Thanh An: Chủ đề "Đối mặt với phá sản" được ông đồng ý trò chuyện cùng tôi vào lúc này liệu có phải bởi vì gốm sứ Minh Long đang đối diện với những khó khăn rất lớn do đại dịch Covi-19 gây nên?
Ông Lý Ngọc Minh: Hổng phải. Covid-19 toàn cầu bị ảnh hưởng, không riêng gì mình. Nhưng Minh Long là công ty có hướng phát triển hơi khác thường một chút, cho nên vài tháng không doanh số với tụi tui là chuyện bình thường.
Tui vẫn hay nói tếu với anh chị em trong công ty, "dĩ bất biến, ứng vạn biến". Mình có con đường vạch sẵn rồi, chiến lược rõ ràng rồi nên mọi biến động chỉ khiến mình nhanh hay chậm chứ không thể thay đổi bản chất là tính chuyện trăm năm chứ không phải tầm nhìn vài năm. Đại dịch khủng khiếp lắm cũng chỉ tác động đến mình 2 - 3 năm chứ đâu có thể hoành hành đến cả trăm năm đâu.
Thanh An: Minh Long được thành lập từ năm 1970, tính đến nay là tròn 50 năm rồi, chẳng lẽ chưa bao giờ ông đối diện với khó khăn hay nguy cơ?
Ông Lý Ngọc Minh: Tôi đồng ý trò chuyện với bạn là bởi vì cuộc đời tôi từ lúc sinh ra cho đến bây giờ toàn gặp khó và phải vượt khó. "Đối diện" chỉ là cách nói dễ hình dung thôi, chính xác phải nói là chết đi sống lại, một mất một còn mới đúng kìa. Sống cuộc đời mà lúc nào cũng phải chiến đấu theo kiểu sống còn riết quen rồi thành ra tôi thích cái gì khó.
Tại bạn hỏi khó tui nên tui thích, tui trả lời. Vậy thôi.
Thanh An: Chúng ta hãy bắt đầu bằng câu chuyện ngày hôm nay. Nếu Covid-19 không làm khó được ông thì điều gì mới là khó khăn lớn nhất vào lúc này?
Ông Lý Ngọc Minh: Đó là thuyết phục được người tiêu dùng Việt Nam biết rằng hàng của Minh Long chất lượng ngang Rosenthal của Đức mà giá rẻ hơn hàng Trung Quốc.
Hàng Trung Quốc là tui gọi đích danh hàng Trung Quốc trôi nổi vào thị trường Việt Nam buôn bán không nộp thuế, phá giá, phá chất lượng. Còn đồ sứ, nhắc đến Rosenthal là nhắc đến hạng 5 sao của châu Âu rồi.
Chuyện này khó một phần lỗi do tôi gây ra. Bởi vì ngay từ đầu sách lược của Minh Long là đầu tư vô chất lượng, đầu tư vô những sản phẩm tinh xảo nhất. Tức là đầu tư kỹ thuật cao, công nghệ cao, tay nghề cao, nguyên liệu hảo hạng… Nguyên tắc là chỉ nhập từ những hãng tốt nhất thế giới, đứng thứ hai tui cũng hổng nhập.
Cũng là một kiểu lò nung, Trung Quốc chỉ dùng những loại có giá từ 100.000 - 200.000 USD còn Minh Long mua lò có giá từ 2 - 3 triệu USD. Chỉ một cái lò của Minh Long đã gấp 10 lần so với Trung Quốc nói chi đến hệ thống máy móc thiết bị còn gấp cả trăm lần.
Rồi năng lượng, ngoài chợ người ta đốt có 1.280 độ, mình chơi 1.380 độ. Từ mức nhiệt 1.280 độ lên tới 1.380, tuy chênh nhau có trăm độ thôi nhưng đòi hỏi năng lượng tốn gấp đôi. Cho nên đồ Minh Long sản xuất ra không tốt mới lạ. Đồ tốt mà giá rẻ mới lạ chứ giá đắt thì có gì lạ đâu.
Ngày xưa tui nghĩ đơn giản lắm. Làm bằng được thứ mình mơ ước để bán ước mơ cho khách hàng. Đắt mấy mà tốt cũng sẽ có người mua. Thực tình điều đó không có sai vì trong cuộc sống ta sẽ gặp người mơ những giấc mơ giống mình.
Nhưng sự thực đã chứng minh hổng phải người có tiền mới dùng đồ Minh Long đâu.
Thời điểm mới ra bộ bình trà Sơn Hà - Cẩm Tú và Quốc Sắc - Thiên Hương, riêng bộ Sơn Hà tui không bán chỉ dành tặng những người xứng đáng. Bộ Quốc Sắc với màu đỏ chủ đạo được đem đi trưng trong một cửa tiệm ở Cần Thơ.
Hàng trưng bày tới ngày thứ 3 thì có người phụ nữ bán hoa vô xin gặp ông chủ đại lý hỏi giá. Bộ trà lúc đó cỡ 15 triệu đồng, tức 1.000 USD. Vậy mà bà ấy nói khó, xin mua trước trả sau mỗi tháng 500 ngàn đồng, cam kết trả hết trong 3 năm. Ông chủ tiệm bốc điện thoại ngay cho tui, lúc đó tui nhớ khoảng tầm 4 - 5 giờ chiều, để hỏi. Tui mới biểu, vậy anh nghĩ sao?
Đầu dây bên kia ngập ngừng rồi nói: "Điên đâu không bán!"
Tui rất ưng cái bụng với quyết định này. Bởi vì tui hiểu rằng những người khách này sẽ không bao giờ bội phản hay trốn nợ mình đâu. Và đúng y như vậy. Có một năm mấy tháng sau, bà khách trả hết tiền nợ lại mua thêm bộ đồ ăn với giá gấp 3 - 4 lần bình trà. Bà ấy vẫn xin cho trả nợ trong 3 năm, nhưng thực ra hơn một năm người ta lại trả hết.
Có lần đến tháng trả tiền nợ, ông chủ tiệm hỏi: "Chứ sao bà mua bộ bình?"
"Thứ nhứt cái màu quá đẹp. Lúc đứng ngoài đường chợt nhìn thấy nó, tui nghĩ đi làm mệt về được ngắm nó là tui cũng khỏe rồi". Tôi nói đúng y lời bả. "Thứ hai, một mai mất đi, bộ trà này tui để lại cho con, chỉ mong nhìn bộ trà nó nhớ về mẹ!"
Thanh An: Câu chuyện xúc động này chưa cho tôi thấy khó khăn của Minh Long thưa ông?
Ông Lý Ngọc Minh: Tui vẫn nói với các con của mình về chuyện người phụ nữ miền Tây này. Chính những người khách với giấc mơ của họ đã mang lại chén cơm cho nhà mình. Nhưng mà ngày đó vì bận tự hào rằng mình làm được đồ quá tốt mà tui quên mất cái sai của Minh Long là đồ giá đắt. Giấc mơ dùng đồ tốt của người Việt mình quá đắt. Cho nên đến bây giờ tui vẫn mong có thể tìm được người khách này, để nói lời cảm ơn vì bà đã giúp tôi nhìn thấy điều sống còn của Minh Long.
Thanh An: Như vậy có nghĩa là việc chọn phân khúc cao cấp đã từng mang lại "đại họa" cho Minh Long thưa ông?
Ông Lý Ngọc Minh: Đúng! Khi bạn làm được hàng tốt, bán được hàng đắt, lại xuất khẩu kìn kìn, bạn sẽ mơ về những giấc mơ rất hoang đường mà quên mất cuộc sống đang vận động. Ngay khi Minh Long dồn hết tiền vào máy móc thiết bị, nguyên liệu và nhân công để đạt được giấc mơ về sự hoàn hảo cũng chính là lúc tui chết sặc.
Những biến động bất lợi thường không lập tức xuất hiện cho bạn thấy đâu. Nó cứ từ từ nóng lên như cách người ta đun một nồi nước luộc. Khi bạn nhận ra nguy cơ cũng là lúc bạn bị luộc tái.
Khoảng 14 - 15 năm trước, Minh Long phát triển rất mạnh và giá gas cũng tăng rất nhanh. Lúc đó tui vẫn chịu được nhiệt. Thời điểm bước vào sản xuất quy mô lớn, khoảng năm 1995 - 1996, giá gas chỉ 300 USD/tấn. Sau đó gas tăng lên 600 - 800 USD/tấn, mình vẫn cầm cự tốt. Nhưng khi nó leo thang lên mức 1.600 - 1.800 USD/tấn, mình mới hết hồn.
Lại nữa, lương công nhân thuở ban đầu chỉ khoảng 70 - 80 USD/người/tháng. Nhưng cho tới ngày giá gas đạt đỉnh thì chi phí phải trả cho một người lao động ở Minh Long đã lên tới hơn 200 USD/tháng rồi. Lương tối thiểu thời đó cứ tăng gấp đôi, gấp đôi mỗi lần Chính phủ đưa ra sự thay đổi.
Tác động dây chuyền mới kinh khủng. Lương và giá năng lượng tăng kéo theo hàng loạt mức tăng khác của nguyên liệu, vận chuyển… Tất cả mọi yếu tố cấu tạo nên đơn giá của một sản phẩm gốm sứ đều lên vù vù.
Máy móc loại mắc tiền để sản xuất cao cấp, lò xịn của Ried Hammer để đốt nhiệt độ cao, nguyên liệu tinh khiết... đều nhập về hết rồi. Tiền vay nhà băng hàng tháng phải trả lãi cả một đống. Áp lực vay nợ nhà băng kinh khủng khiếp, phải là người đi vay nợ bạn mới hiểu được. Mọi thứ dồn dập như vậy mà hàng của Minh Long lại neo giá ở mức cao rồi, không thể tăng được nữa. Thời đó, tui bán ra cái chén, cái đĩa nào là lỗ cái đó. Giờ tính sao?
Chính xác là tui đã leo lên lưng cọp, sao xuống được đây?
Hồi đó, ai cũng nói ông Minh chỉ có hai lựa chọn hoặc là chết, đóng cửa phá sản; hoặc là phải đột phá, tìm ra con đường máu. Chính tui cũng biết vậy nhưng mà đường máu thoát thân là đường nào đây?
Lương tăng là chuyện của cả xã hội rồi. Nhịp sống lên, nhà nước áp mức lương tối thiểu, doanh nghiệp khác đều lên lương, mình không lên người ta nghỉ. Giá gas, điện là chuyện của thế giới, mình sao đụng chạm tác động được chuyện năng lượng?
Bây giờ ông Minh muốn thoát chết, có tiền trả ngân hàng chỉ còn cách giảm giá những thứ ổng sở hữu. Nghĩa là xuống nhiệt độ, bớt nguyên liệu, bớt đất hiếm. Nghĩa là làm đồ rẻ tiền. Nhưng làm cách đó thì thà tui chết đi còn hơn.
Cả nửa cuộc đời tui khổ sở và hạnh phúc đều để đốt được sứ 2 lần như châu Âu. Chính châu Âu làm đồ gốm sứ hơn Trung Quốc là tại họ đốt 2 lần. Vậy bây giờ mình theo chất lượng châu Âu mà mình đốt 1 lần thì thành Trung Quốc rồi.
Con trai tui nói: "Ba! Chuyện này là chuyện sống còn. Không phải là chuyện mất tiền mà mất cả thị trường!"
Thanh An: Lên cũng không được, xuống cũng không xong. Nhưng rõ ràng ngày hôm nay Minh Long đang dùng công nghệ đốt có 1 lần thôi mà. Cuối cùng là ông vẫn xuống nước ư?
Ông Lý Ngọc Minh: Đúng mà không đúng. Cuối cùng tui chọn đi con đường chưa có ai đi thành công.
Tui nghĩ nếu bỏ cuộc, tui đã khẳng định Lý Ngọc Minh là thằng thất học.
Phàm là người làm nghề gốm sứ ai cũng mơ chỉ cần đốt lò 1 lần là ra được bình đẹp, ra được ấm hoàn hảo. Bởi đốt 1 lần sẽ giảm đi vô cùng nhiều gánh nặng. Trung Quốc chưa làm kiểu này mà châu Âu tui cũng chưa nghe ai nói đã làm được.
Đêm trước ngày trả lãi cho nhà băng, tui mơ mình làm được điều kì diệu này. Tỉnh dậy mới thấy, mình không được mơ nữa, phải làm cho giấc mơ thành hiện thực thôi.
Thực tế khó khăn mà chúng ta gặp ở đây là công nghệ - thứ không phải mình muốn thế nào nó ra thế ấy. Trung Quốc dùng công nghệ đốt 1 lần ở nhiệt độ thấp ra loại hàng chất lượng kiểu Trung Quốc, giá kiểu Trung Quốc. Còn mình là chất lượng châu Âu, giá chỉ rẻ hơn châu Âu ở nhân công và nguyên liệu bản địa.
Bây giờ đốt 1 lần, lại đốt nhiệt độ rất cao thì đồ lỗi rất nhiều. Bởi vì nhiệt độ cao giống như độ khó của kỳ thi. Càng lên cao thí sinh rớt càng nhiều. Có phải ai cũng đủ năng lực để chiếm bảng vàng đâu. Chất lượng sứ cũng vậy.
Nếu chỉ cần bỏ tiền gas gấp đôi để đạt được nhiệt độ 1.380 độ cho một lần đốt mà hàng ra chất lượng tuyệt hảo thì thế giới này người ta bỏ tiền ra từ lâu rồi. Sự thật là tiền gas tốn gấp đôi đã đành mà đồ hư lại vô cùng nhiều. Chính vì làm sứ chất lượng cao khó như vậy nên châu Âu mới phải đốt 2 lần. Vậy là tui mất hơn 8 năm trời.
Từ 2007 cho đến 2015, Minh Long đã phải sáng tạo nhiều kỹ thuật, công nghệ. Trong đó giải pháp mang ý nghĩa quyết định đến thành công của đốt 1 lần là xử lý hệ thống lọc nước và khí.
Nước - phải lọc theo tiêu chuẩn cao nhất để pha chế nguyên liệu luôn đạt hiệu quả trung tính và tinh khiết. Khí - phải đảm bảo trong vòng 3 phút có thể đưa một lượng lớn vừa sạch vừa có nhiệt độ thấp hơn bên ngoài khoảng 10 độ vào các xưởng khép kín, bảo đảm sự tinh khiết về môi trường cho các sản phẩm cần đốt một lần đạt hiệu quả cao, ít hư hỏng.
Bước cuối cùng là huấn luyện, đào tạo lại thợ gốm cho phù hợp với quy trình công nghệ mới.
Có những lúc kết quả thử nghiệm làm cho tất cả mọi người, từ cậu công nhân lựa hàng đến ông chủ là tui kiệt sức luôn. Chán nản vô cùng khi nguyên cả mẻ hàng phải bỏ.
Đánh đổi cho cuộc "thoát xác" đó đến ngày hôm nay, trong kho Minh Long vẫn còn mấy trăm tỷ hàng hóa đồ hư. Trên thị trường thỉnh thoảng bạn thấy sự xuất hiện của đồ gọi là hàng ngoại lệ mà khách mua giá rẻ về dùng nhiều khi không biết nó hư ở cái gì nữa. Đó chính là trả giá của tui đó.
Hàng loại I của Minh Long không được có bất kỳ sai sót nào. Một vết chấm sai thôi, nhân viên thấy là loại ra ngay và luôn. Mình làm ông chủ nhiều khi thấy hàng bị bỏ, đau lòng xót dạ nhưng phải chấp nhận chứ biết làm sao. Tại mình chọn như vậy rồi cơ mà.


Thanh An: Sau lần đó chắc ông "dễ thở" hơn rồi chứ?
Ông Lý Ngọc Minh: Hồi đó, tôi nghĩ chắc có mình tui trên đời mạo hiểm vậy thôi. Nhưng nhờ liều nên được nhiều, thích lắm.
Cách nay khoảng 7 - 8 năm, Tổng giám đốc hãng Villeroy & Boch (hãng gốm sứ nổi tiếng của Đức - PV) có sang Việt Nam muốn thuê Minh Long gia công. Tui không chịu bởi vì khi nhận gia công là mình phải theo thương hiệu của người ta. Trí tuệ là của mình, công nghệ là của mình, sao không bán lại đi bán sức lao động?
Trò chuyện qua lại, vì quý tính mình quá nên ông Tổng giám đốc mời tui sang Đức thăm quan công ty họ. Hồi đó ổng nói: "mày là thằng đầu tiên được vô hãng của tao". Chính xác ra tui là người Việt Nam đầu tiên đã đành, mà cũng là người Đông Nam Á đầu tiên làm trong nghề sành sứ được vào trong những nơi cơ mật nhất của hãng Villeroy & Boch. Bởi vì thành luật rồi, để bảo mật công thức, bảo mật sở hữu trí tuệ không ai cho người ngoài vô hãng mình hết.
Ở đó hóa ra Villeroy & Boch cũng đang dùng công nghệ đốt 1 lần. Nhưng đốt 1 lần của họ chỉ làm cho 1 sản phẩm thôi. Tức là đốt 1 lần với sản phẩm có công nghệ ép thôi, chứ những sản phẩm đòi hỏi công nghệ in, công nghệ dập bột, nhúng men… là chưa được. Sau tôi có nghe tin, hãng đó chạy công nghệ này đâu được 3 năm rồi cũng phải bỏ cuộc. Tại thất bại hoài. Khó lắm chứ bộ.
Cho đến bây giờ đang ngồi nói chuyện với bạn, tui vẫn còn rắc rối. Mặc dù đã thành công khi tỷ lệ sản phẩm loại I lên đến 70 - 80% nhưng vẫn đòi hỏi phải tiếp tục cải tiến. Mục đích của Minh Long là phải chạy được dây chuyền tự động và tỷ lệ từ 95 - 98% loại I thì mới đạt yêu cầu. Cho nên con đường vẫn còn gian nan lắm nhưng thành tựu thì rõ ràng rồi.
Thanh An: Những ai đang được hưởng thành tựu này thưa ông?
Ông Lý Ngọc Minh: Người Việt Nam. Bởi vì từ khi áp dụng công nghệ đốt 1 lần lửa vào sản xuất chén đĩa, năng suất đã tăng gấp đôi so với công nghệ cũ. Nghĩa là 1.500 nhân công trong một ngày trước đây làm ra 50.000 - 60.000 sản phẩm thì bây giờ đã tăng lên 100.000 - 120.000 sản phẩm.
Cùng lúc đó, thời gian của chu kỳ sản xuất được rút xuống chỉ còn 3 ngày so với 15 ngày như trước. Nhờ vậy giá thành sản phẩm của Minh Long bây giờ được giảm xuống rất nhiều.
Người dân Việt Nam đâu có biết, vẫn cứ tưởng hàng Minh Long mắc tiền lắm. Trong khi đó có rất nhiều bộ đồ ăn chúng tui dành cho những người thu nhập thấp với giá mà công nhân lương thấp nhất hiện nay cỡ 4 - 5 triệu đồng/tháng vẫn mua được. Bộ đồ ăn chất lượng Đức có giá 400.000 đồng tiền Việt, như vậy là còn rẻ hơn cả giá của hàng Trung Quốc ở ngoài chợ còn gì.
Ca sĩ Mỹ Linh từng nói với tui trong điện thoại: "Anh Minh biết không, ngay lúc mới ra nghề em nghèo lắm. Lĩnh tiền cát xê muốn sắm bộ bình trà về xài nhưng đâu có nhiều tiền để mua bộ mắc, em mua loại rẻ nhất là bộ Chim Lạc. Và đến bây giờ trên 20 năm rồi, nhà em vẫn giữ bởi vì nó vẫn còn đẹp".
20 năm vẫn còn người xài bộ Chim Lạc mới thấy giá trị mà tụi tui dành cho gốm sứ Việt Nam là tầm nhìn cả trăm năm chứ hổng phải ăn xổi ở thì.
Thanh An: Sự thành công trong công nghệ đốt 1 lần mở ra con đường nào tiếp cho Minh Long?
Ông Lý Ngọc Minh: Chính sau thành công đó, tui mới tình cờ gặp ông Nguyễn Quân lúc còn làm bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ. Sau khi tham quan hệ thống máy móc tự động của công ty, ổng mới nói, "Anh Minh ơi, anh làm hiện đại quá như vậy sao anh không xin chính sách hỗ trợ doanh nghiệp Khoa học công nghệ (DNKHCN). Anh dư sức làm".
Ông Bộ trưởng còn tiếc rẻ như vậy, mình mà không làm thì kỳ cục quá. Tui đâu có hay biết rằng hành trình tìm được chính sách hỗ trợ DNKHCN ở đất nước mình nhiêu khê đến bất tận. Thời gian tui bỏ vô chuyện này tổng cộng mất hơn 4 năm trời với 37 cái công văn đến khắp nơi khắp chốn, cuối cùng năm vừa rồi tui mới có được cái giấy chứng nhận DNKHCN.
Thanh An: 4 năm trời đó với 37 công văn, ông đã đi tới những đâu vậy?
Ông Lý Ngọc Minh: Ban đầu tui lên UBND tỉnh. Địa phương biết tui làm thực nên ủng hộ, ký rẹt rẹt cho tui chuyển ra ngoài Hà Nội, tới Bộ Tài chính.
Tới bộ Tài chính đã đành rồi, tui còn phải tới Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Đến chừng đó rồi vẫn chưa xong nổi. Tui phải vô Quốc hội, tới Văn phòng Chính phủ, qua luôn cả Mặt trận Tổ quốc... Tất cả các nơi đều ủng hộ bởi ai cũng kỳ vọng, từ vấn đề thực tế của tui có thể mở ra cơ hội cho hàng loạt DNKHCN thực sự ở Việt Nam. Vậy đó! Mà cũng chẳng ăn thua gì hết!
Chủ tịch Quốc hội đã từng phải hét lên trong điện thoại: "Sao phải mâu thuẫn vậy?" mà cũng không ăn thua gì hết trơn. Bởi vì câu chuyện ở đây là Luật mâu thuẫn với Luật.
Các bên giải thích rất đơn giản: Một doanh nghiệp đã được hưởng chính sách của Luật Đầu tư thì sẽ không được hưởng tiếp chính sách của Luật Khoa học Công nghệ. Có nghĩa là nếu doanh nghiệp đã hưởng ưu đãi của luật Đầu tư thì sẽ bị trừ (truy thu - PV) những gì đã hưởng rồi, mới cho hưởng ưu đãi của luật KHCN.
Luật KHCN có phạm vi hỗ trợ DNKHCN rất lớn, miễn thuế 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo. Đồng nghĩa với việc doanh nghiệp có được 13 năm miễn, giảm thuế. Căn cứ theo đó, ngành thuế sẽ cắt luôn 4 năm doanh nghiệp tui đã được miễn thuế theo Luật Đầu tư.
Tôi đành hỏi họ vậy nè: Bây giờ doanh nghiệp không đầu tư ban đầu vào nhà xưởng, máy móc, công nghệ thì làm sao có tư liệu để sản xuất, để cải tiến, và để rồi tiến lên công nghệ cao?
Đó là hai giai đoạn hoàn toàn khác nhau và hai phạm vi hỗ trợ hoàn toàn độc lập của 2 bộ Luật. Sau khi đuối lý, người ta liền nói: "Tại sao anh không chịu làm dự án công nghệ cao ngay từ đầu?"
Ai mà cũng biết làm như nhà quản lý nói thì đất nước này giàu hết cả rồi!
Doanh nghiệp tích lũy khổ cực, ăn dè trả nợ mới xây được nhà xưởng. Lúc đầu tư ban đầu được nhà nước hỗ trợ theo Luật Đầu tư. Đó là cái quý cho mọi sự khởi nghiệp. Bây giờ tới giai đoạn bứt phá để phát triển được công nghệ hiện đại nhất thế giới, là niềm tự hào của cả nền sản xuất của đất nước, không đi hỗ trợ lại trừ nghéo luôn phần doanh nghiệp đã được hưởng từ thời xây nhà xưởng là sao.
Tui là doanh nghiệp làm thực nói thực. Tui đốt tiền của mình vô thí nghiệm không biết bao nhiêu mà kể, bây giờ thành công rồi theo gợi ý của ông tư lệnh ngành Khoa học công nghệ mà trình. Tui đâu lấy một xu nào tiền vốn của nhà nước đâu mà kêu tui làm dự án. Doanh nghiệp làm được rồi mới trình, lý ra phải vui mừng mà ủng hộ chứ.
2 đạo luật này với doanh nghiệp, là 2 tờ vé số khác nhau. Tuần trước tui mua, tuần này tui cũng mua. Liền 2 tuần tui trúng cả 2 vé. Ai vào đây đòi trừ của tui tờ vé tuần trước rồi mới cho tui lĩnh tớ vé tuần này?
Đó là hiểu một cách dân dã, còn nói một cách nghiêm túc thì Luật Đầu tư là luật hữu hình, Luật KHCN là luật vô hình. Hữu hình là hữu hạn, đầu tư nhà xưởng, máy móc thiết bị tiền của… là hữu hình. Cho nên nhà xưởng sẽ hư, tiền bạc sẽ hết.
Còn vô hình là vô hạn, tui phát triển công nghệ cao đưa vô sản xuất, mai sau cải tiến trên nền những tri thức đã có chính là chuyện trăm năm. Tui chuyển giao cho người khác, người khác xài được còn phát triển thành công nghệ mới hơn, tốt hơn nữa; từ đó kích thích sản xuất phát triển, giúp sản phẩm tốt hơn, giá thành rẻ xuống.
Năng lực của đất nước này phải từ những nỗ lực thay đổi như vậy mới có cơ hội phát triển muôn đời. Vậy mà chỉ chăm chăm lấy của tui 5 năm thuế làm gì? Sao không tạo điều kiện để tui nhân rộng ra 100 - 1000 mô hình, sản phẩm… rồi nhà nước thu thuế giá trị gia tăng của 100 - 1.000 thứ đó. Ta thấy lợi tức cái nào hơn? Rồi chính người dân Việt Nam sẽ là đối tượng đầu tiên được hưởng lợi rất nhiều từ công nghệ.
Cuối cùng vì lý tui chắc quá, nên người ta phải ủng hộ. Tui vẫn nhớ rất rõ cuộc họp gồm 25 người tham gia ngày hôm đó, do Phó Thủ tướng chủ trì ở Bình Dương này. Người ta mời tui thuyết trình và ngay sau buổi họp đó, ngày 1/2/2019 ra đời Nghị định 13 về Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ. Và từ ngày 20/3/2019 khi Nghị định này có hiệu lực thi hành thì Minh Long mới có lại được 4 năm mà trước đó người ta muốn cắt.
Vậy đó, một doanh nghiệp tư nhân đi đề xuất sửa đổi chính sách để ra được Nghị định thì bạn phải thấy là vô tiền khoáng hậu. Chính những người mà tui biết ơn vì họ ủng hộ sự phát triển cũng phải gật gù: "hổng phải ông Minh thì hông ai dám làm chuyện này".
Tui bản tính rất bình dân, khiêm tốn nhưng khi tui làm việc gì đó, tui làm tới nơi tới chốn luôn, hổng có làm nửa mùa nửa chừng. Và khi tui đã làm đúng thì đụng đến ông nào tui cũng đụng.
Thanh An: Hồi đó ông có nghĩ mình giống như "con kiến kiện củ khoai" không?
Ông Lý Ngọc Minh: Đây không là con kiến kiện củ khoai thì là gì?
Bởi vì thực tế, doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân vô cùng sợ phải đụng chạm. Nếu có chút xíu thôi, ngay lập tức sẽ bị đủ thứ thanh tra, kiểm tra… cho doanh nhân mất ăn mất ngủ luôn.
Nhưng đã đến thời điểm người làm công tác quản lý nhà nước bỏ tư duy đó để tốt trước nhất cho chính họ, chưa nói đến lợi ích chung cho địa phương, cho đất nước. Bởi vì sức sống của doanh nghiệp là rất mạnh mẽ. Cưỡng lại sức sống đó chỉ nhận về sự đấu tranh. Mà bạn biết rồi đó, đấu tranh để sống còn, người ta sẽ mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Nhưng nếu biết hỗ trợ, thúc đẩy sự sống đó, nhà quản lý sẽ nhận về sự thành công to lớn.
Thanh An: Sau những "đối mặt" đầy khó khăn đó, bây giờ điều ông muốn "đối mặt" sẽ là gì?
Ông Lý Ngọc Minh: Có lẽ điều tui muốn bây giờ là tìm gặp được bà khách bán hàng rong ngày xưa. Gặp được, tui muốn tặng bả bộ nồi sứ mà nhà tui đã dùng suốt cả 3 năm nay rồi. Bởi vì tui cần khoe với bả về một giấc mơ mới, không chỉ dành riêng cho ai đâu mà dành cho tất cả người Việt Nam.
Đến thời điểm này, thứ mà tui muốn đối mặt chính là giành lại sức khỏe của người Việt Nam bằng cách làm một cuộc cách mạng trong nhà bếp chứ không chỉ dừng lại ở trên bàn ăn hay chén trà nữa. Nhưng mà điều này, tui vẫn muốn giữ lại chút chút cho đến một ngày thích hợp hơn sẽ chia sẻ.
Thanh An: Tôi đồng ý. Hy vọng sẽ sớm nhận được tin vui cho lần "đối mặt" mới này của ông. Và xin cảm ơn những chia sẻ đầy ấn tượng mà ông đã dành cho tôi và độc giả!
Riverside
Theo: soha.vn