NGHỆ NHÂN -NĂNG KHIẾU - NGƯỜI CÓ CÔNG
Kì thú nghề làm truyền thần qua tượng gỗ
(Ngày đăng: 10/09/2014   Lượt xem: 646)

Từ thế kỉ 19, khi nghệ thuật nhiếp ảnh ở nước ta còn rất hiếm thấy, tranh truyền thần được các họa sĩ vẽ từ người thật hoặc từ lời kể và trí tưởng tượng. Tranh truyền thần là một thể loại hội họa mà người họa sĩ truyền lại cái "thần" của người được vẽ, tức là truyền đạt được cảm xúc, thần thái thông qua tác phẩm. Dường như phát triển từ đó, ở làng Bảo Hà (xã Đồng Minh, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng) có hơn 500 năm lịch sử với nghề tạc tượng gỗ, nghề làm tượng truyền thần ra đời dù còn non trẻ nhưng cũng đang mang nỗi lo mai một bởi rất ít thợ trẻ theo đuổi...

Thổi hồn người vào gỗ

Với một họa sĩ vẽ tranh truyền thần, để vẽ lại một bức ảnh hoặc chân dung một người đòi hỏi người họa sĩ phải có ý chí kiên trì, cần mẫn, tập trung cao độ. Bức tranh sau khi hoàn thành không chỉ giống với ảnh được chụp mà còn phải truyền được thần thái của con người đó. Quan trọng nhất đó chính là đôi mắt của người được vẽ mà người họa sĩ gọi là điểm nhãn, đó chính là nét độc đáo trong các bức tranh truyền thần mà không một loại tranh nào khác thực hiện được.

Vẽ tranh truyền thần khó khăn, phức tạp là thế nên với việc tạc một bức tượng gỗ từ ảnh hay người thật để nó có cái hồn của người được tạc càng khó khăn hơn. Người ta so sánh việc này cũng giống như các họa sĩ làm công nghệ 3D hiện đại, mô phỏng con người chỉ từ một bức ảnh. Ngoài ra, sự tỉ mỉ trong từng nhát đục, khắc của người thợ làm tượng càng làm cho sản phẩm trở nên "người" hơn.

Theo như chỉ dẫn của dân làng Bảo Hà, tôi tìm đến nhà của những nghệ nhân hiếm hoi còn đang theo đuổi nghề tượng truyền thần dù còn rất mới so với nghề tượng của làng nhưng nó cũng đã cũ với những người thợ trẻ chỉ mải mê làm kinh tế. Cho đến nay, ở Bảo Hà, số người nhận làm tượng truyền thần chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ông Đỗ Văn Bưởng (sinh năm 1950), người đã có 20 năm làm tượng truyền thần và gần cả một đời người gắn liền với nghề làm tượng là một trong số đó.


Sống trong gia đình truyền thống với ba đời đều gắn bó với đục, búa và biến những khúc gỗ vô hồn thành những bức tượng có thần thái, từng kĩ thuật của nghề đều được ông Bưởng ghi nhớ và thể hiện một cách tài tình. Cùng với đó là năng khiếu vẽ tranh bẩm sinh nên để phục dựng một bức tượng từ tranh, ảnh đối với ông Bưởng không phải là chuyện khó.

Theo như lời kể của ông thì cách đây 20 năm, sau khi ngừng làm công việc tại xưởng chung, ông tự làm tại nhà và như một cơ duyên đưa ông đến nghề làm tượng truyền thần, đó là khi có người nhờ ông tạc lại bức tượng của người nhà để thờ cúng. Cũng từ đó, bức tượng đầu tiên tạc một người thông qua ảnh đã được làm với thời gian dài gấp đôi so với một bức tượng thường làm. Dù những ngày đầu mới làm không thật sự giống với người trong bức ảnh nhưng tượng cũng thể hiện một cái thần thái giống như tranh truyền thần làm được.

Từ đó, sau 20 năm dài gắn bó với công việc này, chính ông Bưởng cũng không nhớ nổi mình đã làm bao nhiêu tượng cho bao nhiêu người. Ông chỉ nhớ mang máng rằng số tượng ông làm không dưới con số 5 ngàn. Và thời gian dần trôi qua, tuổi đời cùng tuổi nghề ngày càng cao, bức tượng ông làm ban đầu chỉ hơi giống rồi giống 80%, 90% và bây giờ thì gần như là giống hoàn toàn với bức ảnh của khách hàng đưa tới. Mỗi bức tượng truyền thần cao từ 30 - 60cm có giá từ 3 - 4,5 triệu đồng, thời gian làm thường là mất 10 ngày hoặc hơn tùy theo thời tiết.

Nhà xưởng chưa đầy chục mét là nơi ông Bưởng thổi hồn vào gỗ.

Còn có người đặt tượng to bằng người thật thì ông phải vật lộn cả tháng trời mới hoàn thành, giá của bức tượng lớn như vậy khoảng 15 - 20 triệu. Cũng giống như các xưởng gỗ khác trong làng, loại gỗ được ông Bưởng thường sử dụng là gỗ mít, đây là loại gỗ rắn, chất gỗ dai, toàn lõi, bao nhiêu năm không hề mối mọt. Nhưng cũng không hiếm trường hợp, gỗ được khách hàng mang đến để ông làm.

"Với những loại gỗ quý của khách mang đến, khi tôi làm cũng có chút suy nghĩ bởi nhỡ có vấn đề xảy ra khiến chất lượng tượng không được như ý muốn thì tiền đâu ra mà đền. Nhưng sau này nghĩ lại, mình cứ thế mà làm, tỉ mẩn như mọi khi rồi tượng nó cũng sẽ thành hình, cũng giống với ảnh mà thôi..." ông Bưởng chia sẻ.

Quá trình để làm một bức tượng cũng đầy gian khổ, dù nắng hay mưa, trong nhà xưởng chưa đầy chục mét đó, ông Bưởng vẫn miệt mài đục đẽo cho khối gỗ thành hình. Ban đầu là tạo khối cho ra các bộ phận thân người, sau đó là từng đường nét sao cho bố cục cân bằng phù hợp.

Các chi tiết lớn như thân người, quần áo thường được làm trước vì đơn giản hơn rồi mới đến khuôn mặt, đây là phần khó khăn nhất của người thợ bởi bức tượng có truyền được thần thái của người trong ảnh hay không được quyết định ở khâu này. Từng chiếc đục được lựa chọn kĩ lưỡng to nhỏ khác nhau, từng nhát gõ tạo nên những nếp nhăn, nét mặt cho bức tượng và chỉ cần một nhát búa quá mạnh, một đường đục sai sót cũng làm hỏng hoàn toàn bức tượng. Sau đó đến khâu cuối cùng là sơn màu, vẽ nét, khâu khá quan trọng và phải phối hợp theo từng đường nét đã chạm khắc trước đó.

Ông Bưởng cho biết: "Việc những nét mặt có nổi bật được tính cách của người được truyền thần hay không phụ thuộc rất nhiều vào khâu sơn, vẽ. Nếu sơn quá đậm sẽ che mất những nét mặt đã được chạm khắc tỉ mỉ trước đó, sơn nhạt thì bức tượng bị thô không có hồn...".

Theo đó ở khâu này, người thợ phải khò cháy hết những dăm gỗ nhỏ, dùng giấy ráp chà mạnh cho nhẵn bề mặt nhưng cũng không làm ảnh hưởng đến những viền nhỏ tạo nét mặt. Sau đó dùng hỗn hợp sơn gồm có bột đá, dầu và sơn pha trộn theo tỉ lệ phù hợp quét lên tượng rồi phơi khô 1 ngày. Rồi tới bước sơn thì đi hai nước, để sơn bám trong một ngày, xong sẽ thếp bạc cho gỗ. Sau đó nghệ nhân lại tiếp tục sơn phủ màu vàng lên tượng, tiếp đến mới lọng son, đóng nhỡn, và vẽ.

Giàu vì tượng, nghèo vì đam mê

Khó khăn gian khổ để tạo ra một bức tượng truyền thần là thế nhưng cũng có đôi lần, khách hàng của ông Bưởng không muốn nhận tượng vì nhiều lý do. Người nào tốt tính thì không lấy lại tiền cọc, người nào xấu tính thì đòi bằng được tiền. Như vậy, gần chục ngày công của ông cùng tiền nguyên vật liệu cũng coi như mất trắng. Nhưng quan trọng hơn hết đó là việc công sức, tâm huyết ông đổ dồn vào để thổi hồn cho bức tượng đã bị uổng phí. Đó cũng là lý do vì sao mà cho đến nay, ở làng Bảo Hà, nghề làm tượng truyền thần chỉ có một vài người theo đuổi.

Hai bức tượng truyền thần sau khi hoàn thành.

Các sản phẩm như hàng thủ công mỹ nghệ, tượng, đồ thờ cúng nơi đền, chùa, miếu, mạo… của làng Bảo Hà đã tạo được tiếng vang lớn trên khắp cả nước, không những gây ấn tượng bởi chất lượng tốt mà còn có tính thẩm mỹ cao nên bán thường rất có giá. Hơn nữa, làm những sản phẩm này lại nhanh, không có tính rủi ro như nghề tượng truyền thần. Khi được hỏi, nhiều thợ gỗ trong làng Bảo Hà cho hay, với một tay thợ giỏi làm tại các xưởng lớn trong thôn thì một ngày công có khi lên đến tiền triệu. Nhưng với nghề làm tượng truyền thần thì một tháng chỉ kiếm được vài triệu đồng mà lại mệt mỏi nên hiếm có thợ trẻ nào dám theo nghề.

Một số nghệ nhân cũng chỉ làm tượng truyền thần khi có người đến tận nơi đặt làm, ngoài ra các sản phẩm bán ra thị trường vẫn là chủ đạo. Chính ông Bưởng cũng tâm sự: "Giờ thợ trẻ tay nghề ngày càng cao, cũng có nhiều người giỏi chỉ cần học vài tháng là có thể làm được tượng truyền thần. Nếu ai muốn hỏi thì tôi cũng chỉ cho nhưng hầu như ít người mặn mà lắm với nghề này. Tôi còn giữ nghề một phần để mưu sinh nhưng cũng phải có đam mê nhiệt huyết mới theo được từng ấy năm...".

Sau 500 năm phát triển nghề tượng, vẫn có nhiều người khắp nơi trên cả nước đổ về Bảo Hà để xin học. Theo ông Thọ, một nghệ nhân có tiếng của làng cho biết, người có chí học nhanh thì mất gần 2 năm nhưng ai mà chểnh mảng thì cả đời chẳng thể thành nghề. Nhiều thợ trẻ biết tu chí sau khi học xong cũng về mở xưởng riêng và trở nên có tiếng, thu nhập không dưới 40 triệu/tháng. Chính vì nghề có thu nhập cao nên thu hút nhiều lao động. Hiện nay, trong số gần 1.000 hộ làm nghề ở Bảo Hà thì có tới gần 200 hộ tạc tượng. Nhiều nhà mở hẳn xưởng sản xuất, tạo việc làm cho hơn 200 lao động địa phương…

Nhưng vẫn còn một nỗi buồn như ông Bưởng đã chia sẻ, đó là nghề làm tượng truyền thần vẫn chưa thu hút được nhiều thợ giỏi. Và cho đến nhiều năm sau, khi những nghệ nhân với đôi tay tài hoa có thể thổi hồn người vào những khúc gỗ vô tri vô giác không còn khả năng làm nghề nữa, ai sẽ kế tục đam mê với công việc khó khăn mà các nghệ nhân già đang tìm đường thắp lửa?!

                                                                             Theo : cand.com

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

6
Đang xem:
72.518.333
Tổng truy cập: