NGHỆ NHÂN -NĂNG KHIẾU - NGƯỜI CÓ CÔNG
Người “nghe hương đất”
(Ngày đăng: 07/09/2015   Lượt xem: 544)

Ông Mô luôn tâm niệm: “Cuộc đời là sự sẻ chia”.

Chẳng chịu cam phận là một người tàn tật bình thường, sau khi mất đi cánh tay do tai nạn, ông Trần Đức Mô đã nỗ lực vươn lên thoát nghèo bằng cách phát triển nghề bốc thuốc đông y giữa làng quê thanh bình.

Con người không chọn được số phận

Theo câu thơ “Áp má xuống nghe đất quê thao thức” của Trần Đức Mô, tôi tìm về xã Hòa Hậu (Lý Nhân - Hà Nam). Khu vườn trước nhà ông đượm hương hoa trái đầu thu. Dường như, chính sự phì nhiêu của đất đai đã phần nào làm văn thơ ông thêm nhiều sinh khí. Nghe tiếng gọi, ông Mô hỏi vọng ra: “Ai đến thăm Mô đấy? Xin mời vào”.

Ông Mô đưa đôi tay cụt đến gần khuỷu để bắt. Thế rồi, chính hai cánh tay chẳng còn lành lặn ấy vẫn đủ linh hoạt để pha trà mời khách. Một hình ảnh gợi trong tôi nỗi xót xa nhưng rất đỗi cảm động. Trò chuyện với ông, tôi được biết, ông là bộ đội xuất ngũ, một thời gian làm công tác giảng dạy tại Trường trung cấp Xây dựng Nam Định, sau chuyển về làm ở công ty lương thực gần nhà. Nguyên do đôi cánh tay bị cụt thì sao? “Năm 1985, tôi đi làm nhà giúp em trai thì bị điện cao thế giật. Tai nạn làm hai bàn tay tôi bị hoại tử. Trong đợt điều trị đó, các bác sĩ buộc phải cắt đến gần khuỷu để cứu tôi”, ông Mô bộc bạch.

Là trụ cột, ông phải làm sao để chèo lái con thuyền gia đình vượt quá sóng cả là điều vô cùng khó khăn, nhất là lúc đó ba con ông còn nhỏ, đứa lớn chưa đầy 10 tuổi, đứa út mới được vài tháng tuổi. Chưa hết, vợ ông lại “không được khỏe như người ta”, buộc ông phải gắng sức hơn. Ông Mô giơ cánh tay lên, biểu lộ cảm xúc: “Nếu không thương vợ con thì tôi đã buông xuôi vì chán ghét cảnh tàn tật rồi. Xin tâm sự với anh, trong con người luôn có niềm khát sống. Chính điều đó đã găm tôi lại cuộc đời. Tôi biết làm thơ, viết văn, và cảm xúc đã tiếp cho tôi sức mạnh. Tôi thấy mình cần có trách nhiệm với vợ con hơn”.

Nghĩ là làm, ông Mô đã nhẫn nại và chịu khó tập để vẫn có thể “ôm” cuốc xẻng trồng cây, làm đất, và “ôm” bút viết lên những dòng cảm xúc từ tận đáy sâu tâm hồn. “Luyện tập để hai cái mỏm tay có thể làm được việc của bàn tay chẳng hề đơn giản. Rồi còn tập viết nữa. Nay chữ tôi khá đẹp, đó là kết quả của bao tháng ngày cần cù, nhẫn nại. Tôi cứ hì hụi trong khó nhọc, trong đổ vỡ, thất vọng, để rồi lại hứng khởi vượt qua”. Trong những ngày nỗ lực, hai mỏm tay ông tứa máu, rồi cuối cùng ông đã điều khiển được, tự lấy đồ ăn, sinh hoạt, viết lách và lao động. Để giúp ông lạc quan và vượt khó, vợ con cùng với tình yêu đối với ông là một chất xúc tác lớn và biết ơn vì điều đó.

Ông bảo, con người sinh ra không chọn được số phận, cũng khó lường được trước những tai họa có thể ập đến, song đều có cách để vượt qua. Sống trong lòng quê hương, chính những lão nông cần mẫn cày cuốc trên cánh đồng đã gợi ý và thôi thúc, để ông đến với nghề bốc thuốc đông y. Vốn là người ham đọc sách, sau khóa học cơ bản, ông đã mau chóng tìm thấy khả năng bản thân và tiếp tục nghiên cứu. Qua nhiều thử nghiệm, ông Mô chế ra thuốc điều trị ho, xoang, hen suyễn. Sau rồi, ông tiếp tục nghiên cứu để chữa được bệnh dạ dày, gan, thận… và trở thành lương y giữa vùng quê dệt lụa nổi tiếng. Ông tự hào khoe: “Đàn ông làng tôi vất vả một thì tôi vất vả hai, ba. Ngôi nhà vách đất ngày đó đã được thay bằng ngôi nhà xây cấp bốn. Cũng là hai cái mỏm tay cụt này biết nghe lời, cùng vợ tôi làm lụng mà thành”.

Nghị lực và niềm tin

Nhưng khó khăn nào đã chịu buông tha. Người vợ thường xuyên đau yếu, bản thân ông cũng lao lực, gầy còm, nhưng vẫn đủ tỉnh táo để hướng cho cậu con trai cả theo học nghề y. Giờ anh đang làm ở Bệnh viện Đa khoa Hà Nam, đã có nhiều điều kiện giúp đỡ bố. “Trong gian khó tôi đâu có nguôi khát vọng văn chương. Tôi vẫn thu xếp thời gian để viết. Dòng sông quê, tình quê đã gợi cảm hứng cho tôi. Và chính tôi đã vịn vào thơ văn để thấy mình được tiếp thêm nghị lực”, ông Mô tâm sự.

Với tinh thần cần mẫn sáng tác, năm 2000, Trần Đức Mô đã giành giải nhất trong cuộc thi văn học do Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Hà Nam tổ chức năm 2000. Suốt những năm qua, ông Mô đã viết đến tứa máu mỏm tay cụt, thành quả đạt được là khoảng 50 truyện ngắn và bút ký, với đề tài về quê hương, về nếp ăn nết ở, những cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp tạo hóa ban tặng vùng quê lụa. Tính từ bài thơ đầu tiên in trên báo Tiền Phong, năm 1991 đến nay ông đã “ôm” bút viết văn hơn 20 năm, với bốn cuốn sách đã được xuất bản. Hiện nay viết lách không còn khó khăn, nhưng nhìn vào những con chữ hiện lên giữa hai mỏm tay cụt, thấy chúng cõng cả nỗi niềm đầy nhọc nhằn của ông. Đồng thời, chứng tỏ quyết tâm của ông dành cho niềm đam mê. Thơ văn ông mộc mạc và chân thành. Tất thảy, như thể tác giả nghe tiếng quê, tiếng đất, rồi thốt lên tiếng nói của đất, của quê. Các tập truyện “Bến lỡ”, “Miền quê trăn trở” và tập thơ “Hương đất” là minh chứng về điều đó. Trần Đức Mô cũng đã gặt hái thêm vài giải thưởng, và đang “ôm” bút viết cuốn tiểu thuyết.

Suốt một thời gian đằng đẵng chăm lo thuốc thang cho vợ, lo kinh tế gia đình, ông gầy hơn, chỉ đôi mắt vẫn sáng niềm lạc quan. Năm 2010, vợ ông kiệt sức rồi qua đời. Những tưởng cuộc đời ông sẽ tiếp nối bởi cuộc sống cô đơn, nhưng một sự kiện đặc biệt với ông đã xảy ra. Năm 2012, bà Đoàn Thị Bình xã bên bị thấp khớp, sang ông Mô bốc thuốc. Cuộc tâm sự giữa hai người trở thành định mệnh, để ông bà đến được với nhau. Bà Bình cho biết: “Đó là cái số. Ông ấy tâm sự với tôi về hoàn cảnh, nhờ tôi làm mối vợ hai cho. Rồi ông ấy cũng biết số tôi lận đận, đã một đời chồng. Cuối cùng, giới thiệu cho ông ấy chưa được, tôi đã thành… vợ ông ấy”.

Ở tuổi 70, ông Mô chỉ ước có người phụ nữ ở bên cạnh để tựa nương vào nhau. Giờ hằng ngày ông dạy bà bốc thuốc. Bà vẫn cấy lúa, chăm vườn, chăm ông. Ông bà cũng đặt ra phương châm là vừa bốc thuốc, vừa làm từ thiện. Nhiều người được ông chữa trị đã khỏi bệnh, tạo dựng được uy tín và nhiều người tìm đến với ông hơn. Những mảnh đời nghèo đến bốc thuốc, ông biếu luôn không lấy tiền. Ai thắc mắc thì ông bảo: “Cuộc đời là sự sẻ chia mà!”.

                                                                                                      Theo: nhandan.org.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

2
Đang xem:
72.520.521
Tổng truy cập: