Hoa vẫn nở trên phận người tật nguyền

Chúng tôi đến làng thêu Quất Động, xã Quất Động, huyện Thường Tín, TP.Hà Nội vào một ngày nắng oi ả. Đến đây hỏi chị Hoàng Thị Khương, ai cũng biết, bởi những sản phẩm tranh của chị được rất nhiều khách nước ngoài lẫn trong nước thường xuyên tìm đến mua.

Chị Hoàng Thị Khương sinh năm 1965, là con gái thứ 3 trong gia đình có 6 người con. Không may mắn như những đứa trẻ khác, khi mới tròn 3 tháng tuổi Khương bị một cơn sốt cao hành hạ. Kể từ đó, đôi chân Khương chỉ còn như một cái dẻ khoai nước, không thể cử động được nữa.

Với đôi chân tật nguyền, lớn lên ý thức được cuộc sống của mình, Khương buồn lắm. Trong khi các bạn đồng trang lứa vui chơi, chạy nhảy, Khương chỉ biết ngồi một chỗ. Cũng may là trong những ngày tháng tăm tối ấy, Khương tìm được niềm vui từ việc thêu tranh. Vì sinh ra trong một một làng nghề thêu nổi tiếng nên việc tiếp cận thêu đối với Khương không mấy khó khăn. Tuy nhiên, đây là một công việc vất vả, đòi hỏi sự kiên trì và tỉ mẩn. Những người bình thường làm đã khó, với những người khuyết tật điều đó càng khó khăn gấp bội. Thế nhưng, cô gái nghị lực ấy đã không chịu đầu hàng số phận. Cô miệt mòi quan sát, học hỏi cách thêu tranh. Ngay từ nhỏ, Khương không chỉ thuần thục các đường thêu cơ bản mà còn tỏ ra điêu luyện với các kỹ thuật thêu khó như kỹ thuật thêu đường lượn, đường viền các khối hình, thêu nổi gân lá, đài hoa, mắt phượng...

Khi mới ngoài 20 tuổi, tiếng tăm về kỹ thuật của cô gái tật nguyền Hoàng Thị Khương đã vang xa khắp nơi. Năm 1991, qua sự giới thiệu của một người bạn, Khương đã ra Hà Nội thêu áo kimono xuất sang Nhật Bản. Đây thực sự là một thử thách lớn với cô, bởi tấm áo truyền thống của người Nhật thường có nhiều họa tiết phức tạp, nhiều màu sắc đòi hỏi sự chăm chút, công phu. Nhưng rồi, qua 3 tháng miệt mài, Khương đã thành công ngoài mong đợi, tấm áo của cô được khách Nhật hết lòng khen ngợi và họ vẫn thường xuyên quay trở lại đặt hàng.

Chứng kiến những đường thêu điêu luyện của chị Khương, năm 1998, một du khách người Pháp đã đặt chị thêu bức chân dung "Đức Mẹ đồng trinh" với mức thù lao gần 2 chỉ vàng. Chị Khương tâm sự, bản thân chị không theo đạo thiên chúa nên rất ít khi tiếp cận với bức tranh này, hơn nữa đây là một bức chân dung nên đòi hỏi người thêu phải bắt được cái thần thái mới làm được. Sau nhiều ngày quan sát, nhập tâm, chị mới bắt đầu những mũi chỉ đầu tiên. Khó nhất của bức tranh là thêu đôi mắt, chị phải tước nhỏ sợi chỉ và pha nhiều mầu cùng với những kỹ thuật điêu luyện nhất mới thổi hồn được cho tác phẩm. Gần 2 tháng sau, Khương đã hoàn thành xuất sắc tác phẩm này.

Sau những thành công từ đường thêu trên áo kimono và bức tranh “Đức Mẹ đồng trinh”, nhiều khách nước ngoài đã biết tới và đặt hàng thêu nghệ thuật của chị Khương. Họ đã đặt chị thêu những bức chân dung quý, khi về nước lại “mách” cho người khác biết để tiếp tục đặt hàng. Nhờ đó, chị Khương bán được những bức tranh thêu với giá hàng ngàn USD, một điều mà khi mới bước vào nghề chắc chị chẳng dám mơ ước.

Xưởng thêu của chị Khương gồm nhiều người khuyết tật. 

“Bà đỡ” cho những ước mơ

Không chỉ là một người có nghị lực phi thường vượt qua mặc cảm số phận, chị Khương còn dang tay giúp đỡ những người có cùng cảnh ngộ. Năm 2004, một tổ chức phi chính phủ của Tây Ban Nha đã mời chị Khương dạy thêu cho hơn 10 thanh niên có hoàn cảnh khó khăn ở huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Sau lần đó, chị tiếp tục dạy nghề cho những người nghèo, thanh thiếu niên mồ côi ở Hà Giang, Thanh Hóa. Những “hạt mầm” chị gieo ấy đã phát triển mạnh mẽ, các em trở về địa phương, tìm được công ăn việc làm, ổn định cuộc sống. Nhiều em còn mở xưởng thêu giúp các bạn khác thực hiện ước mơ.

Chị Khương bộc bạch: “Giúp đỡ được mọi người cũng là niềm vui cho chính mình, họ cũng là những người làm công ăn lương, có công việc thì kêu gọi chị em làm cùng. Còn các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, mình cố gắng hết sức giúp đỡ để các em có điều kiện vượt qua số phận bất hạnh. Tôi không tiếc thời gian truyền nghề cho những ai muốn học nghề thêu, chỉ cần họ muốn học, ham học và hơn hết là có cái tâm với những gì mình đang làm”.

Có mặt ở xưởng của chị, chúng tôi chứng kiến cảnh hơn 10 người khuyết tật đang cặm cụi với những bức tranh thêu. Đối với những con người này, đôi chân có thể không còn chức năng đi, đôi tai có thể không nghe thấy gì nhưng đôi tay họ lúc nào cũng thoăn thoắt với những đường kim mũi chỉ và nụ cười vẫn luôn thường trực trên môi. Được lao động, có thu nhập khá để trang trải thêm, họ có niềm tin vào cuộc sống và càng nỗ lực cống hiến cho xã hội. Có lẽ, đó là một trong những “thù lao” lớn nhất mà cô giáo Hoàng Thị Khương nhận được.

Chia tay xưởng thêu của chị Khương với những bức tranh sống động, tôi thầm cảm phục con người đầy nghị lực này. Thật sự, chị đã thêu những bức tranh bằng những “sợi nắng ban mai”, bằng “nghị lực” của chính cuộc đời mình. Chị đã truyền cảm hứng sống lạc quan không chỉ cho những người khuyết tật mà còn cho cả cộng đồng để làm những việc thật sự có ý nghĩa, nhân văn.

Gần 50 năm trong nghề thêu, chị Khương đã giành được nhiều giải thưởng lớn. Năm 2010, chị được Hiệp hội làng nghề Việt Nam vinh danh bức tranh “Ánh trăng” là sản phẩm của năm; Giải Nhất tại cuộc thi Inter Abilympics 2011 giành cho người khuyết tật được tổ chức tại Thủ đô Seoul, Hàn Quốc; Giải khuyến khích trong cuộc thi thiết kế sản phẩm thủ công của Hà Nội năm 2013 với bức tranh thêu “Chân dung Bác Hồ”.

                                                                               Theo: laodong.com.vn