NGHỆ NHÂN -NĂNG KHIẾU - NGƯỜI CÓ CÔNG
Nhà thiết kế Minh Hạnh: 'Thiếu văn hóa là thiếu tất cả'
(Ngày đăng: 04/05/2020   Lượt xem: 428)

Trong câu chuyện riêng chung của chúng tôi, nhà thiết kế Minh Hạnh luôn nhìn mọi việc lớn nhỏ dưới góc độ văn hóa. Bao năm rồi vẫn thế. Cho nên cuộc trò chuyện tháng Tư này dù về thời trang hay đại dịch ám ảnh toàn cầu, cũng vậy, le lói ánh nhìn văn hóa. Kể cả chuyện vì sao người này không chọn phương trời khác ngoài Việt Nam để sống còn, từ sau dấu mốc 30/4/1975 lịch sử.


Minh Hạnh cùng các người mẫu Việt và Nga trong trong sô diễn tại Bảo tàng Phương Đông, Mátxcơva, nước Nga  6/2019

Minh Hạnh cùng các người mẫu Việt và Nga trong trong sô diễn tại Bảo tàng Phương Đông, Mátxcơva, nước Nga 6/2019
 

SỰ CHIẾM DỤNG VĂN HÓA “ÊM ÐỀM”

“Chiến dịch Áo Dài” vì mục tiêu lớn của chị, thế là hoãn vô thời hạn vì dịch dã? Được biết chiến dịch này chính là bước khởi sự tôn vinh Áo Dài - di sản văn hóa độc đáo, để đi đến các thủ tục pháp lý: Đề xuất sở hữu trí tuệ cho Áo Dài Việt Nam, đề nghị công nhận Áo Dài là Di sản Văn hóa Quốc gia, đương nhiên cũng là Quốc phục Việt Nam, vân vân, để cuối cùng tiến tới hoàn thiện hồ sơ đề nghị UNSECO công nhận Áo Dài là Di sản Văn hóa Phi vật thể của Nhân loại?

Chủ nhân chiến dịch này là Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (Hội LHPNVN). Một chiến dịch mang ý nghĩa lớn hơn cho vị thế Áo Dài, khẳng định giá trị truyền thống bằng những cơ sở mang tính khoa học. Tôi chỉ là một trong nhiều thành viên cùng thực hiện để ý tưởng này thành hiện thực.  

Với tôi chiến dịch này không thể không tiến hành bởi thời đại này là thời đại mà sở hữu trí tuệ phải được xem trọng, ta phải xác định rành rẽ địa vị chủ nhân và nguồn gốc của Áo Dài. Việc xác định này không đơn giản như ta vẫn nghĩ, rằng Áo Dài đương nhiên của chúng ta rồi!

Chúng ta yêu quý và trân trọng Áo Dài đến mức ai đó cư xử thất thố với nó thì ta thấy tổn thương ngay, như cô ca sĩ người Mỹ nọ mặc áo dài không quần đó. Nhưng tình yêu này lâu nay vẫn hơi cảm tính. Cần tỉnh táo hơn.

Áo Dài - đó là tình cảm thiêng liêng, là câu chuyện sát sườn của chúng ta, cho nên không thể khác, vị thế của Áo Dài cần được khẳng định càng sớm càng tốt bằng tính pháp lý.

Chiến dịch có tên đầy đủ là “Áo Dài - Di sản Văn hoá Việt Nam” ngay  ngày đầu phát động (cuối tháng 1/2020) đã được nhiều tỉnh thành hưởng ứng. Lẽ ra thực hiện trong 6 tháng tính từ tháng Ba tại 6 tỉnh thành nhưng rồi bị hoãn vì có dịch.

Trước Tết tôi và chị Bùi Hòa - Phó Chủ tịch Hội LHPNVN đã đi khảo sát các tỉnh, nơi đâu các anh chị cũng rất phấn khích, đưa những ý tưởng và giải pháp hợp lý trong điều kiện tối thiểu để có thể thực hiện chiến dịch này bằng nguồn lực của Hội LHPN tỉnh. 

Đang có dịch nhưng chiến dịch vẫn được chuẩn bị chu đáo hơn nữa vì nhiều thời gian hơn, và quan trọng là tình yêu Áo Dài chưa bao giờ tắt trong mỗi trái tim Việt. 

“Nước Nhật được cả thế giới tôn trọng đâu phải vì họ giàu tiền giàu bạc nhất, mà là vì họ giàu bản sắc, vô cùng trân trọng nó, bỏ công giữ gìn. Nhiều nhà thiết kế Nhật Bản lừng danh thế giới như Kenzo, Yohji Yamamoto, Rei Kawakubo…thành công khi luôn thể hiện tinh thần Nhật Bản trong những khuynh hướng thời đại. Tôi không thể sống nơi đâu ngoài Việt Nam cũng vì thế. Quê hương là cội rễ để mình vừa bộc lộ được bản sắc văn hóa Việt đồng thời vẫn tiến kịp thời đại”.


MINH HẠNH

Minh Hạnh luôn viết hoa chữ Áo Dài làm tôi đành viết theo (cũng như Phở từ lâu được định vị trong từ điển song ngữ với chữ Phở viết hoa, và đủ dấu má ). Còn “Chiến dịch Áo Dài” khởi phát có lẽ từ lùm xùm “Áo dài thiết kế theo phong cách Trung Quốc” năm ngoái? Trong khi chị nhận định vụ này thực chất là xâm thực, chiếm dụng văn hóa, thì có những ý kiến khác nói ta quá lo xa, lo bò trắng răng, rằng Trung Quốc nếu có ý khuất tất thì họ sẽ bài bản hơn chứ không “thô” đến thế?

Tôi không muốn giải thích thêm vì sao cần bảo vệ chiếc Áo Dài bằng tính pháp lý. Bởi Áo Dài chính là niềm tự hào dân tộc, là sự kiêu hãnh của một vẻ đẹp mang tính chân lý.

Chiếm dụng sông núi biển hồ đất đai nếu có sẽ diễn ra bằng những xung đột, có thể là chiến tranh phải trả giá bằng xương máu, còn chiếm dụng văn hóa rất êm đềm! Bỗng dưng một ngày nào đó niềm tự hào dân tộc bị tổn thương trầm trọng, do mình không đủ lực và không biết cách bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống. Mình bị mất lúc nào không biết!

Cho đến thời điểm này, mọi người vẫn yêu và coi như Áo Dài là Di sản Văn hóa Việt Nam trong khi chưa hề có bất kỳ văn bản nào xác nhận. Nhiều bạn trẻ là nhà thiết kế khi tham gia “Chiến dịch Áo Dài 2020” ngây thơ bảo tôi: “Con nghĩ Áo Dài đương nhiên là Di sản Văn hóa của Việt Nam rồi chứ”. Vậy đó, nhiều khi yêu quá người ta quên mất một “tờ giấy” mang tính pháp lý để sau này khi lịch sử tiếp bước và xảy ra những xung động bất ngờ thì không thể tìm đâu ra nguồn gốc Áo Dài?

KHÔNG THỂ SỐNG Ở ÐÂU KHÁC NGOÀI QUÊ HƯƠNG

45 năm đã trôi qua, bao nhiêu nước chảy qua cầu rồi mà vết thương chiến tranh vẫn chưa lành sẹo. Nỗi buồn chiến tranh còn đó, sâu thẳm. Tôi luôn cho rằng Minh Hạnh là đại biểu, một trong nhưng gương mặt thành công nhất của “miền trong” từ khi đất nước thống nhất đến giờ. Điều đó vừa do nỗ lực tự thân, và chị cũng có phần được ưu ái? Tôi cũng từng tự hỏi sao Minh Hạnh vốn sống trong nhung lụa từ trước 1975 lại không chọn ra đi như hầu hết thành viên trong gia đình. Tuy nhiên ngày càng hiểu lý do. Cũng như Trịnh Công Sơn nếu là một nhạc sĩ hải ngoại thì chắc gì bất tử như chúng ta thấy?

Tôi không nghĩ mình thành công, chỉ là người muốn khám phá tận cùng: vì sao thời trang lại quan trọng thế, mê hoặc thế giới đến thế. Và trong hành trình này, tôi nghiệm thấy một giá trị lớn bất biến từ văn hóa truyền thống. Đó là một kho tàng bất tận để khám phá và bước tiếp với nhiều điều mới lạ và nhiều năng lượng tích cực. Bao lâu nay tôi không đủ thời gian để ngủ nên cũng không có thời gian để buồn, luôn khám phá và tìm giải pháp.

Cũng từng có người hỏi tôi sao không chọn một cường quốc thời trang để sinh sống. Quan điểm, mục tiêu của tôi là: Phải làm gì, làm thế nào để có thể khám phá hết tinh hoa văn hóa dân tộc thông qua ngôn ngữ thời trang. Minh Hạnh là ai? Tôi sẽ chẳng có giá trị gì khi những sáng tạo của mình giống Tây một chút, giống Mỹ một chút… Ngay cả khi có đủ kinh nghiệm và phương tiện để Tây hóa thì chắc chắn rằng: tôi chỉ là Tây “giả cầy”, bởi quý giá nhất của một nhà thiết kế là làm sao bộc lộ rõ nét bản sắc của mình song song với việc hòa vào dòng chảy và nhịp sống thời đại. Mọi người trên thế giới sẽ tôn trọng và ngưỡng mộ bạn cao nhất nếu bạn đạt được điều đó.

CON NGƯỜI MAU QUÊN NHƯNG LẦN NÀY SẼ NHỚ

Về đại dịch đang ám ảnh thế giới. Nhiều người nói Virus Corona sẽ thay đổi thế giới này mãi mãi. Như Li Edelkoort, chuyên gia dự đoán xu hướng, thuộc nhóm có tầm ảnh hưởng nhất thế giới hiện nay, nhận định: “Virus Corona tặng chúng ta trang giấy trắng cho một khởi đầu mới”. Và: “Bỗng nhiên các sô thời trang trông thật kỳ quặc và xa lạ, các quảng cáo du lịch lọt vào máy tính của chúng ta thật xâm phạm và lố bịch, suy nghĩ về những dự án mới thật mờ mịt và lơ lửng: liệu chúng có thực sự quan trọng không? Mỗi ngày mới chúng ta lại nghi ngờ một hệ thống mà ta biết từ thuở bé, và  ta buộc phải cân nhắc khả năng cáo chung của chúng”.

Chị có đồng tình rằng đại dịch lần này sẽ thay đổi thế giới của chúng ta mãi mãi? Bản chất của con người là mau quên cơ mà. Và chị thấy ý kiến của bà ấy liên quan đến thời trang thế nào?

COVID- 19 đến không ai ngờ và cho đến nay cuộc sống trên hành tinh này vẫn tiếp diễn bằng những nỗ lực đáng khâm phục.

Việt Nam được ghi nhận là điểm sáng trong trận chiến này bởi ta chọn thái độ, cách hành xử đúng với văn hóa truyền thống của mình: Kiên trì nhẫn nại, đoàn kết, tương trợ, sẻ chia...

Sẽ rất khó khăn, rất phức tạp khi đại dịch đi qua nhưng tôi tin dù phải bắt đầu một trang mới thì chúng ta vẫn bình an với văn hóa nền mà ta có. 

Thời trang, đi ra từ đại dịch này, sẽ phát triển tốt hơn khi ta chọn quay về thiên nhiên, với những chất liệu bảo vệ môi trường. Dân làm thời trang đích thực sẽ hiểu hơn nữa những giá trị văn hóa từ những sản phẩm tiêu dùng Việt Nam bằng chất liệu truyền thống thân thiện môi trường như tơ lụa chẳng hạn. Những con nghiện hàng hiệu chỉ biết xài xể thời trang một cách phô trương lố bịch nay có cơ hội nhìn lại giá trị Việt.

Chỉ những người nhìn nhận văn hóa là sự mở rộng của tâm trí và tinh thần thì mới hiểu được giá trị của bản sắc, của sự khởi đầu sau mất mát đau thương.

 

Con người mau quên thật, nhưng tôi nghĩ lần này họ sẽ nhớ. Nhớ theo cách thế nào mới là vấn đề.

Rõ ràng điều tích cực của đại dịch này là sự thức tỉnh. Ít ra nó khiến xích lại gần nhau khi mà những con người ở xa nhau trên thế giới bỗng liên quan, phụ thuộc, chi phối tính mạng và cuộc sống, tương lai của nhau. Ta không thể chỉ biết mình được nữa.

Thế giới tưởng chừng quá lớn mà thật ra quá nhỏ. Con COVID- 19 vô hình có thể ngay tức khắc bay từ châu lục này qua châu lục khác trong nháy mắt. Như vậy, còn cách nào khác là bảo vệ cho nhau. Chưa khi nào trách nhiệm xã hội của mỗi công dân lại được đặt ra cụ thể đến thế, trên toàn cầu chứ không riêng xứ sở nào.

Chuyên gia Li Edelkoort trên kia nhận định không sai. Tôi có đọc một số bài của bà ấy qua báo tiếng Anh. Nhưng tôi vẫn muốn nhìn nhận vấn đề lạc quan hơn một chút. Bởi từ đại dịch này, bỗng nhiên cuộc sống được dừng lại, chậm lại - có thể rất đúng lúc đấy - để ta biết sống trong chờ đợi và hy vọng, và suy ngẫm những sáng tạo mới cho tương lai.

Nhà thiết kế Minh Hạnh: 'Thiếu văn hóa là thiếu tất cả' - ảnh 1
Tại hội thảo “Toàn cầu hóa văn hóa” ở Fukuoka, Nhật Bản 9/2019
Nói về toàn cầu hóa. Năm qua chị đi rất nhiều nước, để tiếp mạch quảng bá thời trang Việt Nam. Đặc biệt là tham dự hội thảo “Toàn cầu hóa văn hóa” ở thành phố Fukuoka - Nhật Bản với tư cách chủ nhân Giải thưởng Fukuoka?

Thế giới hiện nay, người ta nói nhiều đến toàn cầu hóa và chủ yếu là về khía cạnh kinh tế. Tuy nhiên, con người ngày càng nhận ra một trào lưu toàn cầu hóa khác, quyết liệt và sâu sắc hơn, đó là toàn cầu hóa văn hóa. Bởi văn hóa mang thông điệp của sự chung sống, với những khát vọng vươn xa, mưu cầu hạnh phúc và chinh phục thử thách. Tiến trình này như một quá trình tự nhiên, không lệ thuộc bất kỳ ai, là một quy luật tất yếu theo xu hướng chung của nhân loại. Văn hóa có sứ mệnh lan truyền các tiêu chuẩn toàn cầu mới trong cuộc sống của con người.

Việt Nam ta cũng không thể bỏ lỡ cơ hội của mình. Ta có quyền đón nhận cái mới và tận hưởng nó trong giá trị cội nguồn của mình.

Cảm ơn chị.

VĂN HOÁ CỨU RỖI THẾ GIỚI

Trong các cuộc trò chuyện dù riêng tư hay vấn đề chung của đất nước và con người, thấy chị luôn soi chiếu mọi việc dưới góc độ văn hóa…

Với tôi, thời trang chính là văn hóa, và rộng hơn, như tôi từng đồng tình với bạn: “Thiếu văn hóa nghĩa là thiếu tất cả”. Một đất nước giàu có là một đất nước phát triển trên nền tảng của bản sắc văn hóa. Dostoievsky nói: "Cái đẹp sẽ cứu thế giới" còn tôi thích nói: “Văn hóa cứu rỗi thế giới”.

Văn hóa cứu rỗi thế giới, câu này không mới nhưng tôi đã tâm đắc mà phát biểu như vậy trước Hoàng tử Nhật Bản tại buổi lễ nhận Giải thưởng Fukuoka 5 năm trước.

Tôi cũng thích câu của Henry Ward Beecher kiểu như: “Văn hóa đích thực giúp chúng ta làm việc vì lợi ích xã hội cho tất cả mọi người”. Và Albert Camus: “Không có văn hóa  và sự tự do tương đối thì xã hội ngay cả khi hoàn hảo cũng chỉ là cánh rừng”.

                                                   Theo: tienphong.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

1
Đang xem:
72.407.429
Tổng truy cập: