NGHỆ NHÂN -NĂNG KHIẾU - NGƯỜI CÓ CÔNG
(92)- Cô gái Mã Châu hồi sinh làng lụa 600 năm
(Ngày đăng: 22/11/2023   Lượt xem: 70)

Ðêm trước khi ra thành phố để nhận công việc tại một ngân hàng, Yến chuyện trò cùng ba. Những lời gan ruột, khắc khoải, của nghệ nhân cố bám trụ, giữ nghề khiến cô con gái động lòng, quyết tâm ở lại để vực dậy danh thơm tơ lụa Mã Châu.

Cô gái Mã Châu hồi sinh làng lụa 600 năm ảnh 1
Yến tại gian hàng giới thiệu sản phẩm tại sự kiện Techfest 2023. Ảnh: Hoài Văn

Đó là câu chuyện của Trần Thị Yến (31 tuổi, ở làng Mã Châu, thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam).

Thời điểm mà Yến đưa ra quyết định đó như cuộc “lội ngược dòng” khi những lớp thợ lành nghề làng lụa Mã Châu quyết định từ bỏ vì làm không đủ sống. Họ nói Mã Châu đã hết thời vàng son, cố giữ thì chỉ thêm thua lỗ. Nhưng ba của Yến, ông Trần Hữu Phương (53 tuổi) thì vẫn không thể buông bỏ.

“Ba nói rằng dù có chết cũng vẫn không thể bỏ nghề bởi như vậy là có tội với tổ tiên. Dân làng đã bỏ không làm nữa, và nếu ông cũng chọn bỏ cuộc như vậy thì sẽ mất nghề hẳn truyền thống. Ông không thể để lịch sử ghi lại rằng, nghề tằm tang Mã Châu mất đi trong thời kỳ của nghệ nhân Trần Hữu Phương”, Yến nhớ lại. Cô cũng không đành lòng chứng kiến cha mình nhiều đêm mất ngủ, một mình loay hoay với những nong tằm, với máy móc ở khu nhà xưởng HTX, có đợt vắng nhà cả tháng vì những chuyến nhảy tàu mang từng tấm lụa đi giới thiệu các nơi nhưng chỉ nhận được những cái lắc đầu. Yến hiểu rằng mình cần làm điều gì đó để cứu làng nghề từng vang danh một thời.

Năm 2017 các xã viên cuối cùng của HTX Tơ lụa Mã Châu không muốn bám trụ với nghề nữa vì không đủ nuôi sống họ, trong khi quá trình khôi phục trở lại có nhiều công đoạn phải đầu tư. Trải qua quá trình dài cầm cự mà không có hiệu quả khiến họ mệt mỏi nên mong muốn làm công ăn lương, còn ông Phương đứng mũi chịu sào, tự thế chấp sổ đỏ gia đình vay vốn để đầu tư khôi phục làng nghề và trả lương cho những xã viên.

Dù ba rất giỏi về khâu sản xuất, kỹ thuật nhưng nếu không rành thương mại, không bán hàng được thì sản xuất ra cũng thất bại. Khó khăn nhất vẫn là tìm thị trường tiêu thụ và định danh lại thương hiệu mới có thể phục hưng làng nghề hơn 600 năm tuổi. Với tấm bằng đại học chuyên ngành Quản trị kinh doanh, Yến tin sẽ giúp được ba đi đến đích cuối cùng.

Nói là làm, Yến lao vào tìm hiểu về lụa Mã Châu, những điểm mạnh - yếu của sản phẩm truyền thống đang có trên tay, nghiên cứu kỹ về thị trường. Để cho ra một tấm lụa Mã Châu phải trải qua 20 công đoạn, nghệ nhân rất tỉ mẩn kỳ công, Yến tin một sản phẩm như vậy phải thực sự “đắt xắt ra miếng”. Nếu làm như cách cũ bán sảm phẩm thô rồi phân phối cho những làng nghề tiếp tục gia công thì ngay cả khi sản phẩm bán ra thị trường nó không còn mang thương hiệu Mã Châu.
Cô gái Mã Châu hồi sinh làng lụa 600 năm ảnh 2
Thí sinh lộng lẫy trong trang phục áo dài từ lụa Mã Châu của NTK Ngô Nhật Huy tại đêm chung kết Hoa hậu VN 2022. Ảnh: NVCC

Để theo kịp yêu cầu thị trường, cần sản phẩm có kết cấu sợi bền chắc, linh hoạt trong hoa văn mẫu mã, đặt hàng riêng của khách hàng, HTX bắt đầu nhập về những máy móc phù hợp để hỗ trợ như quay tơ đánh ống, máy dệt, nhuộm màu… Quá trình ứng dụng công nghệ đảm bảo nâng cao chất lượng, tăng độ bền, đều màu, sợi tơ có độ căng đều đặn, không can thiệp hóa chất vải có độ rũ tự nhiên của tơ tằm.

Thớ lụa Mã Châu đạt được những điều kiện của những khách hàng khó tính nhất, vì vậy mà giá thành dù cao gấp đôi, gấp ba thị trường nhưng khách sau khi dùng lụa thì quay trở lại, và giới thiệu thêm bạn bè.

Sinh ra ở làng Mã Châu, như nhiều đứa trẻ khác trong làng Yến lớn lên trong chiếc cũi ba làm từ khung dệt. Ðể tiện việc chăm con và không phải gián đoạn lúc làm nghề, mẹ đặt chiếc nôi gần khung cửi để vừa dệt vừa tiện trông con. Tiếng khung cửi dệt đi vào giấc ngủ thay tiếng ru ầu ơ của mẹ, và khi tỉnh dậy lại thấy nụ cười hiền ấy bên khung dệt.

Đầu tiên HTX Tơ lụa Mã Châu được chuyển thành Công ty TNHH Tơ lụa Mã Châu. Để định danh thương hiệu lụa Mã Châu, Yến quyết định gõ cửa những nhà thiết kế nổi tiếng Lê Thanh Hòa, Ngô Nhật Huy, Huy Võ…. Tận tay, tận mắt cảm nhận, và lắng nghe câu chuyện của tơ lụa Mã Châu đã thuyết phục nhà thiết kế yêu lụa Việt. Lụa Mã Châu sau đó liên tục xuất hiện trong nhưng show thời trang tầm cỡ. Tháng 10/2022 lụa Mã Châu là chất liệu chính NTK Lê Thanh Hòa sử dụng trong Bộ sưu tập An trình diễn ở Hà Nội; 12/2022 là chất liệu duy nhất mà NTK Ngô Nhật Huy sử dụng để trình diễn tại tuần lễ thời trang quốc tế ở Thái Lan; nhà thiết kế Huy Võ sử dụng lụa Mã Châu làm chất liệu chính trong bộ sưu tập áo dài Madam Huy ra mắt Tết 2022; tháng 3/2023 lụa Mã Châu là nguyên liệu mà NTK Lê Thanh Hòa chọn sử dụng bộ sưu tập Sao đôi (trình diễn tháng 3/2023) và là chất liệu chính NTK nổi tiếng này lựa chọn tại Tuần lễ thời trang quốc tế tháng 7/2023…

Năm 2019, logo nhận diện tơ lụa Mã Châu ra đời, như một cách phục hưng lại thương hiệu cho làng nghề. Năm 2021, sản phẩm khăn lụa Mã Châu được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao của Quảng Nam.

Cô gái Mã Châu hồi sinh làng lụa 600 năm ảnh 3

Lụa Mã Châu trong bộ sưu tập của NTK Lê Thanh Hòa. Ảnh: NVCC

Em là con gái Mã Châu

Yến nói, ban đầu lựa chọn ở lại là vì ba nhưng càng ngày cô càng hút sâu vào mối duyên với tơ lụa, và cảm nhận nhiều điều về lụa như mối giao cảm. Để đến bây giờ đi đến đâu cô gái cũng tự hào giới thiệu về mình, về gốc gác của mình “Em là người làng Mã Châu, là con gái Mã Châu”.

Cô cũng dần ngẫm ra, vì sao người ta nói con gái Mã Châu khéo léo tinh tế, nhẹ nhàng, là bởi quá trình chăm bẵm từng con tằm đòi hỏi sự khéo léo rồi dần hình thành tính cách đó. Cũng như quá trình nhận diện được ánh tơ tằm tự nhiên tạo nên nét tinh tế của người xứ Mã. Hay chính môi trường nắng gió, bão lụt để chăm cho nương dâu hình thành nên tính cách cần mẫn, tiết kiệm, tạo nên văn hoá người Mã Châu. Khi càng hiểu về ngọn ngành càng thêm yêu, trân quý di sản cha ông để lại. 8 năm chưa đủ dài nhưng nghĩ lại những gì đã lựa chọn cô chưa từng hối hận, hơn thế cô thấu hiểu nhiều điều và hạnh phúc khi thấy những nghệ nhân Mã Châu vẫn có thể sống với nghề.

Hiện mỗi tháng, công ty sản xuất trung bình 3.000m2 vải lụa, nhưng không đủ cung ứng. Yến nói, từ nay cho đến 3 tháng nữa, công ty không dám nhận thêm đơn đặt hàng. Nguồn cung cấp nguyên liệu cũng sẽ được mở rộng ngoài 5 hộ dân liên kết để cung ứng như lâu nay.

                                 Theo:  tienphong.vn
 

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

13
Đang xem:
72.493.352
Tổng truy cập: