NGHỆ NHÂN -NĂNG KHIẾU - NGƯỜI CÓ CÔNG
Già Mia với nghề đan gùi truyền thống của người Cơtu
(Ngày đăng: 11/09/2014   Lượt xem: 520)
Đến xã vùng cao Tàb Hing, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam, chúng tôi cùng Pơloong Hải, Trưởng ban Văn hóa xã, đến thăm và trò chuyện với già làng người Cơtu Alăng Mia (75 tuổi), ở thôn Pà Ting. Bên mái hiên của căn nhà sàn cạnh Quốc lộ 14D, già Mia đang mải mê đan gùi.
Già Alăng Mia đang đan gùi tại nhà ở thôn Pà Ting, xã Tàb Hing, huyện Nam Giang (Quảng Nam).

Chúng tôi hỏi già Mia, được biết nghề đan gùi của đồng bào Cơtu, huyện miền núi Nam Giang đang ngày càng mai một? Thay vì trả lời câu hỏi, già Mia dẫn chúng tôi xuống nhà bếp và chỉ vào những chiếc gùi đã lên màu cánh gián treo ở đó mà già đã đan xong cách đây mấy tháng trời.

Rót ly mật ong rừng mời khách, già Mia bảo: Ở tuổi như tôi mà còn đan lát thì không phải để kiếm tiền, cái chính là lòng đam mê của mình đó. Tôi bắt đầu đan lát từ năm 15 tuổi. Từ bé, tôi thấy cha đan gùi nên tò mò học và được bày cho cách đan, từ đó mê luôn. Nghề đan gùi tuy không vất vả, cực nhọc nhưng đòi hỏi sự khéo léo của đôi tay và phải kiên trì.

Với già Mia, những chiếc gùi không chỉ dùng để vận chuyển lúa, bắp, củi, măng, đựng các sản vật từ rừng, mà còn đựng các loại đồ trang sức và thổ cẩm quí. Nó là nét văn hóa truyền thống lâu đời của đồng bào Cơtu. Ngày xưa, hầu như đàn ông Cơtu nào cũng biết đan gùi. Vì nhiều lý do, nếu mình không đam mê với nghề, thử hỏi lấy đâu những vật dụng từ đan lát truyền thống của người Cơtu để bà con mỗi khi đi rẫy, vào rừng bẻ măng, hái rau, gùi củi...

Cầm cái gùi đan chưa xong, già Mia cho biết: Phần lớn các bộ phận của gùi được đan bằng các loại mây. Mỗi cái gùi đều có cấu tạo 3 phần chính là đế, thân và miệng gùi. Đồng bào Cơtu có hơn 10 loại gùi truyền thống với nhiều mẫu mã khác nhau và tùy vào mỗi loại gùi, người Cơtu dùng với từng công việc, mục đích khác nhau như: h'đool (gùi dùng để đựng lúa), pr'eng (gùi dùng đựng rau, củ quả), p'rôm (dùng đựng trang sức và thổ cẩm), adong kiêr (gùi sắn), adong mặt (gùi củi), achuy (gùi thịt, cá) đến t'mòi (gùi dành riêng cho phụ nữ chuyên mang quà)... và tất cả đều được đan bằng chất liệu mây rừng. Ngoài các loại gùi dùng cho phụ nữ, người Cơtu còn đan một loại gùi 3 ngăn (tà léc) dành cho đàn ông để đựng dụng cụ cần thiết khi đi làm rẫy, săn bắn hoặc mỗi dịp đi thăm bà con, họ hàng ở những làng khác.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, cũng là gùi nhưng đồng bào Cơtu ở vùng cao (Cơtu đriu) thường đan thân gùi có hình chữ V, đế nhỏ chắc chắn, miệng to. Đồng bào Cơtu ở vùng trung (Cơtu nal) với kiểu đan đáy gùi tương đối bằng nhau, còn đồng bào Cơtu ở vùng thấp (Cơtu phương) như xã Tàb Hing, quê hương già Mia thì đan kiểu đế gùi bằng 4 miếng tre hoặc gỗ.

Dù đan đẹp hay xấu, gùi của người Cơtu bao giờ cũng được đan bằng mây cám, mây ró và mây song. Đây là các loại cây mây chắc và có độ bền cao. Riêng dây mang gùi được đan bằng mây xà phun, mây song, hoặc bằng loại cây rừng có tên bhơnương. Đây là loại cây rừng rất dẻo và chắc, người Cơtu thường vót mỏng để đan. Thông thường, một cái gùi có thể dùng đến 30 năm và hai lần thay dây mang mới hỏng. Khi không dùng, bà con thường treo gùi trên giàn bếp, vì thế những vật dụng này có màu cánh kiến, rất bền, không bị mối một.

Hằng ngày, già Mia vẫn đều đặn đan những chiếc gùi phục vụ cho bà con Cơtu trong thôn và các thôn lân cận mua để dùng. Tùy thuộc vào từng loại gùi, già Mia có thể đan trong khoảng từ 12 đến 15 ngày. Đó là chưa kể thời gian vào rừng kiếm mây, tre, lồ ô về để làm vật liệu đan gùi. Bởi vậy, ở nhiều vùng trong huyện Nam Giang hiếm hoi lắm mới có người già đan gùi như già Mia. Tại xã Tàb Hing, những người còn sống đam mê với nghề đan gùi như già Mia không nhiều.

Theo già Mia, mỗi chiếc gùi có giá bán từ 500 ngàn đến 1 triệu đồng, giúp cho già có thêm khoản thu nhập trang trải cuộc sống mà vẫn cảm thấy thích thú với công việc mưu sinh của mình. Già Mia bảo, ngày nào không cầm sợi mây đan gùi thì ngày ấy ngứa tay chịu không nổi. Tuy nhiên, hiện nay mắt của già đã mờ, tay chân đã yếu, khi nào không còn vào rừng bứt mây được nữa thì già hết đan gùi. Đây là nghề truyền thống của người Cơtu, nên không bỏ được và nó đã thấm vào máu thịt của mình từ lâu.

Mặt trời đang khuất dần sau dãy núi Pà Xua. Chúng tôi chia tay già Mia trở về xuôi trong niềm lưu luyến. Bất chợt chúng tôi phát hiện trên khuôn mặt già Mia có nét buồn phảng phất. Hình như, già Mia  đang có một điều trăn trở về lớp người kế cận, bởi giữa bao la đại ngàn Trường Sơn vẫn còn rất nhiều bà con Cơtu muốn sử dụng các vật dụng đan lát trong gia đình.
                                                                            Theo : bienphong.com.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

11
Đang xem:
72.518.536
Tổng truy cập: