Mấy hôm trước, có
theo cô bạn đi xem hát chèo, vở Thị Màu
lên chùa. Tôi như bị hút hồn bởi cô diễn viên chính diễn vai Thị Màu, nghe
nói cô cũng là một diễn viên có tiếng. Đôi mắt lung liếng, đặc biệt bàn tay vảy
quạt lúc thì như giận dỗi, đỏng đảnh lúc lại khép nép e thẹn. Những ngòn tay
thon cầm quạt khi xòe ra, khép vào, uyển chuyển, mềm mại, nhịp nhàng như múa. Cây
quạt cũng theo đó mà biến hóa khôn lường. Thế mới biết, chỉ một cây quạt nhỏ bé
cũng có sức ám ảnh, làm người ta phải giật mình thảng thốt.
Qua tìm hiểu tôi
được biết, quạt truyền thống Việt Nam rất phong phú và đa dạng, đơn
giản như cái quạt mo cau mà hồi bé tôi vẫn thấy bà nội tôi hay dùng. Bà tôi
bảo, quê mình nghèo, lấy đâu ra quạt giấy, quạt lua như ở thành phố, cứ ra
ngoài cây cau trước sân lấy bẹ vào, rồi dùng cối đá chận lên 2 – 3 ngày cho bẹ
cau phẳng ra, phơi nắng rồi đem vào cắt thành hình bầu dục thế là có ngay một
chiếc quạt mo dùng trong những ngày hè nóng bức. Chiếc quạt mo tuy xấu xí, xù
xì ấy đã cùng với những câu hát ru của bà cứ đeo đuổi hoài trong giấc mơ tuổi
thơ tôi.

Quạt Mo Cau

Hoa văn chìm của quạt
Rồi có một lần được
về quê chơi, tôi thấy thằng em họ đang dùng một cái quạt lớn hình vuông, hì hục
giữa sân phơi thóc, mồ hôi nhễ nhại. Tôi hỏi nó đang làm gì? Nó bảo tôi dân
thành phố quen rồi, có mỗi quạt thóc mà cũng không biết. Quạt thóc được làm
bằng gỗ hoặc bằng nan giấy. Ngày mùa lúa chín vàng, được gặt về, nếu hôm nào trời không có gió hay như vào mùa tháng bảy
mưa suốt ngày ... thì cả lúa chắc, lúa lép đều phải mang cả về nhà. Lúa
gặt kiểu này người ta gọi là lúa bổi, sau đó phải chờ phơi cho khô rồi mới
dùng cái quạt tay đóng bằng gỗ quạt cho sạch hết lúa lép đi. Vì thế, hình
như ngày xưa nhà nào cũng cố sắm cho được cái quạt thóc lúa này.
Lớn
lên, đi nhiều, tìn hiểu nhiều tôi mới biết, có rất nhiều nơi làm quạt không chỉ
cái quạt mo của bà nội hay cái quạt thóc nhà cô tôi, mà người ta còn làm quạt
bằng sừng, bằng tre, bằng gỗ,…Mặc dù thương lắm, yêu lắm cái quạt mo của bà nhưng
tôi vẫn thích cái quạt xòe giống như của cô diễn viên chèo, nhìn nó dịu dàng
yểu điệu bên các cô gái là thế ấy vậy mà bên các chàng trai lại nho nhã đến lạ.
Mới đây, tôi ngỏ ý muốn tìm hiểu cái
nghề làm quạt và một người bạn giới thiệu cho tôi đến nhà cô Lân Tuyết – một
nghệ nhân làm quạt nổi tiếng tại Hà Thành.

Nghệ nhân làm quạt Lân
Tuyết
Qua cô
tôi được biết, cái quạt từ bao đời này gắn bó với cha ông ta. Mặc dù quạt Việt
Nam giản dị, mộc mạc không giống với những chiếc quạt quý phái, nhiều màu sắc
rực rỡ như quạt Trung Quốc hay thanh nhã như quạt Nhật nhưng quạt Việt cũng có
những nét độc đáo của riêng mình bởi chất liệu làm quạt là hoàn toàn thuần
Việt. Để làm ra một chiếc quạt không khó nhưng làm sao cho quạt được bền, khi
quạt thấy mát là cả một sự kỳ công đối với những người thợ làm quạt. Công đoạn
đầu tiên là phải chọn tre, xưa ông bà ta có câu “ Tháng tám tre non làm nhà – Tháng ba tre già làm lạt”. Tre dùng để
làm nam quạt phải là tre già và phải được kiểm nghiệm bởi thời gian, qua màu
phôi phai của nắng mưa như thế mới có đủ độ cứng để làm nan quạt và tuổi thọ
của cây quạt là phụ thuộc vào nan tre.


Dụng cụ làm quạt
Sau đó,
tre được xử lý qua để chống mốc, chống mối và mọt. Lúc này, người thợ làm quạt
sử dụng một loại dao đặc biệt để chẻ tre, vót nan để làm thanh quạt. Đối với
các loại quạt nan thì người thợ phải vót nan mỏng, sau đó đan nong đôi hoặc
nong ba làm quạt. Còn làm quạt xòe lụa hoặc giấy thì thanh vót phảo dày hơn để
vào nhài làm “xương quạt”. Người thợ có thể tùy theo kích thước quạt mà cắt
giấy hoặc cắt lụa sao cho vừa. Mà riêng số nan quạt thôi cũng là cả một câu
chuyện dài. Xưa Hồ Xuân Hương vịnh quạt có câu “Mười bảy hay là mười tám đây - Cho ta yêu dấu chẳng dời tay”. Tôi
hỏi cô Lân Tuyết:
-
Thưa
cô! Quạt Việt Nam
mình có 17 hay 18 nan ?
-
Quạt 18
nan là quạt dùng cho các bậc trưởng bối, những người cao tuổi hoặc có chức có
quyền. Còn quạt 17 nan là quạt dành cho người phụ nữ. Phụ nữ gắn liền với chữ
“sinh” nên quạt có 17 nan là tượng trưng cho chữ ấy.

Nan tre quạt
Tiếp cô
bảo, công đoạn khó nhất là lên màu quạt, vẽ họa tiết, tùy theo chất liệu mà
người thợ làm họa tiết chìm hoặc nổi. Nếu là họa tiết nổi thì chỉ cần một lớp
lụa hoặc giấy, họa tiết chìm thì cần hai lớp. Quạt có màu sắc đẹp hay không là
do cách lên màu cho quạt của người thợ. Thông thường, người ta dùng một chiếc chổi
chuyên dụng để quét màu lên lụa hoặc giấy. Đây cũng chính là công đoạn để phân
biệt giữa quạt làm tay và quạt in màu. Tùy vào tay nghề và gu thẩm mỹ của người
thợ mà quạt có lên màu đẹp hay không. Để cho chiếc quạt được bền và các lớp
quạt dính chặt lấy nhau, người thợ phủ lên quạt một loại keo đặc biệt, loài keo
này khi khô vẫn trong suốt và giữ được màu sắc của quạt.
Những
chiếc quạt do cô Lân Tuyết làm ra có tài biến
hoá mọi hoạ tiết dân gian được nhập thần vào các nan quạt và trên vóc lụa, với
các hình tượng Thánh Gióng, tranh Đông Hồ, thắng cảnh Vịnh Hạ Long, Phong Nha -
Kẻ Bàng...Cô từng tâm sự: “Nghề làm quạt
tre quạt giấy thế thôi mà vất vả lắm đấy. Trời nắng nóng người ta dùng quạt của
mình làm ra cho bớt nóng, còn mình thì chịu nóng để làm ra gió cho người”. Thì
ra cô đang chia sẻ về cái sự nóng bức khi ngồi làm quạt bởi làm quạt thì không
được ngồi gió nếu không các nguyên liệu làm quạt sẽ bị bay và xáo trộn. Theo tôi được biết trong văn hóa Châu Á, quạt còn có tác dụng chấn trị phong thủy rất tốt trong nhà, thông thường quạt kích thước rất lớn vẽ các phong cảnh thiên nhiên hoặc các đề tài có tác dụng chấn trị phong thủy và trong cuộc sống văn hóa xưa quạt có rất nhiều ứng dụng từ ca nhạc đến mọi yếu tố trong cuộc sống hàng ngày.

Ngày nay, trong cuộc sống hiện đại, chiếc quạt truyền thống
đang dần mất dấu, những thiết bị máy móc hiện đại như quạt máy rồi quạt phun
sương hay những nhân viên văn phòng ngồi điều hòa mát lạnh đang dần thay thế
quạt tay. Chỉ những khi mất điện tôi lại thấy các bà, các mẹ dùng quạt tay quạt
cho các em bé đang say ngủ. Thôi thì dù sao quạt tay vẫn còn được người ta nhớ
đến trong lúc mất điện để rồi sau đó lại xếp vào xó nào. Tôi chợt giật mình nhớ
đến một câu ca xưa:
Gió đông lay động bức mành
Tay em nhóm than quạt hồng cho anh học, gió
lạnh trời đông
Tay em nhóm than quạt hồng cho anh học mà để chữ
tình anh viết nét son
Nghĩ phận quạt mỏng manh, liễu
yếu đào tơ âu cũng thật lắm gian truân. Câu chuyện của người nghệ nhân tài hoa và những chiếc quạt vẫn còn dài. Chúng tôi đề nghị hẹn gặp lại cô trong một ngày gần đây.
Mai Hà