NGHỆ NHÂN -NĂNG KHIẾU - NGƯỜI CÓ CÔNG
(49) - Nhasilk - khởi đầu từ sự đổ vỡ niềm tin trên thị trường lụa Việt
(Ngày đăng: 13/10/2019   Lượt xem: 594)
 Khaisilk sụp đổ bỏ lại thị trường lụa mênh mông. Nhasilk xuất hiện. Người sáng lập thương hiệu này là Trần Hữu Như Anh. Doanh nhân thế hệ 8x sở hữu một cơ sở sản xuất bao bì thành lập cách nay 7 năm - thời gian đủ dài để có thể đánh giá tương đối sức khỏe của doanh nghiệp. “Bao bì như nồi cơm, còn lụa là đam mê”, Như Anh kỳ vọng có thêm nồi cơm thứ hai từ nghề truyền thống.

Năm 2015, Trần Hữu Như Anh phủ sóng truyền thông với chương trình thành công dưa hấu ở miền Trung. Nhìn mưa lũ dâng lên đe dọa ruộng dưa của bà con hai huyện Đại Lộc và Điện Bàn (Quảng Nam), ký ức sống dậy.

Như Anh gặp lại hình ảnh cha mình dáng đi thất thểu, ánh mắt thất thần khi mấy sào dưa hai cha con chăm bẵm chìm trong biển nước chỉ sau một đêm. Cảm xúc trỗi dậy tự nhiên. Kết nối bạn bè, Như Anh tức tốc về quê mua dưa giùm bà con, đưa ra một số đô thị lớn tiêu thụ. Cộng đồng ủng hộ. Chương trình thành công mỹ mãn. 

Phong trào giải cứu nông sản những năm tiếp theo, “hiệp sĩ giải cứu dưa hấu” vắng mặt. Năm 2017, khủng hoảng thừa thịt heo, ngành chăn nuôi khóc ròng. Những cuộc vận động tiêu thụ thịt heo không mang lại hiệu quả đáng kể. Người ta có thể mua năm bảy trái dưa, một vài buồng chuối nhưng mấy ai khiêng nguyên con heo nặng hơn tạ thịt về nhà. Chưa kể giải cứu thịt heo giảm cầu những loại hàng hóa thay thế khác như gà, vịt, trứng... Trợ cấp bằng lòng trắc ẩn rõ ràng không bền vững. “Thị trường cần một lời giải vĩ mô”, Như Anh nhìn lại như một trải nghiệm tuổi trẻ. 

Từ ký ức Mã Châu

Lụa thì rất khác. Tinh thần cộng đồng vẫn còn đó nhưng nhân sinh quan đã thay đổi, dù người trai xứ Quảng không phủ nhận nặng lòng với nghề truyền thống. Quê anh là một trong những cái nôi tằm tang ở xứ Đàng Trong.

Kỷ niệm ấu thơ ăm ắp, tươi rói. Những biền dâu xanh rượi ấu thơ. Những buổi ngồi canh nong tằm - món khoái khẩu của đám rắn mối rập rình. Làm giỏi, người lớn thưởng tiền đủ mua ly chè. Làm biếng, mê chơi, để rắn no tằm, cậu no đòn. Sản xuất tiểu thủ công nghiệp giúp tài chính gia đình “khá ổn” trong nền kinh tế đóng.

Nghề truyền thống bất ổn khi đất nước chuyển sang giai đoạn mở cửa. Mô hình hợp tác xã kiểu cũ lạc quẻ. Xứ tằm tang suy thoái… Vào Sài Gòn lập nghiệp, làm sản xuất bao bì, anh phát nguyện nếu thành công sẽ làm một điều gì đó cho quê mình. 

Nguồn cung lớn nhất của Nhasilk là lụa Bảo Lộc. Những nhà dệt vùng cao nguyên được thị trường đánh giá cao, sản phẩm hầu như không vướng lỗi.

Liệu có trùng hợp hay không việc Nhasilk gia nhập thị trường sau khi Khaisilk biến mất? “Một phần”, Như Anh cho biết cơ hội chỉ đến với những người đã sẵn sàng. Thực tế, anh bắt đầu nghiên cứu ngành lụa khoảng 4 năm nay.

Nếu Khaisilk không gặp sự cố, có lẽ anh sẽ tập trung vào sản xuất, chấp nhận nằm ở đáy “đường cong nụ cười Stan Shih”, tức khâu có giá trị gia tăng thấp nhất trong chuỗi giá trị ngành hàng. Thị trường phế ngôi vương của Khaisilk khiến Như Anh quyết định chuyển hướng sang bán lẻ. Nhà cung cấp đầu tiên Như Anh tìm đến chính là nơi chôn nhau cắt rốn, định danh thương hiệu lụa Mã Châu. 

Những người thợ xứ Quảng tha phương mang theo nghề dệt. Ông Tám Lăng, nghệ nhân cuối cùng dệt lãnh Mỹ A ở Tân Châu, An Giang thừa nhận “máy (dệt) Quảng” năng suất cao hơn khung “cẩm tự” lâu đời (4 tấc). Nhà cải tiến khung dệt lên 9 tấc cũng là một người con xứ Quảng - ông Cửu Diễn.

Cũng phương thức sản xuất ấy nhưng tỷ lệ hao hụt lại thấp hơn lụa Mã Châu. Đâu đó chừng 10% nguyên liệu bị lỗi từ Tân Châu nằm trong giới hạn cho phép. “Người miền Tây thiệt thà”, Như Anh chia sẻ cảm giác dễ chịu.

Đã hai năm kể từ khi Khaisilk sập tiệm vì gian dối, ngành lụa vẫn chưa tìm được tân vương. Di hại không chỉ dừng lại ở bịp bợm của gian thương. Niềm tin đổ vỡ dựng thêm rào cản gia nhập thị trường.

Nguồn cung lớn nhất của Nhasilk là lụa Bảo Lộc. Những nhà dệt vùng cao nguyên được thị trường đánh giá cao. Sản phẩm hầu như không vướng lỗi. Có lẽ là bởi vùng nguyên liệu này đang cung ứng lụa cho Nhật Bản may trang phục truyền thống (kimono), hay Hàn Quốc là hanbok.

Đáp ứng tiêu chuẩn của hai thị trường thuộc nhóm khó tính nhất thế giới là bảo chứng về chất lượng cho lụa Việt. Công nghệ in trên lụa cũng do hai khách hàng lớn này chuyển giao mà Như Anh cho rằng ít phù hợp với thị hiếu thời trang khác, chẳng hạn như cà vạt, khăn lụa mà Nhasilk tập trung bán lẻ.

Thêm nữa, lợi nhuận có lẽ đủ lớn để những nhà cung cấp bằng lòng với vị thế gia công. Thị trường lụa trong nước kém cạnh tranh. Đã hai năm kể từ khi Khaisilk sập tiệm vì gian dối, ngành lụa vẫn chưa tìm được tân vương. Di hại không chỉ dừng lại ở bịp bợm của gian thương. Niềm tin đổ vỡ dựng thêm rào cản gia nhập thị trường. Doanh nghiệp tốn bộn chi phí để thuyết phục người tiêu dùng.

Có khách bâng quơ tại sao lụa Nhasilk không mịn như... bình thường? Hỏi lại, “bình thường” ra sao thì khách cười trừ. Hiểu ngay khách hàng đã quen khẩu vị “hàng giả”, không dễ thay đổi một sớm một chiều. “Có thể sẽ trưng một số hàng giả lụa trong cửa hàng, sẵn sàng biếu không cho khách”, Như Anh cân nhắc.

Dùng lụa đòi hỏi sự trải nghiệm. Lụa làm từ kén tằm, bản chất là protein, có chức năng tự điều tiết theo nhiệt độ môi trường. Trời lạnh lụa giữ ấm. Mùa nắng, lụa mát, gợi cảm như thơ Nguyên Sa.

Niềm tin thị trường

Minh bạch xem ra là cơ hội khả dĩ với một công ty khởi nghiệp. “Chỉ cần một cá nhân hay tổ chức chứng minh sản phẩm của Nhasilk không phải lụa tơ tằm 100%, không phải lụa tơ tằm truyền thống của Việt Nam, doanh nghiệp tháo bảng hiệu công ty, tuyên bố giải thể ngay lập tức”, người sáng lập Công ty TNHH Tơ lụa Nhã Lam khẳng định. Anh hoan nghênh người tiêu dùng tham gia giám sát, tùy nghi kiểm tra tại cửa hàng, từ chất lượng sản phẩm cho đến hóa đơn chứng từ. Minh bạch tạo nên tài sản vô hình của doanh nghiệp, định danh tính chính đáng của tổ chức. 

 

Trần Hữu Như Anh, người sáng lập Công ty TNHH Tơ lụa Nhã Lam, sẵn sàng để người tiêu dùng tham gia giám sát, kiểm tra tại cửa hàng, từ chất lượng sản phẩm cho đến hóa đơn chứng từ.

Nhã Lam cũng là tên con gái của Như Anh. Dụng luôn chữ lót cấu thành thương hiệu. “Biết đâu được ngày sau. Lỡ lúc nào đó, lòng tham nổi lên, làm mình lóa mắt”, Như Anh nói. Gắn tên con gái vào sự nghiệp âu cũng là một cách người cha tự răn mình, dập tắt khả năng thỏa hiệp với những ý niệm bất chính. 

Cửa hàng của Nhasilk nằm ở khu phố Tây trung tâm Sài Gòn. Khách hàng chủ yếu làm quà tặng cho Tây là bạn bè, đối tác. Sau hơn một năm khởi nghiệp, doanh thu tạm đủ cân đối chi phí cố định hằng tháng. “Nhasilk là sự nghiệp”, Như Anh bày tỏ tâm thế sẵn sàng cho kịch bản chịu đựng trong dài hạn. Doanh số khiêm tốn khiến Nhã Lam chưa thuyết phục được những nhà cung cấp chấp thuận đề nghị triển khai truy xuất nguồn gốc. 

“Phải bán được lụa giá tốt”, CEO Nhã Lam định vị, vừa bù đắp cho sản lượng, vừa có dư địa để khuyến khích những người còn bám trụ với nghề truyền thống. Nhã Lam sẵn sàng trả cao hơn giá thị trường để đổi lấy cam kết chất lượng. Những thỏa thuận, kể cả ràng buộc bằng hình thức hợp đồng, cũng chưa phải lựa chọn tối ưu. Ý tưởng những nhà cung cấp nguyên liệu trở thành cổ đông nằm trong lộ trình của Nhã Lam. Nước nổi thuyền nổi.

Định hướng tương lai xuất phát từ hiện tại chưa sáng sủa. Thực tiễn vẫn còn nơi này nơi khác kèn cựa nhau mỗi mét lụa nguyên liệu mấy ngàn đồng. Khó thể trách bà con. Nhưng cách làm cũ không thể mang lại kết quả mới. Sản xuất thủ công mà cạnh tranh bằng giá sớm muộn cũng ảnh hưởng đến chất lượng. Bán lẻ chết liền. Làng nghề sụm theo.

“Lụa là một phần của văn hóa Việt Nam”, Như Anh tâm trạng.
                                                                                  Theo: nguoidothi.net.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

24
Đang xem:
72.471.035
Tổng truy cập: