NGHỆ NHÂN -NĂNG KHIẾU - NGƯỜI CÓ CÔNG
Người chế tác cây đàn tính ở Phú Lâm
(Ngày đăng: 10/07/2012   Lượt xem: 963)

Ông trầm ngâm bên những quả bầu khô màu nâu cánh gián và nói “Then là điệu nhạc, là món quà của trời, đất đã trao gửi cho người Tày. Nhưng hát then mà không có đàn tính thì như mùa xuân không có hoa đào nở, như miếng cau thiếu lá trầu xanh”. Đồ dùng của ông chỉ đơn giản là những chiếc đục, cưa, bào, dụng cụ cắt, gọt… nhưng bằng tình yêu, niềm đam mê với nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình, ông đã biến những quả bầu khô kia thành những chiếc đàn “tính tẩu” mang âm thanh mê hồn đến với bao người. Ông là Mông Trí Thức, dân tộc Tày, Bí thư chi bộ, trưởng thôn Suối Khoáng, xã Phú Lâm (Yên Sơn).


Ông Thức làm đàn tính.

Hai mươi năm công tác trong ngành y tế tại huyện Yên Minh, Mèo Vạc (Hà Giang), ông đã say trong những điệu then, đàn tính của người Tày ở Du Già, Ngọc Long, Niêm Sơn… Là bác sỹ khám chữa bệnh cho bao người, kể cả khi công tác tại Hà Giang hay khi chuyển về Tuyên Quang làm việc tại Bệnh viện Suối khoáng, ông đã có một suy nghĩ rằng chiếc đàn tính đã mang ý nghĩa tâm linh của người dân tộc Tày, đó là âm thanh của nó có thể cứu khổ, cứu nạn. Vì lẽ đó, sau khi nghỉ công tác, ông Thức bắt tay làm đàn tính.

Sản xuất đàn tính, hoặc mô phỏng đàn tính để bán cho du khách làm vật trang trí trong nhà thì rất nhiều nơi, nhiều người làm. Nhưng làm ra cây đàn tính để dùng như ông thì không nhiều; cây đàn tính do ông làm không những đẹp mà âm thanh của nó “chuẩn” vừa trầm bổng, vừa vang xa. Ông bảo để có được âm thanh ấy, quan trọng nhất là làm bầu đàn. Ông lên gác lấy rất nhiều quả bầu đã được phơi khô xuống. Những quả bầu khô tròn vành vạnh, được để trên gác bếp 3 đến 4 tháng, gõ tay vào phát ra tiếng kêu giòn, có độ bóng, ông nói: “Chỉ có những quả bầu như thế này mới đủ tiêu chuẩn để làm chiếc đàn tính tốt thôi”. Ông dùng cưa cắt, lấy dao gọt miệng quả bầu khô, vừa khoảng hai nắm tay người lớn rồi lấy miếng gỗ cây vông bịt kín miệng quả bầu. Ông đo cần đàn bằng tám nắm tay rồi tra cán. Cây đàn tính có độ bền thì cần đàn, các then ngang phải được làm bằng gỗ tốt.

Ông Thức nhớ lại, năm 2000 ông đã làm 10 cây đàn tính phục vụ cho Đội văn nghệ của Làng văn hóa Tân Lập, xã Tân Trào (Sơn Dương) nhưng vì làm lần đầu tiên nên có chỗ ông không ưng. Từ lần đó, ông quyết tâm phải học nhiều cách trang trí trên cây đàn, cách làm đàn tính vừa đẹp, vừa bền. Ông về tận quê ở Lam Vỹ, Định Hóa (Thái Nguyên) để tìm mua giống bầu nậm, mang về làm đàn tính. Tìm được 10 quả bầu thì chỉ có chừng 4 đến 5 quả bầu tròn dùng làm được bầu đàn. Ông Thức trang trí bầu đàn thành hình đầu rồng hoặc hoa sen, phần tiếp giáp với bầu đàn xòe ra ôm lấy bầu đàn. Đã không ít du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng tại Khu du lịch Suối khoáng Mỹ Lâm tìm đến ông để thưởng thức, chìm đắm trong không gian của làn điệu then do ông biểu diễn hay tìm hiểu cách làm cây đàn tính. Cây đàn tính ông làm năm 2002 đã từng được dùng trong lễ mừng ông 61 tuổi, đã có người khách trả ông tiền triệu nhưng ông không bán mà chỉ biểu diễn một làn điệu then bằng cây đàn ấy tặng cho người khách.

Là dân tộc Tày, không sinh ra ở Tuyên Quang nhưng ông Thức tâm niệm là dân tộc Tày, lớn lên bằng làn điệu then, thì dù đi phương trời nào cũng phải gìn giữ lấy bản sắc, hồn cốt của dân tộc mình. Hơn 10 năm làm đàn tính, ông Thức đã lưu giữ những giá trị truyền thống văn hóa của dân tộc trường tồn qua năm tháng và ông cũng đã góp phần làm giàu thêm về tiềm năng du lịch bằng những điệu then, đàn tính.

Tạm biệt ông, khi những tiếng bào, gọt quả bầu khô trên tay ông vẫn đều đều để cho ra đời những chiếc đàn tính, bên tai tôi bỗng vang lên những câu hát của nhạc sỹ Tăng Thình “Tiếng đàn gọi lúa về, gọi nắng về, giục cánh đồng vàng màu lúa chín. Điệu hát then rộn ràng vui trong đêm hội mùa. Đưa ta về, ta về bên nhau. Điệu hát then bồng bềnh mây như trong huyền thoại, đưa ta về với cội, với nguồn”.               
Theo TQĐT
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

23
Đang xem:
72.471.522
Tổng truy cập: