NGHỆ NHÂN -NĂNG KHIẾU - NGƯỜI CÓ CÔNG
Nghệ nhân Kỳ Hữu Phước: “Ai muốn học nghề, tôi truyền bí quyết”
(Ngày đăng: 01/08/2014   Lượt xem: 473)

Run rủi thế nào, ngôi nhà tôi đặt chân vào đầu tiên ở Làng Sình lại là căn nhà của nghệ nhân Kỳ Hữu Phước. “Chào chú, chú cho hỏi…”. “Hỏi chi, đang bận”. Biết gặp “ca” khó, tôi chủ động rót nước chè xanh mời chủ nhà một tiếng. Nước chè xanh thoảng mùi gừng, dường như giúp nghệ nhân Kỳ Hữu Phước bớt căng thẳng. Ông bảo: “Cả tuần này bận việc quá, chỉ lo làm không kịp đơn đặt hàng cho mấy du khách người Pháp”.

Một thời bị coi là "mê tín dị đoan"

Làng Sình (xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên-Huế) cách Huế hơn 10 cây số về phía Đông Bắc. Ðây là trung tâm văn hóa một thời của đất Cố đô. Tranh dân gian Làng Sình chủ yếu là tranh phục vụ tín ngưỡng và thờ cúng. Tranh nhân vật có tranh tượng bà, vẽ một người phụ nữ xiêm y rực rỡ với hai nữ tỳ đứng hầu hai bên. Tượng bà còn chia thành ba loại: Tượng đế, tượng chùa và tượng ngang...    

Tranh đồ vật vẽ các thứ áo, tiền và dụng cụ để đốt cho người cõi âm: Áo ông, áo bà, áo binh, tiền, cung tên, dụng cụ gia đình. Tranh súc vật, tranh 12 con giáp cũng để đốt cho người chết. Nghệ nhân Kỳ Hữu Phước mặc tôi “lục” mớ tranh trên mấy tấm phên. Thi thoảng, gặp tác phẩm tâm đắc, ông lại chỉ điểm cho một vài chi tiết. “Bộ khuôn tranh 12 con giáp và bộ khuôn tượng bà là hai bộ khuôn cổ”. “Dễ phải hơn trăm năm chú nhỉ?”. “Ba trăm năm mươi năm. Cái khay gỗ mít đựng bát uống chè này cũng có tuổi tương đương với khuôn tranh 12 con giáp và bộ khuôn tượng bà”.

Lão nghệ nhân Kỳ Hữu Phước.

Tranh Làng Sình một thời ngồi “chung mâm” với tranh Ðông Hồ, tranh Hàng Trống. Sau khi hòa bình lập lại, tranh dân gian Làng Sình bị coi là sản phẩm “mê tín dị đoan”. Trong làng, duy chỉ có gia đình nghệ nhân Kỳ Hữu Phước tiếc nghề quý cha ông để lại nên từng có lúc bọc khuôn tranh vào ni-lông, đem chôn trước vườn nhà. Vợ nghệ nhân Kỳ Hữu Phước góp chuyện: “Tranh in xong phải giấu trong người, bán lén lút như buôn bạc giả tới vùng chợ xa. Gia đình vô cùng vất vả mới cất giấu, bảo tồn được những khuôn in gốc từ thời xưa để lại. Nhờ thế mà nghề tổ tiên được gìn giữ đến ngày nay”.

Nghệ nhân Kỳ Hữu Phước phân tích: “Trước đây, người ta bảo tranh Làng Sình là "mê tín dị đoan" xem ra không chuẩn. Nhưng ngày đó, họ bảo làm tranh là lãng phí thì cũng có phần đúng. Học sinh đi học không có vở mà viết, đằng này mấy ông lại lấy giấy ra in tranh. Sau năm 1995 thì làng tranh có dấu hiệu hồi sinh, nhưng 4 năm sau thì bị trời hại…”. “Sao vậy chú?”. “Thì trận lụt lịch sử năm 1999 đó. Ôi chao, nhà nhà ở làng này và ven hai bờ sông Hương đều ngập trong biển nước. Tôi đi dọn đồ, nước lên nhanh khôn tả, đầu tiên tới bẹn, rồi ngang ngực, rồi lút đầu lúc nào không hay. Tôi vội vơ hết các khuôn bản in, cho vào bao tải, lấy dây thừng buộc lại, rồi cột chặt vào nóc nhà”. Đúng lúc đó, ông Trần Văn Sự, anh vợ của nghệ nhân Kỳ Hữu Phước vô chơi. Ông Phước nói nhỏ: “Trận lụt năm 1999, anh vợ tôi mải ra cứu người mà mất một đứa cháu. Nó bị ngã xuống nước. Anh vợ tôi hóa rồ mất mấy năm”. Nghe vậy, tôi không hỏi thêm về trận lụt lịch sử năm 1999 nữa. Chỉ biết rằng trận lụt năm đó, nhiều gia đình Làng Sình mới nhen nhóm lại “lửa nghề” thì khuôn in, đồ nghề đã bị nước cuốn trôi.

Ước mơ về một làng nghề truyền thống

Lại phải gây dựng lại từ đầu. Hiện tại, Làng Sình có hơn 30 hộ gia đình làm tranh bán khắp các tỉnh miền Trung cho đến tận Thành phố Hồ Chí Minh. Điều đáng mừng, lượng khách quốc tế đến tham quan Làng Sình ngày một đông. Khách du lịch đến với Làng Sình để tìm hiểu nét đẹp văn hóa và mua tranh làm quà lưu niệm. Trước đòi hỏi của thị trường, nghệ nhân Kỳ Hữu Phước đã cho ra đời những dòng tranh mới, tranh in lịch để đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng. Thấy tôi cứ đứng nhìn bộ tranh “bát âm”, nghệ nhân Kỳ Hữu Phước tâm sự: “Có lần tôi suy nghĩ, “bát” mà tại sao chỉ có 4 cô gái cầm nhạc cụ, đúng ra phải 8 cô chứ. Thế rồi tôi vào mạng, tự nghiên cứu vẽ mẫu ra 4 cô nữa. Sau này, bộ tranh “bát âm”, 8 thiếu nữ cầm trên tay mỗi người một nhạc cụ dân tộc của tôi đã đoạt nhiều giải thưởng ở các hội chợ triển lãm, festival”.

Tôi chọn mua mấy bức tranh về làm quà, tấm tắc khen bức “Hội bài chòi” (cũng là tranh do lão nghệ nhân Kỳ Hữu Phước sáng tác) màu sắc thật tinh tế. Đột nhiên, lão nghệ nhân ủ rũ đến thảm thương. Tôi giật mình, định dìu ông vào nhà nghỉ thì ông xua tay, run run nói: “Đẹp. Cậu bảo màu đẹp nhưng có ai muốn giữ lấy nghề đâu. Tôi có ghi chép cẩn thận, tỉ mỉ về các màu tự nhiên trong rừng, nếu làm tranh thì khỏi phải nói, đẹp vô cùng. Thế nhưng bao năm nay, bắc loa mõ khắp làng, khắp vùng chẳng ai theo nghề cả”. “Chú có 5 người con đấy thôi”. “Con gái lấy chồng mang được nghề đi phương xa. Tốt. Con trai cũng theo nghề đấy. Tốt. Nhưng chẳng đứa nào muốn làm tranh bằng màu tự nhiên. Chúng bảo làm vất vả, cơ cực mà công chẳng được bao nhiêu. Cái này thì hắn nói cũng đúng. Màu vàng trên tranh ai cũng bảo lấy nghệ mà làm. Đúng đấy. Nhưng được một thời gian thì bay màu. Các màu trong tranh muốn đẹp phải được tạo ra từ cây cỏ thiên nhiên. Cũng có màu được làm từ cây cỏ trong vườn như hạt mồng tơi cho màu xanh dương, hạt hòe cho màu vàng đỏ, muốn có màu đỏ sẫm thì lấy nước lá bàng… Thi thoảng, tôi vẫn đi rừng để lấy cỏ cây, hoa lá về làm màu nhưng năm nay đã 68 tuổi rồi. Cách đây 8 năm, có lãnh đạo sở văn hóa Hà Nội ghé nhà tôi, kêu ông không sợ mất nghề sao mà muốn truyền bí kíp cho người ngoài? Tôi bảo một mình tôi giữ nghề mà truyền (được) cho con cháu thì chỉ là gia truyền. Tôi muốn tranh Làng Sình phát triển mạnh hơn nữa, ăn sâu bám rễ vào mảnh đất tôi đang ngồi, người dân sống được bằng nghề làm tranh, như thế mới gọi là làng nghề truyền thống”.

Nghệ nhân Kỳ Hữu Phước mừng vì mấy năm nay có nhiều sinh viên về Làng Sình tìm hiểu thông tin để viết luận văn tốt nghiệp. Ông bảo có bữa, gia đình đón hơn chục sinh viên; trẻ nên các em quậy. Ông đứng giữa sân, la to: "Chúng bay quậy quá trời"! Đám sinh viên sợ xanh mặt. Ông la tiếp: "Nhưng quậy không bằng tôi thời trẻ". Thế là đám sinh viên vỗ tay rào rào. 

                                                                                                         Theo: qdnd.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

22
Đang xem:
72.516.122
Tổng truy cập: