( langnghevietnam.vn) Với nụ cười hồn nhiên, nghệ nhân Nguyễn Văn Hạnh tiếp chúng tôi trong ngôi
nhà cổ ấm cúng với đa dạng các mẫu mã của sản phẩm mây tre. Trong suốt cả cuộc
trò chuyện, anh không ngừng giới thiệu về các sản phẩm mới của mình cũng như
các sản phẩm đang làm dở và cả những ý tưởng đang hình thành…

Nghệ
nhân Hoàng Văn Hạnh đang giới thiệu về những sản phẩm mới
Cái hồn nghề mây tre đan truyền thống hàng trăm năm của làng
nghề Phú Vinh, xã Phú Nghĩa (Chương Mỹ, Hà Nội) dường như sống lại qua mỗi tìm
tòi, sáng tạo mới mẻ của Hoàng Văn Hạnh.
Sinh ra và lớn lên trong tiếng đan lát của làng nghề truyền thống, nghề
như niềm đam mê được nuôi lớn trong anh. Rồi đến cả vợ và con anh cũng làm
nghề. “Nên vợ nên chồng có lẽ chính là do cái duyên. Tôi đã đi khắp nơi trên
đất nước nhưng rồi cái duyên vẫn dẫn về với cô gái khéo tay nghề làng bên”, anh
Hạnh vui vẻ chia sẻ về duyên phận gắn với nghề nghiệp của mình. Chị Nguyễn Thị
Hân, vợ anh, cũng là một nghệ nhân mây tre đan với những thành tích đáng kính
nể, với tay nghề điêu luyện và những ý tưởng ứng dụng hóa sản phẩm mây tre đan,
anh Hạnh và chị Hân đã có được nhiều thành công. Hầu hết các ý tưởng đều được
anh chị hiện thực hóa thành những sản phẩm độc đáo.
Đầu những năm 90, khi sản phẩm làng nghề mây tre đan Phú Vinh bị tồn kho
không có lối thoát do thị trường truyền thống là khối XHCN bị tan rã ở Đông Âu,
thợ thủ công nhao đi làm hàng chợ như rổ, rá... để kiếm sống. Xót xa giữ nghề,
anh Hạnh cùng người anh em họ khăn gói vào Đồng Nai, TPHCM tìm kiếm thị trường.
Tại đây, anh đã nảy ra ý định kết hợp cói với sứ Bình Dương, Đồng Nai và được
khách nước ngoài rất thích, đặc biệt là du khách Pháp. Năm năm sau, trở về làng
với những học hỏi trong quá trình xa quê, anh đã tìm lối đi riêng để khẳng định
mình. Gốm Bát Tràng đã cho anh những ý tưởng mới. Do tông màu của gốm Bát Tràng
hợp màu trắng ngà và màu sẫm của mây tre Phú Vinh, tác phẩm của anh được “giao
duyên” cùng hồn gốm tạo nên những mảng thô, nhẵn, sáng, tối hài hòa theo triết
lý âm dương cho sản phẩm.
Chính vì những nét rất riêng, độc đáo, gợi mở nhiều triết lý mà tác phẩm
do anh sáng tạo luôn đạt giải cao trong các kỳ hội chợ trong và ngoài nước. Sản
phẩm của anh được đánh giá cao qua nét tạo dáng thuần Việt tinh tế cùng với các
công dụng hữu ích.

Một góc
trung tâm làng
Lướt qua gian nhà chính treo kín các loại bằng khen, với các tác phẩm
đoạt giải choán hết diện tích sinh hoạt của gia đình, anh Hạnh chia sẻ: “Hiện, tôi
đang thực hiện ý tưởng thiết kế ra một chuỗi các loại giỏ, hộp mây cuộn liền
mạch với lớp vỏ có đường kính từ 50mm đến 200mm. Các giỏ, hộp này mang nhiều
hình dáng khác nhau như hình trụ, hình vuông, hình elip, hộp hình triết lý âm
dương… được ứng dụng với nhiều chức năng như đựng đồ nữ trang, tư trang, văn
phòng, ẩm thực... Với mỗi một chức năng tôi sẽ chế tạo thêm các lớp ruột tương
ứng tạo hiệu quả sử dụng lại rất lịch sự và thân thiện môi trường”.
Ngoài ra, anh cũng sẽ cho đời hàng loạt mẫu mã phục vụ nhà hàng, khách
sạn, spa với những tông mầu thuần Việt và quý phái, phục vụ cho từng đối tượng
khác nhau. Đó có thể là những hộp, giỏ dùng đựng USB, khóa, bút… hoặc những mẫu
hàng lưu niệm được in hình ảnh lịch sử, danh lam thắng cảnh phục vụ khách du
lịch.
Riêng với những khách hàng trẻ tuổi sẽ có những màu sơn bắt mắt và những
hình tượng yêu thích của giới trẻ. Việc luôn tạo ra
những mẫu mã mới cũng là lý do khiến cơ sở sản xuất Hân Hạnh của Hoàng Văn Hạnh
lúc nào cũng đông khách. Nhiều mẫu sản phẩm của anh làm ra đến đâu, các công ty đặt mua hết đến đó.
Anh Hạnh cho biết, để làng nghề
phát triển mạnh hơn nữa, thì hiện các nghệ nhân của làng nghề Phú Vinh cũng rất
cần được qui hoạch chợ hay trung tâm mua bán để phục vụ cho việc quảng bá sản
phẩm, giao thương cũng như hình thành khu du lịch. “Nếu khoảng diện tích từ 5000 -7000m2 ở đầu làng
được xây dựng, chắc chắn sẽ góp phần đắc lực để làng nghề mây tre đan Phú Vinh
phát triển một cách bền vững”, anh Hạnh nói.
Bên cạnh đó, làng nghề cũng rất
cần sự chung tay góp sức của Hiệp hội làng nghề Việt Nam, Hiệp hội mây tre đan
Phú Vinh và các cấp chính quyền để làng nghề truyền thống phát triển gắn chặt
với việc xây dựng nông thôn mới theo đúng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới của chính phủ.
Rời khỏi cơ sở sản xuất của nghệ nhân Hoàng Văn Hạnh với niềm lạc quan,
chúng tôi tràn đầy tin tưởng ở một thế hệ nghệ nhân đầy nhiệt huyết. Đường làng
chiều tháng 6 như ánh lên những ánh sáng
hy vọng với tương lai làng nghề sẽ được khởi sắc. Mai đây con đường huyết mạch
này sẽ được mở rộng thênh thang đón những khách du lịch và mua hàng từ khắp các
nơi đến để được ngắm những sản phẩm bằng bàn tay và khối óc thợ thủ công Phú
Vinh làm ra.
Những chiếc
hộp xinh xắn có thể làm hộp đựng đồ hoặc hộp cơm được anh thiết kế, tạo dáng từ
những vòng mây cuốn
Với hướng đi
đưa mây tre đan vào các ứng dụng phục vụ thiết thực đời sống, anh Hạnh đã giải
quyết tốt khâu đầu ra cho các sản phẩm của mình, nhiều và phục vụ cả cho xuất
khẩu.

Góc gian truyền thống của Nghệ nhân

Thành tích được vinh danh

Thái cực
đồ
|

|
Hộp mây có
tạo dáng hình Thái cực đồ triết lý âm
dương đang được nghệ nhân hoàn thiện chuẩn bị dự thi Hội thi thủ công mỹ nghệ
lần thứ 9

Tác phẩm Đèn
cây đạt giải trong dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội
Bài và ảnh: Tuấn
Việt