NGHỆ NHÂN -NĂNG KHIẾU - NGƯỜI CÓ CÔNG
(48)-Báu vật nhân văn sống của người M’nông
(Ngày đăng: 16/05/2020   Lượt xem: 270)

Nghệ nhân ưu tú Y El, bon Bu Kol, phường Nghĩa Tân, thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông đã bước qua tuổi 90, có hai phần ba cuộc đời gắn bó với việc gìn giữ, bảo tồn vốn âm nhạc truyền thống quý báu của người M'nông.

Nghệ nhân Y El chế tác nhạc cụ.

Từ những di sản văn hóa vô giá

Như các cộng đồng bản địa khác ở Tây Nguyên, trong quá trình sinh sống của mình, người M’nông đã sáng tạo một hệ thống âm nhạc truyền thống phong phú với nhiều loại nhạc cụ độc đáo mang đậm dấu ấn địa - lịch sử của vùng đất, con người đại ngàn. Những âm thanh, giai điệu của nó đều mô phỏng âm thanh của tự nhiên, cuộc sống, phản ánh tâm tư, tình cảm chủ thể với khát vọng bình dị về cuộc sống bình an, sung túc. Nó cũng phản ánh những quan niệm của chủ thể văn hóa đối với thần linh, với gia đình, dòng họ, cộng đồng, giúp con người giải tỏa những lo toan, vất vả của cuộc sống, làm an lòng cộng đồng, bon làng. Trong hệ thống nhạc cụ truyền thống của người M’nông, phong phú, đa dạng và chiếm số lượng lớn là các nhạc cụ thuộc bộ gõ mà chiêng là “linh hồn”, chiêng là nhạc cụ thiêng, là “linh hồn” của dân tộc.

Hệ thống nhạc cụ truyền thống của người M’nông có mặt trong hầu hết các hoạt động, sinh hoạt văn hóa tinh thần cũng như đời sống thường nhật của đồng bào. Vì vậy, từ khi sinh ra, trưởng thành đến khi chết, mỗi người con M’nông đều sống trong những âm thanh, giai điệu của nhạc cụ truyền thống.

Với ông Y El, suốt cuộc đời gắn bó với vùng đất quê hương Đắk Nông, âm nhạc truyền thống đã gắn bó với ông cả chiều dài tuổi tác đến gần 1 thế kỷ. Trong bon, ông cũng là người am hiểu và nắm vững các lễ nghi, lễ hội cũng như những phong tục tập quán của người M’nông.

Trong những lễ hội của bon, các sinh hoạt đời sống, những giai điệu dân ca, nhạc điệu của goong lú (chiêng đá); kèn rlét, m’buốt, drơn, mló, goong rêng, tù và, nhất là cồng chiêng đồng đã ăn sâu vào tâm khảm của nghệ nhân Y El. Yêu thích âm nhạc từ nhỏ, lại có năng khiếu bẩm sinh, cậu bé Y El đã được ông bà và bố mẹ truyền dạy cách diễn tấu các nhạc cụ truyền thống. Tình yêu này đã dần lớn lên theo năm tháng, trở thành niềm đam mê gắn bó suốt cuộc đời của nghệ nhân. Vì vậy, ông đã không ngừng nghỉ tìm tòi, học hỏi những già làng, nghệ nhân giỏi trong cộng đồng. Với nghệ nhân, diễn tấu nhạc cụ là để chia sẻ, “chuyện trò” với bà con trong bon và trao gửi nhưng khát vọng đẹp đẽ của cộng đồng tới thần linh.

Sự tài hoa và tấm lòng của một người con M’nông

Nghệ nhân Y El là một người tài hoa. Để có những nhạc cụ tốt, âm thanh chuẩn, không chỉ có đôi bàn tay khéo để chế tác mà phải có hiểu biết sâu về âm nhạc truyền thống, khả năng thẩm âm tốt để điều chỉnh âm thanh đúng chuẩn của loại nhạc cụ. Nghệ nhân Y El hội tụ đầy đủ những nét tài hoa này.

Nghệ nhân Y El diễn tấu công chiêng (người diễn tấu đi đầu) tại lễ hội

Bắt đầu từ những buổi lên nương rẫy, ông quan sát và tranh thủ tìm kiếm những vật liệu có sẵn là các loại tre nứa của núi rừng rồi tranh thủ những lúc rảnh rỗi mày mò tự chế tác các loại nhạc cụ truyền thống yêu thích để sử dụng. Đặc biệt, ông còn nghiên cứu để cải tiến, tăng hiệu quả của âm thanh cũng như sự bền chắc của các nhạc cụ truyền thống. Sau nhiều lần, nhiều năm, với sự tỉ mẩn, kiên nhẫn và niềm đam mê của mình, ông đã chế tác và sử dụng thuần thục hầu hết nhạc cụ truyền thống tiêu biểu của dân tộc mình.

Không chỉ diễn tấu thành thục các nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình, nghệ nhân còn thuộc rất nhiều bài chiêng cổ và khả năng chế tác nhạc cụ cũng như chỉnh chiêng giỏi nhất bon. Chỉ nghe tiếng chiêng tấu lên, ông biết đâu là bộ chiêng có âm thanh chuẩn, đâu là bộ chiêng bị lạc âm. Đôi tay khéo léo của ông đã chỉnh âm cho nhiều bộ cồng chiêng trong vùng.

Ông được thường xuyên mời tham gia diễn và giới thiệu việc chế tác nhạc cụ tại các hoạt động văn hóa - xã hội, nhận được nhiều giấy khen của các cấp chính quyền trong và ngoài tỉnh. Một cách tự nhiên, Y El đã trở thành nghệ nhân tiêu biểu không những của bon mà là của tỉnh Đắk Nông.

Ông trăn trở: “Tôi nghĩ mình phải làm gì để gìn giữ vốn quý của người M’nông vì lớp trẻ không còn tha thiết với vốn quý này. Cứ chỉ dạy cho các bạn trẻ nào yêu thích chế tác, sử dụng nhạc cụ truyền thống và khuyến khích, động viên để các bạn hiểu giá trị của nó. Không còn những giá trị văn hóa này, người M’nông không còn là người M’nông nữa, đau lắm”.

Vì vậy, ông tích cực tham gia các lễ hội và truyền dạy cách chế tác cũng như diễn tấu các loại nhạc cụ cho thế hệ trẻ trong bon và các lớp do phòng văn hóa thị xã tổ chức. Đã có khoảng 30 học viên được ông truyền dạy diễn tấu cồng chiêng cũng như chế tác và diễn tấu nhiều nhạc cụ truyền thống. Với sự tài hoa, công sức to lớn của mình, ông được mệnh danh là người giữ lửa, giữ hồn văn hóa dân, báu vật nhân văn sống của dân tộc M’nông.

Nghệ nhân Y El đạt được những giải thưởng như: Giải khuyến khích trong Liên hoan dân ca Việt Nam - khu vực Tây Nguyên; Nhiều Bằng khen của UBND tỉnh Đắk Nông và thị xã Gia Nghĩa vì có thành tích xuất sắc trong công tác bảo tồn di sản văn hóa của người M’nông; Giải Nhì chế tác nhạc cụ dân tộc trong Lễ hội sum họp cộng đồng các dân tộc tỉnh. Với những đóng góp của mình, nghệ nhân Y El được Chủ tịch nước tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”. 

                                                               Theo: langvietonline.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 số nhà 5 ngách 82/3 Phố Yên Lãng - Quận Đống Đa - TP Hà Nội

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 034.8560486  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

39
Đang xem:
77.040.612
Tổng truy cập: