NGHỆ NHÂN -NĂNG KHIẾU - NGƯỜI CÓ CÔNG
Nghệ nhân Nguyễn Hữu Chỉnh:Người trọn đời với lụa
(Ngày đăng: 30/01/2013   Lượt xem: 1835)

Tuy đã ở vào cái tuổi xưa nay hiếm, nhưng nghệ nhân Nguyễn Hữu Chỉnh vẫn không ngừng tìm tòi, sáng tạo ra những mẫu hoa văn mới, những cách làm độc đáo giúp duy trì và phát triển làng nghề dệt lụa Vạn Phúc tại Hà Đông. Bởi theo ông: “Cái nghề dệt lụa đã gắn với cái nghiệp của đời mình, tôi sẽ làm cho tới khi tôi không còn trên cõi đời này nữa mới thôi”.

nguyen-huu-chinh.png

Nghệ nhân Nguyễn Hữu Chỉnh bên tấm lụa Chùa Cầu Hội An

Nối nghiệp cha ông
Nghệ nhân Nguyễn Hữu Chỉnh vốn sinh ra trong một gia đình có bề dày truyền thống làm lụa. Ông nội và cha Nguyễn Hữu Chỉnh đều là những người thành danh trong nghề dệt lụa, nghệ nhân Nguyễn Hữu Thiệp từng nổi tiếng khắp Nam- Bắc một thời với các sản phẩm lụa dệt cho Chúa Nguyễn khi xưa. Người xưa thường có câu: Con nhà tông không giống lông thì cũng giống cánh, Ngay từ nhỏ, cậu bé Nguyễn Hữu Chỉnh ngày nào đã được ông nội và cha truyền cho những kinh nghiệm dệt, thiết kế mẫu mã lụa từ cơ bản đến những gì là tinh hoa nhất. Những tiếng thoi đưa, cách dệt sợi, nhuộm màu, phơi lụa cứ thế thẩm thấu vào con người Nguyễn Hữu Chỉnh. “Ngay từ bé tôi đã luôn tự nhủ lớn lên sẽ cố gắng để trở thành một nghệ nhân trong nghề dệt lụa”, ông chia sẻ. Với bề dày truyền thống của gia đình trong nghề dệt lụa cộng với tố chất, niềm đam mê nghề của bản thân, ông hòa nhập nhanh chóng vào nghề và gặt hái được những thành công bước đầu. Ngay từ khi mới 15 tuổi ông đã cho ra các mẫu thiết kế sáng tạo độc đáo nhưng vẫn đảm bảo được những nét truyền thống của lụa Vạn Phúc.

Những sáng tạo và cống hiến cho nghề dệt lụa
Hơn 50 năm gắn bó với nghề, đến nay, nghệ nhân Nguyễn Hữu Chỉnh đã để lại các sản phẩm và tác phẩm dệt lụa độc nhất vô nhị gắn liền với tên tuổi ông như: Khăn lụa tơ tằm mẫu Long Vân; Lụa tơ tằm mẫu Hoa Ban... Ông cho biết, để làm lên được những sản phẩm lụa đẹp ngoài tay nghề của người thợ thì chất lượng tơ là quan trọng nhất. Tơ khi mua về phải được phân loại. Những sợi tơ to thường được sử dụng làm sợi dọc, tơ nhỏ làm sợi ngang để khi dệt, không bị đứt. Khi xưa, các sản phẩm lụa được làm hoàn toàn thủ công. Người thợ dệt phải kết hợp nhịp nhàng giữa chân và tay để lao qua lại những con thoi trong khung dệt. Khó nhất là khi dệt hoa, công đoạn này đòi hỏi phải có sự kết hợp của hai người thợ dệt, một người ngồi trên cao kéo các go hoa, người ngồi dưới đưa sợi vào khung dệt mới cho ra các sản phẩm lụa với các hoạ tiết hoa văn nổi trên bề mặt tấm lụa. Trong quá trình dệt, các sơi tơ được người thợ nhúng qua một lớp hồ làm từ bột gạo để tạo thêm độ chắc, tránh bị đứt khi dệt. Ngày nay, máy dệt được các hộ đầu tư từ 25 - 30 triệu đồng/máy để giảm thiểu sức lao động, nâng cao năng suất sản phẩm. Những năm đầu thập kỷ 90, trong quá trình nghiên cứu, sáng tạo, khi dệt lụa, nghệ nhân Nguyễn Hữu Chỉnh nhận thấy các sản phẩm lụa khi cho vào nhuộm sau một thời gian sử dụng có hiện tượng bị phai màu. Với số kiến thức tích lũy của bản thân và kinh nghiệm khi còn là Phó giám đốc phụ trách kỹ thuật Xí nghiệp Dệt Sơn La, ông bắt tay vào nghiên cứu quy trình để tránh hiện tượng phai màu của lụa sau khi nhuộm. Theo kinh nghiệm của ông, tơ tằm thường không chịu được độ kiềm cao, trong khi đa phần thuốc nhuộm vải hoá học lại chứa nhiều kiềm là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hiện tượng phai màu của lụa. Để đạt được độ bền màu cao, ông đã chọn các chất liệu lấy từ thiên nhiên như lá bàng, lá trầu không, củ nâu để khống chế độ kiềm. Ngoài ra phải luôn trú trọng đến thời điểm nhuộm và thuốc nhuộm phù hợp với chất liệu vải. Từ đó, các sản phẩm lụa của ông luôn đạt độ bền màu cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước. Sản phẩm lụa của cơ sở dệt lụa Thanh Hòa do ông làm chủ luôn được thị trường đón nhận, các chủ cửa hàng về tận nơi để đặt hàng, nhiều lúc làm không kịp. Bên cạnh công việc dệt lụa để đáp ứng nhu cầu của thị trường, nghệ nhân Nguyễn Hữu Chỉnh còn thường xuyên tham dự các hội thi, hội chợ sản phẩm thủ công. Bởi theo ông, đây là cơ hội rất tốt để quảng bá hình ảnh cho lụa Vạn Phúc. Trong các hội thi, hội chợ thương mại... các tác phẩm tham dự của ông đều đạt giải cao như: Được chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; giải Nhì hội thi Sáng tạo thủ công tiêu biểu lần thứ 4, giải Nhất cuộc thi sáng tác mẫu quà tặng thủ công mỹ nghệ chào mừng 1000 năm Thăng Long- Hà Nội... Với những cống hiến hết mình cho nghề dệt lụa Vạn Phúc, năm 2007, ông được Ban chấp hành Hội làng nghề Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ nhân làng nghề Việt Nam.

Trăn trở với nghề
Tuy đã có nhiều thành công với nghề dệt lụa nhưng điều làm cho nghệ nhân Nguyễn Hữu Chỉnh nói riêng và người dân Vạn Phúc nói chung luôn trăn trở đó là nghề dệt lụa ở đây đang dần mai một. Hiện nay, Vạn Phúc chỉ còn 750 hộ dệt và tham gia kinh doanh, buôn bán liên quan đến lụa. Bên cạnh các khó khăn thách thức đang đặt ra với làng nghề như: Giá đầu vào tăng cao; mặt bằng sản xuất chật hẹp; môi trường sản xuất ô nhiễm... thì khó khăn lớn đặt ra với làng nghề đó là thiếu lớp lao động kế cận. Tại làng nghề dệt lụa Vạn Phúc, lao động tham gia sản xuất chủ yếu là người già bởi thanh niên người thì đi học, hoặc làm ăn xa và không mấy ai mặn mà với nghề. Do thu nhập thấp, nhiều hộ gia đình tham gia sản xuất đã bán máy hoặc bỏ nghề, phá xưởng xây nhà trọ cho thuê. Trung bình một năm, doanh thu từ sản xuất, buôn bán lụa mang lại cho Vạn Phúc trên 60 tỷ đồng nhưng tính bình quân thu nhập lao động tham gia dệt lụa chỉ đạt 2 triệu đồng/tháng. Nghề dệt lụa vất vả, kỳ công, tỉ mỉ là thế mà giá bán mỗi mét cũng chỉ từ 22.000 đến 25.000 đồng, lụa cao cấp cũng chỉ khoảng 45.000 - 50.000 đồng mỗi mét. Mặt khác, theo nghệ nhân Nguyễn Hữu Chỉnh, một số tiểu thương, chủ cơ sở buôn bán vì lợi nhuận nên đã mua lụa Trung Quốc giá rẻ, kém chất lượng trà trộn bán cùng với sản phẩm lụa Vạn Phúc làm giảm uy tín, mất dần thương hiệu sản phẩm của làng nghề trên thị trường. 

Tiễn chúng tôi ra cổng, nghệ nhân Nguyễn Hữu Chỉnh gửi gắm tâm sự: “Nhờ các nhà báo thông tin hộ sản phẩm của làng nghề lụa Vạn Phúc tới đông đảo mọi người tiêu dùng và gửi các kiến nghị tới các cấp lãnh đạo để có biện pháp khôi phục và giữ nghề, chứ cha ông đã vất vả tạo nghề hàng trăm năm nay mà để nghề mất dần như hiện nay thì xót xa quá”. Tâm sự của nghệ nhân Nguyễn Hữu Chỉnh cũng là điều mong muốn của tất cả những người làm nghề và yêu nghề dệt lụa tại Vạn Phúc. Mong rằng, trong thời gian tới, lụa Vạn Phúc sẽ dần lấy lại được sự phát triển và vị thế của một làng nghề đã nổi danh và làm nức lòng bao người yêu lụa như ngày trước.

 Nguồn: IRV

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

14
Đang xem:
72.495.548
Tổng truy cập: