NGHỆ NHÂN -NĂNG KHIẾU - NGƯỜI CÓ CÔNG
Người cuối cùng làm đàn tính xứ Lạng
(Ngày đăng: 29/10/2015   Lượt xem: 910)

Đắm mình trong những làn điệu then cổ xứ Lạng, ông Vi Tơ lấy đó làm động lực để gìn giữ cây đàn tính với âm điệu lúc trầm, lúc bổng, lúc lại réo rắt, khoan thai.

Tại Lạng Sơn, ông Vi Tơ (xã Hoàng Đồng, TP Lạng Sơn) là người duy nhất còn làm đàn tính. 75 tuổi, hàng ngày ông vẫn làm bạn với đục, đẽo, cưa... Đặt dụng cụ gọn vào một góc, nghỉ tay nhấp chén trà, ông chậm rãi kể về cái duyên của mình với cây đàn tính.

Sinh ra và lớn lên tại một ngôi làng nhỏ thuộc thị trấn Lộc Bình (Lạng Sơn), thủa nhỏ ông Tơ vẫn theo các bà, các mẹ đến với những ngày lễ hội, đám cưới trong vùng. Ở đó, hai bên nam nữ đứng thành từng tốp khoe các điệu hát then, hát đối đáp. Ông thường không theo đám trẻ con chạy đi chơi mà lại chú ý lắng nghe từng câu chữ, nhịp điệu trong mỗi điệu then.

Ông Tơ và "xướng" chế tác đàn tính tại nhà. Ảnh: Hồng Vân.

Vốn có khiếu âm nhạc, năm 1964, ông về nhận công tác tại Đoàn văn công tỉnh Lạng Sơn. Thời kỳ đó, cây đàn tính rất quý giá vì không ai bán, người ta chỉ tự làm nhưng với số lượng rất ít. Việc tìm kiếm quả bầu làm đàn không đơn giản, phải gửi mua tận Hà Nội với giá đắt đỏ. Quá đam mê, ông đặt mục tiêu phải tự làm đàn để biểu diễn.   

Trong đoàn văn công, trước mỗi buổi diễn văn nghệ ông Tơ được giao nhiệm vụ so dây đàn tính cho các thành viên nên tiếng tính chuẩn ông nắm rất rõ. Nhờ đó, ông học làm đàn tính không mất quá nhiều thời gian. Ban đầu, ông Tơ mày mò, bắt chước cách làm theo mẫu đàn ở Cao Bằng rồi cải tiến dần dần. Tuy nhiên, do công việc, gia đình bận rộn nên đến năm 1990, khi con cái đã trưởng thành ông mới dành nhiều thời gian cho cây đàn tính.

Để chủ động nguồn nguyên liệu cho "xưởng" chế tác của mình, ông Tơ trồng một giàn bầu, rồi đem hạt giống bầu đó cho một số người để có bầu cung cấp quanh năm. Theo ông, quan trọng nhất khi làm đàn tính đó là tìm được quả bầu ưng ý để làm bầu đàn. Quả bầu phải tròn đều, không bị nám, độ lớn vừa phải, vỏ bầu không quá mỏng hoặc quá dài để âm thanh vang lên đúng chuẩn.

Khi hái về, quả bầu được cắt ngang khoảng 1/3 từ cuống đến giữa quả rồi ngâm nước khoảng nửa tháng. Sau đó, người ta dùng khăn lau cả màng đen bám bên ngoài và màng trắng ở trong và dán gỗ lên trên là được mặt của bầu đàn. "Tiếng tính hay nhất, âm vang trầm bổng thì phải chọn quả bầu già", ông Tơ cho hay.

Ông Vi Tơ cho biết việc làm cần đàn tính ngắn hay dài phụ thuộc cả vào yếu tố tâm linh của người Tày. Ảnh: Hồng Vân.

Một yếu tố khác cần chú trọng là độ dài của cần đàn. Theo quan niệm tâm linh của người Tày, người mới theo nghề Then dùng loại đàn có cần dài bằng 7 nắm tay chồng lên nhau. Những người đã được cấp sắc mới được phép dùng đàn tính có cần dài bằng 9 nắm tay. Hiện, nhu cầu dùng đàn tính trong văn nghệ biểu diễn khá lớn nên ông Tơ thường làm cây đàn tính có cần dài bằng 8 nắm tay.

Say sưa kể về những cây đàn, ông Tơ bảo giữa cần và bầu đàn phải có sự phù hợp, nếu cần dài mà bầu quá nhỏ thì chất lượng không tốt. Họa tiết trên cần đàn cũng tác động đến cảm nhận của người chơi. Hiện tại, ông sử dụng họa tiết đầu rồng theo thế phi (bay) tạo cảm giác thăng hoa, "phiêu" theo âm thanh cho người đánh, còn cần đàn có đầu rồng theo thế phục (nằm) đem đến cảm giác trầm, nhẹ.

"Đàn tính có sự mê hoặc lòng người nên theo truyền thuyết, Ngọc Hoàng cắt đi 9 dây chỉ để lại 3 dây đàn để con người, muông thú trở về với cuộc sống, vườn ruộng", ông Tơ dẫn câu chuyện được truyền tai nhau. Theo ông, mỗi vùng miền, địa phương làm đàn tính không giống nhau, mỗi người lại sáng tạo nên cây đàn mang dấu ấn cá nhân nhưng âm thanh của đàn là quan trọng nhất. Tiếng tính vang lên lúc trầm, lúc bổng, lúc dặt dìu, lúc khoan thai chứ không được rè, bục. Trong 3 dây đàn, dây giữa hơi chùng tạo âm trầm. Người làm đàn đục lỗ ở mặt trước và hai bên bầu đàn thì âm mới vang.

Ở tuổi 75, ông Tơ vẫn cần mẫn tạo ra những cây đàn tính vừa đẹp mắt, vừa chuẩn âm. Ảnh: Hồng Vân.

Nhắc đến việc truyền nghề, giọng ông Tơ bỗng chùng xuống. Hai người con trai của ông đều theo học về âm nhạc, nhưng lại không đam mê với cây đàn tính. Muốn làm được những cây đàn tốt phải thực sự dành hết tình cảm, tấm lòng trân trọng, yêu quý. Hai năm trở lại đây, do sức khỏe yếu, số lượng đàn tính ông làm ra ít dần. "Tôi có tuổi rồi, nếu có người nào đó nặng lòng tâm huyết với cây đàn này, tôi sẵn sàng truyền nghề. Hát then không thể thiếu đàn tính, tôi muốn những công sức mình bỏ ra không bị mất đi", ông Tơ trầm ngâm.

Ông Hoàng Páo, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn, cho rằng những đóng góp của ông Vi Tơ trong việc gìn giữ văn hóa truyền thống dân tộc là rất đáng trân trọng. Là người cuối cùng ở xứ Lạng còn làm đàn tính, ông Tơ được mọi người yêu quý, thường gọi với cái tên "nghệ nhân làm đàn".

                                                                                                                   Theo: baocongthuong.com.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

31
Đang xem:
72.520.062
Tổng truy cập: