NGHỆ NHÂN -NĂNG KHIẾU - NGƯỜI CÓ CÔNG
Biến củi thành... hàng mỹ nghệ
(Ngày đăng: 07/03/2017   Lượt xem: 583)

Phải trân quý tạo vật của Mẹ Thiên Nhiên. Phải chung tay bảo vệ môi trường. Phải phát triển bền vững... Đó có lẽ là những mệnh đề xưa cũ, ai cũng thuộc nằm lòng. Ấy thế, thực hành những điều đó thế nào trong công việc mưu sinh hằng ngày quả là không dễ. Câu chuyện được kể dưới đây có lẽ sẽ giúp chúng ta thấy rõ cách thức mà một nhóm cư dân trên sông Thu Bồn thực hành những điều đẹp đẽ và vô cùng đúng đắn ấy.

Sông Thu Bồn chảy từ thượng nguồn về đến vùng giáp ranh giữa H. Duy Xuyên và TP Hội An (Quảng Nam) thì chia làm đôi, sau đó mới nhập lại để đổ ra Cửa Đại. Doi đất nằm giữa hai dòng chảy sông Thu Bồn như một hòn đảo nổi lên giữa trời nước mênh mông. Một nửa doi đất ấy là xã Duy Vinh của H. Duy Xuyên, nửa còn lại là Cẩm Kim của TP Hội An. Nói đến Cẩm Kim chắc là không quá nhiều người biết đến, nhưng có một thương hiệu ở nơi này đã lan xa đến tận bốn phương trời, đó là: Làng mộc Kim Bồng.

Vào mùa mưa lũ, nước sông Thu Bồn dâng cao, cuốn theo những cây gỗ từ thượng nguồn đổ về cửa biển. Hàng trăm năm qua, cư dân ven bờ vẫn vớt những khúc gỗ ấy về chẻ ra làm củi. Thế nhưng, riêng ở Kim Bồng, gỗ vớt lên lại được trao cho các nghệ nhân, từ đó họ biến những khúc củi khô thành tác phẩm nghệ thuật. Nghệ nhân Huỳnh Sướng, một trong những nhà chế tác nổi tiếng nhất ở Kim Bồng kể với chúng tôi: “Ở nhiều nơi, các nghệ nhân vẫn ưa thích chế tác đồ mỹ nghệ từ những thân gỗ quý, được tuyển lựa khá kỹ càng và đắt đỏ. Nhưng ở Kim Bồng, đa phần nghệ nhân, thợ thủ công đều ý thức được rằng, rừng đầu nguồn ngày càng cạn kiệt, phần lớn đưa về xuôi theo đường tiểu ngạch. Bởi vậy, khi nhận ra vẻ đẹp của những khúc gỗ trôi dạt trên sông Thu Bồn theo dòng nước lũ, chúng tôi sẽ biến chúng thành những tác phẩm nghệ thuật. Đôi khi, tác phẩm hoàn thành, bản thân tôi cũng cảm thấy ngạc nhiên về vẻ đẹp của nó, đồng thời, rất nhiều du khách và nhà chuyên môn đã thưởng lãm và nhận xét tích cực”.

Nghệ nhân Huỳnh Sướng bên thân cây gỗ bộng nhặt được trên sông Thu Bồn.

Nghệ nhân Huỳnh Sướng cho biết sẽ chọn lựa một số tác phẩm từ gỗ trôi sông để triển lãm tại Festival Huế, trong đó có tác phẩm anh rất đắc ý là chiếc lồng chim được tạo tác từ một thân gỗ khô. Bên cạnh đó, qua tay nghệ nhân Huỳnh Sướng, những mảnh gỗ trên các chiếc thuyền mục cũng được tái chế thành bộ bàn ghế đơn sơ giản dị dùng làm nơi nghỉ chân cho du khách.

Thực tế, từ lâu, các nghệ nhân làng mộc Kim Bồng đã có ý thức trong việc bảo vệ rừng đầu nguồn. Đôi khi họ vẫn chế tác vật phẩm, vật dụng, đồ mỹ nghệ từ các loại gỗ quý hiếm theo đơn đặt hàng nhưng phần lớn đều tận dụng gỗ mít làm nguyên liệu chính. Mít là loại cây ăn quả trồng trong vườn nhà nên hạn chế được vấn đề chặt phá rừng, bên cạnh đó gỗ mít rất chắc, bền, màu sắc bắt mắt nên rất được ưa chuộng. Và để tiết kiệm mọi nguyên liệu thì các vật phẩm thừa thãi  như bột cưa, dăm bào được sử dụng để làm chất đốt nấu ăn trong gia đình. Ngoài gỗ, các nghệ nhân còn dùng vỏ ốc đập nát dát lên các bát làm bằng gáo dừa để làm quà lưu niệm cho du khách.

Một tác phẩm đã hoàn thành trong bộ “Mai Loan Trúc Cúc” được chế tác từ thân gỗ bộng.

Lần trở về quá khứ, theo từ thời trước, các vị tiền nhân làng Kim Bồng đã sử dụng gỗ mít làm nguyên liệu chính, gỗ mít thường có màu vàng và nổi trên sông. Tên gọi Kim Bồng có nghĩa là “vàng nổi trên sông”.

Theo nghệ nhân Huỳnh Sướng, nghề mộc ở Kim Bồng trước đây chủ yếu gắn với nghề đóng thuyền gỗ, đã trải qua nhiều bận thăng trầm, có lúc tưởng chừng như đã suy tàn, người làm mộc ly tán các nơi bươn bả mưu sinh, không còn ai nhớ tới cưa, đục, chạm nữa. Khi đô thị cổ Hội An dần lấy lại được ánh hào quang xưa, buôn bán sầm uất, du lịch phát triển, hàng vạn du khách tìm về thì làng mộc Kim Bồng cũng nhân cơ hội đó mà hồi sinh. Lúc này, những nghệ nhân còn sót lại của làng đã tích cực phát triển sản phẩm mộc Kim Bồng. Ngoài việc khôi phục nghề đóng thuyền, họ không ngừng tìm tòi, sáng tạo các dòng sản phẩm thủ công mỹ nghệ để phục vụ du lịch. Nghệ nhân trong làng nghề tận dụng tất cả những cây củi gỗ thừa thãi từ đời sống sinh hoạt hằng ngày để làm nên các tác phẩm nghệ thuật đẹp và cực kì độc đáo, đưa thương hiệu làng mộc Kim Bồng đi khắp các nơi trong và ngoài nước.

Du khách tham quan làng mộc Kim Bồng.

Dù nằm trong vùng rốn lũ, mỗi năm khi tới mùa lụt đều phải dọn mọi thứ lên lầu nhưng các nghệ nhân đều giữ trong mình máu nghề cũng như muốn gìn giữ làng mộc Kim Bồng ngày càng phát triển hơn. Hiện nay làng mộc có hơn 200 thợ lành nghề làm việc trong 18 cơ sở sản xuất đồ mộc, 10 cơ sở đóng tàu và một số công ty khác để giữ cho nghề thủ công mỹ nghệ cũng như nghề mộc của làng ngày càng phát triển. Nhờ đó, những sản phẩm mộc Kim Bồng theo chân du khách đi đến tận những phương trời xa lạ, mang theo tinh hoa tài năng, trí tuệ và cả thông điệp bảo vệ môi trường, trân quý tạo vật thiên nhiên của những nghệ nhân xứ này.

                                                                                                           Theo: cadn.com.vn


Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

11
Đang xem:
72.474.835
Tổng truy cập: