NGHỆ NHÂN -NĂNG KHIẾU - NGƯỜI CÓ CÔNG
Những nghệ nhân trẻ làng nghề tò he
(Ngày đăng: 07/06/2014   Lượt xem: 940)
Nghệ nhân Nguyễn Văn Thành bên các quân tò he.

Trước đây, những người thợ nặn tò he thường là những cụ già tóc bạc, thì nay, không ít bạn trẻ đam mê, gắn bó với nghề này. Ðã có những trang web riêng, những trang facebook để quảng bá cho tò he. Thế hệ trẻ của làng nghề tò he Xuân La truyền thống đang triển khai một số dự án đưa làng nghề trở thành một địa chỉ văn hóa - du lịch làng nghề đặc sắc của Thủ đô.

Tò he chỉ có giá từ 5.000 đến 15.000 đồng/quân và thường được mọi người coi như một thứ quà của những người bán rong. Nhưng các bạn trẻ làng Xuân La (xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên) đã tìm những con đường mới để tò he đến với công chúng. Trước đây, tò he thường xuất hiện tại các lễ hội, hội chợ, cổng trường học hay một góc công viên..., thì nay, những người trẻ ở làng Xuân La cũng tìm cách xuất hiện ở những nơi trang trọng hơn, như các sự kiện văn hóa, du lịch, tại các bảo tàng, các cuộc liên hoan dành cho gia đình, trẻ em... Các bạn không chỉ xây dựng trang web cho tò he, mà còn đưa cả tò he lên... facebook. Một điển hình cho tư duy "làm mới" nghề tò he là nghệ nhân Nguyễn Văn Thành, chủ nhân của website: tohexuanla.vn.

Nguyễn Văn Thành sinh ra trong một gia đình có truyền thống nặn tò he. Cũng như những đứa trẻ khác trong làng nghề 300 năm tuổi này, đồ chơi đầu tiên trong cuộc đời Thành là những quân tò he. Từ nắm bột gạo, người thợ làng Xuân La tạo ra cả... thế giới đầy mầu sắc, với đủ loại hình con giống, con giáp, hay các nhân vật trong phim, trong truyện cổ tích... Năm nay 36 tuổi, nhưng Thành đã có mấy chục năm gắn bó với những quân tò he. Khoảng năm 12-13 tuổi, những dịp hè, khi được bố đèo xe đạp lên Công viên Thủ Lệ cùng bán hàng với bố, Thành đã sớm có suy nghĩ: Làm thế nào để những con tò he truyền thống "sống" được với cuộc sống đương đại? Ðể làm được điều đó, trước hết, phải giỏi tay nghề. Mà muốn giỏi nghề thì cần có sự đam mê, trí tưởng tượng, lòng say mê và tình yêu với các em nhỏ. Thành từng bước trưởng thành trong nghề, được các nghệ nhân trong làng đánh giá cao về tài năng và giành nhiều giải thưởng trong các liên hoan làng nghề. Ðể quảng bá cho tò he, bên cạnh đổi mới một số mẫu mã, Thành lập một trang web giới thiệu về tò he. Anh cũng là một trong những người tiên phong trong việc đưa tò he vào học đường. Anh đã phối hợp với nhiều trường học trên địa bàn thành phố như: Trường tiểu học Ðoàn Thị Ðiểm, Trường tiểu học Dreamhouse, Trường mầm non Sơn Ca, Hoa Hồng... để giới thiệu, hướng dẫn các em nhỏ tập làm tò he. Ðó là khởi nguồn cho những dự định phát triển nghề tò he sau này. Năm 2009, Chi hội Di sản văn hóa - Câu lạc bộ Làng nghề truyền thống tò he Xuân La được thành lập, dù tuổi đời còn rất trẻ, nhưng Thành đã được các nghệ nhân trong làng tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Chi hội. Thành đang cùng Câu lạc bộ làng nghề từng bước triển khai dự định biến làng nghề thành một địa chỉ văn hóa - du lịch. Hiện Câu lạc bộ đang triển khai sưu tập những di vật cổ và xây dựng khu trưng bày giới thiệu sản phẩm và lịch sử về nghề làm tò he. Anh hy vọng khi xã Phượng Dực hoàn thành được chương trình xây dựng nông thôn mới, cơ sở hạ tầng hoàn thiện, việc xúc tiến chương trình phát triển du lịch làng nghề sẽ thuận lợi hơn.

Trẻ hơn Nguyễn Văn Thành, là một người thợ thế hệ 9x, nhưng Ðặng Ðình Lân có đam mê và trách nhiệm không kém thế hệ đàn anh. Nghệ nhân tò he Ðặng Ðình Lân là một thí dụ điển hình. Trao đổi với chúng tôi, Lân phấn khởi khoe: Dịp Quốc tế thiếu nhi 1-6 vừa rồi, Lân "cháy" sô các sự kiện như: tham gia hoạt động cùng Công ty Quảng cáo Kỷ Nguyên, tham gia hội chợ Ngày hội của bé tại Khu đô thị Dương Nội... Lân sinh ra trong một gia đình có đến năm đời làm tò he. Bảy tuổi, Lân đã được ông bà, bố mẹ dạy cho các kỹ thuật nặn tò he. Nhưng cũng như nhiều người trong làng, khi lớn lên, Lân sớm nhận ra, tò he có giá trị văn hóa, là đồ chơi dân gian rất thú vị, nhưng chúng đang bị lấn át bởi những đồ chơi ngoại nhập. Lân suy nghĩ, tìm cách để duy trì, phát triển nghề của làng. Lân đã chọn thi Khoa Quan hệ công chúng và truyền thông (Ðại học Hòa Bình) với mong muốn những kiến thức học ở trường lớp sẽ giúp Lân tìm ra cách đưa tò he đến thị trường, đồng thời đem lại giá trị kinh tế cao hơn, giúp người dân địa phương gắn bó với nghề hơn. Ước mơ của Lân là có thể "chuyên môn hóa" việc làm tò he, quân tò he có thể sử dụng lâu hơn. "Ðể làm được điều này, cần giải quyết một số vấn đề kỹ thuật như: nguyên liệu có khả năng chống mốc, giữ độ ẩm cao, không độc hại với người sử dụng. Em đã nghiên cứu và từng bước thử nghiệm chế biến nguyên liệu từ năm 2012. Dự kiến một năm nữa thì việc nghiên cứu có thể hoàn thành. Khi ấy, em hy vọng có thể mở xưởng để làm tò he với số lượng lớn hơn để đưa ra thị trường". Nếu dự án này thành công sẽ đem lại một vị thế mới cho nghề làm tò he, người thợ nặn tò he không phải rong ruổi bán hàng tại các lễ hội, các khu vui chơi giải trí, chỗ đông người... như hiện nay.

Với sự nỗ lực của tuổi trẻ, hy vọng rằng trong tương lai không xa, nghề nặn tò he ở Xuân La có một vị thế mới.

                                                                                                                     Theo: Nhandan

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

10
Đang xem:
72.493.055
Tổng truy cập: