NGHỆ NHÂN -NĂNG KHIẾU - NGƯỜI CÓ CÔNG
Công dân ưu tú Thủ đô Hà Thị Vinh: Người mê hồn đất
(Ngày đăng: 20/10/2012   Lượt xem: 719)

Nói về sự kiện được vinh danh công dân ưu tú của Thủ đô, bà Vinh xúc động chia sẻ: “Tôi có cảm giác như đang trong một giấc mơ. Đây là sự tin yêu của lãnh đạo, nhân dân thành phố. Tôi thấy mình phải cố gắng hơn nữa để sống tốt hơn trên mọi lĩnh vực, gia đình và doanh nghiệp, để xứng đáng với danh hiệu cao quý”...

Người phụ nữ ấy mê đất. Bà sinh ra đã gắn bó với những cục đất tưởng như vô tri. Thấy cha ông thổi hồn vào đất, biến nó thành những vật dụng hàng ngày, rồi thành những tác phẩm nghệ thuật, bà lặng lẽ dõi theo. Niềm say mê với đất cứ ngấm dần vào trong con người bà. Bà cũng không ngờ rằng, chính mình lại là người nối tiếp truyền thống của thế hệ trước, giữ lửa cho làng nghề. Những cống hiến của bà đã được ghi nhận và vinh danh công dân ưu tú Thủ đô 2012. Bà là Hà Thị Vinh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh ở xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội.

Thế hệ xuất sắc thứ 15 

Bà Hà Thị Vinh sinh ra bên dòng sông Hồng cuộn chảy, nơi có truyền thống lâu đời làm nghề gốm sứ. Bà bảo, được sinh ra ở đây đã là một cái duyên. Chẳng vậy mà từ chính cái nôi gốm sứ ấy, bà đã tạo dựng được cho mình một doanh nghiệp phát triển bền vững. Dòng họ của bà là một trong 19 dòng họ gốc hiện đang sinh sống tại Bát Tràng. Bà là thế hệ thứ 15 của một gia đình có nghề gốm gia truyền lâu đời.

Khởi nghiệp, bà làm việc cho một công ty quốc doanh trước khi lập công ty riêng cho mình. Tiền thân của Quang Vinh là tổ hợp gốm sứ mỹ nghệ xuất khẩu Mỹ Hạnh được ra đời năm 1989 – 1994. Khi cơ chế chính sách có nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp, Mỹ Hạnh quyết định giải tán để cho ra đời Công ty TNHH gốm sứ Quang Vinh. Từ một tổ hợp với 6 thành viên ban đầu, đến nay Quang Vinh đã có 2 nhà máy sản xuất với 400 lao động, trong đó 85% là lao động nữ, tổng vốn đầu tư trên 30 tỉ đồng với diện tích 35.000m2 mặt bằng.

Trước đây, Bát Tràng bị đánh giá là một trong những điểm ô nhiễm nặng của thành phố về khói bụi, khí thải độc hại do lò nung gốm thải ra. Bình quân mỗi ngày cả xã đốt hết khoảng 200 – 300 tấn than cám. Bên cạnh đó, nung đốt bằng than và củi một cách thủ công như vậy đã cho ra các sản phẩm chất lượng không cao do nhiệt độ không đồng đều, sản phẩm bám nhiều bụi bẩn bởi môi trường nung kém. Vì vậy, đầu những năm 2000, thị trường xuất khẩu bị mất dần, các doanh nghiệp Bát Tràng nói chung và Quang Vinh nói riêng đối mặt với tình thế hết sức khó khăn. Ban Giám đốc Quang Vinh đưa ra nhiều giải pháp để phát triển thị trường, trong đó có một giải pháp quan trọng là thay thế công nghệ và thiết bị lò nung, từ lò than củi sang đốt bằng công nghệ cao với nhiên liệu sạch là khí gas hóa lỏng. Và, lò nung gas công nghệ cao đầu tiên được Quang Vinh nhập về từ Đài Loan để phục vụ cho sản xuất.

Bà Vinh cũng đã khuyến khích các nhà sản xuất gốm sứ và các xưởng cơ khí tại vùng làng nghề Bát Tràng đến tham khảo học tập và nghiên cứu chế tạo công nghệ lò nung gas nhập khẩu này. Chỉ sau 6 tháng, hàng trăm lò gas nhỏ tại đây được lắp ráp và đưa vào sản xuất thành công, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tạo bước ngoặt mới cho công nghệ sản xuất và chất lượng sản phẩm gốm sứ Bát Tràng.

Từ bước đột phá trong công nghệ, bà Vinh cùng các thành viên công ty luôn tìm tòi, sáng tạo và học hỏi công nghệ mới. Năm 2002, hệ thống lò gas con thoi mới áp dụng theo công nghệ Đức được bà đưa vào sản xuất. Từ một lò gas 4m3 đến nay Quang Vinh đã có 5 lò gas 22m3 và 1 lò gas 6m3, đáp ứng cho gần 400 công nhân có công việc ổn định và làm việc trong môi trường sạch.

langnghe -bavinh.jpg
Bà Hà Thị Vinh (ngoài cùng bên phải) cùng khách hàng nước ngoài trong hội chợ giới thiệu sản phẩm gốm sứ Bát Tràng.

Là người năng động, quyết đoán, dám nghĩ dám làm, với chiến lược hướng đến xuất khẩu hàng gốm sứ mỹ nghệ nên bà Vinh đã tham gia nhiều hội chợ quốc tế tại nước ngoài để tham khảo, thiết kế thị trường, học hỏi kinh nghiệm sản xuất kinh doanh như ở Mỹ, Nhật, Đức, Ý, Úc, Đan Mạch, Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc… Ngoài ra, bà còn hợp tác, ký hợp đồng thuê họa sỹ, chuyên gia nước ngoài giúp công ty thiết kế kiểu dáng mẫu mã sản phẩm để luôn đáp ứng nhu cầu của nhiều thị trường quốc tế.

Bà cũng tạo mọi điều kiện thuận lợi cho cán bộ công nhân viên tham gia các khóa học nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp trong nước cũng như khảo sát ở nước ngoài. Bởi vậy, sản phẩm của Quang Vinh hiện đã lan rộng khắp các châu lục, hấp dẫn được khách hàng lớn và khó tính của thị trường Mỹ, Nhật, châu Âu… Nhà máy Gốm sứ Quang Vinh tại Quảng Ninh vừa là điểm đến cho khách du lịch với khu trưng bày sản phẩm mỹ nghệ và làng nghề khác của Hà Nội, vừa là trung tâm xúc tiến việc làm cho các làng nghề của Hà Nội tìm khách hàng nhập khẩu.

Truyền lại đam mê

Tới thăm gian trưng bày sản phẩm của Quang Vinh, tôi thật sự ngưỡng mộ trước những sản phẩm gốm sứ độc đáo, tinh xảo. Từ những bình hoa, chậu cảnh cho tới bình gốm, vật dụng sử dụng hàng ngày và trang trí trong nhà… đều sống động. Bà Vinh tâm sự: “Tôi rất mừng vì đã chuyển giao được nghề cho thế hệ sau. May mắn và hạnh phúc cho tôi khi có 3 đứa con đều theo định hướng của mẹ”. Người con trai cả của bà hiện đang là Giám đốc điều hành Công ty Gốm sứ mỹ nghệ xuất khẩu Minh Long tại Bát Tràng. Cô con gái thứ 2 đã tốt nghiệp cao học quản lý quốc tế tại Anh và đang tham gia điều hành công ty với chức vụ Phó Giám đốc kinh doanh.

Bà cũng định hướng cho cậu con trai út sang Trường Đại học gốm sứ Trung Hoa tại Giang Tây, Trung Quốc. Trở về, anh phụ trách kỹ thuật của công ty. Đây chính là cơ sở để giúp doanh nghiệp phát triển bền vững trên nền tảng truyền thống gia đình. Bà nhắc các con: “Sinh ra trong làng nghề là đã có duyên, phải tâm huyết và sống chết với nghề. Gốm sứ là sản phẩm có tâm hồn, biết nói. Người làm nghề phải biết thổi hồn vào đất, gửi được hồn mình vào từng sản phẩm thì mới thành công”. Bà đã truyền lửa, truyền đam mê cho chính những đứa con của mình, kế tục sự nghiệp của cha ông, phát huy thế mạnh làng nghề truyền thống trong xã hội hiện đại.

Ngoài trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp, bà Vinh còn làm Phó Chủ tịch Hiệp hội Nữ doanh nhân TP Hà Nội, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nữ vừa và nhỏ TP Hà Nội, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội làng nghề Việt Nam… Nhìn bảng thành tích cá nhân của bà Hà Thị Vinh, có lẽ nhiều người phải ngưỡng mộ. Chỉ có thể kể ra một vài danh hiệu mà bà đã được ghi nhận trong thời gian cùng doanh nghiệp cống hiến cho Thủ đô và làng nghề truyền thống: Một trong 3 phụ nữ tiêu biểu đạt giải thưởng Phụ nữ Việt Nam năm 2003, Giải thưởng quả cầu vàng 2006, Giải thưởng ngôi sao Việt Nam 2006, Danh hiệu Bông hồng vàng Thủ đô 2008…

Nói về sự kiện được vinh danh công dân ưu tú của Thủ đô, bà Vinh xúc động chia sẻ: “Tôi có cảm giác như đang trong một giấc mơ. Đây là sự tin yêu của lãnh đạo, nhân dân thành phố. Tôi thấy mình phải cố gắng hơn nữa để sống tốt hơn trên mọi lĩnh vực, gia đình và doanh nghiệp, để xứng đáng với danh hiệu cao quý”

Theo CAND

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

17
Đang xem:
72.469.712
Tổng truy cập: