NGHỆ NHÂN -NĂNG KHIẾU - NGƯỜI CÓ CÔNG
(14)-Chuyện làng nghề hàng trăm tuổi bên Bạch Đằng Giang
(Ngày đăng: 30/10/2020   Lượt xem: 259)

Đây có lẽ là làng nghề nhiều tuổi, nhiều thăng trầm nhất ở tỉnh Đông Bắc Tổ quốc. Bao thế hệ “cha truyền con nối”.

Nép mình bên bờ Bạch Đằng Giang lịch sử làng nghề ngư cụ Hưng Học (phường Nam Hòa, Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh) từ lâu nổi tiếng với nghề đan thuyền nan, ngư cụ truyền thống.

Đây có lẽ là làng nghề nhiều tuổi, nhiều thăng trầm nhất ở tỉnh Đông Bắc Tổ quốc. Bao thế hệ “cha truyền con nối” với những bước chìm nổi, nhưng tình yêu với nghề truyền thống vẫn luôn tồn tại.

Nức tiếng muôn phương và những nghệ nhân kỳ tài quyết giữ nghề Chừng khoảng 1h từ Hạ Long theo Quốc lộ 18 chúng tôi đã về tới Hưng Học (phường Hà Nam, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh), một ngôi làng nổi tiếng với nghề làm ngư cụ đã có hàng trăm năm tuổi.

Ngôi làng cổ kính hiện ra với những dòng kênh rạch chằng chịt, cây đã cổ thụ ngay cổng làng, khắp nơi vang tiếng cưa đục. Khói nhựa đường, mùi rơm rạ…thơm nức các ngõ, đường làng.
122101789_673833190214320_5818061246406128283_n

Quang cảnh làng nghề.

Chúng tôi được cán bộ khu phố, hậu duệ của những kỳ tài làng nghề sinh sống gần ngay cổng làng dẫn thăm quanh làng. Không khó để nhận ra đây là một làng nghề truyền thống với hình ảnh những ngôi nhà được trang trí bởi những ngư cụ tinh xảo, các xưởng đóng thuyền nan nảm ven các con sông, kênh rạch...

Vừa dẫn chúng tôi đi, anh vừa kể cho chúng tôi nghe lịch sử mảnh đất giàu giá trị văn hóa này: Vùng đảo Hà Nam có hệ thống sông ngòi, nhiều kênh rạch, cửa sông chia cắt xóm, làng. Để thích nghi với điều kiện sông nước, ngay từ những ngày đầu đến đây, các vị Tiên Công đã biết dùng nguyên liệu tre, nứa, gỗ đan lát thành những con tàu, thuyền đơn sơ, ngư cụ phục vụ nhu cầu đi lại và đánh bắt cá, tôm.

Theo sử sách ghi lại, làng nghề truyền thống Hưng Học được hình thành từ giữa thế kỷ 15. Tổ nghề là tiên công ở Chí Linh, Hải Dương sang.

Cụ vốn có nghề đan lờ cá rô, lờ cá diếc, thấy vùng bãi triều ven biển vô số là tôm, cua, cá...cụ đã sáng tạo ra các loại lờ, đăng, đó để đánh bắt hải sản và truyền nghề cho con cháu trong dòng họ, cho nhân dân trong làng đan vào những lúc nông nhàn để tăng thêm thu nhập.
122431195_2752673488310126_7424627825388913945_n

Làng nghề ngày càng được hiện đại hóa.

Sau này, người dân đã sáng tạo thêm nghề đan thuyền nan, con thuyền nhẹ nhàng, cơ động phục vụ cho đánh bắt hải sản và vận chuyển vật liệu trên sông, trên biển. Lâu dần trở thành nghề truyền thống của người dân làng Hưng Học.

Men theo những con đường làng thanh bình, chúng tôi tìm đến nhà nghệ nhân Nguyễn Anh Sáu (khu 3 phường Nam Hòa), bên tách trà còn ấm nồng người nghệ nhân với hơn 4 thập kỉ làm nghề chầm chậm chia sẻ: Sở dĩ nghề làm ngư cụ quê hương chúng tôi nổi tiếng vì nguyên liệu được sử dụng là tre nứa từ rừng già, có độ bền chắc và dẻo dai.

Tre được đan, vót dưới những bàn tay khéo léo, được xử lý để tránh mốc, ẩm nên thành phẩm truyền thống ở quê tôi không chỉ đẹp mà còn rất bền. Tận mắt “mục sở thị’ những sản phẩm của người nghệ nhân già ấy sáng tạo ra mới thấy được sự tinh tế và khéo léo.

Ngoài ngư cụ, thuyền nan, ông Sáu là người sáng tạo ra chiếc thuyền nan mỹ nghệ tuyệt đẹp, theo tay du khách đi ra tỉnh ngoài và xuất ra nước ngoài làm quà lưu niệm.
122608781_673373780262554_8293684416988270529_n

Nghệ nhân Nguyễn Anh Sáu bên sản phẩm thuyền nan.

Năm 2011 ông đã sáng tạo và cho ra đời chiếc thuyền nan mỹ nghệ mô phỏng như thật chiếc thuyền nan cổ truyền. Không chỉ vậy, ông Sáu còn có dự định đan các loại ngư cụ như: Lờ, nơm... có hình dạng tròn như những chiếc chụp đèn để bán cho các nhà hàng, khách sạn làm đèn trang trí.

Không gian ngôi nhà của ông còn là địa điểm tham quan lý tưởng cho những du khách giữ lửa, truyền lửa và sáng tạo những sản phẩm mới dựa trên những giá trị truyền thống chính là nét đặc biệt mà làng nghề ngư cụ truyền thống Hưng Học đã làm thành công.

Dời nhà ông Sáu, chúng tôi tới xưởng làm thuyền nan có tiếng ở khu 3 Nam Hòa của gia đình anh Nguyễn Văn Võ, anh Nguyễn Văn Thinh. Tới đây, chúng tôi mới cảm nhận một điều: các thế hệ thợ làm ngư cụ ở Nam Hòa này đã hết sức bám nghề, thích nghi, sáng tạo để đứng vững. Đó thực sự là những vốn quý trong mỗi nghệ nhân.

Phát triền dựa trên những giá trị truyền thống cùng với những đổi mới sáng tạo hợp xu thế thị trường là điều mà hộ anh Võ đang theo đuổi. Anh kể, anh đã lặn lội sang tận Hải Phòng học nghề, học cách chế tạo thuyền, xuồng nhựa composite mà thị trường đang ưa thích.

Gia đình anh còn đầu tư nhiều trang thiết bị, máy móc hiện đại để chiếc thuyền nan được chắc chắn, bền đẹp hơn. Rời khu xưởng nhà anh Võ, đi bộ khoảng 10 phút chúng tôi được dẫn thăm xưởng anh Nguyễn Văn Thinh. Đổi mới sáng tạo cải tiến nâng cao chất lượng sản phẩm chính là điểm sáng tạo mà anh đang thực hiện. Anh chia sẻ: "Đan thuyền nan khá vất vả, bởi cần khéo tay, sức khỏe.

Việc đắp sợi nhựa composite với hỗn hợp nhựa đường càng vất vả hơn. Nhưng đổi lại chiếc thuyền sẽ bền đẹp hơn rất nhiều. Đây là xu hướng chung mà nhiều nơi đang áp dụng vì thế chúng tôi cũng phải cập nhật với thị trường".

Làng nghề trăm tuổi trước sóng gió thời hiện đại Là một làng quê ven sông thanh bình, Hưng Học từng tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động.

Bao thế hệ nghệ nhân ở đây luôn sáng tạo, tìm cách nâng cao chất lượng sản phẩm với mong muốn gìn giữ bảo tồn nguyên vẹn nghề truyền thống. Nhưng trong một nền kinh tế thị trường đầy năng đông, họ lại còn nguyên nỗi lo những thế hệ trẻ không còn thiết tha,mặn mà với nghề cha ông.
122052916_359618058721790_4637935699635759241_n
Du khách tham quan làng nghề ( ảnh Đình Dũng TT Văn hóa TX Quảng Yên)

Nâng chén chà còn thơm nồng, ông Sáu thoáng buồn chia sẻ: Tôi luôn tự tin với thương hiệu ngư cụ truyền thống Nam Hòa trên thị trường.

Đây là nghề đem lại thu nhập ổn định cho tôi và gia đình. Hơn thế nữa, đông đảo khách du lịch cũng lựa chọn nơi đây làm điểm tham quan, tìm hiểu về làng nghề truyền thống Hưng Học.

Nhưng những người trong gia đình giờ không mặn mà, theo đuổi nghề truyền thống. Đó là điều làm tôi cũng như những lão niên trong làng không khỏi lo lắng. Cùng chung nỗi niềm như ông Sáu, anh Nguyễn Văn Thinh có 3 đời làm nghề truyền thống này chia sẻ: Thế hệ của chúng tôi cũng nhiều người được học hành cẩn thận, thế nhưng yêu nghề, tự hào "cha truyền con nối" nên chúng tôi vẫn cố gắng giữ lấy nghề.

Kinh tế chỉ là một phần thôi nếu không yêu, say nghề thì không thể theo được. Đặc thù nghề này khá vất vả, chính vì thế khi có tuổi các thợ đều bỏ hoặc làm ít đi. Tôi có 2 cháu nhưng tôi cũng không dám chắc các cháu có tiếp nối nghề gia truyền hay không.

Bởi làm nghề này phải say mê, còn không thích thì không thể cưỡng ép được. Đó cũng là tâm tư, là niềm trăn trở của nhiều hộ có xưởng sản xuất lớn ở phường Nam Hòa bởi thế hệ trẻ trong nền kinh tế thị trường có nhiều lựa chọn khảng định bản thân. Như nhiều làng nghề khác, Nam Hòa đang đứng trước nguy cơ mai một nghề truyền thống.

Theo lãnh đạo xã thì Theo thời cuộc, thế hệ trẻ rất ít người theo nghề cũ của cha anh. Nay chỉ chừng 30-50% người trẻ theo nghề.

Để giữ nghề và phát triển nghề thì chúng tôi tập trung, tạo điều kiện cho các hộ dân vay vốn, phát triển du lịch làng nghề dẫn khách về tham quan... Chúng tôi cũng mong muốn Nhà nước quan tâm tạo điều kiện phát huy thế mạnh làng nghề, đưa nhiều khách về với làng nghề, để kích thích sự phát triển của du lịch dịch vụ ở đây.

Rời làng nghề cổ kính với bao nỗi niềm, chúng tôi cảm thấy khâm phục những con người bám trụ với “kho báu cha anh để lại”.

Có lẽ ngoài sự nhiệt huyết, quyết giữ nghề của cha anh,việc giữ nghề, phát huy thế mạnh làng nghề cần lắm sự quan tâm “tiếp sức” của các cơ quan Nhà nước.

                                           Theo: phapluatplus.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

23
Đang xem:
72.468.840
Tổng truy cập: