NGHỆ NHÂN -NĂNG KHIẾU - NGƯỜI CÓ CÔNG
Người giữ hồn trống Dao ở Tả Phình
(Ngày đăng: 05/09/2014   Lượt xem: 527)
Lâu nay, trong cộng đồng dân tộc Dao, hiếm có ai đạt đến độ thành thục trong nghề làm trống như ông Lý Phủ Quyện, ở bản Tà Chải (xã Tả Phình, huyện Sa Pa, Lào Cai). Ít ai biết rằng, với nghề làm trống, ông Quyện không chỉ "sống khỏe", mà còn thỏa mãn được ước muốn của mình là, giữ gìn và khôi phục "cái hồn" văn hóa của trống Dao.

Nghề công phu

Xưởng làm trống của ông Lý Phủ Quyện nằm trong bản người Dao ở Tà Chải, giữa vùng núi rừng được mệnh danh là "thiên đường du lịch" Sa Pa. Ở vùng này, trống là một trong những thứ không thể thiếu của mọi hoạt động văn hóa như lễ Tết, ma chay, cưới hỏi...

Tiếp chúng tôi, ông Quyện tâm sự: "Từ bé, tôi đã có niềm đam mê với những âm thanh từ tiếng trống Dao. Cứ mỗi khi rảnh rỗi, tôi lại lân la bên cạnh cha để xem ông làm trống. Thấy tôi say mê, cha tôi dành tất cả công sức để truyền nghề. Xưa nay, ít thấy ai làm giàu từ nghề làm trống, nhưng đã mấy chục năm theo đuổi, cho tới giờ, tôi vẫn quyết chung thủy với nghề, vì đó là vốn quý của tổ tiên để lại...".

Hằng ngày, ông Lý Phủ Quyện vẫn miệt mài làm trống.

Theo ông Quyện, điều quan trọng đối với người làm trống là phải biết gìn giữ, cải tiến và phát triển những sản phẩm ngày càng tinh xảo, bằng sự khéo léo của bàn tay, sự nhanh nhạy của đôi mắt, sự kiên trì, nhẫn nại của ý chí và sự cảm nhận bằng tâm hồn. Mỗi chiếc trống làm ra, với ông, đều là một tác phẩm nghệ thuật thực thụ, không chỉ cần có cơ bắp và lòng kiên trì, mà phải có cái khiếu của người nghệ sỹ.

Vì thế, làm trống là công việc rất kén người, không phải ai muốn theo nghề cũng có thể trở thành thợ giỏi. "Chỉ riêng việc tạo nên những đường cong uốn lượn của tang trống đã là công việc đòi hỏi sự công phu, phải có bí quyết riêng. Theo nghề từ nhỏ cho tới giờ, tôi vẫn chưa thấy hài lòng, vẫn phải vừa làm vừa tập thêm" - Ông Quyện cười hóm hỉnh.

Cũng theo ông Quyện, nghề làm trống đòi hỏi sự công phu, nhưng có thể khái quát thành những bước cơ bản như chọn gỗ, xẻ, ghép các tang trống, căng da, trong đó cách chọn gỗ làm tang trống và chọn da rất quan trọng. Thứ gỗ tốt nhất để có thể làm nên một chiếc trống Dao chuẩn là gỗ trâm, người Dao gọi là "tràng phìn đẻn", thường mọc ở trên núi cao. Đây là loại gỗ bền, dẻo, ít bị mối mọt, có chất lượng âm thanh tốt nhất. Mặt trống được căng từ da của những con bò hay dê núi. Quá trình căng, phơi da, tuyệt đối không để tiếp xúc với nước.

Điểm đặc biệt trong những chiếc trống của người Dao là, mặt trống được căng bằng những sợi mây rừng hun khói kỹ càng, néo vào những chiếc nêm gỗ, ghim vào tang trống một cách khéo léo. Do người Dao thường xuyên sử dụng trống vào các dịp lễ, Tết truyền thống, nên kỹ thuật "gò" tang cũng như căng mặt trống cho từng loại, cũng có sự khác biệt, sao cho khi gõ, nó phải phát ra âm thanh theo ý muốn.

Ông Quyện kể, những ngày đầu làm trống, ông "mắc" nhất ở hai khâu này, vì chưa xác định được độ rung của da trống cũng như độ dày, mỏng của tang. Do từng loại trống phải được áp dụng các kỹ thuật khác nhau, nên thường phải mất 5 năm chăm chỉ tập luyện, các sản phẩm làm ra mới theo được ý người thợ.

Tự hào bản sắc

Học nghề từ năm 16 tuổi, sau 5 năm, ông Lý Phủ Quyện bắt đầu "sự nghiệp" làm trống riêng của mình. Do trong cộng đồng người Dao, nghề làm trống mang tính chất "cha truyền con nối", hơn nữa không phải ai cũng nắm được những bí quyết chỉnh âm, thuộc da, để có thể cho ra đời những sản phẩm theo đúng tiêu chuẩn của người Dao, nên khách hàng đến với ông đều đặn, theo đó, thu nhập từ nghề cũng khá.

Nhưng mưu sinh vẫn chỉ là một chuyện, với ông Quyện, qua gần 30 năm chung thủy với nghề, đến giờ, ông mới thấu hiểu được giá trị tinh tế của từng sản phẩm làm ra, trân trọng và tự hào về những chiếc trống mang bản sắc của dân tộc mình. Rất nhiều người thợ cùng lứa với ông đã bỏ nghề đi làm việc khác, nhưng ông, với niềm đam mê, vẫn hành nghề, đáp ứng nhu cầu của khách đến nhà đặt hàng, đồng thời đào tạo, truyền nghề cho thế hệ nối nghiệp mình.

Ông tự hào: "Tôi bây giờ không còn ít tuổi nữa, phải tranh thủ quãng đời còn lại dốc tâm truyền thụ những kỹ năng, kinh nghiệm cho thế hệ trẻ để sau này nối nghiệp. Truyền nghề cho lớp trẻ cũng là để góp phần duy trì, phát triển nét văn hóa truyền thống đặc trưng của dân tộc Dao nói riêng và các dân tộc thiểu số khác ở Sa Pa nói chung...".

Bày tỏ sự khâm phục của mình với tài nghệ và tâm huyết của ông Lý Phủ Quyện, cụ Lý Thào Lênh, một bậc cao niên trong cộng đồng người Dao ở Tả Phình, cho biết, từ trước đến nay, người Dao rất kính trọng những người làm ra nhạc cụ truyền thống như trống, kèn, lục lạc... Do tâm huyết với nghề của tổ tiên, nên chất lượng trống do ông Quyện làm ra luôn được đồng bào ưng ý.

"Không chỉ góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc Dao, cái tài của ông Quyện còn giúp thu hút khách du lịch đến với Tả Phình. Điều này cũng đồng nghĩa với việc văn hóa của người Dao ngày càng được nhiều người biết đến" - Cụ Lênh nói trong ánh mắt tự hào.
                                                                                   Theo : bienphong.com.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

10
Đang xem:
72.516.377
Tổng truy cập: