NGHỆ NHÂN -NĂNG KHIẾU - NGƯỜI CÓ CÔNG
Người cuối của một dòng tranh
(Ngày đăng: 15/06/2014   Lượt xem: 808)

 

Cụ Nguyễn Ngọc Chuyên, 87 tuổi vẫn say sưa vẽ tranh trên giấy dó. (Ảnh: Hạ Nguyên)

Nghề nào cũng có lúc thịnh suy. và lẽ thường, người ta "phù thịnh" mấy ai "phù suy". Vậy mà ở tuổi 87, cụ Chuyên, một họa sỹ dân gian vẫn kiên trì bên nghiên bút, giấy do, vẽ tranh Đông Hồ, một nghề mà hàng mã đang "đánh ngã" hàng tranh này.

Vang bóng một thời

"Dù ai buôn bán trăm nghề

Nhớ đến tháng chạp thì về buôn tranh".

Người ta thường truyền nhau câu ca này những năm 70 của thế kỷ trước. Đó cũng là thời kỳ hoàng kim khi tranh Đông Hồ được xuất khẩu đi 12 nước xã hội chủ nghĩa. Chưa bao giờ làng tranh Việt Nam lại có sức lôi cuốn và được tiêu thụ nhiều như thế. Tranh được dập in trên khung gỗ, nhưng nhiều nơi vẫn thích tranh vẽ tay nên các nghệ nhân vẽ tay mải miết đêm ngày không hết việc. Lúc đó, Làng Đông Hồ luôn tấp nập kẻ bán người mua, nhà nhà làm tranh trong tâm thế phấn khởi, gấp gáp, quên ăn quên ngủ để kịp những đơn hàng. Đặc biệt vào dịp tháng Chạp, khi trong nước, người dân vẫn giữ phong tục treo tranh Đông Hồ ngày Tết, ở làng rộn ràng hơn bao giờ hết.

Nhưng khi các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu tan rã, việc xuất khẩu tranh Đông Hồ ngừng hẳn. Phiên chợ tranh thưa thớt dần, rồi cũng tan. Tranh phơi đầy sân, tranh treo kín tường nhưng còn ai ngắm, ai mua. Tranh làm ra không tiêu thụ được nên người làm tranh đành phải bỏ nghề. Một vài gia đình tâm huyết với nghề, vừa làm tranh, vừa xoay thêm nghề khác, nên cũng không có thời gian vẽ mà theo trào lưu in tranh từ khuôn gỗ có sẵn lên giấy dó rồi vẽ màu.

Giờ đây, chỉ còn duy nhất một người vẫn vẽ tay tranh Đông Hồ trên giấy dó. Người đó chính là cụ Nguyễn Ngọc Chuyên (Làng Đông Hồ, Thuận Thành, Bắc Ninh), năm nay đã 87 tuổi.

"Họa sĩ dân gian"

Nghỉ hưu từ năm 1980, cụ Chuyên cùng với gia đình dồn hết thời gian và tâm huyết làm tranh bởi khi đó vẫn là thời hưng thịnh. Giờ đây tranh Đông Hồ đã vắng bóng trên thị trường. Người ta không còn mưu sinh được với nghề làm tranh, chuyển sang làm vàng mã và khá giả lên nhờ đó nên đã "đoạn tuyệt" với nghề xưa. Âu cũng là điều dễ hiểu.

Lẽ thường, người ta chỉ "phù thịnh" mấy ai "phù suy". Vậy mà hơn 30 năm trôi qua, cụ Chuyên vẫn vẹn nguyên tâm huyết với nghề vẽ. Ở cái tuổi xưa nay hiếm, cụ vẫn minh mẫn, kiên trì bên nghiên bút vẽ tranh Đông Hồ, thứ mà cụ đã gắn bó gần hết cuộc đời. Cụ là người duy nhất còn vẽ trực tiếp bằng tay với mực tàu, giấy dó. Với cụ, đó là say mê mà không gì thay đổi được, bởi ngay từ thuở thiếu thời đã quen với mùi của cây dó, với những "Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp" (Thơ Hoàng Cầm), với phiên chợ tranh đủ sắc màu bên bờ dòng sông Đuống…

Cho dù thịnh hay suy, tranh Đông Hồ vẫn là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của "họa sĩ" này.

Chưa từng học qua một lớp vẽ nào nhưng những nét vẽ cứ hiện lên trong đầu rồi theo ngòi bút đưa tay, có lẽ đó là một năng khiếu thiên bẩm, nên cụ trân trọng những nét vẽ như tôn trọng quá khứ vàng son của nghề tranh Làng Đông Hồ. Đó là lý do cụ Chuyên không bao giờ vẽ ẩu, vẽ vội. Người ta cảm nhận được cái tâm, cái tình và cả một nỗi niềm trăn trở của người sáng tạo ra nó và mỗi họa phẩm được người mê tranh coi là tuyệt tác để đời.

Bút nghiên, giấy dó và nỗi buồn...

Về làng Đông Hồ hôm nay, hàng mã đã "đánh ngã" hàng tranh. Những người làm tranh khi xưa, không phải là không còn yêu nghề mà cũng chỉ vì cơm áo gạo tiền mà phải chuyển từ làm tranh sang làm vàng mã.

Giờ đây, mắt đã mờ, tay đã run nhưng cụ Chuyên vẫn ngồi hàng giờ bên bàn vẽ, chỉ cần một người còn ngắm tranh Đông Hồ, cụ vẫn vẽ với tất cả niềm say mê...

Có lẽ, cũng như bao nhiêu truyền nhân cuối cùng của những làng nghề truyền thống, cụ Chuyên có một nỗi buồn sâu thẳm khó diễn tả bằng lời khi không còn ai kế nghiệp. Con cháu cụ Chuyên học hành đây đó rồi làm việc ở thành phố, ai ở nhà cũng xoay qua làm vàng mã. Có lẽ dù không muốn quay lưng với nghề xưa nhưng bươn chải trong những mối lo toan của cuộc đời, họ không thể bấu víu sống được bằng nghề làm tranh. Và theo như người con trai cả của cụ chia sẻ, cả nhà không ai có khiếu vẽ được như thế nên... đành thôi.

Những người mê tranh coi cụ là "báu vật sống" của dòng tranh dân gian và dường như họ đều có một nỗi lo mơ hồ rằng một mai khi bên bàn vẽ bút nghiên, giấy dó vẫn còn đó nhưng... bóng người nay đâu.

Phải chăng cuộc sống dù muốn hay không đều phải chấp nhận quy luật thịnh suy của vạn vật, dừng chân để bước vào ngã rẽ mới hay chính chúng ta đang băng qua tiếng gọi từ quá khứ…

                                                                                          Theo: Motthegioi.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

21
Đang xem:
72.493.016
Tổng truy cập: