NGHỆ NHÂN -NĂNG KHIẾU - NGƯỜI CÓ CÔNG
Sắc màu nghệ nhân... nhí
(Ngày đăng: 04/07/2012   Lượt xem: 702)

Chưa bao giờ hàng loạt nghệ nhân văn hóa dân gian tuổi thiếu niên nhi đồng trình làng rầm rộ như năm 2009. Hồn nhiên và luôn mê say biểu diễn, những "nghệ nhân nhí" đã đem đến những sắc màu sinh động, đáng mừng cho bức tranh văn hóa dân gian 2009.

"Chiêng con" mở hội

Sau 5 năm được UNESCO vinh danh Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên là kiệt tác truyền khẩu và di sản phi vật thể của nhân loại, cồng chiêng Tây Nguyên đang dần hình thành một thế hệ trẻ chơi cồng chiêng. Không chỉ một vài nghệ nhân nhí, tại Festival Cồng chiêng Quốc tế năm 2009 tại Gia Lai được tổ chức từ 12 - 15/11/2009, cồng chiêng Tây Nguyên đã trình làng hàng chục nghệ nhân tuổi thiếu niên, nhi đồng chơi chiêng, đánh xèng, vỗ trống... Có tới 5 đoàn cồng chiêng trẻ tuổi tham gia festival. Trong đó đoàn nghệ nhân trẻ tuổi nhất là đoàn cồng chiêng dân tộc Bahnar huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai. Cả đoàn có 22 người thì nghệ nhân Gêch mới 14 tuổi, hiện đang học lớp 8, nghệ nhân Mớt, chưa đầy 10 tuổi. Trẻ nhất trong số các nghệ nhân "chiêng con" tại festival là Ksor Sia (6 tuổi) và Siu Khái (7 tuổi) của đoàn cồng chiêng huyện Chư Sê-Gia Lai.

 Các “chiêng con” biểu diễn tại Festival Cồng chiêng Tây Nguyên Quốc tế năm 2009.
Cuộc trình làng của các "chiêng con" đã đem đến cho Festival Cồng chiêng Tây Nguyên Quốc tế năm 2009 tại Gia Lai nói riêng và cồng chiêng Tây Nguyên sức sống mới đầy thú vị. Những màn trình diễn của các nghệ nhân nhí luôn thu hút sự dõi theo của đông đảo nhà nghiên cứu trong và ngoài nước. Chứng kiến buổi diễn gần 80 phút của các "chiêng con" trong Lễ đâm trâu mừng chiến thắng, khán giả vỗ tay liên tục, còn các nghệ nhân lớn tuổi cũng phải gật đầu thán phục trước sức trẻ và sự thuần thục, say mê trình diễn cồng chiêng.

Hầu hết "chiêng con" dù tuổi đời còn rất trẻ nhưng đã có nhiều năm tham gia các đội cồng chiêng của bản làng. Như Ksor Sia và Siu Khái là đôi bạn học cùng lớp của Trường tiểu học Plei Djrêk, thị trấn Nhơn Hòa. Từ bé đã theo bố mẹ trình diễn cồng chiêng, các em biểu diễn rất dạn dĩ trước công chúng. Nhiều màn trình diễn phải nói là điêu luyện khi hai em dựa lưng vào nhau, người uốn dẻo vỗ trống ngẫu hứng cùng nhau. Ngoài ra có thể kể đến những dàn diễn viên múa xoang trẻ trung của các đội cồng chiêng dân tộc Bahnar, Jrai... của huyện Đức Cơ, huyện Kbang - Gia Lai... Mới tuổi mười tám, đôi mươi, đội múa xoang trẻ trung của những cô gái Tây Nguyên toát lên vẻ quyến rũ, hấp dẫn đến lạ kỳ.

Rộn ràng Đào nương nhí

Năm 2009 là năm ca trù vừa được UNESCO đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Vừa được vinh danh, môn nghệ thuật độc đáo của sênh phách cũng trình làng một thế hệ đào nương trẻ triển vọng. Dù tuổi đời còn rất trẻ, nhưng lớp đào nương nhí mới trình làng đã gặt hết giải thưởng này đến giải thưởng khác.

Chỉ tính riêng CLB Ca trù Thăng Long đã trình làng gần chục đào nương, kép đàn, quan viên trẻ tuổi tại Liên hoan CLB Ca trù 2009, trong đó Huệ Phương 10 tuổi là đào nương trẻ tuổi nhất liên hoan. Bên cạnh mẹ - kép đàn Phạm Thị Huệ, Huệ Phương chắc tay phách, nhả chữ đâu ra đấy. Với Chí Nam nhi của Nguyễn Công Trứ và Bắc phản, tài năng triển vọng của đào nương nhí Huệ Phương đã được khẳng định với HCB. Cầm chầu cho Huệ Phương cũng là một quan viên còn rất trẻ - Nguyễn Thị Nhung năm nay mới 13, giành HCB dành cho quan viên xuất sắc. "Sức trẻ" của CLB Ca trù Thăng Long còn được ghi nhận với các HCB Liên hoan dành cho đào nương nhí Đặng Thị Hường (15 tuổi), Vũ Thùy Linh (22 tuổi) và kép đàn Nguyễn Thu Thủy (12 tuổi)...

 Nghệ nhân nhí hát then.
Ngoài ra có thể kể đến các đào nương nhí tuổi đời "chưa biết cái chi chi" nhưng nảy hạt, nhả chữ cùng tay sênh tay phách đâu ra đấy như Nguyễn Thanh tân (16 tuổi) - CLB Ca trù Thanh Khương, Thuận Thành, Bắc Ninh, Nguyễn Thị Duyên (15 tuổi) - CLB Ca trù Ngãi Cầu, Đông Môn, Hải Phòng hay Nguyễn Minh Ngọc (11 tuổi) - CLB Ca trù Cổ Đạm, Nghi Xuân,  Hà Tĩnh... Họ chính là những truyền nhân đã và đang thổi vào vốn cổ ca trù thêm những giọng hát, nhịp phách trẻ trung, mơn mởn.

Không chỉ làm rộn ràng làng ca trù, những đào nương nhí còn làm "xốn xang" cả làng nhạc Việt. Trên sân khấu Liên hoan tiếng hát Dân ca VN 2009 - VTV3, bên cạnh những loại hình âm nhạc khác, đào nương nhí Thu Thảo của CLB Ca trù Thái Hà đã giành giải A khu vực đồng bằng và trung du Bắc Bộ. Tham gia Hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp 2009, Thu Thảo cùng với Kiều Anh, đang độ tuổi trăng tròn lại sánh bước cùng những ngôi sao ca nhạc nhẹ như Hồ Quỳnh Hương, Tuấn Phương, Thái Thùy Linh... đã làm nên thành công của chương trình Đồng vọng kinh kỳ - chương trình đoạt HCV Hội diễn của Nhà hát Ca múa nhạc nhẹ VN.

Chấm phá then trẻ

Chẳng chịu thua chị kém em, nghệ thuật hát then, đàn tính cũng góp thêm những nét chấm phá trẻ trung. Hà Thảo mới 8 tuổi đã cùng đoàn Tuyên Quang về dự Liên hoan nghệ thuật hát then, đàn tính 2009. Bên cạnh những nghệ nhân cao niên, Thảo cầm chiếc đàn tính cao vút trông ngồ ngộ nhưng lối hát đầy nhựa sống của em với then thì khỏi phải chê. Thảo mới tham gia biểu diễn những năm gần đây nhưng từ tấm bé, nghệ nhân then nhí này đã theo ông nội Hà Thuấn cầm đàn tính đi hát then khắp các bản làng.

Trong khi đó nghệ nhân Nông Thanh Tuyền lại trông chững chạc hơn nhiều so với tuổi 20 của mình. Trong bộ đồ dân tộc Tày, gương mặt bóng sáng như một tài tử điện ảnh của Tuyền càng làm mê hoặc người xem với giọng hát vừa thanh lại vừa cao. Hỏi ra mới biết, Tuyền là cháu của nội NSƯT Nông Văn Khang, vốn ngấm then từ bé, lại thêm kỹ thuật thanh nhạc học được từ Trường VHNT Việt Bắc nên Tuyền rất tự tin: "Then cũng là chuyên ngành học của em ở trường mà."

Nhưng nghệ nhân nhí chơi đàn tính, hát then được chờ đợi nhất tại Liên hoan này chính là Chu Văn Minh. Mới 19 tuổi nhưng Minh vừa giành giải A tại Liên hoan tiếng hát dân ca VN 2009 - VTV3. Trong điệu then cổ, Chu Văn Minh đã tiếp thêm lửa cho cuộc hồi sinh của then những hy vọng mới về một thế hệ trẻ sẵn sàng tiếp bước. Không khẳng định trở thành một thầy then hành nghề nhưng với Minh, nghệ thuật độc đáo của dân tộc mình anh tin chắc sẽ mãi ngấm sâu và vang vọng suốt cuộc đời mình.   
 
Theo suckhoedoisong
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

15
Đang xem:
72.469.928
Tổng truy cập: