NGHỆ NHÂN -NĂNG KHIẾU - NGƯỜI CÓ CÔNG
(92)- Nghệ nhân điêu khắc tượng gỗ Cơ Tu trên dãy Trường Sơn
(Ngày đăng: 01/11/2021   Lượt xem: 471)

Đó là ông Bh’riu Pố, 72 tuổi, trú tại thôn Arớh, xã Lăng, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam. Ông Pố được người dân vùng biên giới Việt - Lào gọi là “Vua điêu khắc tượng gỗ Cơ Tu” trên dãy Trường Sơn vì có đôi “bàn tay vàng” trong nghề điêu khắc gỗ.


Già làng Bh’riu Pố giới thiệu tác phẩm “Mẹ rừng” của mình (ảnh chụp năm 2019). Ảnh: Tiên Sa

Trao đổi với chúng tôi, ông Bh’riu Pố cho hay, 40 năm trước đây, ông là người Cơ Tu đầu tiên đỗ đại học (khoa Sinh vật, Trường Đại học Thái Nguyên). Học sinh vật nhưng, ông Pố lại đam mê nghệ thuật điêu khắc của dân tộc mình nên hễ có thời gian rảnh rỗi là ông lại đẽo, đục, tạo hình các tượng gỗ theo chỉ dẫn của những già làng. Với sự khéo léo cộng với nềm đam mê với nghệ thuật điêu khắc, những tượng gỗ, phù điêu, cột gỗ truyền thống... ông làm ra luôn sống động mang lại giá trị nghệ thuật cao.

Còn nhớ, vào năm 2017, ông được ngành chức năng đề cử làm người thiết kế và là trưởng nhóm của đội nghệ nhân phục dựng cây nêu truyền thống của đồng bào Cơ Tu nhân sự kiện Festival Di sản Quảng Nam lần thứ VI. Với trách nhiệm của con chim đầu đàn, ông nghiên cứu rất kỹ từng chi tiết, hoa văn họa tiết nhằm bảo đảm nguyên bản nhất theo sự thẩm định của các già làng. Đến nay, ông Bh’riu Pố đã có hơn 200 tác phẩm điêu khắc mang âm hưởng đời sống tâm linh của đồng bào Cơ Tu, bao gồm các tượng gỗ, phù điêu, cột lễ...

Năm 2019, UBND huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng phối hợp với Khu du lịch sinh thái Suối Hoa (thôn Phú Túc, xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang) tổ chức Hội trại sáng tác điêu khắc tượng gỗ người Cơ Tu. Năm đó, nghệ nhân Bh’riu Pố tham gia Hội trại và đã đạt giải Nhất với tác phẩm “Mẹ rừng”. Nghệ nhân Bh’riu Pố cho hay, điêu khắc của người Cơ Tu có từ lâu đời. Ở các Gươl làng hay trong từng mái nhà của đồng bào đều được trang trí bằng điêu khắc đủ loại về con người, loài vật hay những sinh hoạt cộng đồng, lễ hội...

Những bức tượng và những tấm tranh điêu khắc gỗ đã làm cho nhà Gươl trở thành biểu tượng, niềm tự hào của người Cơ Tu - là nơi thể hiện những tinh túy của nghệ thuật điêu khắc, hội họa trong kết cấu xây dựng nhà cửa. Ngoài những phong tục tập quán, văn hóa, lễ hội và những nghi thức bản địa độc đáo, riêng biệt tồn tại từ xưa đến nay, người Cơ Tu còn có một loại hình nghệ thuật đặc sắc thể hiện về thế giới cuộc sống xung quanh cũng như khát vọng lưu giữ, bảo tồn những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể truyền thống của dân tộc mình, đó là nghệ thuật điêu khắc gỗ...

Phục dựng Nhà sàn truyền thống, nhà dài và Gươl cộng đồng tại Làng văn hóa truyền thống Cơ Tu của huyện Tây Giang (ảnh chụp năm 2019). Ảnh: Tiên Sa

Nói về tác phẩm “Mẹ rừng”, ông Bh’riu Pố nói, người Cơ Tu thường sinh sống dọc dãy Trường Sơn hùng vĩ, huyền thoại. Từ xa xưa, rừng gắn bó mật thiết với họ, chở che, nuôi sống họ. Rừng như là vị thần thiêng liêng của làng, của cộng đồng dân tộc. Người Cơ Tu không xem rừng là thứ tài nguyên để chiếm lĩnh, khai thác, mua, bán mà họ xem rừng như người thân yêu ruột thịt của mình.

“Đối với người Cơ Tu, rừng là của chung, bảo vệ rừng vì cái chung, cho cả cộng đồng dân tộc. Trong lao động sản xuất, người Cơ Tu xem rừng như là nguồn sữa mẹ, mang đến ấm no, hạnh phúc cho dân làng. Tác phẩm “Mẹ rừng” là cảnh tượng một bà mẹ có gương mặt đăm chiêu, khắc khoải đang khoác lên người một tấm áo màu xanh của rừng. Khi rừng không bị tàn phá, hai bầu sữa của mẹ rừng nuôi dân làng sinh sống ấm no, hạnh phúc. Chẳng may, rừng bị tàn phá, một trong hai bầu sữa của mẹ rừng bị xẹp, không còn đủ sữa để nuôi sống dân làng nữa. Tác phẩm “Mẹ rừng” do tôi sáng tác dựa theo ý tưởng đó nhằm gióng lên hồi chuông bảo vệ rừng, nhất là không gian núi rừng” - ông Bh’riu Pố bộc bạch.

Hiện nay, ông Bh’riu Pố không chỉ đam mê sáng tác tượng gỗ, mà còn tích cực vận động bà con thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kêu gọi người dân giữ gìn an ninh biên giới, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ Tu như biểu diễn trống chiêng, các điệu dân ca, dân vũ đặc sắc, các nghề đan lát, dệt thổ cẩm truyền thống, cùng các phong tục tập quán tốt đẹp của đồng bào mình. Ông cùng các nghệ nhân, già làng và người dân trên địa bàn huyện Tây Giang cũng phục dựng thành công nhà sàn truyền thống, nhà dài và Gươl cộng đồng, phục dựng cây nêu Cơ Tu nguyên bản tại Làng văn hóa truyền thống Cơ Tu của huyện Tây Giang.

                                      Theo:  bienphong.com.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

14
Đang xem:
72.467.716
Tổng truy cập: