NGHỆ NHÂN -NĂNG KHIẾU - NGƯỜI CÓ CÔNG
Khi 'giáo làng' chơi nghệ thuật
(Ngày đăng: 12/01/2020   Lượt xem: 299)

Tìm ra vóc “đười ươi”, tạo dáng chuột đám cưới tưng tửng véo von, màu sơn xôm xốp mốc tự nhiên... không thể bắt chước- là nhận xét từ đồng nghiệp về tác phẩm điêu khắc của nghệ sĩ, “giáo làng” Cù Cao Khải.“Chuyện quê 10” của NĐK Cù Cao Khải
“Chuyện quê 10” của NĐK Cù Cao Khải

24 chú chuột vẻ mặt khác nhau,  cả “cô dâu chú rể” chuột và khách đều áo quần xúng xính, trên chòi gỗ đỏ 2 bác mèo đang ngắm đám cưới. Tùy theo không gian mỗi nhóm chuột đám cưới sẽ được sắp đặt theo nhiều cách. Nếu thích, hai bác mèo có nhảy xuống đất nhập cuộc vui. “Đám cưới chuột” là tác phẩm Sắp đặt điêu khắc gỗ (cao 3 mét) đem về Giải nhì Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc (TLMTTQ) năm 2019 cho tác giả.

12 năm để có “vóc đười ươi”

Khải tự nhận “bằng cấp của tôi chắp vá lắm, điêu khắc thì chỉ được học một ít trong trường, sau này cứ tự mầy mò thôi”. Tốt nghiệp Cao đẳng Nhạc họa Sư phạm TW năm 2001, Cao Khải từng ở Hà Nội dạy họa trường cấp 2, vừa làm thêm thiết kế gốm. Tại Bát Tràng anh từng cộng tác với nghệ nhân gốm Trần Độ. Khải tạo xương (dáng), thầy Độ tráng men ra những sản phẩm đồ gia dụng tinh tế đẹp mắt, bán chạy. Tuy nhiên “tôi không để hồn vào nặn gốm” - thầy giáo trẻ lúc đó nung nấu muốn làm gì đó riêng cho mình. Hai năm sau, vì lý do cưới vợ cùng quê, anh bỏ thành phố về Kim Sơn (Ninh Bình) an bài với công việc giáo làng và sáng tác.

Ngoài vẽ tranh, Khải muốn làm điêu khắc. Thử tìm hiểu nghề điêu khắc đá Ninh Vân và gốm Gia Thủy nhưng cả hai làng nghề ở cách xa nhà không tiện đi lại, Khải muốn thử với gỗ là thứ dễ tìm. Anh đi thu mua gỗ đầu thừa xà cừ, lim, chò chỉ tại các xưởng gần nhà. Ngoài giờ dạy học ở trường, khoảng sân vườn 3.000 m² là không gian để anh giáo làng thỏa sức sáng tạo.

Những bức phù điêu gỗ chủ đề biển đầu tiên được họa sĩ gửi đi dự triển lãm bị “trượt từ vòng gửi xe”. Anh mất hơn 10 năm để tìm bản thân qua vẽ tranh và điêu khắc.

"Tôi từng học hỏi rất nhiều ở những thợ mộc cao niên chuyên làm hoành phi câu đối. Đôi khi tôi làm ngược lại bí quyết của họ để tìm ra công thức sơn riêng cho mình", NĐK Cù Cao Khải

Tới tận 2013,  gửi tác phẩm điêu khắc “Chợ quê 1” một cách “tù mù hên xui” đến Triển lãm 10 năm Điêu khắc Toàn quốc, Khải quá bất ngờ khi tác phẩm nhận được giải Nhì (lần đó không có giải Nhất). Cùng năm ấy “Chợ quê 1” nhận liền 4 giải nhất nữa tại các cuộc thi trong nước. Tác phẩm khắc họa hai vợ chồng xóm chài đang ngồi đổ cá, cua từ trong đó ra bãi cát. Cơ bắp vóc dáng khỏe khoắn hoang dại của họ vồng lên như đười ươi.

Việc Hội MT trao giải cao nhất cho tạo hình “đười ươi” của người nông dân cũng là chuyện lạ năm đó. “Đười ươi mà véo von” một đồng nghiệp đã nhận xét về tác phẩm. Đây là điểm mốc son trong hành trình tìm bản thân với nghề điêu khắc của Cù Cao Khải. Khải trở thành chuyên gia kể chuyện quê và trong 6 năm anh đã kể đến con số 100 chuyện quê.  “Chuyện quê 10” kể về bốn người nông dân đang cấy lúa cũng được giải Huy chương Đồng tại Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam (2015). Vóc dáng hoang dã mà véo von của người nông dân và nước sơn xôm xốp mốc tự nhiên đã thành thương hiệu của nhà điêu khắc (NĐK) trẻ. Khải thường xuyên nhờ NĐK Đào Châu Hải góp ý trong quá trình làm tác phẩm.

Điêu khắc của Khải là ngôn ngữ biểu hiện chân thành, trung thực sự cảm nhận của bản thân về những diễn biến của đời sống thực tại, NĐK Châu Hải lý giải sức hấp dẫn trong tác phẩm của nghệ sĩ giáo làng. “Cũng gần giống như những nghệ sỹ trong điêu khắc dân gian truyền thống, Khải tạo tác, đẽo gọt những khúc gỗ tấm ván đã qua sử dụng bằng cưa, dao, rìu... gắn kết, ghép lại thành những hình khối, con người, vật thể yêu thích”. Nhiều nghệ sĩ đàn anh như Thành Chương, Lê Thông khi về Ninh Bình chấm thi đã thích tác phẩm và quan tâm đến hành trình của Khải. Trong lúc Khải phân vân về đường hướng, họa sĩ Lê Thông đã động viên “hãy làm máu lửa lên, hoang dại lên; là gỗ, làm mỹ nghệ cũng rất oách”.

Khi 'giáo làng' chơi nghệ thuật - ảnh 1
Tranh: nguyễn văn hổ

“Gặm nhấm” và vẫy vùng

Khải sợ làm việc theo đơn đặt hàng. Anh thích thực hiện ý tưởng một cách thong thả “dùng từ “gặm nhấm” đúng với tôi hơn cả”. Một tác phẩm lớn như “Đám cưới chuột” Khải “gặm” mất 1 năm. “Tôi ở quê (cách thành phố Ninh Bình 40 km) ít được biết thông tin về các sân chơi ngoài nhà nước, lại hay làm tác phẩm to nên cứ ngóng đến Triển lãm chính thống thôi”. Trong năm lặng lẽ “gặm nhấm” cưa đục đẽo, đến dịp triển lãm khu vực hoặc toàn quốc thì bê đi. Sáu năm gần đây anh khá mát tay với các giải thưởng và đã có nhà sưu tập ruột, điều hiếm gặp với các NĐK làng quê.

Tác phẩm “Chuông” (giải Nhất Hội Mỹ thuật Việt Nam 2017 và Giải A Khu vực II - Đồng bằng sông Hồng) đã được chủ một nhà hàng lớn ở Hà Nội sưu tập. Trên chiếc chuông treo ở khung giữa tác phẩm khắc hình bộ xương của một con cá mẹ, trong bụng cá mẹ có một một đàn cá con. Ở cánh cửa bên phải là biển người đeo khẩu trang chống bụi, ở cửa bên trái là biển ống khói xả thải lên trời. Khải kể, Ninh Bình là tỉnh đang nổi lên với nhiều điểm du lịch nổi tiếng nhưng cũng phát triển nhiều khu công nghiệp. “Tôi muốn tiếng chuông cảnh báo, núi biển trong lành không bảo vệ rồi sẽ lại ngạt thở như thành phố”. Nhà sưu tập thích thông điệp môi trường của tác phẩm nên đã không e ngại độ cồng kềnh. Cũng chính vị khách này đang có ý định rinh cả “Đám cưới chuột” về nhà  nhân dịp năm mới Canh Tý.

Vô tình nhìn thấy tác phẩm của Khải trên báo, nữ giám đốc một khu du lịch biển Đà Nẵng đã liên lạc và nhờ người dẫn ra Kim Sơn gặp anh. “Bám biển” trở thành cuộc chơi đồ sộ nhất của NĐK giáo làng. Trên  diện tích 5.000 m², chiều dài 200 mét bờ biển, nghệ sĩ đã tái hiện ký ức biển thuần Việt với nhiều điểm nhấn bay bổng. 30 chiếc thuyền gỗ cũ, một cột hải đăng, những chiếc lưới màu sắc, chất liệu tổng hợp cùng với sắp đặt ánh sáng tạo thành một điểm đến với 2.000 người check in mỗi ngày.

Nối tiếp “Bám biển”, Cao Khải lại được một resort khác mời làm tác phẩm “Đàn trời”. Những cây đàn cách điệu nhiều màu sắc được sắp đặt giữa khu vườn trên biển. Dù đắt sô làm tác phẩm tại các khu du lịch vùng núi Tây Bắc và biển miền Trung, thầy giáo Khải vẫn  tìm cách để không bị mất nhiều tiết dạy ở trường THCS Kim Tân (Kim Sơn, Ninh Bình). Tác phẩm “Bám biển” mất nhiều công sức nhưng anh cố gắng vẫy vùng gói trọn trong 3 tháng hè 2019.

Khi 'giáo làng' chơi nghệ thuật - ảnh 2
NĐK Cù Cao Khải bên tác phẩm “Đám cưới chuột”. Ảnh: Tuyết Nhi

Tự hào nhận là “viên chức-nghệ sĩ”

Hơn 10 năm vừa dạy học vừa theo đuổi đam mê sáng tác, Khải vẫn luôn có ý thức giữ biên chế giáo viên. Vì tấm bằng trước đây mới là cao đẳng, anh lên Hà Nội học liên thông 2 năm để lấy thêm bằng đại học Sư phạm Nghệ thuật TW “cho đúng qui trình”. “Tôi trân trọng đồng lương giáo viên của mình, với người thành phố có thể là ít nhưng ở quê nhờ nó mà tôi mua được máy khoan, dụng cụ, sơn màu... trong bao năm” - Khải tự hào nhận mình là “viên chức-nghệ sĩ”.

                                                                           Theo: tienphong.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

31
Đang xem:
72.468.409
Tổng truy cập: