NGHỆ NHÂN -NĂNG KHIẾU - NGƯỜI CÓ CÔNG
Tranh lợn đàn Hàng Trống đắt hàng dịp Tết Kỷ Hợi
(Ngày đăng: 15/01/2019   Lượt xem: 945)
Nhắc đến tranh lợn đàn, con giáp của năm Kỷ Hợi, nhiều người sẽ nhớ ngay tới hình ảnh sum vầy, sung túc và no đủ của mẹ con nhà lợn trong các bức tranh dân gian Đông Hồ và Kim Hoàng. Tuy  nhiên, điều làm nhiều người bất ngờ là ở ngay dòng tranh nức tiếng Hà thành là Hàng Trống cũng có những bức tranh lợn đẹp không thua kém bất cứ dòng tranh nào…
 

ảnh 1
Anh Lê Hoàn, con trai  nghệ nhân Lê Đình Nghiên -  Ảnh: Lê Bích

Đẹp không thua kém các dòng tranh dân gian khác

Càng vào những ngày cuối năm, hai cha con nghệ nhân Lê Đình Nghiên, người nghệ nhân cuối cùng của dòng tranh Hàng Trống càng tất bật với các bức tranh được đặt hàng. Điều khá thú vị, dù tranh về con giáp của năm - tranh con lợn không phải là thế mạnh của Hàng Trống nhưng lượng khách tìm đến ngôi nhà số 22A Cửa Đông của cha con nghệ nhân Lê Đình Nghiên vẫn rất đông. 

Các bức tranh lợn đàn của Hàng Trống có khổ giấy khá nhỏ, nhỏ nhất của dòng tranh này (tương đương với khổ A4) thường được dành cho người tập vẽ, làm quen với bút lông. Tuy vậy, một bức tranh lợn đàn Hàng Trống đẹp không thua kém các dòng tranh dân gian khác là bởi, công đoạn bồi và vẽ tay mất nhiều thời gian, đòi hỏi sự tỉ mỉ và cẩn trọng. Chưa kể, việc tô màu cũng tuân thủ theo nguyên tắc vờn màu của dòng tranh này. Do vậy, bức tranh lợn đàn của Hàng Trống dù khiêm tốn về kích thước nhưng lại có giá lên tới vài trăm nghìn đồng.

Hiện nay, dòng tranh Hàng Trống vẫn có thị phần khá vững chắc đối với người chơi tranh. Những bức như “Tố nữ”, “Tứ quý”… được đặc biệt ưa chuộng và làm nên thương hiệu của tranh dân gian Hàng Trống. Theo lý giải của gia đình nghệ nhân Lê Đình Nghiên, tranh dân gian không kén khách, treo ở ngôi nhà hiện đại cũng được mà treo ở ngôi nhà tuềnh toàng cũng hợp và ai nhìn vào các bức tranh lợn đàn ấy đều cảm thấy cuộc sống tươi vui, hạnh phúc. 

Do vậy, vài năm trở lại đây, xu hướng chơi tranh dân gian đang có xu hướng gia tăng trở lại cùng sự phát triển của đời sống. Không chỉ có các Việt kiều tìm mua như một cách tìm về ký ức mà khách hàng của dòng tranh Hàng Trống ngày nay phần lớn lại là các khách hàng trong nước. 

Sống được với nghề

Nắm bắt được thị hiếu của người chơi tranh, thường thích có một bức con giáp treo trong nhà vào dịp năm mới nên dù dòng tranh này không có đủ bộ 12 con giáp nhưng năm nào rơi vào năm lợn hay gà, gia đình nghệ nhân Lê Đình Nghiên vẫn nhận làm thêm các bức tranh con giáp khổ nhỏ. Đó cũng là một cách mà hai cha con người nghệ nhân này muốn quảng bá rộng rãi hơn các nét đẹp của dòng tranh Hàng Trống đến người dân. 

Anh Lê Hoàn, con trai nghệ nhân Lê Đình Nghiên chia sẻ, về khâu quảng bá, tranh Hàng Trống hiện nay đang là dòng tranh làm yếu nhất khâu này. Gia đình phần lớn quảng bá dựa vào mạng xã hội và khách quen tìm về. Trong khi đó, tranh Kim Hoàng hay Đông Hồ đã có những người tâm huyết và sẵn lòng bỏ tiền ra để vực dậy các dòng tranh dân gian. Tuy vậy, điều làm anh và cha có động lực để đi tiếp với nghề là tranh Hàng Trống đang giúp các nghệ nhân sống được với nghề. Hai cha con anh có việc làm đều đặn quanh năm nhưng bận nhất vẫn là dịp cuối  năm. Đây cũng là điều dễ hiểu khi thói quen chơi tranh dân gian của người Việt thường rơi vào những lúc Tết đến xuân về.

Cũng theo chia sẻ của Lê Hoàn, anh vừa chấm dứt công việc tại một cơ quan Nhà nước để tập trung toàn bộ sức lực cho việc học nghề và tiếp nối truyền thống gia đình. Dẫu sao, được theo nghiệp bố và gánh lấy trách nhiệm vực dậy dòng tranh này cũng làm một người trẻ tuổi như anh không cảm thấy tiếc nuối. 

Việc phục dựng dòng tranh này phần lớn dựa vào sự kiên trì và nỗ lực của những người nghệ nhân cuối cùng của dòng tranh Hàng Trống, đồng thời cũng là người nắm giữ bí quyết gia truyền của nghề. Vì thế, những tín hiệu tích cực về lượng khách đặt mua tranh con giáp của năm hay việc sống được với nghề của nghệ nhân đã mang lại những hy vọng và dự cảm tốt lành về hướng phát triển của dòng tranh Hàng Trống trong tương lai. 

ảnh 2

Tranh Hàng Trống một trong những dòng tranh dân gian Việt Nam được làm chủ yếu tại phố Hàng Nón, Hàng Trống của Hà Nội xưa. Tranh Hàng Trống sử dụng kỹ thuật nửa in nửa vẽ, tranh chỉ in ván nét lấy hình, còn màu là thuốc nước, tô bằng bút lông mềm rộng bản, một nửa ngọn bút chấm màu, còn nửa ngọn bút kia chấm nước lã, tô tranh theo kỹ thuật vờn màu.

Tranh chỉ có một bản đen đầu tiên, sau khi in thì tranh được tô màu lại bằng tay. Từ các bản khắc gốc, những bức tranh đã được in ra, bằng mực Tàu mài nguyên chất. Sau đó là công đoạn bồi giấy. Tùy thuộc từng tranh cụ thể mà có tranh chỉ bồi một lớp, có tranh lại phải bồi đến 2 hay 3 lớp giấy. Khi hồ đã khô thì mới có thể vẽ màu lại. Có khi phải mất đến 3-4 ngày mới hoàn thành một bức tranh. Tranh được in trên giấy dó bồi dày hay giấy báo khổ rộng. Có những tranh bộ khổ to và dài, thường bồi dày, hai đầu trên dưới lồng suốt trục để tiện treo, phù hợp với kiểu kiến trúc nhà cao, cửa rộng nơi thành thị. Ván khắc được làm bằng gỗ lồng mực hoặc gỗ thị. Mực in truyền thống dùng bằng những chất liệu dân dã nhưng cầu kỳ và tinh xảo trong chế tác.
                                                                     Theo: anninhthudo.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

10
Đang xem:
72.463.047
Tổng truy cập: