NGHỆ NHÂN -NĂNG KHIẾU - NGƯỜI CÓ CÔNG
"Vua bạc" miền sơn cước tiết lộ bí kíp làm nghề
(Ngày đăng: 23/10/2012   Lượt xem: 728)

Trong cuộc đời, anh Vũ không thể quên được hình ảnh một ông cụ đi bộ hàng trăm cây số đến nhờ anh chế tác bạc để chuẩn bị cưới vợ cho con trai.

Từ làng nghề chạm, khắc bạc ở Đồng Xâm (Thái Bình) nổi tiếng, gã thợ bạc Trần Anh Vũ lặn lội khắp miền sơn cước vừa tìm đường lập nghiệp vừa giữ lửa với cái nghề cha ông để lại. Anh cho biết, anh sinh ra ở làng Thượng Gia, mảnh đất chuyên làm nghề chạm trổ, đúc bạc xuất khẩu. Tuy nhiên, cuộc sống khá vất vả, bấp bênh đã khiến cái nghề này suy lụi. Năm 1997, đỉnh điểm của sự suy thoái về kinh tế, anh Vũ đành phải lặn lội lên các tỉnh miền Tây Bắc, vào từng bản làng làm thợ bạc "lưu động" kiếm đường mưu sinh. Đến nay, Trần Anh Vũ được mệnh danh là "vua bạc" trên vùng đất Tây Bắc này.

langnghe t6.jpg

Anh Vũ với một sản phẩm do mình chế tác

Những ngày tháng lang thang nơi rừng thiêng nước độc

 Cửa hàng của anh Vũ nằm ở nơi khá "hiểm" của Thị trấn Mậu A (huyện Văn Yên, Yên Bái). Khách đến đây thường là sửa vàng, bạc hoặc nhờ anh Vũ thay đổi mẫu mã. Vợ Vũ cũng là "thợ chính" của xưởng. Công việc vất vả nên hai vợ chồng Vũ ít có thời gian được rảnh rỗi.

Vũ kể, vùng này còn nhiều người Dao, Tày, Nùng và họ còn lưu giữ phong tục đeo trang sức bằng bạc cổ. Nhận thấy đó là thị trường tiềm năng, nên năm 1997 anh bắt đầu đặt chân lên miền đất này để thăm dò thị trường. Thời gian sau, anh quyết định "cắm mốc" chính thức ở đây để lập nghiệp. Đó là năm 2002. Thời gian đầu mới tới, chưa thạo mảnh đất "lắm người nhiều ma" này, nên anh phải lặn lội đến từng thôn bản để kiếm mối làm ăn.

Vũ bảo, để lấy lòng người Dao rất khó. Mặc cho sản phẩm mình có chất lượng gấp mấy lần ngoài thị trường nhưng họ nhất định không mua. Nhớ có lần được giới thiệu trước, Vũ vào một gia đình có con gái đang chuẩn bị cưới hỏi. Họ đang rất cần đánh vòng bạc. Nhưng khi tìm đến thì họ tỏ ra nghi vấn, thuyết phục như thế nào họ cũng không đồng ý. Sau đó Vũ tìm đến trưởng bản "chém gió" một hồi với vị này. Và chỉ cần một lời của "thủ lĩnh" là mọi việc đều xong xuôi.

Anh Vũ còn cho biết thêm, đối với người Dao, cứ thầy cúng, trưởng bản nói là họ tin. Nắm được điểm yếu của họ nên anh chỉ cần tạo được lòng tin với hai người này là thành công 90%. "Khi nói chuyện với hai người này, họ rất bảo thủ. Chính vì vậy, chỉ giới thiệu hàng của mình sẽ không ổn mà còn phải biết "chém gió" chuyện trên trời dưới đất. Làm sao cho họ "ưng cái bụng" là mọi việc sẽ suôn sẻ", "vua bạc" tâm sự.

langnghe t7.jpg

Bạc là món trang sức không thể thiếu của người Dao đỏ.

Vào rừng săn thú để tiếp tục theo nghề chạm bạc

Theo tích xưa kể lại, cái nghề truyền thống làng nghề Đồng Xâm xuất phát từ Trung Quốc. Sau khi nhà Thanh đánh nhà Minh, có ba anh em ở trong cung nhà Minh chạy sang đất Việt và tạo dựng cơ đồ ở ba nơi khác nhau. Trong số đó có ông tổ nghề chạm trổ, khắc bạc sang Tổng Đồng Xâm, nay là xã Hồng Thái lập nghiệp. Nghề bạc ở Thái Bình có từ đó.

Tính đến nay, làng nghề Đồng Xâm đã hình thành được khoảng 300 năm. Gia đình lâu đời nhất đã có khoảng 15 đời truyền nối nghề. Trước thời kỳ "Hợp tác xã", làng kiên quyết không truyền nghề cho người ngoài, trong đó có cả con gái và con rể. Và Vũ cũng nằm trong diện đó, vì anh ở làng Thượng Gia. Sau hợp tác xã, làng nghề chuyển sang làm hàng xuất khẩu nên mở rộng ra toàn xã. Lúc ấy, những người như Vũ mới được tiếp cận nghề. Dù mới vào nghề nhưng Vũ đã bộc lộ rõ năng khiếu của một "thợ bạc" bẩm sinh. Những sản phẩm của Vũ làm ra không thua kém ai về chất lượng.

"Vua bạc" miền sơn cước cho biết, sau năm 1997, nghề bạc ở Đồng Xâm bị chững lại do ảnh hưởng của sự khủng hoảng kinh tế. Không chịu cảnh thất nghiệp, ngày đêm chơi dài, anh Vũ cùng với hàng trăm thanh niên làng Thượng Gia dồn tất cả gia tài có được mua một bộ đồ chế tác bạc. Rồi họ cùng đám thợ bạc Đồng Xâm lang thang đến huyện Văn Yên tỉnh Yên Bái đi chế tác bạc thuê.

Anh Vũ kể: "Tôi cứ lang thang hết từ bản này đến bản khác. Hễ gia đình nào cần đánh trắng bạc, hay chế tác lại vòng bạc là tôi ở lại làm. Hồi đó, bà con nơi đây cũng có dụng cụ làm bạc nhưng họ làm theo cách thủ công, thô sơ. Họ chủ yếu chỉ dùng bếp than, dùng búa nên độ tinh xảo trong sản phẩm của bà con không đẹp bằng người Kinh làm".

Những ngày không có việc, không kiếm được tiền, do đói ăn, anh Vũ phải và một số đàn ông vào rừng săn bắt thú, vặt các loại rau nấu lên để ăn. Nhiều khi đi săn, cả mấy người bị lợn rừng đuổi chạy về tận bản làng. Tuy nhiên, họ rỉ tai nhau tuyệt đối không ăn trộm đồ đạc, thức ăn của bà con dân tộc.

Hàng ngày anh Vũ đi đến từng thôn, từng nhà để thuyết phục người dân tộc bán lại trang sức bằng bạc cho mình. Theo anh Vũ, hàm lượng bạc trong đồ trang sức của bà con dân tộc không bằng người Kinh. Thông thường, bạc của họ chỉ đạt được 60% còn lại là đồng và kim loại khác. Khi bà con thấy mình làm bạc rất đẹp, tinh xảo nên thích lắm. Mỗi lần làm bạc, anh Vũ phải ở lại nhà dân khoảng 2 - 3 ngày. Mỗi ngày được họ nuôi cơm và trả thêm 25.000 đồng. 

"Số tiền này ngày đó vẫn còn giá trị lắm. Nếu đem so với hiện nay thì tương đương với 200.000 đồng", anh Vũ vui vẻ nói. Sau khi có tiền, anh Vũ chỉ giắt lưng một ít tiếp tục đến các bản sâu hơn để làm bạc. Số tiền còn lại anh gửi về cho vợ để mua gà vịt chăn nuôi. Nhiều khi, anh Vũ đi cả tháng trời không liên lạc về nhà khiến vợ anh phải lặn lội vào tận các bản làng để tìm.

Cuối cùng, sự cố gắng của đôi vợ chồng trẻ được đền đáp. Sau một thời gian mua buôn bán lãi, tích cóp được một khoản kha khá, cộng với số vay mượn anh em, anh Vũ quyết định mở cửa hàng chế tác và sửa chữa bạc. Do đã có uy tín nên anh được bà con người dân tộc tin tưởng, đến tận nhà nhờ chế tác bạc.

Anh Vũ chia sẻ: "Ngần ấy năm bươn chải, đã có lúc tôi tưởng chừng gục ngã vì kiệt sức. Nhưng hai vợ chồng tự an ủi nhau mà cố gắng, vì lòng yêu nghề và vì trách nhiệm giữ nghề của tổ tiên. Tôi tự thấy rằng, nghề đã không phụ mình".

Bạc đã cho "vua"… một nửa cuộc đời

Hồi còn trẻ, anh Vũ nổi tiếng là phong trần. Đặc biệt, với cái tài khéo léo và nhanh nhẹn, anh được mọi người quý mến. Sau này, anh Vũ kết hôn với một người con gái hiền lành, xinh xắn làm cùng ở xưởng chế tác bạc. Chính cái nghề này đã đem lại cho anh một nửa cuộc đời.

Theo người đưa tin

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

27
Đang xem:
72.472.493
Tổng truy cập: