NGHỆ NHÂN -NĂNG KHIẾU - NGƯỜI CÓ CÔNG
Những nghệ nhân “tíc tắc”
(Ngày đăng: 10/01/2015   Lượt xem: 455)
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử cùng sự phát triển nhộn nhịp của thành phố Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) hiện vẫn còn những người thợ hàng ngày miệt mài, tỉ mỉ với từng vòng quay của kim giây, kim phút trên những chiếc đồng hồ cũ kỹ. Từ những thập niên trước, nơi đây có hơn 100 tiệm sửa đồng hồ lớn nhỏ và nghề này vẫn còn tồn tại đến ngày nay.

PHỐ SỬA CỔ VẬT THỜI GIAN

Những năm đầu sau giải phóng, ở khu chợ Biên Hòa (P.Thanh Bình) nghề sửa đồng hồ hoạt động rất nhộn nhịp, được xem là công việc dễ kiếm tiền nhất lúc bấy giờ. Đây là nghề “cha truyền con nối”, cứ thế hệ trước biết sửa thì thế hệ con cháu ắt cũng biết làm. Có cha là thợ sửa đồng hồ, năm 14 tuổi, ông Phạm Văn Thuận (tiệm sửa đồng hồ Đức Thịnh, đường Cách Mạng Tháng 8) đã tự mày mò sửa chữa một số “chứng bệnh” cơ bản của đồng hồ như: thay pin, thay dây, đánh bóng...


Biến các đồng xu cổ thành mặt đồng hồ “độc”

Bên lề đường Cách Mạng Tháng 8 nối liền với đường Nguyễn Thị Hiền (P.Thanh Bình), có người thợ gắn bó với nghề sửa đồng hồ hơn 35 năm. Đôi mắt bây giờ không còn tinh tường như trước, nhưng ông Phạm Kiều Long vẫn nguyên vẹn niềm đam mê làm “sống lại” những “cỗ máy thời gian” đã cũ. Nói về cơ duyên với cái nghề này, ông Long kể: “Sau giải phóng, tôi làm nghề bốc vác và đạp xích lô mưu sinh nhưng cực quá mà tiền công lại không đủ nuôi gia đình. Thấy người em họ khấm khá hơn nhờ vào nghề sửa đồng hồ nên tôi quyết định chuyển sang học nghề này với hy vọng thoát khỏi cảnh nghèo. Thời đó, đồng hồ có giá lắm, muốn mua một chiếc cũng phải có nhiều tiền, hư là đi sửa chứ ít có điều kiện mua cái mới hay mua các loại đồng hồ trang sức như bây giờ”. Vừa làm ông vừa chia sẻ: “Nhờ cái nghề này mà có đồng ra đồng vô nuôi 3 đứa con ăn học nên người. Dù đã đến tuổi về nghỉ dưỡng già, nhưng cái nghề nó thành cái nghiệp, nghỉ không cũng thấy mệt mỏi tay chân. Làm nghề sửa đồng hồ ít phải đi lại, ngày ngày ngồi ở góc này có mấy ông bạn quen, rồi có khách tới nhờ sửa đồng hồ nói chuyện, lại vui với tuổi già”.


 Ông Phạm Kiều Long với chiếc kính lúp quen thuộc

Ngày nay, điện thoại di động trở nên phổ biến, các loại máy tính bảng có chức năng cài giờ, đồng hồ trang sức nhiều kiểu dáng; chủng loại vừa túi tiền ngày càng nhiều khiến khách đến sửa đồng hồ cũng ít dần. Vì vậy mà những cửa tiệm sửa đồng hồ cũng bớt dần giữa lòng đô thị.

NGHỀ VÀ “NGHIỆP”

Hơn 25 năm gắn bó với nghề đã có không biết bao kỷ niệm. Cầm chiếc đồng hồ đeo tay rất cũ của khách, ông Phạm Thành Nhơn (đường Nguyễn Hiền Vương) cho biết: “Một vài người già thường mang tới sửa những chiếc đồng hồ rất cũ, mặt trên cũng bị trầy xước hết, bộ máy hầu như chẳng còn sử dụng được nhưng vẫn yêu cầu sửa cho bằng được. Với nhiều người chủ đồng hồ cũng như với tôi, đây là kỷ vật vô giá mang kỷ niệm khó phai theo thời gian. Khi nhìn những vị khách của mình vui mừng nhận lại chiếc đồng hồ như thế, người thợ chúng tôi cũng cảm thấy vui lây. Đó chính là động lực để chúng tôi ngày càng gắn bó và yêu nghề hơn”.


Ông Phạm Văn Thuận sửa đồng hồ cho khách

Nghề sửa đồng hồ đòi hỏi ở người thợ tính kiên trì, nhẫn nại và ham học hỏi để có thể gắn bó với mọi đổi thay và tiến bộ của kỹ thuật. Người ta thường nói vui, rằng người thợ sửa đồng hồ lâu năm cũng giống như những bác sĩ giỏi. Họ lấy lại được tiếng “tíc, tắc” cho chiếc đồng hồ như đã tìm lại được nhịp đập cho quả tim của một con người vậy”, ông Nhơn tâm sự.

Cứ như vậy, thợ sửa đồng hồ không chỉ là người giữ nhịp thời gian mà còn là những người đầy sáng tạo để mang lại vẻ đẹp riêng cho sản phẩm của mình. Lúc rảnh, họ tự mày mò chế lại linh kiện bị hỏng, tân trang những loại đồng hồ cũ rồi bán lại với giá rẻ để tăng thêm thu nhập. Họ trở thành cầu nối cho những người thích sưu tầm đồng hồ tìm tới chuyện trò hay trao đổi những loại đồng hồ cũ, dây đeo phù hợp với sở thích.

Có thể trong thời đại mới, với biết bao đồ dùng hiện đại, con người chạy theo “mốt thời thượng” mà dần quên những thứ đã cũ, lỗi thời. Tuy nhiên, có những đồ dùng có thể đã cũ, nhưng giá trị sử dụng và những kết tinh về văn hóa, lịch sử của nó vô cùng lớn. Những chiếc đồng hồ đó, cũng như những người thợ sửa các cổ vật thời gian này rồi sẽ trở thành một phần rất đẹp trong đời sống con người.

                                                                      Theo : congan.com.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

4
Đang xem:
72.500.525
Tổng truy cập: