
Nghệ nhân Ưu tú Bế Sơn Trung.
Chúng tôi nhiều lần gặp gỡ NNƯT Bế Sơn Trung ở các hội diễn, liên hoan dân ca các cấp và những trích đoạn Then Tày ông được ngành văn hóa, nhà nghiên cứu mời trình diễn để phục dựng. Dù ở bất kỳ hoàn cảnh, không gian nào cũng đều thấy được sự tâm huyết, trách nhiệm và niềm đam mê cháy bỏng của ông đối với Then Tày.
Trong cánh gà, ông tất bật chỉ dạy các học trò những làn điệu Then Tày; ra sân khấu trình diễn, ông hoàn toàn nhập tâm và “xuất thần”. Trong nhà, ông đang trân trọng, gìn giữ 30 cuốn sách chữ Nôm Tày và các làn điệu Then; 3 đàn tính, bộ nhạc cụ đầy đủ để tiến hành các nghi lễ Then (sóc nhạc, xích linh, thanh la, trống…), trang phục thầy cúng gia truyền 5 đời để lại (áo tà xa, áo xam, 5 mũ, 20 khăn đội).
NNƯT Bế Sơn Trung tự lý giải: Tôi sinh ra trong một gia đình có 8 đời làm pựt (Then), từ 8 - 9 tuổi đã theo cha đi làm Then tại nhiều gia đình trong và ngoài xóm. Có “căn Then” nên lớn lên mặc dù trải qua nhiều thăng trầm, công việc thì Then Tày vẫn luôn theo tôi đến nay. Tranh thủ những lúc theo chân bố - nghệ nhân Then Bế Ích Bảo nổi danh khắp vùng những năm thập niên 50 - 70, tôi quan sát, học hỏi và khi 13 tuổi đã thuộc 14 nội dung của Then Tày: Đầu hôm (mở đầu lễ Then), Slắp mạ (chuẩn bị hành binh mã), Thỏng hương (báo cáo chương trình lễ)…
Năm 1969, sau khi học xong chương trình phổ thông, theo tiếng gọi của Tổ quốc, tôi đi bộ đội tham gia chiến đấu ở Chiến trường C (nước Lào) nhưng làn điệu Then vẫn cùng tôi đồng hành trên mỗi bước đường hành quân, nghỉ chân vào những dịp đơn vị học tập chính trị, chỉnh huấn quân sự, những giây phút giải lao đơn vị lại yêu cầu tôi biểu diễn các làn điệu Then Tày nên tôi còn được thủ trưởng và đồng đội mệnh danh là chiến sĩ văn hóa đơn vị.
Tháng 11/1974, phục viên về địa phương, tôi theo học trường sư phạm và trở thành thầy giáo được phân công dạy tại Trường cấp 1, 2 huyện Bảo Lạc. Năm 1980 chuyển về dạy học tại xã Triệu Ẩu (nay là xã Bế Văn Đàn, Quảng Hòa), đến năm 1989 nghỉ hưu. Trong thời gian này, tôi vừa hoàn thành nhiệm vụ giảng dạy vừa tự trau dồi và phát huy niềm đam mê hát Then bằng cách đề xuất với nhà trường trong các dịp văn nghệ xây dựng 2 - 3 tiết mục Then do tôi truyền dạy cho học sinh biểu diễn.
Sau khi nghỉ hưu, ông tâm niệm đây chính là cơ hội tốt nhất mà ông dành trọn thời gian cho niềm đam mê với Then Tày. Để hiểu và nâng cao kiến thức, kỹ năng biểu diễn Then, ông đến học thêm nghề diễn xướng Then với nghệ nhân Nguyễn Văn Chàu (làm nghề diễn xướng Then 80 năm) trong xã.
Sau 4 năm miệt mài học tập, càng theo học, càng tìm hiểu ông Trung càng cảm thấy say mê với những tinh hoa của Then Tày và cũng trong thời gian này ông nắm vững thêm gần 20 nội dung Then Tày như: cầu mùa, lẩu pựt (cấp sắc), ruộng nặm luống (múa kim loan), khảu tu pủa (vào cửa quan)…
Năm 30 tuổi, thầy Then Bế Sơn Trung đã được cấp sắc bậc đầu tiên rồi lần lượt lên bậc 2 (38 tuổi), bậc 3 (49 tuổi), bậc 4 (năm 61 tuổi). Hiện nay, nghệ nhân Bế Sơn Trung chuyên tâm vào việc làm Then và truyền dạy hát Then, đàn tính cho bà con tại cộng đồng. Ông đã truyền nghề làm Then cho hàng trăm học trò, trong đó có gần 30 “đệ tử” thực hành được nghi lễ Then; mở 5 lớp dạy hát Then, đàn tính cho hơn 100 người dân và học sinh trong xã.
Đồng thời, thầy Then Bế Sơn Trung được các gia đình trên địa bàn tỉnh mời về làm Then trong lễ kỳ yên (cầu an - cầu sức khỏe) hay những “lẩu Then” quy mô lớn nhỏ khác. Bản thân thầy Then Bế Sơn Trung đoạt nhiều giải A, giải nhất trong các liên hoan nghệ thuật các cấp; năm 1998 được tặng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước; năm 2015 được tặng Huân chương đường Trường Sơn Hồ Chí Minh...
Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Quảng Hòa Đàm Thị Chiến cho biết: NNƯT Bế Sơn Trung là nhân tố điển hình tích cực trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ của địa phương. Ông đã và đang là người “truyền lửa” cho thế hệ trẻ bằng tâm huyết, trách nhiệm của mình để gìn giữ, bảo tồn và phát huy di sản Then Tày tại địa phương nói riêng và tỉnh Cao Bằng nói chung. Các nhà nghiên cứu trong và ngoài tỉnh tìm đến ông để nghiên cứu, sưu tầm khi cần tìm về kho tàng Then Tày ở Cao Bằng.
Đặc biệt năm 2015, Viện Âm nhạc Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao cho ông Bế Sơn Trung tổ chức diễn xướng 3 nghi lễ: Lễ Then cầu phúc, Lễ Then múa Chầu, Lễ Then tìm vía dưới Long Vương để xây dựng bộ hồ sơ Then để trình UNESCO, góp phần vào sự kiện Di sản Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam chính thức được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2019. Với những đóng góp trong lưu giữ và truyền dạy Then Tày, năm 2020, ông Bế Sơn Trung vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu NNƯT ở loại hình diễn xướng Then Tày.
Hiện nay, NNƯT Bế Sơn Trung đang tiếp tục nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng, trình diễn các nghi lễ Then; dàn dựng các tiết mục Then; mở các lớp truyền dạy Then cho thế hệ trẻ… Cũng như nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống, Then Tày đang đứng trước những khó khăn và thách thức để tồn tại và phát triển. Một số dòng Then ở Cao Bằng hiện nay đã không còn truyền nhân, các nghệ nhân hát Then mới chưa kế thừa được những tinh hoa và tiếp thu đầy đủ, bài bản của các nghệ nhân đi trước...
Theo NNƯT Bế Sơn Trung, nếu trước đây một buổi lễ then thu hút cả làng, xóm đến nghe thì ngày nay, xung quanh thầy Then chỉ còn vài người già đến nghe và phụ giúp các công việc. Đây cũng là một điều đáng báo động cho sự mai một của then cổ. Bên cạnh đó, sự phát triển các dòng âm nhạc, nghệ thuật cũng khiến hát Then đang dần bị mai một.
NNƯT Bế Sơn Trung luôn trăn trở về việc quảng bá, bảo tồn Then, ông bày tỏ: Tôi rất mong cộng đồng nâng cao hơn nữa ý thức của mình trong việc bảo tồn và phát huy di sản Then của dân tộc. Bên cạnh đó, vai trò kết nối của các cơ quan, đơn vị, tổ chức và đặc biệt là các kênh thông tin cũng có vai trò rất quan trọng trong việc bảo tồn nghệ thuật hát Then.
Đó chính là việc định hướng thị hiếu, thẩm mỹ âm nhạc thông qua các bài giảng, chương trình văn hóa văn nghệ, các buổi sinh hoạt cộng đồng… Trong đó, việc đưa hát Then vào các trường học là một trong những giải pháp rất hữu hiệu để truyền dạy, lưu giữ làn điệu Then.