NGHỆ NHÂN -NĂNG KHIẾU - NGƯỜI CÓ CÔNG
(15-16)-Lưu giữ "hồn Việt" qua gốm phù điêu
(Ngày đăng: 08/02/2022   Lượt xem: 342)
Với Nghệ nhân ưu tú Phạm Văn Tuyên, sự dấn thân, trải lòng với gốm như một lực hút vô hình.
Kết tinh từ đất, nước, lửa và sự khéo léo của bàn tay con người, Gốm là một trong những chứng tích, di sản vật thể đặc sắc của nền văn minh lúa nước. Kế thừa truyền thống của ông cha và sự khéo léo, tinh tế trong chế tác, tạo hình, nghệ nhân Phạm Văn Tuyên (Đại đức Thích Chánh Tịnh) đã tạo nên một dòng gốm khác biệt và đặc sắc - Gốm Phù điêu. 

Xưởng gốm Phù Điêu của Nghệ nhân ưu tú Phạm Văn Tuyên (Đại đức Thích Chánh Tịnh) nằm yên bình trong một con ngõ nhỏ ở Thôn 3, xã Tú Sơn, huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng. 

Xưởng gốm Phù Điêu của Nghệ nhân ưu tú Phạm Văn Tuyên (Đại đức Thích Chánh Tịnh) nằm trong một con ngõ nhỏ ở Thôn 3, xã Tú Sơn, huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng. 

Nét độc đáo trong gốm phù điêu của Nghệ nhân ưu tú Phạm Văn Tuyên thể hiện ở chỗ, mỗi sản phẩm đều là độc bản, mang phong cách đặc trưng riêng của nghệ nhân từ khâu chế tác, tạo khuôn âm bản đến quá trình nặn khắc tinh xảo, công phu,... Tất cả được làm thủ công. Những sản phẩm gốm phủ men gio, nung củi hoàn toàn theo công thức thuần Việt từ ngàn xưa cha ông để lại.

Với Nghệ nhân ưu tú Phạm Văn Tuyên, sự dấn thân, trải lòng với gốm như một lực hút vô hình; ngoài việc tu hành, những bữa cơm giấc ngủ của ông đều hướng về gốm.

Nghệ nhân ưu tú Phạm Văn Tuyên kể về cái duyên đưa ông đến với gốm phù điêu: "Tôi có duyên với Phật pháp và đã xuất gia tu hành gần 30 năm. Những ngày tháng sống trong chùa, tôi cảm nhận chùa là bảo tàng văn hóa của dân tộc, hội tụ đỉnh cao nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc. Dòng thời gian phong hóa và biến thiên của lịch sử đã làm cho gốm sứ bị mai một, hình ảnh của những hiện vật đồ gốm thời Lý, Trần, Lê, Mạc... đã khuất dần. Từ đó, tôi nảy sinh ý tưởng phải phục dựng, tái hiện đồ tế tự bằng chất liệu gốm sứ của người xưa đã bị biến dạng, bị mai một". 

Với mong muốn phục dựng, tái hiện đồ tế tự cổ xưa bằng chất liệu gốm sứ nên từ khi còn tu hành ở chùa Đống Phúc (Thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh), nghệ nhân ưu tú Phạm Văn Tuyên đã có những hiểu biết sâu sắc về văn hóa Việt cổ trong lĩnh vực điêu khắc và kiến trúc. Khi bắt đầu chế tác đồ gốm, sự tìm tòi của ông tập trung ở ngôn ngữ gốm nặn đắp và điêu khắc, từ đó tạo nên dòng gốm riêng biệt - gốm phù điêu. 

Mỗi sản phẩm gốm phù điêu của Nghệ nhân ưu tú Phạm Văn Tuyên đều là độc bản, mang phong cách đặc trưng riêng.

Những bộ chân đèn mang phong cách triều Lê, triều Mạc, những bình gốm trang trí họa tiết hoa cúc, hoa sen tiêu biểu thời Lý, Trần; bộ “Cửu Long tranh châu”... đến những bức tượng các danh nhân văn hóa như: Hưng đạo đại vương Trần Quốc Tuấn, Vua Lê Đại Hành, Vua Lý Thái Tổ...., tất cả đều toát lên nồng đậm giá trị truyền thống của dân tộc và được Nghệ nhân thể hiện sống động qua các họa tiết, hoa văn được khắc tinh xảo trên từng sản phẩm.

Nét đặc trưng, khác biệt của gốm phù điêu không chỉ đơn thuần là vẽ màu men trên mặt phẳng mà là nặn đắp điêu khắc khối nổi rồi mới đưa đi nung. Nghệ nhân Phạm Văn Tuyên chia sẻ: Tạo hình đẹp là cái gốc của mỹ thuật, điều quan trọng là làm thế nào để các chi tiết đắp nổi khi qua nhiệt độ cao không bị biến dạng, hư hỏng.

"Đối với gốm, khi chế tác xong mới được 50% thôi, còn 50% phụ thuộc vào cơ chế lửa. Làm sao để kết khối, liên kết được giữa men và hình không bị biến dạng, nứt xé và qua lửa được lành lặn, có giá trị tồn tại hàng ngàn năm, đó là sự kỳ vọng của một người mở cửa lò. Gốm sứ gắn liền với nguyên lý của vật lý và hóa học, cần người nghệ nhân phải nắm được cơ chế co giãn giữa lượng nước trong đất, gắn liền với các chất khoáng, quặng, để phủ men khi qua lửa được tốt đẹp. Đó không chỉ dừng lại ở kỹ năng đôi tay mà phải hiểu về nguyên lý của hóa học và vật lý", nghệ nhân Phạm Văn Tuyên chia sẻ.

Các hoa văn cổ được đắp nổi một cách tinh xảo, công phu

Nhà Sử học Dương Trung Quốc kể lần đầu ông gặp Đại đức Thích Chánh Tịnh tại một triển lãm nhỏ mang tên “Bách bình”, trưng bày 100 bình gốm với những họa tiết truyền thống. Màu men tam thái, những hoa văn cổ được đắp nổi một cách tinh xảo trên các bình gốm đã ngay lập tức đã hấp dẫn ông. Sau đó, mỗi lần nhà sử học Dương Trung Quốc có cơ hội gặp lại nghệ nhân, ông đều không khỏi bất ngờ với phong cách, họa tiết ngày càng hoàn thiện trên mỗi sản phẩm "Gốm phù điêu". 

"Bước đi của thầy rất đặc biệt ở chỗ gần như thầy không gắn với một dòng nào cả, không có truyền thống trước đó. Nhưng có lẽ truyền thống lớn nhất là tính dân tộc, Thầy tiếp thu được rất nhiều giá trị thể hiện trong mỹ thuật Việt Nam, vẻ đẹp Việt Nam và đương nhiên là chất liệu Việt Nam để tạo nên những tác phẩm phản ảnh chính lịch sử, văn hóa, dân tộc mình. Tôi cho rằng Thầy rất suy nghĩ tìm tòi, lấy cốt lõi là phát huy văn hóa dân tộc", ông Dương Trung Quốc nhận xét.

Tác phẩm "Cửu Long tranh châu" - một trong những tác phẩm phù điêu lớn, đòi hỏi kỹ thuật cao về cả tạo hình, khắc nổi và nung.

Mỗi tác phẩm gốm là lời tâm tình của đất, của lửa, của nước, của những sẻ chia, tiếp nối mạch nguồn văn hóa truyền thống của ông cha, lưu giữ hồn cốt dân tộc. Với Nghệ nhân ưu tú Phạm Văn Tuyên, sự dấn thân, trải lòng với gốm như một lực hút vô hình. Ngoài việc tu hành, những bữa cơm giấc ngủ của ông đều hướng về gốm, gắn với gốm để mỗi sản phẩm ra lò mang dáng vẻ dung dị, mộc mạc nhưng lại vô cùng tinh tế, khoáng đạt. Các họa tiết được thể hiện ngập tràn âm sắc thiên nhiên, của đất trời, qua đó gửi gắm tâm hồn và hoài bão nghệ thuật của Nghệ nhân Phạm Văn Tuyên đối với chất liệu gốm phù điêu.

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Trung tâm Khuyến công Khu vực 1 (Bộ Công thương) nhận xét: "Thầy Thích Chánh Tịnh (nghệ nhân ưu tú Phạm Văn Tuyên) không chỉ gửi gắm những tình cảm của một người đau đáu với sản phẩm thủ công mỹ nghệ của quê hương mà thầy còn nâng sản phẩm thủ công mỹ nghệ gốm phù điêu lên tầm cao mới, với những tác phẩm kích thước lớn. Trong những năm qua, thầy đã giúp cho người yêu gốm Việt Nam có một cái nhìn toàn cảnh hơn về gốm, không chỉ những tác phẩm nghệ thuật mà còn đem lại một hồn cốt Việt, tạo nên những tác phẩm gần như độc bản". 

Năm 2020, nghệ nhân Phạm Văn Tuyên (Đại đức Thích Chánh Tịnh) được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” vì đã có nhiều cống hiến trong giữ gìn và phát triển ngành nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống. Các sản phẩm gốm phù điêu được giới thiệu rộng rãi, để người dân trong nước và bạn bè thế giới biết đến và hiểu hơn về những giá trị văn hóa thuần Việt, về sự sáng tạo không ngừng nghỉ và tình yêu với đất của một con người tài hoa./.

                                    Theo:  vov.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

23
Đang xem:
72.469.381
Tổng truy cập: