NGHỆ NHÂN -NĂNG KHIẾU - NGƯỜI CÓ CÔNG
Khóc, cười với... gỗ
(Ngày đăng: 06/02/2017   Lượt xem: 798)

Bên trong căn nhà nhỏ cấp 4 vừa là quán cà-phê mang tên Hồn Gỗ nằm trên đường Nguyễn Viết Xuân (TP Pleiku, Gia Lai) của anh Trần Đức Vinh chứa hàng trăm bức tượng bằng gỗ lũa - loại gỗ đã bào mòn bởi thời gian và những tác động của tự nhiên nhưng đầy sống động.

16 năm một nỗi niềm

Dù chưa được công nhận là nghệ nhân như bao người trong nghề khác nhưng đứng trước những tác phẩm của Trần Đức Vinh, không ít khách thưởng lãm phải lặng người. Hơn 200 tác phẩm được tạc bằng gỗ lũa được anh "tha" về từ khi chỉ là những gốc cây, rễ cây trải qua sự bào mòn của thời gian và cả những gốc cây bị đốt cháy nằm lãng quên giữa đại ngàn. Bằng niềm đam mê và bàn tay tài hoa, anh đã "thổi hồn" mình vào những khúc gỗ tưởng chừng vô tri để cho ra những tác phẩm nghệ thuật độc đáo, nhằm chuyển tải thông điệp cuộc sống đến với mọi người. Như anh nói, anh đến với lũa không chỉ là cái duyên mà còn là nỗi niềm của một người con Tây Nguyên khi chứng kiến sự đối xử tàn bạo của con người đối với môi trường sống. "Trong cuộc sống này vạn vật đều có linh hồn bạn ạ. Khi rừng Tây Nguyên bị con người tàn phá khốc liệt, mầm sống của nhiều loại cây tưởng chừng như bị tiêu diệt hết. Thế nhưng khi tìm thấy những thân lũa bị lãng quên nằm ở lòng sông, ven suối, lòng mình chợt quặn thắt khi nhận ra chúng vẫn còn đang "thở". Mình nghĩ bằng cách nào đó phải thổi hồn vào những thân cây mục nát đó để chúng được tái sinh với một hình hài mới. Qua đó mình muốn nhắn nhủ mọi người hãy bảo vệ, giữ lấy những gì mà môi trường đã ban tặng cho con người", anh Vinh tâm sự.

Anh Vinh trong một lần đi dọc sông tìm lũa "tha" về.

Khi được hỏi liệu việc sưu tầm của anh có trái ngược với những gì anh mong muốn khi có người cho rằng đây là "thú chơi phá rừng", anh cười hiền: "Mình hàng ngày làm nghề cắt tóc, thời gian rảnh lang thang vào rừng, sông suối tìm những khúc lũa đã bị người ta chặt phá, vứt bỏ. Có khi mua lại những khúc lũa trong đống củi ở làng mà người dân chuẩn bị nhóm lửa. Tuyệt đối mình không động đến một cây rừng nào hay một khúc gỗ nào". Điều đó cũng đã được xác nhận khi tác phẩm "Về đâu" đã được UBND tỉnh Gia Lai trao giải nhất trong Hội thi sinh vật cảnh tỉnh Gia Lai năm 2012. Tác phẩm là hình ảnh con voi mẹ rũ vòi buồn bên đứa con đang giơ chân ngơ ngác giương vòi như đang hỏi mẹ đi đâu giữa những cánh rừng trơ những gốc cây. Tác phẩm được tạc từ một gốc lũa bị đốt cháy mà anh Vinh nhặt từ rẫy của người dân về... Cứ thế, 16 năm qua từ khi bén duyên với lũa, căn nhà cấp 4 của anh cứ hẹp dần bởi những khúc lũa anh "tha" về từ khắp nơi. Dù chưa qua một trường lớp nghệ thuật nhưng bằng cái tâm, cảm nhận về chân, thiện, mỹ, anh tìm ý tưởng và "thổi hồn" của mình vào đó qua bàn tay của những thợ điêu khắc. "Có khi cả tháng trời mình mới cảm nhận được cái hồn của từng khúc lũa để tìm được ý tưởng chuyển tải vào đó và chỉ có 30% là bàn tay con người tác động vào, còn lại mình để tự nhiên như vốn có của nó", anh Vinh kể. Như tác phẩm "Trái tim bất diệt" - thể hiện lại hình ảnh tự thiêu của hòa thượng Thích Quảng Đức. Chỉ từ tấm lũa không hình dáng cụ thể, nhưng bằng cảm nhận của mình anh Vinh thấy những thanh lũa như những ngọn lửa đang rực cháy bao quanh một trái tim. Chỉ vài nét qua bàn tay thợ điêu khắc, gương mặt của hòa thượng Thích Quảng Đức hiện lên giữa đám lửa nhưng trái tim vẫn không thể bị đốt cháy. Thế nên, hầu như mỗi tác phẩm của anh mang từng nét riêng biệt, chuyển tải từng ý nghĩa riêng. 200 tác phẩm được anh sắp đặt theo từng chủ đề chuyển tải những thông điệp mà anh gửi gắm trong cuộc sống.

Tác phẩm "Trái tim bất diệt" thể hiện hình ảnh sống mãi về hòa thượng Thích Quảng Đức được nhiều nhà điêu khắc trong nước đánh giá cao.


Bộ sưu tập đầu tay: Mẹ

Miệt mài trong hơn 16 năm qua, bộ sưu tập của anh ngày một dày thêm. Thế nhưng, anh vẫn nặng lòng hơn cả về người mẹ của mình nên một khoảng không gian trang trọng giữa nhà là hàng chục tác phẩm về mẹ với nhiều dáng vẻ. "Đó cũng là bộ sưu tập đầu tay và day dứt nhất của mình. 8 năm chăm mẹ tai biến nằm một chỗ cũng là quãng thời gian mình day dứt vì mình chưa làm được gì nhiều", anh Vinh thổ lộ. Từ hình ảnh bào thai nằm giữa những chai sần của những vết lũa, bên cạnh là gương mặt hiền từ của mẹ trong tác phẩm "Tử cung" hay vòng tay bao bọc của mẹ, người mẹ tạc lên từ những gốc lũa cháy sém, khô cằn nhưng bầu sữa căng đầy cho con trong "Tình Mẹ". Đến cả những hình ảnh gắn bó với mỗi người Việt Nam như người mẹ già tảo tần bên giếng nước, cây chuối và đàn gà, đang chắp tay nguyện cầu cho những đứa con đang "tung cánh" giữa cuộc đời được bình yên, hạnh phúc. Hay là sự lắng đọng, day dứt khi những đứa con thơ trở về tìm mẹ nhưng mẹ chỉ còn là nấm mồ đơn côi... "Mình mong muốn những bạn trẻ làm gì cũng nên nghĩ đến mẹ bởi gia đình là nơi để mọi người quay về tìm lại sự bình yên, hạnh phúc", anh Vinh bộc bạch.

Cùng với hình ảnh day dứt về Mẹ là hình ảnh, không gian khác nhau của các tác phẩm, người xem có thể cảm nhận được những nỗi niềm khác nhau để lắng đọng lại lòng mình, tìm đến với niềm thanh thản giữa cuộc sống. Dù có người trả giá khá cao cho những tác phẩm nhưng anh Vinh từ chối bởi như anh tâm sự: "Mình sưu tầm để nói lên nỗi lòng mình, chuyển tải những nỗi niềm của mình đến với mọi người. Cầu mong cho những người khi đến đây chỉ cần một phút giây tĩnh lặng vì cuộc sống để quay về chính bản thể của mình". Đem cái đẹp để thức tỉnh, đó là một thông điệp lớn mà chàng trai trẻ Trần Đức Vinh, dù chưa qua bất kỳ một khóa đào tạo về mỹ thuật nào đã và đang làm thành công. Nhưng với anh, đó chỉ là sự chuyển tải nỗi lòng của mình thay cho bao người với mong muốn về một cuộc sống an nhiên, hạnh phúc hơn.

                                                                                            Theo: cadn.com.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

10
Đang xem:
72.494.829
Tổng truy cập: