NGHỆ NHÂN -NĂNG KHIẾU - NGƯỜI CÓ CÔNG
Họa sĩ Thân Văn Huy người thổi hồn vào sen giấy xứ Huế
(Ngày đăng: 12/07/2012   Lượt xem: 1337)

Chàng trai Thân Văn Huy sinh ra và lớn lên ở làng Thanh Tiên, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang (Thừa Thiên – Huế) vốn nổi tiếng với nghề trồng hoa và làm hoa giấy nên tuổi thơ của anh đã đầy ắp sắc màu và hương hoa.

Xa cha mẹ từ nhỏ, anh sống trong tình thương của bà, người đã bươn chải nuôi anh khôn lớn. Dù khó khăn, thiếu thốn đủ điều, anh vẫn quyết tâm trở thành họa sĩ. Năm 1968, anh thi đỗ vào Trường cao đẳng Mỹ thuật Huế, tốt nghiệp năm 1972 rồi học tiếp ba năm về sơn dầu. Đến năm 1974, anh triển lãm phòng tranh cá nhân đầu tiên tại Đà Nẵng với cái tên “Mùa thu”, đưa người xem vào không gian thật bình yên, phảng phất chất thơ, chất thiền.

 Hình ảnh Họa sĩ Thân Văn Huy người thổi hồn vào sen giấy xứ Huế
Một tác phẩm của họa sĩ Thân Văn Huy

Ra trường, Thân Văn Huy lặng lẽ làm công việc của một nhà giáo trường làng trong 10 năm rồi chuyển sang nghề thiết kế mẫu đồ gỗ cũng suốt mười năm. Khi đã phần nào vượt qua hoàn cảnh khó khăn, anh gác lại mọi công việc để trở lại với nghệ thuật. Những bức tranh hiền lành như cỏ, rạng rỡ như hoa xuân, lung linh như sương sớm, luôn thấp thoáng nét trầm mặc, cổ kính của đất cố đô với gam màu lam lục chủ đạo lần lượt ra đời. Bến phố, Hoa mong manh, Chợ sương… đều gợi cho người xem về một xứ sở bềnh bồng sương khói.

Ngoài những triển lãm chung tại Huế, Đà Nẵng và TP.HCM, Thân Văn Huy còn dự hầu hết các liên hoan mỹ thuật Bắc Trung bộ, thêm hai triển lãm cá nhân ở Huế (1994) và Đà Nẵng (1995). Năm 2000, được sự bảo trợ của Đại sứ quán Thụy Sĩ tại Việt Nam, anh đã cùng sáu họa sĩ xứ Huế tổ chức triển lãm tại Hà Nội. Một số tranh của anh tại triển lãm này đã thuộc về sưu tập của các vị thuộc ngoại giao đoàn tại Việt Nam.

Hình ảnh Họa sĩ Thân Văn Huy người thổi hồn vào sen giấy xứ Huế
Tác phẩm sắp đặt Hoa giấy Thanh Tiên

Festival Huế 2006, anh trở về làng Thanh Tiên, thực hiện một cuộc triển lãm “tổng hợp” vừa để giới thiệu tranh, vừa để giúp du khách hiểu thêm về ngôi làng hàng trăm năm tuổi. Trong không gian làng quê đẫm mùi rơm rạ, du khách vừa xem những bức tranh sơn dầu, vừa thưởng thức tranh dân gian làng Sình, vừa xem tác phẩm sắp đặt Hoa giấy Thanh Tiên do Thân Văn Huy thực hiện.

Đến Festival Huế 2008, ngoài tranh sơn dầu, tranh làng Sình, anh cùng hai nghệ nhân trong làng phục dựng lại nghề làm hoa sen giấy đã thất truyền hơn 50 năm nay. Cả thảy 150 bông sen bằng giấy được làm trong gần một tháng đã tham gia vào lễ khai mạc Festival Huế 2008, sau đó được sắp đặt trong hồ tại làng Thanh Tiên để du khách thưởng ngoạn.

Hình ảnh Họa sĩ Thân Văn Huy người thổi hồn vào sen giấy xứ Huế
Sắp đặt bằng hoa sen giấy của họa sĩ Thân Văn Huy ở làng Thanh Tiên

Mới đây, trong một ngôi nhà vườn khá đẹp tại số 38 Nguyễn Bỉnh Khiêm, chúng tôi lại được Thân Văn Huy cởi mở giới thiệu một số tác phẩm mới. Bên cạnh những bức tranh Đà Lạt, Thanh bình, Giao hòa, Khởi sắc… cũng vẫn với gam màu quen thuộc ấy có thêm những Quyền năng, Chiến tranh, Ảo ảnh, Phù du… chở nặng ưu tư về cuộc sống. Chất liệu không chỉ sơn dầu, mà còn thêm mặt mây, xơ dừa, con chíp điện tử… Không giải thích, anh chỉ cười hiền lành: “Càng lớn tuổi, người ta càng có nhiều điều phải trăn trở”.

 

Theo khamphahue.com.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

16
Đang xem:
72.473.912
Tổng truy cập: