NGHỆ NHÂN -NĂNG KHIẾU - NGƯỜI CÓ CÔNG
(77)- Anh nông dân đa tài 'thổi hồn' vào gỗ
(Ngày đăng: 27/05/2021   Lượt xem: 288)

Là nông dân 'chính hiệu' mà máu nghệ thuật cứ rần rật trong huyết quản, anh từ giã ruộng đồng để đeo đuổi đam mê và giờ ăn nên làm ra bằng nghề điêu khắc…

Giỏi “cầm, kỳ, nhạc, họa”

Sinh ra tại vùng quê thuần nông thuộc thôn Biểu Chánh, xã Phước Hưng (huyện Tuy Phước, Bình Định), thuở niên thiếu, anh Phạm Đình Trung (SN 1964) cũng “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” với công việc đồng áng. Vất vả là vậy, nhưng cái máu nghệ thuật luôn “rần trật” trong huyết quản. Lớn lên lập gia đình, anh chọn con đường nghệ thuật để làm kế sinh nhai nên đi học hội họa.

Thuở ấy, nghề hội họa còn kiếm được khá tiền nhờ vẽ tranh trang trí nội thất, tranh quảng cáo và vẽ chân dung. Thế nhưng khi tranh in tràn lan thị trường và nghề nhiếp ảnh “lên ngôi” thì nghề vẽ của anh bị “thất sủng”, thi thoảng mới có thợ điêu khắc đến đặt hàng vẽ mẫu.

Anh nghĩ, cơ bản về hội họa và năng khiếu anh đã có, cớ sao mình không làm điêu khắc mà đi vẽ thuê. Nghĩ là làm, từ đó anh mua đồ nghề rồi mày mò tự học điêu khắc và gắn bó với nghề cho đến nay.
Anh Trung (đứng bên trái) và ông Đặng Trường Sanh, nguyên Chủ tịch Hội sinh vật cảnh thị xã An Nhơn (Bình Định), bên tác phẩm điêu khắc người nông dân chăm mai cảnh. Ảnh: Vũ Đình Thung.
Anh Trung (đứng bên trái) và ông Đặng Trường Sanh, nguyên Chủ tịch Hội sinh vật cảnh thị xã An Nhơn (Bình Định), bên tác phẩm điêu khắc người nông dân chăm mai cảnh. Ảnh: Vũ Đình Thung.

“Do tự học nên khi từ hội họa chuyển sang nghề điêu khắc mình phải vận dụng trí tưởng tượng nhiều hơn. Ví như vẽ hoạt động của một con người thì mình chỉ hình dung có một mặt chính diện, nhưng khi điêu khắc thì phải thể hiện cả bốn mặt. Do vậy, khi mới vào nghề, để hoàn thành một tác phẩm tôi mất nhiều thời gian hơn những người lành nghề. Nhưng nhờ khi đã bắt tay vào làm nghề là tôi trút hết tâm huyết và niềm đam mê vào tác phẩm nên tay nghề nhanh tiến triển”, Trung bộc bạch.

"Cách đây 15 năm, anh Trung bỗng “nổi đình nổi đám” trong làng nghề điêu khắc khi “cả gan” dám nhận đơn hàng khó nhằn. “Năm ấy có một vị sư đến tìm tôi, mang theo 14 tấm ảnh của 14 vị sư đã mất đặt tôi làm 14 tượng người bằng gỗ. Tuy nhiên, vị sư này ra điều kiện là nếu tượng gỗ không giống như người trong ảnh thì tôi phải hoàn trả lại tiền mua gỗ. Gỗ của nhà sư đặt làm là gỗ quý, nếu đơn hàng này thất bại tôi phải chịu khoản bồi thường khá lớn.

Trước đó, vị sư này đã tìm đến làng nghề tiện gỗ Nhơn Hậu ở thị xã An Nhơn để đặt làm, nhưng không cơ sở nào dám nhận. Tôi tự tin vào tay nghề của mình nên ký hợp đồng nhận làm một cách không đắn đo khiến các bạn đồng nghiệp không khỏi lo lắng thay cho tôi”, anh Trung nhớ lại.
Tác phẩm 'Tiên ông' bằng gỗ lũa của anh Trung. Ảnh: PV.

 

Tác phẩm “Tiên ông” bằng gỗ lũa của anh Trung. Ảnh: PV.

Tác phẩm của anh Trung không chỉ được điêu khắc từ gỗ khối mà còn có nhiều tác phẩm gằng gỗ lũa. Theo anh Trung, đối với tác phẩm gỗ lũa thì hết 70% phần việc là tự nhiên đã hình thành sẵn, nhưng để có được tác phẩm hoàn hảo người nghệ nhân phải vận dụng hết công suất của trí tưởng tượng.

Ví như cách đây 10 năm, trong thời gian anh làm thuê ăn công cho cơ sở chế tác gỗ lũa mỹ nghệ Thái Tịnh ở phường Nhơn Phú (TP Quy Nhơn, Bình Định), trên khối gỗ lũa cà te nặng khoảng 2 tấn, cao 2m, rộng 2,2m, anh Trung cùng một đồng nghiệp khác đã làm nên tác phẩm “Cầm Kỳ Thi Họa” sau 5 tháng trời miệt mài. Tác phẩm có nhiều chi tiết điêu khắc tinh xảo các cụ già ngồi đánh cờ, đánh đàn, vẽ, làm thơ trên những “vách núi” khác nhau, dưới bóng cây cối, chim muông, ngôi chùa… được nhiều người trong nghề đánh giá cao.

“Tác phẩm đem trưng bày được đánh giá cao bởi gương mặt mỗi nhân vật trong tác phẩm đều có vẻ biểu cảm khác nhau. Người chơi đàn thì có đôi mắt mơ màng, người đang vẽ tranh thì có đôi mắt dồn đầy tâm lực dõi theo từng nét vẽ, người chơi cờ thì có gương mặt khá hung dữ, đầy vẻ “ăn thua” bởi người chơi cờ thường háo thắng…”, anh Trung diễn giải.
Anh Trung bên tác phẩm 'Gia đình hạnh phúc'. Ảnh: Vũ Đình Thung.
Anh Trung bên tác phẩm “Gia đình hạnh phúc”. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Tiếng lành đồn xa, khi anh Trung có nhiều đơn hàng cũng là lúc nhiều thanh niên ở khắp nơi tìm đến anh để học nghề. Ai học nghề của anh đều không phải lo tốn tiền “công đức thầy”, chỉ phải lo gạo mắm và nhất là phải trang bị cho mình niềm đam mê và sự chăm chỉ. Tuy nhiên, trong quá trình học trò học nghề, anh Trung “đỡ chân đỡ tay” rất nhiều việc nhờ sự đóng góp công của học trò.

Không chỉ giỏi nghề điêu khắc, anh Trung còn viết nhạc, chơi đàn và đặc biệt còn là kỳ thủ cờ tướng tại địa phương. Bạn bè thường thân mật gọi anh là “Trung cầm kỳ thi họa”.

Sức hút từ sự khác biệt

Hướng đi của anh Trung trong nghề điêu khắc là không lặp lại rập khuôn mà tạo nên sự khác biệt trong từng nhân vật. Ví như tác phẩm “Bát tiên” của anh làm cách đây hàng chục năm hiện đã được “xuất ngoại”. Truyền thuyết về “bát tiên” đã được thể hiện nhiều qua tranh hội họa hoặc điêu khắc, và hầu hết các tác phẩm nói trên đều giống hệt nhau. Thế nhưng tác phẩm “Bát tiên” của anh Trung hoàn toàn khác biệt so với những tác phẩm có trước đó.
Hình ảnh nông dân đi bắt cá trong những lúc nông nhàn được anh Trung thể hiện sinh động trên gỗ. Ảnh: Vũ Đình Thung.
Hình ảnh nông dân đi bắt cá trong những lúc nông nhàn được anh Trung thể hiện sinh động trên gỗ. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Anh Trung kể: Theo truyền thuyết, cứ vào mỗi cuối năm là 8 vị tiên về trời để báo cáo với Ngọc hoàng Thượng đế về những gì đã làm được trong nhiệm vụ cứu nhân độ thế dưới trần gian trong năm qua. Sau khi nghe 8 vị tiên báo cáo thành tích, để “xác minh” thực hư, Ngọc hoàng Thượng đế phẩy phất trần thu hồi hết phép của 8 vị tiên kia, sau đó phẩy phất trần khiến tất cả 8 vị tiên bay ra biển. Nếu vị tiên nào có bề dày đạo đức sẽ có lá sen, con rồng hoặc cá đến cứu giúp để các vị tiên không bị chìm, bởi lúc này tất cả các vị tiên đã hết phép. Trong 8 vị tiên có 1 vị “báo cáo láo” nên bị ngụp chìm trong nước biển.

“Theo truyền thuyết ấy tôi làm nên tác phẩm “Bát tiên”, thần thái của mỗi vị tiên được thể hiện mỗi khác chứ không phải ai cũng ngồi trầm ngâm như những tác phẩm trước đó. Trong tác phẩm của tôi có vị tiên tỏ ra không hài lòng khi bỗng nhiên mình bị thu hết phép và có biểu hiện giận dữ, có vị tính tình đằm thắm nhắm nghiền mắt chiêm nghiệm. Đặc biệt trong 8 vị tiên có 1 vị bị chìm dưới nước chỉ có khuôn mặt ngoi lên khỏi mặt nước. Cách đây 10 năm có 1 Việt kiều Bỉ về Quy Nhơn thăm người thân và muốn mua 1 vật kỷ niệm để mang về Bỉ. Được người thân giới thiệu, anh Việt kiều tìm đến nhà tôi xem tác phẩm “Bát tiên” và mua ngay”, anh Trung nhớ lại.
Cả ngày anh Trung miệt mài với những khối gỗ và đồ nghề. Ảnh: Vũ Đình Thung.

 

Cả ngày anh Trung miệt mài với những khối gỗ và đồ nghề. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Sinh ra từ vùng quê thuần nông nên anh Trung có rất nhiều tác phẩm miêu tả sinh hoạt của người dân nông thôn. Ví như tác phẩm “gia đình hạnh phúc” anh vừa hoàn thành miêu tả cặp vợ chồng già vui vẻ ngồi trông cháu cho vợ chồng đứa con đi làm đồng. Gương mặt lão ông được khắc họa sinh động đang vui vẻ ngồi trò chuyện cùng vợ nhe cả hàm răng còn lưa thưa vài cái, cụ bà đã ngễnh ngãng nên phải nghiêng tai để nghe câu chuyện của chồng.

Hoặc như tác phẩm miêu tả nông dân trong những lúc nông nhàn người mang nơm, người mang rổ xúc, người mang đụt để ra ao nước đầu làng kiếm con tôm, con cá. “Ngoài những tác phẩm làm theo đơn đặt hàng, hầu hết những tác phẩm tôi sáng tác đều có chủ đề về nông thôn. Cuộc sống quanh tôi diễn ra như thế nào thì đi vào tác phẩm của tôi y như vậy”, anh Trung chia sẻ.
Những lúc rảnh rỗi anh Trung viết nhạc và đàn hát cùng bạn bè. Vũ Đình Thung.
Những lúc rảnh rỗi anh Trung viết nhạc và đàn hát cùng bạn bè. Vũ Đình Thung.

Ngoài nghề điêu khắc, anh Trung còn có năng khiếu âm nhạc và đã có thời gian theo học nhạc sĩ La Hữu Vang quê ở thị xã An Nhơn. Bây giờ, ngoài những lúc miệt mài với gỗ, những lúc rảnh rỗi anh Trung ngồi viết nhạc, chơi đàn nhâm nhi ly rượu với bạn bè. “Trung là anh nông dân đa tài, ngoài là nghệ nhân của Hội sinh vật cảnh huyện Tuy Phước, anh còn viết nhiều bài nhạc có giai điệu rất mượt mà và chơi guitar rất điệu nghệ”, ông Đặng Trường Sanh, nguyên Chủ tịch Hội sinh vật cảnh thị xã An Nhơn (Bình Định), nhận xét.

                                    Theo: nongnghiep.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

41
Đang xem:
72.472.541
Tổng truy cập: