NGHỆ NHÂN -NĂNG KHIẾU - NGƯỜI CÓ CÔNG
Phận tằm ươm vũ điệu tơ
(Ngày đăng: 07/06/2015   Lượt xem: 769)

Giữa những ngày nắng gắt cuối tháng 5, tôi tìm về nhà nghệ nhân Phan Thị Thuận - người đàn bà nguyện cả đời gắn bó với nghề ươm tơ, dệt lụa truyền thống của quê hương, dù rằng đến thời điểm hiện tại tiếng tằm ăn rỗi gần như không còn ở vùng đất từng được mệnh danh là "Thủ đô dâu tằm"…

Một thời để nhớ…

Một ngày cuối tháng 5 nóng bức, đường vào xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức mới hơn 10h sáng đã tịnh không một bóng người. Vào trụ sở UBND xã hỏi nhà nghệ nhân Phan Thị Thuận, Phó Bí thư Đảng ủy xã Đỗ Trung Cường vui vẻ cho biết thêm: Làng nghề dệt thì từ sáng tới tối, ai vào việc nấy nên những người lần đầu đến xã tôi đều có cảm giác "vườn không, nhà trống". Quả đúng như vậy, trong nhà xưởng rộng hơn 500m2 hầm hập nóng của nghệ nhân Phan Thị Thuận những tấm lưng đẫm mồ hôi vẫn miệt mài như chẳng có gì liên quan đến thời tiết hay sự xuất hiện của những người khách lạ.
 
Nghệ nhân Phan Thị Thuận giới thiệu sản phẩm tơ tằm.
Nghệ nhân Phan Thị Thuận giới thiệu sản phẩm tơ tằm.

Nghệ nhân Phan Thị Thuận nói rằng, những háo hức khi tìm hiểu nghề ươm tơ ở Phùng Xá của tôi đã khiến bà vui đến mức quên cả nắng nóng và bữa ăn trưa. Tôi hiểu, bà vui còn bởi lâu lâu mới lại có người tìm tới chia sẻ niềm đam mê bất tận, cũng như những khó khăn trong việc giữ gìn nghề ươm tơ, dệt lụa truyền thống có hàng trăm năm tuổi giữa "cơn bão" dệt công nghiệp ào ạt đổ vào làng nghề. Cứ theo dòng hồi ức đong đầy đam mê của bà, tôi có được những hình dung rõ hơn về vùng đất từng là "Thủ đô dâu tằm" một thời của miền Bắc. Ngày ấy, vào những năm 60 của thế kỷ trước, một màu xanh mướt của các ruộng dâu trải dài qua nhiều làng xã ven sông Đáy huyện Mỹ Đức như một minh chứng cho thời cực thịnh của nghề trồng dâu, nuôi tằm, kéo kén ở các xã Đại Hưng, Đại Nghĩa, Phù Lưu Tế, Phùng Xá… Những năm tháng của thời kỳ bao cấp, Xí nghiệp Tơ tằm Mỹ Đức (Tổng Công ty Dâu tằm tơ Việt Nam) với hàng trăm công nhân có thể trụ vững cũng bởi có vùng nguyên liệu ổn định với hàng chục nghìn hécta dâu, các trại tằm nổi tiếng: Lai Tảo, Trinh Tiết, Phù Lưu Tế, Thái Bình và các HTX ươm tơ có thể cung cấp từ 5 đến 7 tấn kén mỗi ngày. Ngày ấy, nhà nhà trồng dâu nuôi tằm, cán bộ Xí nghiệp Tơ tằm Mỹ Đức nhiều khi cùng ăn, cùng làm với dân, ngày nào cũng kiểm tra tằm, thăm từng ruộng dâu, rồi thu mua kén..., bươn bả ngược xuôi với nghề. Năm 1963, trong dịp về thăm mô hình trồng dâu, nuôi tằm của huyện, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã mong muốn nơi đây sẽ là "Thủ đô dâu tằm" của miền Bắc.

Đam mê bất tận

Dù không nhớ chính xác nghề trồng dâu, nuôi tằm đã gắn bó với quê hương mấy trăm năm nhưng đến nay gia đình bà Thuận đã có tới ba đời theo nghiệp ươm tơ, dệt lụa. Ngay từ thuở nhỏ bà đã mê đắm với việc chăn tằm, ươm tơ của mẹ dù nghề trồng dâu, nuôi tằm không nhàn hạ. Mỗi khi tằm vào thời kỳ ăn rỗi, ngốn lá dâu rào rào, người làm nghề cũng luôn chân, luôn tay nên dân gian nói "làm ruộng ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng" là vì thế.

Những thăng trầm trong thời buổi kinh tế thị trường đã làm cho nghề ơm tơ, dệt lụa truyền thống của địa phương ngày càng mai một, những người còn ở lại với nghề, theo bà Thuận không còn bao nhiêu. Cũng đã có lúc nghề này khiến gia đình bà điêu đứng, bởi người dân đất này chỉ khéo làm nghề chứ không giỏi tính toán kinh doanh. Nhưng thừa hưởng sự nhẫn nại, chịu thương, chịu khó từ bố mẹ, các bác, cô, chú cũng là những lão nghệ nhân trong họ, bà Thuận đã quyết theo nghề đến cùng. Lăn lộn với nghề, bà Thuận hiểu rất rõ chỉ những con kén nguyên mới cho ra sợi tơ tốt nhất dệt thành tấm lụa óng mượt. Còn những con kén phế, kén vỏ thủng đầu người làng nghề thường loại bỏ, rất lãng phí. Thương con tằm đến chết còn vương tơ, tiếc công người chăn tằm bao ngày phải "ăn đứng", bà Thuận đã gom kén phế, cất công gõ cửa các cơ quan nghiên cứu nhờ chuyên gia chỉ cách kéo sợi từ kén phế. Ái ngại trước nhiệt tình của bà, có người hứa khi nào bà gom đủ 5 tạ kén phế, họ sẽ hướng dẫn cách kéo sợi. Nhưng khi gom đủ 5 tạ thì lời hứa ấy lại không được thực hiện. Mang kén phế về, mày mò mãi rồi bà cũng tìm ra cách vê, nối kén bằng tay. Đây là công việc tỉ mỉ, đòi hỏi người thợ phải có tay nghề cao mới có thể cho ra được những sợi tơ đều đặn, những gút nối đẹp. Một người thợ giỏi, làm việc cần mẫn cũng chỉ vê được 2 lạng sợi mỗi ngày. Từ những cuộn sợi kén phế, dùng khung cửi gỗ dệt theo lối truyền thống, bà Thuận đã cho ra đời những tấm lụa, những chiếc khăn thô được thị trường ưa chuộng.

Và những sáng tạo bất ngờ

Cuốn hút với những câu chuyện nghệ nhân Phan Thị Thuận về nghề ươm tơ, nhưng đôi khi tôi vẫn nhận thấy nét buồn phảng phất khi bà nhắc đến "Thủ đô dâu tằm" giờ đã vắng tiếng "tằm ăn rỗi"... Nhưng rồi nguồn cảm hứng sáng tạo lại dẫn chúng tôi vào những câu chuyện mới: "Nếu chỉ sử dụng kén phế làm sợi thô để dệt lụa thì chưa thể tận dụng hết nguồn nguyên liệu, người làm nghề mà bỏ phí nguyên liệu là "tội" khó tha thứ". Trăn trở với tái tạo kén phế, bà Thuận lại bắt tay vào nghiên cứu làm bông tơ tằm. Những kinh nghiệm lâu năm trong nghề một lần nữa lại giúp bà thành công khi làm ra bông tơ tằm từ kén phế. Nhưng có lẽ vũ điệu uyển chuyển, tạo ra vô vàn đường nét mềm mại, quyến rũ của nghệ sĩ múa dây lụa đã khiến người say nghề như nghệ nhân Phan Thị Thuận không thể "ngồi yên". Vì thế sản phẩm chăn bông tơ tằm liền khối lại là kết quả của một nghiên cứu trải nghiệm mới của bà.

Xuất phát từ ý tưởng làm thế nào để tạo ra một tấm mền bông tơ tằm liền khối, bà Thuận đã bỏ công học hỏi kỹ thuật nhiều nơi. Thoạt tiên bà hứng khởi với kỹ thuật kéo kén đôi đặt chồng lên nhau, tạo nhiều lớp cho mền bông dày hay mỏng. Nhưng kỹ thuật này vẫn có nhiều bất ổn, tốn nhiều công. Vậy thì phải tìm cho được cách làm đơn giản, hiệu quả hơn. Ý tưởng bất ngờ đã nảy sinh khi bà quan sát kỹ những con tằm đan kén. Chúng tự dệt cho mình chiếc vỏ bền chặt mà không một kỹ thuật dệt tay nào có thể sánh bằng. Vậy tại sao không mượn con tằm thay cho bàn tay người thợ? Làm thế nào để tằm không cuộn tơ thành kén tròn mà tạo nên một tấm kén phẳng? Năm 2012, với lứa tằm thử nghiệm đầu tiên, bà đã không làm tổ cho chúng. Tằm không có tổ nên không thể kéo kén tròn theo lẽ thường. Nhưng do chức năng phải nhả tơ khi đến kỳ nên chúng buộc nhả tơ vào không gian, bà Thuận đã đem đặt chúng sát với nhau trên một mặt phẳng và kết quả là tơ của nhiều con tằm quấn vào nhau, đan thành lớp nang dày như những chiếc kén được cán phẳng. Đem tẩy lớp nang mỏng trên mặt tấm kén phẳng này theo kỹ thuật truyền thống sẽ tạo thành tấm thảm kén tơ bông phẳng, mịn, gắn kết bền chắc tự nhiên không kỹ thuật dệt nào của con người có thể sánh kịp, lại tiết kiệm được nhiều công đoạn phức tạp như ươm, kéo tơ, cào bông… Có thể nói đây là một sáng tạo đầy bất ngờ; đồng thời cũng là một kỹ thuật quan trọng đóng góp không nhỏ cho sự phát triển của nghề dệt thủ công truyền thống. Kỹ thuật mền bông tơ tằm tự dệt đã được nghệ nhân Phan Thị Thuận đăng ký thương hiệu độc quyền. Hơn 40 năm cháy bỏng đam mê với nghề, nghệ nhân Phan Thị Thuận đã nhận được không ít giải thưởng như: Giải sản phẩm tiêu biểu năm 2006; sản phẩm tiêu biểu 1000 năm Thăng Long; giải thưởng top 100 bảng vàng Thăng Long thương hiệu nổi tiếng chân chính lần thứ hai; top 20 sản phẩm dịch vụ người tiêu dùng tin cậy; ngày 7-6 này bà lại là nghệ nhân được Hội Nông dân Việt Nam tôn vinh với các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu...

Sau gần một ngày cuốn theo những câu chuyện của nghệ nhân Phan Thị Thuận tôi mới hiểu tình yêu mà bà dành cho nghề ươm tơ, dệt lụa quê mình. Bà như những con tằm một đời rút ruột nhả tơ khiến tôi nhớ mãi câu nói bùi ngùi lúc chia tay: "Một mình tôi giờ chỉ còn biết giữ nghề bằng cách hướng con cháu theo nghề và sẵn sàng truyền nghề cho những người muốn học, chứ không thể biến vùng đất ven Sông Đáy thành bãi dâu xanh ngút tầm mắt như xưa".
                                                                                                       Theo: Hanoimoi.com.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

5
Đang xem:
72.519.312
Tổng truy cập: