cả một Bảo tàng Đồng quê ở làng Bỉnh Di, xã Giao Thịnh (Giao Thủy - Nam Định). Từ một phòng truyền thống để trưng bày hiện vật đến thành lập bảo tàng tư nhân có diện tích hơn 6.000m2, với các khu trưng bày trang trọng, ngăn nắp, mỗi năm đón hàng trăm lượt du khách là cả một quá trình phát triển dài lâu.

Ở TP Thanh Hóa, ông Hoàng Văn Thông cũng là một người đặc biệt đam mê cổ vật. Cũng hiếm có người nào tâm huyết, có cách trưng bày “oách” và được đánh giá cao như Bảo tàng Cổ vật Hoàng Long của ông Thông. Là bảo tàng tư nhân đầu tiên ở Thanh Hóa và là một trong ba bảo tàng tư nhân lớn nhất cả nước.

Ông Thông là Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng dân dụng và Công trình giao thông, với hơn 30 năm “mê mải kiếm tìm và gìn giữ”, ông đã có một kho cổ vật vô giá với 16.000 hiện vật. Một con số khổng lồ nhiều người mơ ước. Mới đây, một số đại gia nước ngoài đến gạ ông bán 1/3 số cổ vật ông đang trưng bày và trả tới 40 tỷ, nhưng ông lắc đầu. Ông bảo rằng, bán là hết, là mất, chảy máu di sản. Ông tâm sự: “Tiền bạc cũng quý thật, nhưng có những thứ bán đi là mất, rồi bỏ bao nhiêu tiền cũng không mua lại được. Người ta đôi khi bảo tôi hâm, nhưng hiểu ra, họ biết là tôi gìn giữ di sản văn hóa để nhiều người đến chiêm ngưỡng, nghiên cứu”.

Không ít nhà nghiên cứu văn hóa đã cho rằng, việc sưu tầm, xây dựng bảo tàng tư nhân đã khó, việc “nuôi” cho bảo tàng có sức sống lại là thử thách khó khăn hơn bội phần. Bởi thế, cần các cơ quan chức năng có những chính sách, khuyến khích phát triển và duy trì hoạt động của các bảo tàng tư nhân.
                                             Theo: daidoanket.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

12
Đang xem:
72.475.090
Tổng truy cập: