NGHỆ NHÂN -NĂNG KHIẾU - NGƯỜI CÓ CÔNG
Điêu khắc gia Đào Châu Hải: Bản chất của sáng tạo nghệ thuật là đổi mới
(Ngày đăng: 23/12/2016   Lượt xem: 878)
Là một trong những điêu khắc gia hàng đầu của Việt Nam đương đại, nhà điêu khắc ĐÀO CHÂU HẢI là người tiên phong trong cách tân điêu khắc, truyền nhiều cảm hứng cho cả một thế hệ nghệ sĩ trẻ. Nhân dịp ông tham dự triển lãm “Mở cửa – Mỹ thuật 30 năm thời kỳ Đổi mới (1986-2016)” tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Hà Nội vào cuối tháng 9 vừa rồi, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện cởi mở và thẳng thắn.

Điêu khắc gia Đào Châu Hải.

Thưa ông Đào Châu Hải, trong mỹ thuật, điêu khắc là bộ môn lao động nghệ thuật khá “nặng nhọc” và vất vả so với hội hoạ. Nguyên nhân nào ông lại chọn con đường trở thành một nhà điêu khắc? 

Điêu khắc gia Đào Châu Hải: Năm 15 tuổi, khi đang học tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam tại Hà Nội, (anh trai tôi là Đào Minh Tri khi đó cũng đang theo học khoa hội hoạ, cùng trường), cha tôi nói: “Nhà có hai anh em học mỹ thuật, con nên theo học điêu khắc; hội hoạ hay điêu khắc thực ra cũng là mỹ thuật thôi.” Thực ra khi còn ít tuổi hơn, tôi luôn mơ ước được làm thuỷ thủ tàu viễn dương, đi trên sóng nước mênh mông để tìm hiểu khám phá đằng sau đường chân trời kia là cái gì.  

Điêu khắc truyền thống sử dụng chất liệu chủ yếu là đá, đồng, gỗ, thạch cao … và hình như ông cũng đã trải qua nhiều giai đoạn sáng tác với nhiều chất liệu khác nhau. Gần đây, ông nổi lên như một thủ lĩnh về điêu khắc sắt hàn tại Việt Nam. Liệu có lý do đặc biệt nào để ông thay đổi chất liệu không? 

- Đúng vậy. Tôi có nhiều giai đoạn suy nghĩ và làm việc rất khác nhau, giống như đứa trẻ từng bước tập đi vậy, và cũng đã thử nghiệm nhiều chất liệu khác nhau trong quá trình thực hành nghề nghiệp. 

Khi còn trẻ, tôi say mê với gỗ phủ sơn mài. Sau đó là tre đan – tạo hình bằng chất liệu tre đan thủ công bằng tay. Và cho đến hôm nay thì tôi thích và gắn bó với chất liệu sắt hàn, kim loại và thuỷ tinh lắp ghép. 

Với gỗ phủ sơn mài, mây tre đan lát, tôi như được sống lại với tuổi thơ trong căn nhà gỗ năm gian truyền thống của ông ngoại ở một làng quê yên bình, vắng lặng, có mái đình làng to và những pho tượng gỗ rất lớn, ẩn hiện, lấp lánh vàng son … nhưng cũng rất nghèo và đạm bạc về vật chất.

Sau những chuyến đi nghiên cứu, tham quan, thực hành nâng cao nghề nghiệp ở  châu Âu, đặc biệt là thời gian làm việc với chất liệu sắt hàn, kim loại tại xưởng điêu khắc kim loại của Trường Mỹ thuật Paris năm 1998, tôi học hỏi được nhiều điều về kim loại, ngôn ngữ, cấu tạo, cấu trúc, đặc tính của nó, rồi hàng giờ, hàng ngày chiêm nghiệm những tác phẩm kim loại của Rodin, Henri Moore, H. Ceza, Tony Smith, Richard Serra, … từ đấy, tôi có nhiều thay đổi nhận thức về cấu trúc tạo hình, hình thể, đặc biệt là kim loại với cấu trúc không gian tạo hình. Với kim loại, tôi thấy mình tự do hơn trong tư duy và thực hành nghệ thuật. 

Bây giờ, sau bao năm tháng, với những gì mình đã làm và đang làm, tôi lại hiểu rằng chất liệu: kim loại, gỗ, đá, thuỷ tinh, giấy, vải … cũng chỉ là vật chất. Có lẽ cái khó vẫn là biểu hiện ý tưởng nghệ thuật của mình từ những dạng vật chất bất kỳ nhưng thích hợp mà thôi. 

Vâng, trong nghệ thuật hiện đại và đương đại, tìm được ý tưởng hay ý niệm cho tác phẩm là điều then chốt. Vậy, cho đến nay, sáng tác nào ông cho là có ý tưởng thú vị nhất hoặc là tạo ra bước ngoặt trong đời sáng tác của mình?

- Tất nhiên là sau hơn 40 năm học tập, làm việc, hành nghề, từ biên cương đến hải đảo trên khắp đất nước mình và nhiều nơi xa xôi châu Âu, châu Mỹ, châu Á, tôi đã có được rất nhiều hiểu biết, khám phá và trải nghiệm tràn đầy cảm xúc. Nhưng có lẽ một trong những sự kiện quan trọng nhất đối với tôi là lần tham gia triển lãm quốc tế châu Á – Thái Bình  Dương, ở Singapore năm 1999. Lần đó, tôi gửi tới triển lãm tác phẩm “Hình thể & Trừu tượng”, được tạo hình bằng chất liệu tre đan bằng tay; đó là một hình thể lớn do nhiều hình thể nhỏ ghép lại, tạo ra một không gian rỗng và tương đối phức tạp. Về thể tích, nó là tác phẩm lớn nhất trong triển lãm này, nhưng rỗng bên trong với một chất liệu mộc mạc, giản dị. Tôi hiểu ra được nhiều điều sau triển lãm này, và nhận thức từ công việc đó đi cùng với tôi cho đến tận ngày hôm nay.

Trong thời đại toàn cầu hoá hôm nay, yếu tố “bản sắc” ngày càng bị xoá nhoà trong nghệ thuật hiện đại và đương đại. Thế còn đối với ông, trong sáng tác, ông có quan tâm tới tính dân tộc, bản sắc hay tính hiện đại không? 

- Tôi không nghĩ nhiều đến những điều này, hay nói cách khác, cặp phạm trù Dân tộc – Hiện đại có lẽ là dành riêng cho công tác nghiên cứu nghệ thuật học của thế kỷ 19. Tiến trình phát triển nghệ thuật - của nhân loại nói chung cũng như của một cộng đồng, một cá nhân nghệ sĩ - chắc chắn phải đi từ cái riêng tư để hướng tới cái phổ quát mang tính nhân loại.

Dù khoác vỏ dân tộc hay hiện đại, nghệ thuật điêu khắc ngoài trời ở ta hiện nay đang có một thực trạng lạm phát tượng đài với khá nhiều công trình tốn kém mà ít đóng góp cho đời sống văn hoá công cộng. Xin ông cho biết quan điểm cá nhân về điêu khắc công cộng hay điêu khắc ngoài trời?

- Theo tôi, điêu khắc nói chung luôn tham gia trực tiếp vào quá trình phát triển của  lịch sử loài người, từ thời tiền sử cho đến hôm nay. Đặc biệt ở những quốc gia sớm có nền văn minh cao như Hy Lạp, La Mã, đế chế Inca, sự hình thành các đô thị thời La Mã cho tới các siêu đô thị của thế kỷ 20 ở châu Âu, Bắc Mỹ luôn gắn liền với các trào lưu nghệ thuật điêu khắc được gọi là điêu khắc công cộng (public art), điêu khắc ngoài trời (monument). Đặc điểm chung của diễn ngôn của loại hình nghệ thuật điêu khắc đô thị này luôn mang một ý nghĩa là ‘định nghĩa cho một không gian’ (đô thị, cảnh quan, lịch sử, văn hoá…) nào đấy.   

Ở Việt Nam, thật là khó cho câu chuyện này khi mà về thực chất chúng ta chưa có kiến trúc và quy hoạch đô thị theo những chuẩn mực căn bản nhất.

Đúng vậy, không những cần có quy hoạch kiến trúc có sự lồng ghép các công trình điêu khắc ngoài trời tốt, mà việc chiều theo ý của chủ đầu tư hoặc phụ thuộc vào bối cảnh cụ thể cũng là những  thách thức đối với nhà điêu khắc. Xin ông kể cho nghe về một tác phẩm điêu khắc ngoài trời gần đây ông thấy ưng ý, và vì sao?

- “Cửa sóng” là tác phẩm tôi hoàn thành năm 2006, tại trại sáng tác điêu khắc quốc tế ở Hòn Dấu, Đồ Sơn, Hải Phòng. Đây là một diễn ngôn mang yếu tố kết hợp giữa ngôn ngữ tạo hình đa chiều và cảnh quan thực tại. Tôi yêu thích “Cửa sóng” vì thông qua sự hình thành của “nó”, tôi cảm nhận được gần nhất điều mà tôi mong muốn trước đó. 

Thưa ông, chưa bao giờ mỹ thuật Việt Nam có một đội ngũ nghệ sĩ đông đảo như bây giờ, nhưng nhìn vào thực trạng, so với bạn bè khu vực và thế giới, phải thừa nhận rằng trên vũ đài nghệ thuật toàn cầu hiện nay, chúng ta vẫn luôn chỉ “có tiềm năng” mà chưa đạt được vị thế tương xứng. Với con mắt nghề nghiệp và kinh nghiệm bản thân, ông có nhận xét gì về 30 năm của “mỹ thuật Việt Nam đổi mới”? 

- Tôi cho rằng bản chất của sáng tạo nghệ thuật là đổi mới. Nhìn lại lịch sử tạo hình của nhân loại: các phong cách, khuynh hướng, trào lưu, chủ nghĩa, v.v… thực chất là tiến trình của “đổi mới”,  đổi mới về nhận thức thị giác, quan niệm thẩm mỹ, ý tưởng và hình thức nghệ thuật nói chung. Nhưng cũng không ở đâu trên thế giới này, nghệ sĩ phải chờ từ ai đó phát ra mệnh lệnh “đổi mới” thì mới sáng tạo. Các hoạ sĩ Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Phan Chánh, Tô Ngọc Vân… luôn sáng tạo, đổi mới mà không cần một chỉ thị nào. Theo tôi, cụm từ “Đổi mới” được hiểu theo nghĩa “Art-doimoi” là không cần thiết, thậm chí nực cười.

Ngày hôm nay, nhìn lại, và nhận xét gì về 30 năm của “mỹ thuật Việt Nam đổi mới” thì thật là khó với tôi, bởi tôi không phải là người làm công tác nghiên cứu lịch sử mỹ thuật. Nhưng chắc chắn rằng câu hỏi “vị thế và những đóng góp của mỹ thuật Việt Nam đang ở đâu trên bản đồ mỹ thuật thế giới?” là một câu hỏi cần có lời giải đáp rõ ràng từ các nhà nghiên cứu chuyên nghiệp.

Trong những thập niên vừa qua, diện mạo điêu khắc Việt cũng đã thay đổi nhiều? Xin ông cho biết những đánh giá cụ thể? 

- Điêu khắc Việt Nam nói chung, từ khoảng 10 năm trở lại đây, theo nhận xét riêng của tôi, đã có được sự nỗ lực để tìm cho được một vị trí trong dòng chảy chung của mỹ thuật đương đại, hay nói một cách khác, điêu khắc Việt Nam đã tự “đổi mới” từng ngày, đổi mới và sáng tạo trên những vấn đề căn bản: cái nhìn thị giác, quan điểm thẩm mỹ, cấu trúc hình thể, không gian, chất liệu, và theo tôi – quan trọng hơn cả là bằng chính tác phẩm của mình, các nghệ sĩ điêu khắc trẻ đã có tiếng nói riêng để bày tỏ nhận thức, quan điểm với những đổi thay của thế sự ngổn ngang phức tạp trong xã hội đương thời; điêu khắc trẻ Việt Nam đang có một thế hệ đầy khát khao sáng tạo. Đây là một thế hệ quan trọng, rồi lịch sử sẽ chứng minh. Với cá nhân, tôi rất tự hào và hạnh phúc khi được song hành với thế hệ trẻ của điêu khắc Việt Nam đương đại trên con đường tự-đổi-mới.

Trong số các điêu khắc gia hàng đầu của Việt Nam hiện nay, ông là người có phạm vi hoạt động quốc tế khá rộng, và được biết mới đây ông có dự án điêu khắc hợp tác với một bảo tàng nghệ thuật ở Đài Loan. Ông có thể tiết lộ cơ duyên nào ông đã có dịp tham gia vào dự án này, và với tác phẩm nào? Nhân tiện, cũng xin ông cho biết vài nhận xét về nghệ thuật đương đại Đài Loan trong bối cảnh khu vực và trong tương quan với chúng ta? 

- Vâng, tôi đang có một công việc hợp tác với Đài Loan. Cụ thể là Southern Branch National Palace Museum của Đài Loan có mua bản quyền một tác phẩm điêu khắc của tôi để dựng tại không gian bên ngoài bảo tàng này. Đây là tác phẩm “Thần Sấm” (Thunder God) tôi sáng tác năm 2007 cho triển lãm “Bốn Mùa” tại Viet Art Center (năm 2008), Hà Nội. Cũng rất tình cờ, bảo tàng này tìm thấy các tác phẩm của tôi trên Blog cá nhân, và họ chọn tác phẩm “Thần Sấm” cho mục tiêu của họ. Sau đó họ mời tôi tham gia dự án, cộng tác. Tôi cũng mới có một chuyến công tác sang Đài Loan. Pho tượng này được thể hiện theo nguyên bản cao 4 mét, rộng 6,2 mét bằng chất liệu thép không gỉ (inox), và có thay đổi cấu trúc cho phù hợp hơn với cảnh quan ở đây, và được mang tên mới là “Presence” (Sự hiện diện).

Cũng trong chuyến đi vừa rồi tôi có được thăm một số gallery, bảo tàng nghệ thuật của họ. Đài Loan là một đảo nhỏ, có chính phủ độc lập theo thể chế chính trị dân chủ, nhưng họ có nhiều nghệ sĩ giỏi trong lĩnh vực nghệ thuật đương đại. Đặc biệt, điêu khắc gia Zu-Ming, một trong những nghệ sĩ lớn nhất của Đài Loan còn sống, để lại nhiều ấn tượng với tôi hơn cả. Thực ra, tôi đã được xem trực tiếp các tác phẩm của Zu-Ming ở châu Âu từ khoảng 20 năm trước. Một trong những tác phẩm điêu khắc của ông được bày trong không gian cảnh quan kiến trúc rất đẹp của vườn Luxembourg, Paris. Tôi yêu mến và tôn trọng ông ở hình thái điêu khắc, đặc biệt là sự kết hợp tính triết lý sâu xa của Thái Cực Quyền với ngôn ngữ điêu khắc hiện đại.

Trong bối cảnh kinh tế thị trường, nếu không “trúng” các dự án tượng đài tiền “tấn” thì đời sống của các nghệ sĩ điêu khắc khá lao đao, nhiều người phải kiếm sống bằng những công việc trái ngành trái nghề. Xin hỏi ông một câu hỏi khá riêng tư: tình hình công việc của ông hiện tại có đủ sống và duy trì nghề hay không, và do đó, ông có nghĩ tới hay đang chuẩn bị bất kỳ dự án nào cho tương lai gần không?

- Công việc cá nhân của tôi luôn khó khăn và vất vả. Điêu khắc là như vậy. Lam lũ, cáu bẳn, khó tính, không muốn gần ai và cũng không có ai gần được mình lâu. Lúc thì tôi làm việc ở xưởng trên Phú Thọ. Lúc thì chân trời góc bể, phải đi nhiều quá, chỉ sống bằng nghề điêu khắc, ngoài ra cũng không biết làm gì khác để kiếm sống. 

Cho ngày mai, tôi có rất nhiều suy nghĩ và ý tưởng nghệ thuật, nhưng cụ thể thì vào tháng 12 năm nay, tôi sẽ có chung một triển lãm với các điêu khắc gia trẻ của Hà Nội và Sài Gòn. Đây là cuộc triển lãm thường kỳ 2 năm một lần. 

Khi sáng tác, ông thường tìm cảm hứng hay ý tưởng cho tác phẩm mới như thế nào?

- Cả hai, cảm hứng hay ý tưởng, đều đến từ triết lý sống. Tôi cho rằng triết lý sống là điều cần thiết. Tính triết lý là sự nhất quán, xuyên suốt, từ nhận thức đến sự hình thành ý tưởng, cảm xúc cho quá trình lao động sáng tạo.

                                     Ngoài làm điêu khắc, ông có tham gia hoạt động nghệ thuật nào khác không? 

- Gần đây, xen giữa điêu khắc, tôi cũng quay lại với hội hoạ. Thay đổi không gian và phương thức làm việc cũng là cần thiết và thú vị.

Theo ông thì thứ không thể thiếu được trong studio của ông là gì?

Nếu làm việc trong studio, điện nước là những thứ quan trọng nhất. Điện để chiếu sáng, cắt hàn. Nước để làm thạch cao, nặn đất. Đôi khi điện nước cũng là chất liệu, vật liệu để tham gia vào điêu khắc.

Một ngày bình thường trong cuộc sống của ông với vai trò một người nghệ sĩ diễn ra có bình thường không?

- Đối với tôi, làm tác phẩm là công việc hàng ngày. Vẽ sơn dầu, acrylic, phác hoạ ý tưởng trên giấy, ghi chép ý tưởng, suy nghĩ vui-buồn, hàn sắt, đổ khuôn thạch cao… và tôi không bao giờ cảm thấy thoả mãn, vì thế mà cứ làm mãi, nhiều khi cũng chẳng để làm gì.

Trong sự nghiệp của mình, ông yêu thích hoặc chịu ảnh hưởng nghệ thuật của nghệ sĩ nào hoặc tác phẩm nào, thưa ông?

- Thời trẻ tuổi, tôi yêu thích và cả sợ hãi những pho tượng Kim Cương, Ông Thiện, Ông Ác trong những kiến trúc cổ Việt Nam và những cây cột gỗ lim cao lớn, đậm màu sắc của thời gian trong kết cấu kiến trúc đình làng. Sau này, đi ra nước ngoài nghiên cứu, học tập, tôi hiểu và cảm nhận thế giới có nhiều khác lạ. Tôi thích những pháo đài thời Trung cổ ở châu Âu. Những nghệ sĩ có ảnh hưởng tới nhận thức điêu khắc của tôi: Rodin, Naum Gabo, Giacometti, Tony Smith, Richard Serra, và đặc biệt là Maria Abramovich. 

- Ngày nay, nghệ thuật thị giác nói chung và điêu khắc nói riêng ngày càng hướng tới sự tương tác với khán giả, với công chúng, chứ không chỉ đơn thuần là những thứ trưng bày có tính trang trí hay đem lại khoái cảm thị giác. Ông đánh giá nào về vai trò của nghệ thuật điêu khắc trong thế giới nghệ thuật và đối với đời sống văn hoá của cộng đồng hôm nay?

Như tôi đã nói ở trên, điêu khắc là cái không thể thiếu trong lịch sử phát triển văn hoá và văn minh loài người, chính vì đặc điểm có tính định nghĩa cho một không gian sống nói chung của con người, rộng hơn là một cộng đồng dân cư, do vậy, điêu khắc và kiến trúc luôn song hành với nhau, giúp cho cộng đồng có những nhận thức về không gian sống của xã hội và về chính bản thân con người mình sống/tồn tại trong không gian đó.

Được biết ông là người có điều kiện giao lưu, tham gia nhiều trại sáng tác quốc tế hay triển lãm nghệ thuật đương đại quốc tế. Vậy, ông có nhận xét gì về tình hình điêu khắc đương đại Việt Nam xét trong bối cảnh khu vực và quốc tế? 

- Ở Việt Nam, tôi có tham gia một số trại sáng tác quốc tế, ví dụ như năm 2004 ở Huế, tôi có tác phẩm “Nhìn từ quá khứ”; năm 2006 ở Hòn Dấu, Đồ Sơn, Hải Phòng, với tác phẩm “Cửa sóng”; năm 2015 tại Sài Gòn với tác phẩm “Vòng tay lớn”.

Ở nước ngoài, năm 1999 tôi tham dự triển lãm điêu khắc “Châu Á – Thái Bình Dương” tại Singapore, với tác phẩm “Hình thể & Trừu tượng”; năm 2013 tôi tham gia sáng tác một tác phẩm có tính sắp đặt tại Portland, Maine, Hoa Kỳ, cùng nghệ sĩ trẻ Nguyễn Ngọc Lâm. Đây là một tác phẩm điêu khắc sắp đặt ngoài trời với vật liệu là cành cây cắt, ghép  cấu thành tác phẩm mang tên “Tree man” – “Người cây”.

Kinh nghiệm qua các trại sáng tác, triển lãm quốc tế, tôi thấy rằng: chúng ta - điêu khắc đương đại của Việt Nam - đang có những nỗ lực không biết mệt mỏi để tìm kiếm và khẳng định vị trí, vai trò của điêu khắc đương đại trong dòng chảy chung của nhân loại, điều này thật đáng khích lệ. Ở góc độ nghề nghiệp, khi các nghệ sĩ Việt Nam làm việc, tiếp xúc và bày tỏ thành quả lao động nghệ thuật của mình với các giá trị văn hoá khác biệt, cũng đồng nghĩa với việc học hỏi và bộc lộ những vấn đề của riêng chúng ta – thiếu công nghệ, thiếu và nghèo nàn trong chất liệu, trong ngôn ngữ nghệ thuật. Cá nhân tôi cho rằng, điều quan trọng nhất, chúng ta thiếu rất nhiều về ý tưởng nghệ thuật. Có lẽ nguyên nhân và nhược điểm này bắt nguồn từ một xã hội chậm phát triển, nghèo về vật chất cũng như vẫn tồn tại những định kiến có tính cực đoan trong nhận thức văn hoá truyền thống của người Việt.

Từng là một nhà sư phạm có nhiều năm giảng dạy tại bộ môn Điêu khắc của Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, cũng là người quan tâm dìu dắt nhiều nghệ sĩ điêu khắc trẻ, vậy xin ông cho biết ý kiến về sự phát triển của nghệ thuật điêu khắc trẻ của ta hiện nay và triển vọng?

- Mỹ thuật Việt Nam nói chung và điêu khắc Việt Nam nói riêng chậm hơn thế giới cả trăm năm. Có rất nhiều lý do khách quan, nhưng lý do chủ quan là chậm về học thuật và nhận thức cá nhân của người nghệ sĩ với công việc làm nghệ thuật của mình. Hiện tại, điêu khắc Việt Nam đang phát triển rất tốt. Điều quan trọng là đang có một đội ngũ điêu khắc gia trẻ đầy hy vọng. Tôi tin rằng họ sẽ làm nên cái cá nhân của mình trong bối cảnh chung hiện nay.

Khi sáng tác, ông có thường đặt ra những tiêu chí cụ thể để rồi theo đó mà phấn đấu chăng?

- Bây giờ tôi cũng không còn trẻ nữa, mà cũng chưa hẳn là già, không hiểu sao tôi chưa bao giờ tự đặt ra cho mình tính mục đích trong công việc sáng tác của mình. Tôi cho rằng nói chung, nghệ thuật là một cuộc phiêu lưu lớn trong thời đại và nhỏ trong từng cá nhân người nghệ sĩ.

Mà với tôi, “đằng sau giới hạn đường chân trời kia là cái gì” mới là quan trọng.

Xin được hỏi ông câu hỏi cuối: đối với ông, mục đích tối hậu mà ông cố gắng đạt được trong sáng tạo nghệ thuật của cá nhân là gì?

- Đây là câu hỏi mà có lẽ không ai có thể giải đáp, trả lời thoả đáng được. “Nghệ thuật là cái gì?” Cũng như vậy, tôi cho rằng nghệ thuật, xét cho cùng, có lẽ không có tính mục đích. 

Vâng, xin cám ơn ông. Chúc ông có đủ sức khoẻ để vững bước đi tiếp về phía “giới hạn đường chân trời” của cuộc sống và nghệ thuật. 

                                                                                                Theo:daidoanket.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

5
Đang xem:
72.498.705
Tổng truy cập: