NGHỆ NHÂN -NĂNG KHIẾU - NGƯỜI CÓ CÔNG
Người đàn ông 33 năm gắn bó với nghề chỉ dành cho phụ nữ
(Ngày đăng: 09/05/2017   Lượt xem: 846)


Ông Đỗ Minh Thường ở xóm Đông, thôn Trạch Xá 33 năm gắn bó với nghề may áo dài.Ảnh: P.V

“Hỡi cô thắt lưng báo xanh/ Có về Trạch Xá với anh thì về/ Trạch Xá có lạch có lề/ Có ao tắm mát, có nghề thợ may”, những vần thơ này vẫn được người thợ may Đỗ Minh Thường (51 tuổi) ngân nga với niềm tự hào khi nói về nghề may áo dài truyền thống của quê hương.

 Đàn ông đổi vai đàn bà

Nhiều người thường nghĩ may vá, thêu thùa là việc chỉ dành cho phụ nữ, bởi nó đòi hỏi sự khéo léo và kiên trì. Thế nhưng với ông Đỗ Minh Thường ở xóm Đông, thôn Trạch Xá thì điều đó chưa hẳn đã đúng. “Tôi thấy thông thường nam giới thiết kế trang phục cho phụ nữ thì đẹp hơn phụ nữ thiết kế cho phụ nữ rất nhiều” - ông tự tin khẳng định. Chẳng phải ngẫu nhiên mà người đàn ông này tuyên bố chắc nịch như thế. Với 33 năm gắn bó với nghề may áo dài truyền thống, ông luôn nhận được sự hài lòng và yêu mến của hàng nghìn nữ chủ nhân các bộ áo dài trên khắp cả nước.

Cũng như bao người, khi còn trẻ, ông Thường luôn ước mơ được ăn học đàng hoàng. Học hết cấp III, ông đã từng mơ ước được theo học tại Trường Đại học Ngoại ngữ với mong muốn được đi nước ngoài để mở mang đầu óc. Thế nhưng do điều kiện gia đình khó khăn, ông đành gác lại ước mơ đó để theo nghề may truyền thống của gia đình. Ông chia sẻ: “Ban đầu theo nghề này chỉ để kiếm sống nhưng dần dà tôi thấy mình có duyên với nghề này, từ đó mà đam mê nó”. Và tình yêu với nghề may áo dài đó đã theo người đàn ông này suốt 33 năm qua và cả về sau này chỉ bởi vì ông quan niệm rằng làm đẹp được cho người là điều hạnh phúc.

Nghề “ăn cám trả vàng”

“Nghề áo dài này cũng nhiêu khê lắm” - ông Thường thành thật. Không phải chỉ có ở Trạch Xá người ta mới có nghề khâu bằng tay, thế nhưng nghề khâu tay ở những nơi khác là khâu tay ngang, chỉ có riêng Trạch Xá là khâu tay dọc. Bởi thế mà đường kim, mũi chỉ của những người thợ ở đây không những nhanh mà còn đều, đẹp, đến mức người ta vẫn nói rằng “mười mũi như một”. Vậy nên để đào tạo một thợ may áo dài phải mất tới 4-5 năm. Trẻ con chưa đến 10 tuổi đã bắt đầu làm quen với việc đơm cúc, thêu áo... Tinh hoa của nghề may áo dài chẳng thể nào nói được bằng lời, không phải cứ học là sẽ thành thợ giỏi, chỉ có thể dùng kinh nghiệm lâu năm để biết được đâu là điểm mạnh của áo dài.

Hơn nữa, nghề này đâu chỉ có học cách đưa đường kim, mũi chỉ. Suốt 4 năm học nghề và làm nghề, ông Thường còn phải học cả cách ngồi. “Ngồi không được dựa vào bất cứ cái gì”. Mục đích là để rèn luyện người thợ may, có thể ngồi bất cứ chỗ nào cũng có thể tạo ra những sản phẩm chất lượng.

Ngẫm về nghề của mình, ông Thường vẫn nói vui: “Nghề của tôi là nghề bắc nước chờ gạo người”. Một năm 12 tháng thì chỉ có việc trong 7 tháng, bắt đầu từ tháng 9 đến tháng 3 năm sau khi mà thời tiết mát mẻ và có nhiều hoạt động cưới hỏi, lễ tết. “Những năm ở Hà Nội, tôi chỉ thường đi đếm cột điện hoặc là ra lăng Hồ Chủ tịch đếm gạch từ đầu lăng bên này đến đầu lăng bên kia”. Câu chuyện đùa vui mà chất chứa nhiều tâm sự. Ông bảo cái nghề này yêu thì có yêu nhưng cũng rất “bạc”. Năm nào cũng cả 5 tháng chơi dài không có việc, 5 tháng gần như chẳng có thu nhập gì từ nghề, khó khăn đủ mọi bề.

Điều lao tâm khổ tứ nhất với nghề may áo dài có thể đúc kết lại bằng câu “Nghề ăn cám trả vàng”, một sản phẩm nhận công chẳng là bao thế nhưng nếu sơ sảy làm hỏng, làm lỗi cho khách hàng thì phải đền rất nhiều. Ông Thường nhớ lại năm 94, có khách hàng đặt may áo dài bằng vải xoa Pháp, lúc bấy giờ, vải này hiếm vô cùng. Trong một lần không may, ông lỡ làm hỏng mảnh vải của khách hàng, vì là hàng hiếm mua tận bên Paris nên dù có đi khắp các chợ Hà Nội cũng không tìm ra. “Lúc đó họ bắt đền bằng được, thời điểm đó tôi phải làm 2-3 tháng mới đủ tiền để đền cho khách”.

Khó khăn là thế, “bạc bẽo” là thế, ấy thế mà khi được hỏi tại sao ông không bỏ nghề này đi để kiếm một công việc khác tốt hơn, người đàn ông cười hiền hậu “máu nghề nghiệp đã ăn sâu rồi, nhiều lúc cũng nghĩ là bỏ đi nhưng không bỏ được. Đó là nghề truyền thống bao đời của cha ông truyền lại, hơn nữa tình yêu của khách hàng dành cho mỗi chiếc áo dài mình may ra là động lực thôi thúc mình phải tiếp tục làm đẹp cho người, làm đẹp cho đời”.

                                                                                               Theo: laodong.com.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

6
Đang xem:
72.491.711
Tổng truy cập: