NGHỆ NHÂN -NĂNG KHIẾU - NGƯỜI CÓ CÔNG
Người truyền nghề làm đàn Đào Xá
(Ngày đăng: 12/09/2015   Lượt xem: 445)

Những chiếc đàn đã được hoàn thiện..

Đã hơn 40 năm nay, ông Đào Văn Soạn (75 tuổi) ở thôn Đào Xá (xã Đông Lỗ, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) vẫn miệt mài chế tác các loại đàn cổ truyền của dân tộc: Đàn tranh, đàn bầu, tam thập lục, đàn đáy, tỳ bà... Trải qua bao thăng trầm, hiện ông là nghệ nhân cao tuổi nhất còn giữ được nghề làm đàn truyền thống này.

200 năm làm đàn

Bước vào cổng làng Đào Xá hỏi thăm ông Đào Văn Soạn thì ai cũng biết, gia đình ông từ lâu đã trở thành “địa chỉ đỏ” cho người yêu nhạc cổ truyền, không ít cửa hàng đàn trên cả nước đều tìm đến đặt mua đàn của gia đình ông.

Nghề làm đàn ở Đào Xá đã có cách đây hơn 200 năm, theo lời các cụ cao niên trong làng kể lại, do cụ Đào Xuân Lan khởi xướng. Ngày ấy, cụ Lan hành hương sang xứ Bắc rồi mang nghề về làng. Ban đầu cũng chỉ dạy cho người trong họ, để trong lúc nông nhàn có thêm việc và cũng là hợp với hoàn cảnh lúc bấy giờ, các đám hát, phường hội rất cần những cây đàn tam, đàn tứ, tỳ bà… Rồi nghề phát triển khắp làng, việc buôn bán thịnh vượng mang lại thu nhập ổn định cho người dân. Từ đó nghề làm đàn trở thành nghề truyền thống của Đào Xá.

Nói về nghề làm đàn, ông Soạn chia sẻ: “Nghề làm đàn đã có cách đây 200 năm, nổi tiếng khắp cả nước, ở Thanh Hóa hay trong Sài Gòn có nghề chế tác đàn thì cũng là người dân làng Đào Xá này thôi”.

Ông Soạn tỉ mỉ trong từng công đoạn làm đàn. 

Tuy nhiên, để làm ra được một cây đàn như ý phải trải qua rất nhiều công đoạn cùng với sự đòi hỏi khắt khe về mỹ thuật và cả sự kiên trì, Ông Soạn tâm sự: “Nghề làm đàn không chỉ yêu cầu cao về mẫu mã hình thức mà quan trọng hơn hết là sự truyền đạt, tức là chất lượng âm thanh phải chuẩn mới đáp ứng được nhu cầu của người sử dụng”.

Nguyên liệu chủ yếu để làm đàn là gỗ trắc và gỗ vông. Từ khâu chọn gỗ, ra gỗ, phơi gỗ cho đến công đoạn chắp, ghép, đánh bóng, khảm trai và hoàn thiện... tất cả đều được làm theo phương pháp thủ công đúng với kỹ thuật của ngày xưa để lại. Mỗi ngày, tại xưởng gỗ của gia đình ông đều có 3 – 4 người làm, mỗi người làm một loại đàn khác nhau và để làm được một chiếc đàn hoàn chỉnh phải mất một tuần. Giá bán các loại đàn cũng tùy theo chất lượng và nhu cầu của người mua.

Thăng trầm tiếng đàn Đào Xá

Như bao làng nghề truyền thống khác, nghề làm đàn ở Đào Xá cũng đã trải qua giai đoạn thăng trầm và biến cố. Trước cách mạng tháng 8, tất cả các hộ đều làm nghề chế tác đàn, sau năm 1945, tại các xưởng mộc quốc doanh có tới 98% người làng Đào Xá làm, mang lại thu nhập ổn định. Tuy nhiên, từ sau năm 1975, khi nước ta rơi vào thời kỳ khủng hoảng kinh tế kéo dài, nghề làm đàn ở Đào Xá cũng theo đó mà suy sụp.

Nhớ lại giai đoạn đó, ông Soạn tâm sự: “Ngày ấy, tưởng như mất hẳn nghề truyền thống, đến như mình yêu nghề cũng phải tạm nghỉ chuyển sang làm thợ mộc kiếm sống. Tới sau này, khi khách hàng tới sửa chữa và đặt mua đàn, mình mới vực dậy, khôi phục và truyền nghề lại cho các con cháu”.

Tính đến nay, ở Đào Xá chỉ còn vài hộ còn giữ nghề làm đàn truyền thống này, phần đa họ đi làm tại các công ty, khu công nghiệp. Họ không thể tiếp tục duy trì nghề làm đàn truyền thống bởi sản phẩm làm ra không có nơi tiêu thụ, giá cả thấp. Đối với lớp trẻ, để học được thành nghề, mỗi người cũng phải mất từ 2 - 3 năm, trong khi đi làm công nhân ở các khu công nghiệp chỉ mất 1 - 2 tháng là có thể kiếm được tiền. Vì vậy, ở làng bây giờ chỉ còn những người yêu nghề như các cụ cao niên mới tiếp tục làm đàn.

Đứng trước nguy cơ nghề truyền thống bị xóa sổ, ông Soạn đã tìm mọi cách khôi phục lại làng nghề: “Là người cao tuổi nhất trong làng còn giữ nghề truyền thống này, nên mình phải có trách nhiệm bảo vệ và phát huy nó, vì đây không chỉ là một nghề mà nó còn là nét văn hóa đặc trưng cho quê hương”.

Cũng chính từ những trăn trở đó, ông Soạn cũng đã quyết tâm tìm ra hướng đi mới nhằm giữ gìn nghề truyền thống của làng. Ông sẵn sàng mở các lớp dạy nghề miễn phí, chỉ bảo tận tình những người muốn theo nghề làm đàn. Cho tới thời điểm này, không cuộc thi hay buổi biểu diễn âm nhạc dân tộc nào xa gần quanh vùng vắng mặt nhạc cụ do làng Đào Xá làm ra. Chính vì vậy, ngày càng nhiều khách hàng biết tới và đặt mua đàn ở làng Đào Xá hơn.

Mong muốn duy nhất của ông lúc này chỉ là: “Dạy được nhiều người biết làm đàn, khôi phục lại làng nghề truyền thống năm xưa mà cha ông đã để lại, được như thế là tôi đã thỏa tâm nguyện rồi”.

                                                                                                            Theo: laodong.com.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

3
Đang xem:
72.520.519
Tổng truy cập: