(langnghevietnam.vn)- Về Làng nghề gốm cổ truyền Bát Tràng (Gia Lâm – Hà Nội),
người sành trà có thể dễ dàng sở hữu một bộ ấm Tử Sa độc đáo do bàn tay tài hoa
của chính người con làng gốm làm ra - Nghệ nhân Vương Mạnh Tuấn.
Từ xưa đến nay, nói đến uống trà là người ta thường nghĩ đến một thú vui
thanh tao, đậm chất văn hoá của từng vùng, miền. Người thưởng trà không chỉ
nghĩ đến hương thơm, mùi vị của trà mà còn quan tâm đến những dụng cụ dùng để
pha trà, còn gọi là trà cụ.
Trà được pha từ ấm đất chính là nét văn hóa đặc trưng của người Việt. Chiếc
ấm pha trà làm bằng chất đất Tử Sa mang phong cách độc đáo đã làm mê hoặc bao
người uống trà ở Việt Nam
không chỉ bởi nó chứa đựng nhiều câu chuyện cổ kim lí thú, mà đó còn là một tác
phẩm nghệ thuật.
Ấm Tử Sa vốn có nguồn gốc từ vùng Nghi Hưng, Giang Tô, Trung Quốc. Tương
truyền, xưa kia, chỉ nơi đây mới có loại đất sét đỏ đặc biệt làm được loại ấm
này. Ở Việt Nam,
từ xưa, giới sành trà ở Hà Nội đã biết dùng và chơi loại ấm này. Nghệ nhân
Vương Mạnh Tuấn của làng gốm cổ Bát Tràng là người đã nghiên cứu được cách pha
chế đất và sản xuất thành công ấm Tử Sa ngay tại Việt Nam.
Chân dung nghệ nhân Vương Mạnh Tuấn
Sinh ra và lớn lên trong cái nôi của
làng gốm cổ truyền, lên 10 tuổi cậu bé họ Vương đã theo bố và các chú trong làng đi
quay đất, nặn gốm. Ngày nào Tuấn cũng tự mày mò đắp nặn từng khối đất sét thành
những sản phẩm của riêng mình như: con heo đất, chiếc ấm, nồi đất, chiếc
điếu... Rồi từ một anh công nhân của xưởng gốm mỹ nghệ, Vương Mạnh Tuấn cũng đã
mở ra cho mình một xưởng gốm riêng. Dù chưa qua một trường lớp đào tạo nào về
gốm sứ nhưng khả năng tư duy hình khối nghệ thuật cộng với niềm đam mê, sự hiểu
biết về chất liệu đã giúp anh khắc phục được những khó khăn trong ngày đầu lập
nghiệp. Khác với nhiều người trong làng, chỉ làm theo lối cũ, anh dành nhiều
thời gian đi tìm chất liệu mới, đó là đất. Suốt một thời gian dài anh đã đi khắp
nơi, hễ nghe ở đâu có gốm sứ là anh đến, từ Phù Lãng (Bắc Ninh), Quế Quyển (Hà
Nam), Chu Đậu (Hải Dương) đến tận Nghi Hưng (Trung Quốc)… Lần nào trở về, Tuấn
cũng mang theo một ít đất để tìm hiểu, nghiên cứu thử nghiệm. Và ấm Tử Sa là
kết quả của những mày mò, thử nghiệm của anh.
- Trước đây, để có một bộ ấm Tử Sa, người mua
phải đặt hàng tận Trung Quốc, nhiều khi còn mua phải hàng giả. Bây giờ, không
cần sang Giang Tô nữa, ở Bát Tràng cũng có ấm Tử Sa rồi.
Ấm Tử
Sa nổi tiếng pha trà thơm ngon và giữ được hương thơm lâu
Ấm Tử
Sa quý hiếm, được người đời trân trọng là bởi ấm, chén Tử Sa khi soi lên thấy
ánh cát lấp lánh, dùng vật cứng gõ vào phát ra tiếng kêu rất thanh, như chuông.
Người mê trà đạo, thích phong cách cổ rất quý loại ấm độc đáo này. Đặc biệt,
dùng ấm Tử Sa pha trà, sắc nước rất đẹp, hương thơm và độ nóng được giữ rất
lâu. Ấm dùng càng lâu, màu men của ấm càng lên nước bóng loáng. Anh Tuấn tiết
lộ, chất đất làm ấm Tử Sa thường có màu tím và có ở Việt Nam, quan trọng là
người nghệ nhân phải am hiểu về chất đất và cách pha chế, kết hợp với các loại
đất khác để có độ dai, dẻo, bền lâu như chất đất ở Giang Tô. Nhiệt độ nung của
ấm Tử Sa phải ở mức 12000C.
Theo nghệ nhân Vương Mạnh Tuấn, để có được một tác phẩm ấm Tử Sa hoàn
chỉnh phải trải qua nhiều công đoạn. Mỗi công đoạn đều thể hiện sự kì công
trong cách chế tác của nghệ nhân, cũng như đòi hỏi những tiêu chuẩn kỹ thuật
khắt khe trong từng bộ phận của chiếc ấm. Ngoài ra, sự khác biệt về chất liệu,
nhiệt độ nung và độ bóng so với các loại ấm khác cũng chính là điểm thể hiện
giá trị và tính nghệ thuật cao của ấm Tử Sa.
Kĩ thuật làm ấm Tử Sa đòi hỏi sự công phu và tỉ mỉ
Những bộ ấm Tử Sa mang dấu ấn của Bát Tràng
Một bộ ấm hoàn thiện
Đến nay, văn hóa thưởng trà của người Việt ngày càng
được thế giới biết đến. Những chiếc ấm đất Tử Sa cũng trở thành bảo vật mang
đậm chất nghệ thuật. Những chiếc ấm Tử Sa mà nghệ nhân Vương Mạnh Tuấn chế tác được người sành trà ưa
chuộng, nhờ những nỗ lực giữ gìn và bảo vệ giá trị truyền thống vốn có.
Kinh Bắc