NGHỆ NHÂN -NĂNG KHIẾU - NGƯỜI CÓ CÔNG
(25) - Người “giữ lửa” ở Nậm Hàng
(Ngày đăng: 20/07/2020   Lượt xem: 260)

Sau vài câu trò chuyện, ông Lâm Văn Điện cầm cây đàn tính, khéo léo chỉnh dây đàn, rồi vừa đàn vừa hát. Mặc dù không biết tiếng Thái, nhưng ngay lập tức tôi bị hấp dẫn bởi âm hưởng vui tươi của điệu hát then mà ông Điện đang say sưa hát. Căn nhà sàn bỗng chốc như dịu mát hơn giữa cái nắng gay gắt buổi trưa hè…

Có một thầy mo như thế!

Đến thôn Nậm Ty (xã Nậm Hàng, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu), hỏi về ông Lâm Văn Điện, người dân tộc Thái, bà con gần xa, ai cũng biết. Đồng bào biết ông Điện không chỉ vì ông tham gia nhiều hoạt động văn hóa của xã Nậm Hàng mà còn vì ông Điện là thầy mo được bà con rất tin cậy – người xuất hiện ở hầu hết những sự kiện buồn, vui của mỗi gia đình đồng bào dân tộc Thái ở xã Nậm Hàng. 

nguoi giu lua o nam hang

Ông Lâm Văn Điện giới thiệu với các bạn trẻ về điệu hát then có từ xa xưa của đồng bào Thái ở xã Nậm Hàng

Kể về hành trình trở thành thầy mo, ông Điện chia sẻ: Từ xa xưa, người dân tộc Thái vốn rất tin vào thần linh. Chính vì vậy, hễ có công việc như làm nhà, sinh con, ốm đau, người chết… đều gọi thầy mo đến làm lễ. Cụ thân sinh ra ông Điện vốn là người làm nghề thầy mo. Trước đây, ông Điện thường đi theo bố để phụ ông làm lý. Trước khi mất, ông cụ để lại bộ đồ làm lễ cho ông Điện với mong muốn ông Điện sẽ thay ông đi làm lý cứu người. Từ đó, với bộ đồ và kinh nghiệm của người bố để lại, ông Điện cần mẫn đi làm lý cho các gia đình trong bản, trong xã. Lâu dần, nhiều người biết tiếng, còn mời ông Điện ra huyện, lên tỉnh, sang tận Điện Biên để làm lý.  

Theo ông Điện, cầu cúng là tập tục không thể thiếu đối với đời sống tâm linh của người dân tộc Thái. Người dân rất tin thầy mo, có nhiều gia đình thầy bảo gì cũng làm theo. Nhưng ông Điện tâm niệm, mình duy trì tập tục cho bà con, nhưng không nên biến nó thành hủ tục. Chính vì vậy, ông rất ít khi yêu cầu bà con mổ lợn, mổ trâu; trường hợp gia đình có người ốm đau, cùng với việc cúng lễ, ông Điện thường chủ động khuyên bà con đưa người ốm đi trạm xá, lên bệnh viện để thăm khám. Đặc biệt hơn, ông Điện không đọc lời cúng như các thầy mo khác, mà thường sử dụng cây đàn tính và điệu hát then truyền thống của đồng bào Thái để truyền tải các nội dung cầu cúng. Cũng chính bởi điều này, bà con không chỉ tin tưởng vào vai trò thầy mo của ông Điện, mà xem ông như một người thân để chia sẻ những trăn trở, buồn vui của gia đình.

Một đời đắm đuối với đàn tính, điệu then 

Trong ngôi nhà sàn treo rất nhiều đàn tính và vô số những tấm bằng khen, giấy khen đã nhuốm màu thời gian, ông Điện tâm sự: Ông mê đàn tính và biết hát then từ khi còn là cậu bé 13 tuổi. Cây đàn, tiếng hát cứ thế đi theo cuộc đời ông - ngay cả khi xung quanh những người biết đàn hát ngày một ít đi. 

Thích đàn hát nên mỗi khi thôn, xã có hoạt động văn hóa - văn nghệ, ông Điện đều tích cực tham gia. Tiếng lành đồn xa, ông Điện được huyện, rồi tỉnh mời đi tham dự các cuộc Liên hoan Hát then – Đàn tính và đạt được không ít các giải thưởng từ các cuộc thi này. Đây cũng chính là động lực để ông Điện say sưa tìm tòi và sáng tác thêm nhiều ca từ, rồi dùng giai điệu then với sự hỗ trợ của đàn tính để biểu diễn cho bà con cùng nghe – những mong “giữ lửa” cho nét văn hóa truyền thống của ông cha.

Chia sẻ về danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” được Nhà nước trao tặng năm 2019 cho những cống hiến xuất sắc của cá nhân ông Điện trong gìn giữ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc, ông Điện rất vui nhưng không giấu được trăn trở: “Thanh niên giờ nghe là chính, ít người muốn học hát then, đàn tính. Ba người con của tôi cũng chỉ có một người tham gia đàn hát giống tôi. Mình muốn truyền dạy nhưng chưa có người theo học…”.

Chia tay Nghệ nhân ưu tú Lâm Văn Điện, ra về tôi nghĩ mãi về hình ảnh những cây đàn tính treo trên tường trong ngôi nhà sàn của gia đình ông. Những cây đàn tính sẽ chỉ yên lặng ở đó, điệu then, tiếng đàn tính rồi cũng sẽ ít cơ hội để trình diễn nếu không có những người đam mê, tâm huyết với văn hóa dân tộc “đánh thức” chúng.

Mong sao, với việc Thực hành hát then vừa được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể - hoạt động hát then, đàn tính sẽ sớm được giữ gìn, phát huy để ông Lâm Văn Điện không còn cô đơn trên hành trình giữ lại những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của ông, cha.

                                                         Theo: congthuong.vn


Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

13
Đang xem:
72.409.097
Tổng truy cập: