NGHỆ NHÂN -NĂNG KHIẾU - NGƯỜI CÓ CÔNG
Giữ nghề rối nước
(Ngày đăng: 04/08/2018   Lượt xem: 305)

Những năm gần đây, rối nước ở Đồng Ngư, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh ít được nhắc đến. Những lớp nghệ sĩ, diễn viên ở thời “hoàng kim” cũng đã lùi dần về phía “cánh gà”. Vì thế, không khí hoạt động rối nước trở nên vô cùng “ảm đạm”. Nguyễn Thành Lai, người con của quê hương, đã tìm cách vực dậy nghề múa rối nước theo cách riêng của mình…

Giữ nghề rối nước

Anh Lai đang sửa soạn để chuẩn bị cho buổi lưu diễn của phường rối.

Phường rối cổ

Gặp trưởng phường rối nước Đồng Ngư Nguyễn Thành Lai, khi anh đang cùng với các nghệ sĩ, diễn viên tất bật với công việc chuẩn bị cho các chuyến lưu diễn dài ngày ở các tỉnh thành trong cả nước. Anh kể:  Rối nước Đồng Ngư đã tồn tại và phát triển hơn 10 thế kỉ. Đồng Ngư cũng được coi như một trong 15 phường rối của cả nước vẫn còn duy trì và hoạt động thường xuyên. Tuy có lúc thăng trầm, nhưng ở bất kỳ giai đoạn nào rối nước Đồng Ngư phát huy được nội lực sáng tạo. Vào những năm chiến tranh chống Mỹ, các nghệ sĩ, diễn viên, người vào quân ngũ, kẻ tha hương cầu thực, bán xứ khắp nơi, nghề rối vắng bóng dần. Năm 1982, được sự quan tâm của các ngành, các cấp, rối nước Đồng Ngư mới thực sự được “bình phục”.

Theo anh Lai, sở dĩ nghề rối nước ở đây vẫn tồn tại, không bị pha lẫn, bởi vì có những đặc điểm riêng, mang đậm nét văn hóa của vùng quê kinh Bắc. Góp phần làm nên nghệ thuật rối nước cần có sự hồi tụ của 4 yếu tố: con rối, người điều khiển rối, dàn nhạc và nhà thủy đình (buồng trò). Với phường rối nước Đồng Ngư, bên cạnh việc vẫn kế thừa và phát huy những giá trị cổ trong rối nước dân tộc, thì phường rối này còn chủ động vận dụng thêm nhiều tích trò gắn liền với văn hóa Quan họ như “Hái cau, mời trầu”, “Quan họ giã bạn”… Thường thường khi biểu diễn phường thường bắt đầu bằng màn “Hái cau mời trầu” và kết thúc bằng “Quan họ giã bạn”… 

Chính sự kết hợp hài hòa giữa lời hát và các chủ đề biểu diễn về Quan họ đã tạo nên bản sắc riêng có cho rối nước Đồng Ngư. Hàng năm, cứ vào những ngày làng vào hội đình, hội chùa, 22 diễn viên, nhạc công, ca sĩ của phường lại chuẩn bị những điều kiện đầy đủ để biểu diễn phục vụ bà con trong làng và khách thập phương. Hơn thế, phường rối nước Đồng Ngư cũng tổ chức biểu diễn theo chương trình hỗ trợ bảo tồn các hoạt động văn hóa dân gian của Viện Bảo tàng dân tộc học Việt Nam.

Gìn giữ và lan tỏa

Anh Nguyễn Văn Đoàn, thành viên của Phường rối nước Đồng Ngư cho biết: “Tôi làm việc ở phường rối nước Đồng Ngư cũng đã được gần 5, 6 năm nay rồi. Thu nhập từ nghề này có đáng là bao, nhưng tôi vẫn làm, làm để duy trì và gìn giữ cái nghề do cha ông để lại, làm để đưa nghệ thuật rối nước phát triển, đi lên… Với tôi, giờ đây, hoạt động rối nước không đơn thuần vì niềm yêu thích nữa, mà đã trở thành một phần tình yêu, cuộc sống,  và hơn thế là vì văn hóa quê hương”.

Anh Lai tâm sự: “Trước đây, cũng có nhiều khách du lịch háo hức tìm về thôn để xem rối nước, nhưng mấy năm trở lại đây, nghề thu mua phế liệu phát triển, môi trường bị ô nhiễm, đường làng, ngõ xóm bụi bẩn… nên các đoàn du khách cứ thưa vắng dần. Không còn đất diễn, bắt buộc các nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công phải “dắt díu” nhau đi đến nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh để tìm đất “ dựng võ”. Ngoài khó khăn về không gian văn hóa, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho biểu diễn của phường rối cũng rất eo hẹp, hạn chế.

Hiện nay, không những 200 con trò rối nằm “chỏng chơ”, mà hầu hết từ nhà thủy đình, dụng cụ âm thanh, ánh sáng… đều không có nên mỗi khi đi biểu diễn xa, phường lại cóc cách đi thuê. Phường rối có 23 thành viên, chủ yếu là anh em trong thôn ngoài xóm, toàn nông dân chân nấm tay bùn, cổ cày vai bừa, yêu thích rối nước, muốn giữ nghề cha ông, nên “xắn tay, xắn chân” vào làm. Kinh phí để duy trì hoạt động chủ yếu do các thành viên tự đóng góp, thù lao các buổi biểu diễn lại thấp nên không ít người đã phải chuyển nghề hoặc bỏ nghề. Nếu tình trạng này kéo dài mãi sẽ ảnh hưởng lớn đến việc gìn giữ nghệ thuật múa rối ở Đồng Ngư.

Đứng trước những thách thức ấy, đã có nhiều giải pháp được đưa ra thảo luận nhằm cứu lấy phường rối Đồng Ngư, nhưng rồi tất cả đều lút chìm vào im lặng. Không đành lòng nhìn phường rối được gây dựng hàng nghìn năm mà chỉ mất đi trong “tích tắc”, anh Lai đã xin đi tiên phong, phục dựng lại phường rối quê hương. Thế là năm 2010, với ý tưởng đẩy mạnh xã hội hóa việc bảo tồn các hoạt động văn hóa dân gian, anh đã bỏ hơn 300 triệu đồng để mua trang thiết bị, con rối và thành lập Công ty TNHH rối nước Thuận Thành. Ngoài việc biểu diễn các tích trò của phường rối nước Đồng Ngư, anh cũng nghiên cứu, xây dựng nhiều chương trình biểu diễn mới mang đặc trưng của cuộc sống đương đại.

Không dừng lại ở đó, với mong muốn rối nước phải được phổ cập, phải có lớp thế hệ kế cận tiếp nối, mùa hè vừa này, anh đã tổ chức một chương trình với chủ đề “Nụ cười trẻ thơ”, đưa vào các trường tiểu học, trung học, với nội dung giáo dục đạo đức, lối sống, đầy ắp tiếng cười vui tươi cho trẻ em. Những thành công bước đầu của Công ty TNHH múa rối nước Thuận Thành đang mở ra hướng đi mới cho nghệ thuật múa rối nước Đồng Ngư.

Tới đây, một phần khuôn viên khu nhà anh sẽ được anh xây dựng thành “bảo tàng rối nước gia đình”, sẽ cho trưng bày và giới thiệu những hiện vật về rối nước Đồng Ngư. Khu hồ ao trước cửa anh cho xây dựng một thủy đình khang trang nhằm biểu diễn rối nước. Tất cả đã nằm trong kế hoạch, chỉ còn là thời gian. Và mong muốn của anh, toàn bộ khu nhà nơi gia đình anh đang sống không chỉ là nơi gặp gỡ giữa những người yêu thích nghệ thuật múa rối, có ý thức bảo tồn nó, mà còn trở thành một địa chỉ văn hóa tin cậy mỗi khi ai đó đến với rối nước Đồng Ngư…
                                                                                                        Theo: daidoanket.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

30
Đang xem:
72.468.878
Tổng truy cập: