NGHỆ NHÂN -NĂNG KHIẾU - NGƯỜI CÓ CÔNG
Thánh thót đường tơ Đào Xá
(Ngày đăng: 27/02/2018   Lượt xem: 390)
Một thuở Hà Nội còn leng keng tàu điện, tôi thường gặp hai cha con người hát xẩm trên đường phố. Cậu con trai chừng lên bảy, thỉnh thoảng hát chen vào, như muốn nối hơi cho bố.

Giọng ông khê đặc vì đã hát từ sáng sớm. Tiếng nhị não nề vẫn còn thắc thỏm trong tôi cho dù đã hơn 30 năm trôi qua. Ánh mắt cậu bé rụt rè, long lanh với tiếng phách trên tay. Những cung điệu quê xưa dịu dàng như lời mẹ ru bên lũy tre làng…

Tiếng đàn tranh bên “Duối vợ - Duối chồng”

Mới đây về làng Đào Xá, xã Đông Lỗ, huyện Ứng Hòa, Hà Nội, tôi ngỡ như lạc vào khu vườn âm thanh đồng quê. Vừa gần đến tới chùa Viên Đình, tôi đã nghe thấy những tiếng đàn Tam Thập Lục ngọt ngào, rộn rã vang lên. Cùng với đó là tiếng trẻ em hát ríu ran hòa tan trong những chùm âm thanh như làn gió mát tràn về. Bỗng nhiên trong ký ức tôi, hình ảnh hai cha con người hát xẩm ngày nào hiện lên... Ngỡ như họ đang đi cùng tôi về ngôi làng âm nhạc này vậy. Cậu bé chạy quanh hai cây duối xanh mướt những tán cây che bóng nắng. Đây là hai cây duối có cả ngàn năm tuổi, bên ngôi chùa nhỏ Viên Đình. Dân làng gọi là cặp đôi uyên ương “Duối vợ - Duối chồng”, như niềm hạnh phúc và an lành cho cả làng suốt ngàn năm qua. Xưa mọi người họp chợ ở bên đường và bán những cây đàn. Gió cánh đồng hòa tấu cùng tiếng sáo làng quê dào dạt, mênh mang. Hai cha con ông đã dắt díu về đây tìm cho được cây nhị có tiếng réo rắt và trong như mắt người vậy. Chợt cậu bé nhớ đến tiếng đàn Thạch Sanh thuở nào đã cất lên với câu chuyện kỳ lạ trong hang động. Nói rồi cậu bắt chước giọng hát của bố rằng: “Đàn kêu tích tịch tình tang. Ai đem công chúa dưới hang mang về”. Cứ thế tôi đi trong ảo mộng, trên đường làng, bởi tiếng nhị ấy cứ nỉ non như ngày nào... Bỗng có người đập mạnh vào vai tôi. Giật mình, tôi như thoát khỏi giấc mơ âm thanh, trầm bổng bên cánh đồng làng Đào Xá. Nếu không tôi đã sa xuống ruộng. Con trai nghệ nhân Đào Văn Soạn đón tôi  ngay bên tấm biển chỉ thẳng vào làng nghề. Nghệ nhân Đào Văn Soạn (78 tuổi) được coi là người có công phục dựng lại nghề làm đàn cho làng Đào Xá, sau những năm tháng lận đận buồn tủi.

Dàn nhạc dân tộc.

                                                             Dàn nhạc dân tộc.

Trò chuyện với lão nghệ nhân, tôi vỡ lẽ, xưa cả làng Đào Xá đều làm nhạc cụ dân tộc, cung cấp cho khắp bàn dân thiên hạ. Làng đã từng đưa hàng chục người thợ giỏi vào tận Huế chế tác những cây đàn cho ban nhạc cung đình. Người dân làng mở cửa hiệu ở nhiều thành phố lớn từ Hà Nội đến Nam Định, Thái Bình, Hà Nam, Ninh Bình, Hải Phòng... Nếu tính từ trước năm 1945, dân làng sống chủ yếu bằng nghề làm các loại đàn như sáo, nhị, tam thập lục, tranh, nguyệt, tỳ bà, bầu, sáo, tiêu, đáy... Cả thảy gồm 15 loại đàn dân tộc. Ông kể, sau hòa bình lập lại, xưởng sản xuất nhạc cụ đầu tiên ở Hà Nội toàn người làng Đào Xá cả. Kể cả xí nghiệp sản xuất đàn ở Nam Định thời đó cũng phần lớn do người Đào Xá hành nghề. Nói rồi, lão nghệ nhân đến bên tường lấy xuống chiếc đàn Anto đưa cho tôi xem. Ông nói đây là chiếc đàn có tuổi đời 100 năm mà cha ông đã để lại, với những kỷ niệm thật khó quên. Mẫu đàn này đánh dấu một thời kỳ làm ăn phát đạt của làng vào thập niên 40 của thế kỷ trước. Thời Pháp thuộc, nhiều gia đình người Pháp thường đánh đàn Anto, ca hát trong những ngày lễ và chủ nhật. Mỗi khi đàn hỏng là họ gọi thợ mộc người Việt đến sửa phần gỗ hoặc căng lại mặt đàn. Bố ông (nghệ nhân Đào Văn Hấn) là một trong những người khéo tay, giỏi nghề, một thời theo cụ tổ nghề Đào Xuân Lan học việc. Ông nhớ, cụ Đào Xuân Lan đã được mời làm hẳn một chiếc đàn mới, theo mẫu có sẵn. Nhiều ngày cụ đã phải mổ xẻ từng bộ phận, ngẫm nghĩ từng góc cạnh để gia công những chi tiết đầu tiên trên cần đàn. Với bàn tay khéo léo cộng với tính nhẫn nại, kỹ lưỡng, chẳng bao lâu cụ Lan đã hoàn thành chiếc Anto đầu tiên, với những chiếc khóa lên dây được mạ sáng bóng. Tiếng đàn vui tai rộn rã trong đêm thử tiếng đàn đã thu hút mọi người.

Sau này, ông Soạn được bố truyền lại từng bước đục đẽo, gọt giũa cây đàn từ khi mới lên mười. Hai cha con ông lang thang đây đó với hòm đồ nghề đi đóng đàn cho những phường hát. Cứ ở đâu cần là họ đến. Nhưng có lẽ, điều quan trọng nhất của người thợ làm đàn là phải tinh thông về thẩm âm, khi phải chỉnh tiếng mỗi khi lên khuôn đàn. Ông nhớ, không ngày nào ông không bị kiểm tra chỉnh âm sắc mỗi khi lên dây đàn, theo bộ thanh mẫu. Mãi tới dăm năm sau, ông mới thành thạo ở mọi khâu chế tác, đôi khi còn được bố cử đi thẩm định chất lượng âm thanh cho các bạn hàng. Cuối cùng phải là tiếng đàn với chất lượng âm thanh chuẩn mực, tốt nhất đến với người dùng. Có thời gian nhiều nghệ sĩ của các đơn vị nghệ thuật, đoàn ca nhạc đến tận nơi thửa đàn tại nhà ông. Còn các tay cung văn thì vô kể. Cần vội làm đàn là nửa đêm cũng đến. Chờ vài hôm cũng được, họ sẵn sàng ăn trực nằm chờ, cùng nhau chọn mẫu gỗ cho tiếng đàn được ưng ý. Bởi trong các giá đồng, tiếng đàn phải ngọt thanh, réo rắt nâng cho giọng hát thêm truyền cảm. Chính vì thế có năm, tháng nào gia đình ông cũng xuất tới 100 chiếc đàn các loại, cả nhà làm không hết việc. Hiện, nghệ nhân Đào Văn Soạn là người duy nhất được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú. Tính đến nay gia đình nghệ nhân có tới 4 đời làm đàn dân tộc. Ông có công đào tạo hàng trăm thợ làm đàn, không những tại địa phương, mà còn nhiều học trò ở các tỉnh lân cận.

Những âm thanh hào hùng một thuở

Đang say sưa trò chuyện, ông Soạn chợt nhớ đến những ký ức tuổi thơ, vào những ngày đầu tổng khởi nghĩa. Ông còn nhớ không khí sôi nổi và rộn ràng vào đầu năm 1947, khi các chiến sĩ, cán bộ cách mạng về sơ tán tại Đào Xá. Hồi đó, các trẻ em trong làng đều được cán bộ dạy hát, múa và đánh đàn. Đào Xá là làng làm đàn nổi tiếng, được nhiều anh em văn nghệ sĩ kháng chiến tổ chức hoạt động rất vui, vào những đêm sinh hoạt. Mặc cho cách đó vài cây số, tiếng súng của giặc Pháp vẫn đì đùng đe dọa trong những trận càn vây bắt du kích. Đào Xá tuy gọi là vùng tự do nhưng chỉ cách con đường chính đi Cầu Giẽ và Vân Đình chừng mươi cây số. Dân trong làng vẫn thấp thỏm sẽ có ngày giặc Pháp sẽ càn đến. Nhưng từ khi các chiến sĩ cách mạng đến đóng quân, không khí lạc quan hơn hẳn chứ không còn lo âu như trước. Làng còn được xã cho định lại sơ đồ rồi đánh số nhà, số xóm cho tiện liên lạc và bố trí công việc phục vụ cách mạng. Đội văn nghệ thiếu nhi được thành lập. Những cây đàn của dân làng được huy động và ai cũng say sưa biểu diễn. Đó là những đêm vui nhất của làng từ xưa đến nay. Ngày đó du kích làng đi đào hào, rào cổng để phòng giặc Pháp đánh bất ngờ. Ông nhớ, khi ấy đội thiếu nhi ai cũng thuộc bài Làng tôi, mà không biết tác giả là nhạc sĩ Văn Cao đã đứng ra dạy hát trong nhiều đêm. Sau này, ông mới được bố kể lại rằng, nhạc sĩ Văn Cao, tác giả bài Thiên thai nổi tiếng.

Lại nghe nói, trong thời gian này nhạc sĩ Văn Cao được nhận nhiệm vụ sáng tác bài hát về Thủ đô. Những câu nhạc đầu tiên của bài Tiến về Hà Nội đã được nhạc sĩ viết tại làng Đào Xá. Chính nhạc sĩ đã từng xướng âm, hát cho cán bộ nghe trên đình làng, trong một đêm trước khi lên chiến khu Việt Bắc (1949). Quả nhiên sau đó là những trận càn của giặc Pháp vào làng. Tất cả tan hoang xơ xác, nhưng người dân vẫn kiên trung với ý chí quyết tâm kháng chiến chống giặc đến cùng. Những người du kích cùng dân làng chiến đấu đến viên đạn cuối cùng để bảo vệ lực lượng cách mạng. Những giai điệu nhạc chờ đón ngày giải phóng Thủ đô luôn luôn vang bên chiến hào với niềm lạc quan và tin tưởng vào chiến thắng của dân tộc. Những câu hát hào hùng cùng tiếng đàn đã cổ vũ cho cuộc chiến đấu một mất một còn với kẻ thù. Ông vẫn còn nhớ, đội thiếu nhi đội mũ ông sao ngày đó luôn miệng hát ca, với cây đàn ghi ta tiễn đoàn quân lên đường. Họ vẫy tay hẹn ngày trở về đúng như bài hát nhạc sĩ Văn Cao đã viết: “Trùng trùng quân đi như sóng. Lớp lớp đoàn quân tiến về. Chúng ta đi nghe vui lúc quân thù đầu hàng. Cờ ngày nào tung bay trên phố...”.

Vợ chồng nghệ nhân Đào Văn Soạn.

Vợ chồng nghệ nhân Đào Văn Soạn.

Nỗi niềm sau 200 năm

Đúng lúc này có người tận dưới Ninh Bình lên lấy cây đàn đáy. Đó là một kép đàn đệm cho ca nương hát ca trù. Nghệ nhân Đào Văn Soạn thận trọng đứng dậy thắp một nén nhang rồi chắp tay vái ba lễ. Sau đó ông mới đưa cây đàn cho người nghệ nhân kia so dây cất tiếng. Hai người ngồi đối diện bên ấm trà. Những âm thanh đầu tiên bừng lên với giai điệu nhấn nhá khắc khoải như một lời tâm sự của người nghệ sĩ tóc bạc. Ông chơi bản nhạc đệm cho bài Hồng hồng Tuyết tuyết của Dương Khuê. Nhưng rồi bỗng dưng kép đàn kia dừng tay. Đặt cây đàn đáy vào hộp rồi thừ người ngồi bên bàn trà. Ông trả tiền rồi đứng dậy ra về với vẻ mặt buồn rầu. Cả hai im lặng làm tôi thấy bỡ ngỡ không hiểu điều gì đã xảy ra.

Ngồi một lúc lâu, mấy tay thợ trẻ dọn đồ, ông Soạn mới bày tỏ tâm trạng. Nỗi buồn của kép đàn kia cũng chính là nỗi trăn trở của ông bấy lâu nay. Đó chính là những người thợ trẻ trong làng đã bỏ đi làm xa hết. Họ chê nghề làm đàn của làng cực thân mà không no cái bụng. Một số thợ giỏi khăn gói đồ nghề đi mở cửa hiệu làm đàn ở nơi khác. Chừng vài chục gia đình bám trụ cho đến nay đã hơn nửa thế kỷ nhưng vẫn chỉ đủ sống qua ngày. Bởi lẽ đàn làm ra thường bị con buôn ép giá. Tính ra công xá không lờ lãi bao nhiêu. Làng nghề được Nhà nước công nhận từ năm 2009, nhưng vẫn chưa có hiệp hội để tổ chức hỗ trợ trong kinh doanh, tạo dựng thương hiệu. Vợ ông vẫn phải đi xe ôm khênh đàn mang lên phố giao hàng. Thời thịnh vượng, cả làng nhà nhà làm đàn, người người tay đục, tay bào... Không ít nhà giàu có vì nghề này. Luôn luôn trong tâm trí nghệ nhân Đào Văn Soạn vang lên câu hỏi “Bao giờ cho đến ngày xưa?”. Một nỗi buồn mênh mang. Đôi mắt người già nặng trĩu với ánh mờ đục xa xăm. Nhớ một thuở như trong mơ. Nghe ông thở dài đến xót ruột.

                                                                                           Theo:  suckhoedoisong.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

15
Đang xem:
72.469.494
Tổng truy cập: