NGHỆ NHÂN -NĂNG KHIẾU - NGƯỜI CÓ CÔNG
Giữ mãi sắc hương thổ cẩm
(Ngày đăng: 29/08/2012   Lượt xem: 782)

Tặng tôi một chiếc túi cùng với chiếc khăn truyền thống, những người phụ nữ dân tộc Thái ở bản làng phía Tây Nam tỉnh Điện Biên nhắn nhủ: Chúng tôi không quên truyền thống của dân tộc mình. Dù thế nào, chúng tôi vẫn giữ nghề của tổ tiên...

Lặng lẽ truyền lửa

 Buổi trưa, chị Quàng Thị Nọi, bản Ló, xã Thanh Luông, huyện Điện Biên thường không ngủ, để dành thời gian đắm mình vào tấm vải thổ cẩm. Khi chị thêu váy, lúc làm khăn piêu, lúc lại dệt vải... Những lúc như thế, chị như gửi cả tấm lòng của mình cho đứa con tinh thần. Các họa tiết hoa văn hiện lên sống động sau mỗi lần chị luồn, đan, khâu chỉ màu vào vải. Chị bảo, làm được một sản phẩm từ vải thổ cẩm kỳ công lắm. Đầu tiên là se sợi rồi dệt vải, sau đó mới cắt, may, thêu hoa văn trang trí. Để làm được một chiếc chăn phải mất cả tháng trời. Đơn giản hơn là chiếc khăn rửa mặt cũng phải mất một ngày. 

 
Kiểm tra sản phẩm trước khi giao cho khách hàng. Ảnh: N.B

 Trò chuyện một hồi, chị Nọi lấy tất cả sản phẩm thổ cẩm do chính tay chị làm ra khoe. Nào là khăn piêu, chăn, đệm, túi đi chợ..., những sản phẩm người dân tộc Thái vẫn hay sử dụng trong đời sống hàng ngày. Chị cười hồn hậu giới thiệu: "Đây là khăn piêu, tôi làm 15 ngày mới xong một chiếc. Lâu nhất là thêu piêu và làm cút (cút piêu được làm từ một mảnh vải đỏ rộng khoảng 1cm, bên trong bọc lõi chỉ rồi cuộn tròn lại, bên ngoài được quấn thêm các sợi chỉ màu thành các múi. Các cút piêu được đính ở các góc của khăn). Người Thái hiện nay ít dùng khăn mặt truyền thống, nhưng tôi vẫn làm để vừa dùng, vừa biếu người già và làm quà tặng khách dưới xuôi lên chơi".

Chị Nọi kể, con gái Thái khi đi lấy chồng theo truyền thống đều phải tự tay làm các vật dụng bằng vải thổ cẩm như: Khăn piêu, chăn, đệm, váy áo, khăn mặt... Những món đồ này được dùng để tặng bố mẹ, họ hàng nhà chồng và để chính đôi vợ chồng trẻ sử dụng hàng ngày. Khả năng dệt vải, thêu thùa chính là một tiêu chí đánh giá người con gái đó có đảm đang, khéo tay hay không. Vì lẽ đó, chị được mẹ cho làm quen với khung dệt, kim khâu từ khi còn nhỏ. Khi thành thiếu nữ, chị đã thành thạo nghề dệt, làm chủ được đường thêu. Chỉ cần có mẫu hoặc được hướng dẫn một lần là chị có thể khâu, thêu bất kỳ họa tiết hoa văn nào. Chị tâm sự: "Tôi rất thích thêu thùa. Nếu không ngồi vào khung dệt, không cầm kim khâu là thấy nhớ. Tôi vẫn làm chăn, đệm, thêu khăn piêu hàng ngày. Nhiều lắm, dùng không hết được nhưng tôi vẫn làm cho đỡ nhớ".

Sợ mất nghề truyền thống của tổ tiên, chị Nọi vẫn dạy các con mình dệt vải, thêu thùa hàng ngày dù chúng còn bận học. Chị giãi bày: "Tôi muốn con mình biết nghề của tổ tiên để lại. Người dân tộc Thái phải giữ được gốc tích của mình". Dường như với người phụ nữ này, giữ gìn văn hóa truyền thống của ông bà tổ tiên luôn là điều đau đáu trong lòng.

Hợp sức giữ nghề

Sản phẩm thêu, dệt thổ cẩm của người dân tộc Thái Điện Biên được làm bằng tay hết sức tỉ mỉ, cầu kỳ. Mỗi sản phẩm thổ cẩm đều là sự kết tinh cao độ của trí tuệ và sự khéo léo cũng như tâm tình của người làm ra chúng. Xưa kia, khi làm một sản phẩm thổ cẩm, phụ nữ dân tộc Thái thường tự tay làm tất cả, từ khâu chuẩn bị sợi bông, nhuộm màu, dệt vải, nhuộm chỉ và thêu thùa thành sản phẩm. Tùy từng mẫu hoa văn trên tấm thổ cẩm, người dệt có thể pha, nhuộm các màu khác nhau từ các loại cây cỏ trong rừng. Từ những tấm vải đã dệt, họ cắt may thành váy, áo, khăn piêu, gối rồi thêu hoa văn trang trí lên đó. Họa tiết, hoa văn trên thổ cẩm là sự kết tinh quan niệm nhân sinh quan, nghệ thuật thẩm mỹ của người Thái...

Không lặng lẽ như chị Nọi, những người phụ nữ ở xã Thanh Nưa đã tự nguyện hợp sức khôi phục lại nghề dệt. Bắt đầu bằng việc gom nhặt, sửa khung cửi cũ, người nhớ nghề chỉ dạy cho người chưa biết. Họ còn mời nghệ nhân biết dệt những mẫu hoa văn cổ về dạy cho chị em... Chị Vì Thị Phong, một trong những người đầu tiên tham dự nhóm phụ nữ nghèo khôi phục nghề truyền thống ở xã Thanh Nưa cho biết: "Đầu tiên, việc khôi phục nghề gặp nhiều khó khăn do nhiều chị em không còn nhớ nghề, một số thì không tin có thể làm được. Chúng tôi phải động viên nhau luôn. Mới đầu chỉ có 14 chị em tham gia. Sản phẩm làm ra chủ yếu để dùng trong gia đình".

Để giữ nghề và tạo được thu nhập cho chị em, chị Lưu Thị Kim Dung, người khởi xướng phong trào khôi phục nghề truyền thống tìm mọi cách đưa sản phẩm thổ cẩm của chị em ra thị trường. Chị lập một trang web giới thiệu thổ cẩm quê mình, đồng thời cùng chị em đưa túi, áo, khăn, chăn, đệm do chị em làm tới các hội chợ. "Sau hội chợ, nhiều doanh nghiệp đã tìm đến chúng tôi đặt hàng. Khách du lịch tới tận bản mua sản phẩm của chúng tôi. Điều này khích lệ chị em rất lớn. Số chị em quay lại với nghề truyền thống dệt thổ cẩm ngày càng tăng lên" - Chị Dung cho biết.

Giờ thì các chị em trong nhóm phụ nữ nghèo khôi phục nghề dệt thổ cẩm ở xã Thanh Nưa đã có thu nhập trên dưới 1 triệu đồng/tháng từ việc bán sản phẩm thổ cẩm. Số lượng chị em tham gia trong nhóm lên tới hơn 100 người. Cái được lớn nhất là chị em đã kéo được lớp trẻ quay về với nghề dệt thổ cẩm truyền thống, tìm lại và bảo tồn được các mẫu hoa văn cổ. Nói về tương lai, chị Vì Thị Lú, một trong những người dệt thổ cẩm lâu năm nhất ở xã Thanh Nưa cho biết: "Chúng tôi sẽ cải tiến mẫu mã, làm thêm nhiều sản phẩm mới để bán được ở thị trường".

                                                                                                      Theo : ( Bao Bien Phong)  -  Bích Nguyên

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

19
Đang xem:
72.471.398
Tổng truy cập: