(langnghevietnam.vn) - Khôi phục gốm Chu Đậu là một
sự nghiệp lớn, làm sống lại truyền thống nhân văn, trí tuệ và tài năng trong
nghệ thuật gốm sứ Việt Nam
Đầu thu năm 1983, từ một công trình
nghiên cứu khoa học của Ban Thông sử tỉnh Hải Hưng, gốm Chu
Đậu thế kỷ XV đã được phát hiện với một quá trình tồn tại và phát triển hơn 150 năm, hàng triệu sản phẩm đã được xuất đi các nước như Trung Quốc,
Nhật Bản và phương Tây... Từ nhiều năm nay, khôi phục, bảo tồn kỹ thuật, mỹ
thuật gốm Chu Đậu chính là tâm huyết của Xí nghiệp gốm Chu Đậu thuộc Tổng Công
ty Thương mại Hà Nội (Hapro).
Bùi Thị Hý - Bà tổ gốm Chu Đậu
Sau gần 30
năm được phát hiện, lịch sử của trung tâm gốm lớn nhất Đông Nam Á thế kỷ XV -
XVI dần dần hé mở. Tuy sẽ còn nhiều tư liệu quý chưa được biết đến nhưng những
gì các nhà khảo cổ học tìm thấy đến nay chắc chắn là căn bản.
Theo sử
sách ghi lại, gốm Chu Đậu là dòng gốm bản địa, thừa kế tinh hoa gốm Lý - Trần,
ra đời sau kháng chiến chống Minh, khoảng những năm 30 của thế kỷ XV, tồn tại
đến năm 1592, khi nhà Mạc thất thủ tại Hải Dương thì thất truyền.
Ngày nay,
trong gia phả họ Bùi, thôn Quang Ánh huyện Gia Phúc (nay thuộc xã Đồng Quang,
huyện Gia Lộc) còn ghi lại những lời thơ tiếc nuối về nghề xưa đã bị thất
truyền. Nỗi ai oán phải bỏ nghề sau gần một thế kỷ ly hương vì nội chiến Trịnh
- Mạc của hậu duệ nghề gốm Chu Đậu vẫn còn
văng vẳng:
“Năm tháng qua lại biết bao,
Thăng trầm lịch sử thấp cao tiến
lùi.
Nghề vinh của tộc họ Bùi
Vì chưng quốc loạn ngậm ngùi suy
vong”
Nhắc đến họ
Bùi xưa kia không thể không nhắc đến bà Bùi Thị Hý. Bà là nữ tài viết và vẽ
đứng đầu gốm Chu Đậu và cũng được xem như bà
tổ của dòng gốm này. Đặc biệt, đến nay, theo những nghiên cứu khoa học được
công bố, nữ tài gốm Chu Đậu, Bùi Thị Hý còn được coi như bà tổ của nghề gốm
Việt Nam nói chung.
Căn cứ vào
bia mộ và một số tư liệu, bà Bùi Thị Hý sinh năm canh Tý (1420). Ngay từ nhỏ,
sự hiếu học cộng với tư chất thông minh, bà đã sớm trở thành một nhân tài xuất
chúng. Trong một lần trẩy hội ở Kiếp Bạc, người con gái tài sắc vẹn toàn và đầy
bản lĩnh, Bùi Thị Hý, gặp Đặng Sĩ - chủ nhân gốm Chu
Đậu. Sự gặp gỡ tình cờ này đã se duyên vợ chồng cho hai người. Sau này, khi
chồng mất, bà trực tiếp thay chồng chỉ huy các tập đoàn thuyền biển, buôn bán
với các nước.
.jpg)
Trong điện
thờ Bà Bùi thị Hý
Lá thư của quan chức cấp cao Nhật
Bản và lọ lam cổ ở bảo tàng Thổ Nhĩ Kỳ
Công cuộc
khảo cổ, nghiên cứu gốm Chu Đậu xuất phát từ lá thư của một quan chức cao cấp
Bộ ngoại giao Nhật Bản gửi ông Ngô Duy Đông, Bí thư tỉnh ủy Hải Hưng vào năm
1980. Nguyên nhân gửi thư là do ông quan chức Nhật Bản này rất tò mò về một lọ
hoa lam Việt Nam
được bảo tồn tại viện bảo tàng Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong thư,
ông quan chức này cho biết, trên lọ lam cổ có 13 chữ Hán: Đại Hòa bát niên Nam
Sách châu tượng nhân Bùi Thị Hý (dịch: Năm 1450, một người thợ tên là bà (cô)
Bùi Thị Hý ở Nam Sách châu vẽ). Từ hiện vật có 13 chữ Hán này, sau hơn 30 năm
kiên nhẫn nghiên cứu, các nhà khào cổ đã phát hiện ra chủ nhân trực tiếp ban
đầu của gốm Chu Đậu là Đặng Sĩ, Đặng Phúc và nữ tài Đặng Thị Hý, giai đoạn cuối
có sinh đồ Đặng Huyền Thông.

Bình gốm hoa lam do nghệ nhân gốm Chu Đậu - Bùi Thị Hý vẽ năm 1450 ( nguồn Cty gốm Chu Đậu)
Sự hồi sinh của hồn gốm Chu Đậu
“Năm trăm năm xa quê
Từ biển sâu xa tít
Từ xứ người mù mịt
Gốm thiêng vẫn tìm về”
(trích “Tình yêu Chu
Đậu” - Nguyễn Văn Lưu)
Tinh hoa
văn hóa Việt của gốm Chu Đậu không chỉ là lịch sử thiêng liêng được lưu giữ
muôn đời mà còn hồi sinh mạnh mẽ nhờ tình yêu với gốm, tâm huyết và lòng nhiệt
thành của ông Nguyễn Văn Lưu - giám đốc xí nghiệp gốm Chu Đậu, trực thuộc Tổng Công
ty Thương mại Hà Nội (Hapro).
Sau gần 5
thế kỷ thất truyền, giờ đây, hồn gốm xưa đã sống lại kể từ lô hàng đầu tiên
được sản xuất thành công của xí nghiệp gốm Chu
Đậu vào năm 2002. Không chỉ lưu truyền muôn đời nét tinh hoa từ gốm cổ, xí
nghiệp gốm Chu Đậu còn góp phần tạo công ăn
việc làm và thu nhập cho nhân dân địa phương.
Nhân ngày
về thăm Xí nghiệp gốm Chu Đậu (2006), Anh hùng lao động, giáo sư Vũ Khiêu đã để
lại lưu bút trên bình gốm tỳ bà như sau: “Gốm
Chu Đậu đã có lịch sử từ trên 5 thế kỷ và đứng
trước nguy cơ thất truyền. Khôi phục gốm Chu Đậu là một sự nghiệp lớn, làm sống
lại truyền thống nhân văn, trí tuệ và tài năng trong nghệ thuật gốm sứ Việt Nam. Chúc xí
nghiệp gốm Chu Đậu làm tròn sứ mệnh vẻ vang
này với dân tộc và thành công rự rỡ trên đất nước ta và toàn thế giới”.

Mặt trước
công ty gốm Chu Đậu
.jpg)
Ông Nguyễn Văn Lưu Giám Đốc Công ty gốm Chu Đậu tiếp đoàn HHLN Việt Nam
do Chủ tịch Lưu Duy Dần dẫn đầu


Một vài hình ảnh tác phẩm + sản phẩm
Sắp đến
ngày giỗ bà Bùi Thị Hý, ta nhớ lại lời chúc của Anh hùng lao động, giáo
sư Vũ Khiêu không những là mong ước của những nhà văn hóa, lịch sử bảo tồn và những người làm nghề thủ công mỹ nghệ cả nước cùng giới đam mê gốm cổ mà còn tựa
như nén nhang thành kính dâng lên người phụ nữ tài hoa ở thế kỷ XV. Theo khuôn
khổ của chương trình hợp tác giữa HHLN Việt Nam và Ban Giám Đốc Công ty gốm Chu
Đậu có dự kiến kế hoạch phối hợp tổ chức buổi lễ nhằm tôn vinh Nghệ nhân Tổ nghề
gốm Chu Đậu – Bùi Thị Hý. Sắp tới sẽ có buổi làm việc tiếp giữa hai đơn vị để
thống nhất quy mô hoạt động tôn vinh này.
Thùy Linh