NGHỆ NHÂN -NĂNG KHIẾU - NGƯỜI CÓ CÔNG
"Hồn dân tộc" trong đường kim, mũi chỉ
(Ngày đăng: 26/03/2016   Lượt xem: 622)

Hiển hiện theo đường kim, mũi chỉ, những gam mầu, hình khối được nối ghép sống động dưới bàn tay tài hoa của các nghệ nhân, nghệ sĩ để hình thành nên tác phẩm tranh thêu. Nghề cổ truyền đã được XQ nâng tầm thành nghệ thuật, là niềm tự hào của bản sắc thương hiệu Việt "vươn ra biển lớn" trong thời hội nhập quốc tế.


Ðông đảo khách nước ngoài và Việt kiều ký tên vào mẫu tranh thêu trong lễ hội XQ Việt Nam tổ chức tại TP Pô-xđam (CHLB Ðức).

Tôi từng chứng kiến nhiều vị khách, trong đó có cả những nguyên thủ quốc gia của các nước trên thế giới đã đứng lặng người chiêm ngưỡng tác phẩm của tranh thêu XQ. Có đoàn họa sĩ của nước bạn Trung Quốc, một trong những cái nôi của nghề thêu thế giới, sửng sốt như không tin vào mắt mình khi xúm quanh tác phẩm tranh thêu chân dung nổi hai mặt của cụ Vũ Khiêu, một nhà nghiên cứu văn hóa nổi tiếng Việt Nam, trưng bày trong không gian XQ Sử quán Ðà Lạt (Lâm Ðồng). Dường như họ không tin bởi chưa bao giờ thấy "một kiểu kỹ thuật thêu chân dung độc đáo đến như vậy trên thế giới mà ngay cả Trung Quốc cũng chưa hề có".

Trong gần 20 năm trở lại đây, tranh thêu XQ đã làm nên một diện mạo mới nổi bật cho làng tranh thêu nước nhà và là niềm tự hào trong hành trang giới thiệu văn hóa Việt Nam ra với thế giới.

Xuất phát từ nghề thêu truyền thống, bằng khả năng thẩm thấu nghệ thuật, sự sáng tạo tài hoa và nỗ lực lao động không ngừng của các họa sĩ, nghệ nhân XQ, thêu tranh bằng tay đã trở thành một loại hình nghệ thuật mang đậm bản sắc Việt với những tác phẩm ẩn chứa trong đó vẻ đẹp huyền diệu và ý nghĩa triết lý nhân sinh sâu sắc, làm thăng hoa cảm xúc thẩm mỹ của người xem, đánh thức tình yêu văn hóa dân tộc trong tâm hồn mỗi người. Qua một chặng đường dài phát triển, từ xuất phát điểm của những nghệ sĩ giàu tâm huyết "mày mò học nghề và đạp xe đi bán tranh" vì không muốn nghề thêu tay bị mai một, cho đến hôm nay, tranh thêu XQ đã chiếm được một vị trí quan trọng trong làng hội họa mỹ thuật Việt Nam và từ lâu đã vượt ra khỏi biên giới đến với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Thụy Sĩ, Ðức, Anh, Pháp và nhiều nước khác ở các châu lục.

Tranh thêu XQ đã lọt được vào "mắt xanh" giới doanh nhân, nghệ sĩ Nga khó tính. Chị An-na A-by-a-xô-va, Phó Giám đốc Cty Exclusive - một đối tác của XQ Việt Nam cho biết: "Công chúng yêu nghệ thuật Nga vô cùng khâm phục trước những bức tranh thêu bằng tay tỉ mẩn, đơn chiếc và mang tính nghệ thuật tinh tế của XQ. Chúng tôi chưa thấy ở đâu những bức tranh như thế và đã bị thuyết phục hoàn toàn khi biết rằng tranh được làm ra chỉ bằng cây kim, sợi chỉ, bằng đôi bàn tay khéo léo, nhẫn nại của những người phụ nữ Việt Nam".

Không chỉ chiêm ngưỡng tranh, điều lôi cuốn mỗi người khi đến với không gian nghệ thuật của XQ là bởi họ còn gặp ở đây bao điều thú vị. Cùng với tác phẩm tranh thêu, đó là sự hé mở những giá trị văn hóa gửi gắm trong vô vàn câu chuyện, sự kiện và lễ hội liên quan trực tiếp hay gián tiếp đến từng tác giả, họa sĩ, nghệ nhân tham gia sáng tác tranh.

Tác phẩm - lễ hội - con người XQ đã gắn bó, hòa quyện tạo nên sức hấp dẫn và sự thành công đáng ngạc nhiên. Ở đây, lòng yêu nước, niềm tự hào về lịch sử và văn hóa dân tộc không phải là câu nói cửa miệng, nó thể hiện bằng tình yêu thương, sự trân trọng và tôn vinh người phụ nữ nghề thêu. Người sáng lập XQ Việt Nam, họa sĩ Võ Văn Quân cho biết: "Chính họ, từ đôi tay cần mẫn, từ tài năng, trí tuệ và tấm lòng nhân hậu đã dựng nên hình hài đất nước, nuôi dưỡng và lưu truyền lại các giá trị văn hóa nghệ thuật dân tộc, trong đó có nghề thêu tranh mà chúng tôi đang được thụ hưởng".

Trong giai đoạn nền kinh tế lâm vào tình trạng khó khăn, cũng đã có lúc, không ít người lo lắng, trong thời buổi các doanh nghiệp lao đao thu hẹp sản xuất, thu hẹp nhân sự, giảm lương, thậm chí là nợ lương, không biết XQ có trụ nổi. Tuy nhiên, cho đến nay, Cty vẫn lo được việc làm và lương cho gần 1.000 thợ thêu với mức lương tương đối, thậm chí còn mở rộng thêm hệ thống bán hàng ở các địa phương trong cả nước. Gần đây nhất là mở không gian nghệ thuật XQ tại 13 Hàng Gai (Hà Nội). Không những "sống đàng hoàng", doanh nghiệp này cũng chẳng có vẻ gì thu hẹp các lễ hội của mình khi tiếp tục duy trì các sự kiện như: Giỗ Tổ nghề thêu, Lễ hội Tri kỷ hữu, Lễ hội XQ Trấn Biên - Ðồng Nai và các lễ hội XQ Festival tại Ðà Lạt, Huế và Nha Trang... Cty còn mở rộng tham gia tổ chức nhiều lễ hội ở nước ngoài mà gần đây nhất là chương trình giao lưu văn hóa "Việt Nam - đất nước của những con rồng" do Ðại sứ quán Việt Nam tại Ðức phối hợp một số đơn vị tổ chức.

"Tiếng lành đồn xa", trong dịp đón Tết Giáp Ngọ 2014 vừa qua, hơn 30 nghệ sĩ, trong đó có nhiều họa sĩ có uy tín của Nga và Bê-la-rút đã tìm về XQ Sử quán Ðà Lạt và Nha Trang để tìm hiểu, giao lưu cùng các nghệ sĩ XQ trong chương trình "Nơi gặp gỡ của những giấc mơ" và còn nhiều, rất nhiều những sự kiện tương tự trước đó. Ðiều này cho thấy tầm nhìn chiến lược của lãnh đạo XQ khi mở rộng thị trường, "vươn ra biển lớn" trong thời hội nhập quốc tế hiện tại...

Có thể nói, tác phẩm tranh thêu, những nghi thức lễ hội mang ý nghĩa giáo dục và nhắc nhở về đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" đã là sự thể hiện cao nhất tấm lòng tha thiết, đau đáu với văn hóa dân tộc. Những giá trị đó đã làm nên sự thành công cũng như tình cảm và sự ủng hộ đối với tranh thêu XQ Việt Nam.

                                                                                 Theo baoxaydung.com.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

17
Đang xem:
72.518.479
Tổng truy cập: