NGHỆ NHÂN -NĂNG KHIẾU - NGƯỜI CÓ CÔNG
Cụ già hơn 50 năm gắn bó với nghề khắc bút bên hồ Gươm
(Ngày đăng: 08/10/2014   Lượt xem: 989)

Thiếu một tuổi nữa là tròn 80, nhưng ông lão ấy vẫn hàng ngày ngồi bên hồ Gươm làm công việc khắc bút. Hơn 50 năm trời với đôi bàn tay khéo léo cùng những dụng cụ tự chế ông đã khắc chữ, khắc hình lên vô vàn cây bút để làm quà, làm kỷ niệm, làm vật đính ước… cho biết bao nhiêu người. Dù hiện tại, nghề chẳng còn thịnh đạt như xưa thì ông vẫn chưa bao giờ có ý nghĩ từ bỏ.

Cụ Lê Văn Quý năm nay đã 79 tuổi và đã gắn bó với nghề khắc bút từ hơn 50 năm nay.
Giữa phố phường tấp nập, ở một góc của Đền Kiệu bên cạnh hồ Gươm vẫn luôn có một cụ ông làm nghề khắc bút.  
  Từ những năm 50 của thế kỷ trước, cụ Quý đã bắt đầu làm nghề khắc bút cho mọi người ở ven Hồ Gươm- cái thủa mà mỗi chiếc bút kim tinh là vật quý không nhiều người có. Những chiến sĩ khi sắp nhập ngũ được phát một chiếc bút thường tìm đến những người thợ khắc bút để khắc những dòng lưu niệm hay ngày nhập ngũ làm dấu ấn kỷ niệm. Trong khi, nhiều nữ sinh thời ấy tìm đến cụ để khắc tên mình, tên người thương lên bút… Những chiếc bút được coi như kỷ vật tình yêu cũng không hề hiếm và cụ Quý thường khắc thêm một đôi chim bồ câu, hình trái tim kèm theo tên hai người.
 
 
Cụ Quý cho hay, thời đó có cả hơn chục người làm nghề khắc bút quanh hồ Gươm nhưng ai cũng luôn tay mà không hết việc. Những chiếc bút được khắc trong thời chiến cũng từ đó mà đi muôn ngả. Cũng có đôi lần, sau vài chục năm, khi chủ của chúng đã trở thành những thương binh, cựu chiến binh đã quay lại hồ Gươm tìm gặp cụ. Và cũng đã có lần từ chiếc bút mà cụ Quý đã khắc từ vài chục năm trước, người ta đã tìm được danh tính của hài cốt liệt sĩ vô danh.
 
 
Hiện tại, cùng với sự phát triển của xã hội, của công nghệ, những chiếc bút mực cũng dần bị thay thế và không còn quá quan trọng với con người thế kỷ 21, người dùng bút ít đi và người khắc bút cũng ngày càng hiếm hoi khiến nghề khắc bút mai một dần, giờ rất khó để tìm được một người thợ khắc bút trên khắp những phố phường của Hà Nội.
 
Điều này cũng đồng nghĩa với chuyện thu nhập do công việc khắc bút mang lại cho cụ Quý cũng không đáng là bao, có những ngày chỉ kiếm được hai ba chục nghìn, thậm chí có khi vài ngày cũng chẳng có khách. Hiện thu nhập hàng tháng của cụ chỉ khoảng 1-2 triệu đồng nhưng cụ vẫn chưa từng có ý nghĩ bỏ nghề. Bởi, sau hơn 50 năm gắn bó thì mỗi ngày ngồi bên hồ Gươm chờ đợi được khắc những đường nét lên những cây bút đã trở thành thói quen, niềm yêu thích của cụ.
 
 
 
Hộp đồ nghề khắc bút của cụ Quý cũng rất đơn giản chỉ là một chiếc hộp bút sắt đã hỏng khóa, trong đó là 1 chiếc bút khắc tự chế, tuốc nơ vít, vài viên phấn để làm rõ màu của những đường nét sau khi khắc, mấy tấm vải lau.
 
Chiếc bút khắc tự chế mỗi năm sẽ được cụ Quý thay mới một lần.
 
 
Hiện tại ngoài khắc bút, cụ Quý còn nhận khắc lên tranh sơn mài hay nhiều đồ vật làm quà tặng, kỷ niệm theo yêu cầu của khách. Cụ cho biết cũng có vài lần đã có khách du lịch hay những người chuẩn bị ra nước ngoài đem tới 40-50 chiếc bút nhờ cụ khắc chữ, hay những hình ảnh đại điện cho Hà Nội như Tháp Rùa, Chùa Một Cột, cầu Thê Húc… để đem ra nước ngoài làm quà tặng. Lần khắc bút đáng nhớ nhất của cụ là cho Thủ tướng Đức cách đây đã hơn 20 năm.
 
Cụ cho biết, hiện tại kinh tế gia đình đã ổn định hơn, không còn phải lăn lộn để kiếm kế mưu sinh. Hàng ngày cụ vẫn chăm chỉ tập thể thao mỗi sáng rồi mới lên ven hồ Gươm để làm công việc quen thuộc, có khi chỉ là ngắm phố phường, trò chuyện với vài người bán nước xung quanh hay ngồi uống trà trò chuyện với những người bạn già, công việc khắc bút chỉ như một thú vui quen thuộc, dù gì nó cũng đã gắn bó với cụ Quý 50 năm.
                                                                         Theo : songmoi.vn
 
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

2
Đang xem:
72.518.369
Tổng truy cập: