NGHỆ NHÂN -NĂNG KHIẾU - NGƯỜI CÓ CÔNG
Mong manh nghề làm đàn truyền thống
(Ngày đăng: 18/03/2015   Lượt xem: 823)
Những âm thanh lảnh lót, du dương, đủ mọi cung bậc của những cây đàn bầu, đàn tam thập lục, đàn nguyệt, đàn tì bà hay những cây đàn đáy, cây nhị, cây tứ… là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống văn hóa Việt Nam. Người chơi đàn lẫn người thưởng thức cần phải cảm ơn những nghệ nhân cần mẫn và tài hoa đang ngày đêm miệt mài để làm ra những nhạc cụ truyền thống ấy.

Nổi danh nghề đàn

“Nhất Thước, nhì Tuyên, tam Viên, tứ Soạn” (Đỗ Văn Thước, Phùng Tân Tuyên, Lê Đình Viên, Đào Văn Soạn) là 4 nghệ nhân làm nhạc cụ dân tộc nổi đất Hà thành. Hiện nay, họ đều đã ngoài “thất thập” và trọn cả đời để làm nên những cây đàn truyền thống. Trời đã xế chiều, phố xá ồn ào, náo nhiệt, nhưng trong con ngõ nhỏ ở phố Hào Nam, Đống Đa (Hà Nội), nghệ nhân Đỗ Văn Thước cùng con trai Đỗ Việt Dũng đang căn chỉnh dây đàn đáy. Ông Thước bộc bạch rằng, nghề làm nhạc cụ chẳng qua là nghề mộc đặc biệt, mà ở đó linh hồn nhạc cụ chính là âm thanh. Sinh nghiệp đã đưa tôi và ông Tuyên đến với nghề này từ lúc còn là thiếu niên. Ngoài 20 tuổi, chúng tôi được nhận vào Xí nghiệp nhạc cụ Việt Nam làm việc. Với tay nghề sẵn có, chỉ một thời gian ngắn, chúng tôi nhanh chóng được phân công làm cán bộ của các phân xưởng rồi được cử đi Trung Quốc tập huấn 6 tháng, học hỏi quá trình sản xuất nhạc cụ Trung Quốc để về ứng dụng những kỹ thuật mới vào việc sản xuất nhạc cụ truyền thống trong nước. Những năm chiến tranh, yêu cầu số lượng nhạc cụ phải nhiều để phục vụ bộ đội ở các chiến trường, Xí nghiệp sản xuất không ngừng nghỉ, mỗi tháng làm ra hàng chục nghìn cây đàn đủ kiểu loại để thúc đẩy phong trào “Tiếng hát át tiếng bom” góp phần đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Những năm 90 của thế kỷ trước, chúng tôi về hưu, nhưng vì đam mê nghề nên đã mở cơ sở sản xuất nhạc cụ dân tộc tại nhà.

Nghệ nhân Đỗ Văn Thước giới thiệu những nhạc cụ dân tộc do ông làm ra.

Những nghệ sĩ chơi đàn, người yêu đàn, các nhà chuyên nghiên cứu về nhạc cụ dân tộc ở đất Bắc thì hầu như ai cũng biết đến 4 nghệ nhân trên. Nghệ nhân Phùng Tân Tuyên chia sẻ: Những nghệ sĩ chơi đàn chuyên nghiệp thường xuyên lui tới xưởng đàn chúng tôi để mua đàn, sửa đàn. Đặc biệt, rất nhiều đoàn văn công của các đơn vị bộ đội ở miền Bắc đều là khách quen của các nghệ nhân già này. Những năm qua, khi Nhà nước khôi phục các loại hình nghệ thuật truyền thống như: Hát tuồng, chèo, hát xoan, chầu văn… thì khách đến mua đàn ngày càng nhiều. Cũng bởi người thưởng thức âm nhạc ngày càng cao, càng tinh tế nên việc sản xuất nhạc cụ đòi hỏi phải tinh xảo, đẹp, âm thanh chuẩn, ngân vang, chất liệu bền, đồng thời làm sao phải thể hiện cái hồn cốt, những nét đẹp văn hóa dân tộc trong đó. Lẽ ra ở độ tuổi được nghỉ ngơi, nhàn hạ, nhưng chúng tôi vẫn phải dày công nghiên cứu. Nhạc cụ của chúng tôi không chỉ đáp ứng nhu cầu ở trong nước mà đã quảng bá ra khu vực và thế giới. Năm 2002, Hội nghị văn hóa Âu-Á được tổ chức tại Hà Nội, nhạc cụ dân tộc do tôi sản xuất đã vinh dự được nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải dùng làm quà tặng những chính khách tham dự hội nghị đó.

Hậu thế ít mặn mà với nghề truyền thống

Nghệ nhân Đào Văn Soạn ở làng Đào Xá, xã Đông Lỗ, huyện Ứng Hòa (Hà Nội) trăn trở: “Nghề sản xuất nhạc cụ cổ truyền của làng Đào Xá chúng tôi đã ra đời cách đây gần 200 năm. Trước đây gần như cả làng đều làm nhạc cụ và hàng trăm người của làng đưa nhau lên Hà Nội mở các xưởng sản xuất, nhưng bây giờ, đất Đào Xá này chỉ còn dăm bảy gia đình làm nhạc cụ mà cũng èo uột lắm. Tôi già rồi nhưng cố gắng động viên con cháu nối nghề cha ông để không bị thất truyền”. Còn nghệ nhân Đỗ Văn Thước thì phân vân: “Mười năm về trước ở khu phố Hào Nam này có khoảng 15 gia đình theo đuổi nghề này, thế mà nay chỉ còn tôi và ông Tuyên bám trụ. Không biết mai đây âm thanh dân tộc này rồi sẽ ra sao nữa”?

- Tại sao nghề làm nhạc cụ dân tộc trước đây phát triển thế mà bây giờ lại thăng trầm?-tôi hỏi nghệ nhân Đỗ Văn Thước.

Ông Thước nói rằng, nghề làm nhạc cụ truyền thống lắm công phu. Để làm ra một cây đàn phải đi tìm kiếm các loại gỗ đặc dụng, xử lý chất liệu từ ngâm, tẩm, sao, sấy đến công đoạn chắp, ghép, bịt da trăn, đánh bóng, trau chuốt, khảm trai rồi bước hoàn thiện. Tất cả đều được làm theo phương pháp thủ công đúng với kỹ thuật đòi hỏi phải tỉ mỉ, kiên trì. Đặc biệt, người làm đàn phải đam mê, yêu nghề và phải có khả năng am hiểu về âm nhạc dân tộc, trình độ kỹ thuật, lại hiểu biết thị hiếu thị trường… Với nền kinh tế thị trường hiện nay thì lớp trẻ không có sự kiên trì như chúng tôi ngày xưa. Tôi cũng đã truyền nghề cho những ai muốn học, nhưng họ đến làm một thời gian rồi bỏ nghề, hơn nữa để có được cây đàn như ý thì mất nhiều thời gian nhưng giá thành lại không tương xứng, người ta vẫn cho đó là nghề thủ công mà.

Ông Đỗ Việt Dũng, con trai lão nghệ nhân Đỗ Văn Thước tâm sự: “Tôi đã tốt nghiệp Trường Đại học Ngoại ngữ nhưng không xin việc vì những trăn trở của bố nên tôi quyết theo nghiệp bố làm nhạc cụ dân tộc, đó là tinh túy của dân tộc, hồn cốt của ông cha. Tôi mong rằng, Nhà nước quan tâm hơn nữa để âm thanh những nhạc cụ này ngày càng ăn sâu trong lòng công chúng”.

                                                                                                    Theo: qdnd.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

2
Đang xem:
72.499.843
Tổng truy cập: