NGHỆ NHÂN -NĂNG KHIẾU - NGƯỜI CÓ CÔNG
Những nghệ nhân giữ lửa Làng nghề
(Ngày đăng: 24/04/2014   Lượt xem: 536)
Trong cơ chế thị trường, nhiều làng nghề truyền thống đang mất dần vị thế và có nguy cơ mai một. Dẫu vậy, vẫn còn những làng nghề ăn nên làm ra. Trong đó có những nghệ nhân tâm huyết, bằng nhiều cách đã âm thầm giữ nghề truyền thống như gìn giữ một nét văn hóa của quê hương.

Sống với nghề

Những ngày cuối năm, không khí tại làng nghề mây tre đan Tịnh Ấn Tây (Sơn Tịnh) bỗng rộn ràng hẳn lên. Ai ai cũng vội vã, tất bật. Chị Trương Thị Mến, một hộ chuyên làm giỏ đựng cau cho biết: “Tôi phải dậy thật sớm để làm nhiều giỏ kịp giao cho khách. Ngày thường tôi chỉ làm khoảng 100 giỏ, nhưng giáp Tết thì phải làm gấp ba lần vì nhu cầu của khách hàng tăng cao”.

Nghệ nhân Đặng Văn Trịnh, người duy nhất còn “giữ lửa” cho làng gốm Mỹ Thiện (Bình Sơn)
Nghệ nhân Đặng Văn Trịnh, người duy nhất còn “giữ lửa” cho làng gốm Mỹ Thiện (Bình Sơn).

Tuy sản phẩm không còn đa dạng và số hộ tham gia làm nghề không còn nhiều như trước, thế nhưng làng nghề mây, tre đan vẫn đang sống khỏe. Các đơn đặt hàng không lúc nào ngừng, vì thị trường tiêu thụ các mặt hàng này có ở khắp nơi, không chỉ trong tỉnh mà còn xuất đi các tỉnh phía Nam, Tây Nguyên… Ông Nguyễn Tấn Sinh, người đã có trên 20 năm gắn bó với nghề chia sẻ: “Nghề này cũng sống được! Bao nhiêu việc từ làm nhà, mua xe, nuôi con ăn học... đều nhờ nghề này hết. Những lúc đắt hàng chúng tôi phải làm ngày làm đêm nhưng vẫn không đủ. Đặc biệt là tháng Chạp, hàng bán chạy dữ lắm!”. Hiện tại một cái giỏ đựng cau, đựng trái cây có giá từ 19.000 – 24.000 đồng. Rọ heo có giá 25.000 – 50.000 đồng/cái… Sau khi trừ chi phí, người dân làng nghề cũng lãi được 3.000 đồng/cái. Một ngày xuất 100 cái thì thu về 300.000 đồng. Đó là chưa kể những ngày giáp Tết, số tiền kiếm được có thể tăng lên gấp hai, gấp ba lần.

Không chỉ riêng làng nghề mây, tre đan mà nhiều làng nghề khác như làng nghề quấn chổi đót, làng nghề bánh tráng, làng nghề chế biến thủy hải sản… cũng giữ được nghề truyền thống của mình. Mặc dù không đem lại lợi nhuận cao, nhưng những làng nghề này đã trở thành chỗ dựa kinh tế cho nhiều gia đình. Bà Lương Thị Hồng Anh, một hộ sản xuất bánh tráng ở xã Hành Trung (Nghĩa Hành) cho biết: Nghề sản xuất bánh tráng có từ lâu lắm rồi. Qua bao thế hệ, người dân nơi đây vẫn giữ nghề này. Dù không giàu có gì, nhưng nhờ nghề này mà có tiền cho con cái ăn học, cuộc sống cũng đỡ vất vả hơn.

Lò Nồi trổ hoa

Lò Nồi là tên của một làng nghề truyền thống chuyên làm các sản phẩm dân dụng bằng đất nung ở thôn Trung Sơn, xã Phổ Khánh (Đức Phổ). Làng nghề này đã có từ lâu đời. Qua bao thăng trầm, đôi lúc tưởng chừng như nghề này không thể gượng dậy nổi, nhưng nhờ có những người thực sự yêu nghề cha ông để lại, đã dày công tìm kiếm lối ra bằng nhiều giải pháp độc đáo, làm cho làng nghề vươn lên, phát triển.

Trong cái nắng se lạnh của ngày giáp Tết, chúng tôi đến thăm một gia đình làm gốm ở xóm Lò Nồi. Vợ chồng ông Lê Văn Lấn đang nặn các loại sản phẩm bằng đất nung tại sân nhà. Ông Lấn cho biết, lúc ông còn nhỏ, ở thôn Trung Sơn và thôn Vĩnh An hầu như nhà nào cũng làm gốm. Thế nhưng từ sau năm 1985 sức mua đồ gốm giảm dần nên phần lớn người dân đã chuyển sang làm nghề khác. Trong thôn chỉ còn khoảng mươi gia đình trụ lại với nghề này. Riêng vợ chồng ông theo nghề gốm đến nay được hơn 25 năm.

Vài đồ đồng tinh xảo được làm ra tại làng nghề đúc đồng Chú Tượng (Mộ Đức)
Vài đồ đồng tinh xảo được làm ra tại làng nghề đúc đồng Chú Tượng (Mộ Đức). Ảnh: T.L

Trước kia, người dân trong làng phải gánh từng gánh nồi, niêu, trách trả đi bán dạo nhiều nơi. Còn bây giờ bạn hàng tìm đến tận nhà mua, mang đi tiêu thụ. Tuy nhiên giá mua sỉ còn thấp. Mỗi lò bán được khoảng 7 triệu đồng, trừ hết các khoản chi phí tính ra còn khoảng 150 ngàn đồng một ngày công.

Chưa thỏa mãn với nguồn thu nhập mỏng manh dành cho người lao động cật lực, vất vả như vợ chồng ông Lấn, tôi tìm đến gia đình có tiếng là thành đạt trong nghề này, đó là ông Lê Minh Trung (51 tuổi) cũng ở thôn Trung Sơn.

Ông Trung cho biết: Trong lúc nhiều người loay hoay tìm hướng chuyển nghề thì ông lại quyết định tập trung đầu tư vào nghề gốm. Nhờ chịu khó suy nghĩ, ông thấy kiểu lò xưa kia là lò ngửa lên trời, trên nắng dưới nóng, thợ làm chóng mệt, thời gian nung lâu, tiêu hao nhiều nhiên liệu nên giá thành cao. Dựa vào nguyên lý hoạt động của lò gạch, năm 2007 ông Trung đã cải tiến kiểu lò cũ thành lò vòm bán nguyệt với 11 cửa, dễ đưa sản phẩm ra vào và chỉ cần nung một lần là sản phẩm chín. Thời gian nung cũng được rút ngắn chỉ còn 6 - 7 giờ đồng hồ, nung nội trong ngày là xong. Mỗi lò nung được khoảng 3 ngàn sản phẩm các loại, nhiều gấp 3 lần so với nung trong lò kiểu cũ.

Làng nghề mây tre đan ở Tịnh Ấn Tây (Sơn Tịnh) giữ được chỗ đứng trong khó khăn
Làng nghề mây tre đan ở Tịnh Ấn Tây (Sơn Tịnh) giữ được chỗ đứng trong khó khăn.

Cách đây hơn 10 năm ông Trung cũng là người đầu tiên ở xóm Lò Nồi ứng dụng thành công việc đưa mô-tơ vào xay đất thành bột mịn thay khâu đập đất bằng tay. Ông Trung còn cho biết, sắp tới ông sẽ tiếp tục cải tiến dây chuyền làm đất từ bột ướt như bún, tạo luôn ra hình dạng sản phẩm liên tục 3 ca/ngày, giảm bớt khâu lao động thủ công thì năng suất sẽ tăng lên hơn nữa. Ông còn biết nắm bắt xu hướng thị trường, chế tạo ra nhiều loại sản phẩm độc quyền ăn khách như khuôn nướng bánh mì xốp, bánh bông lan, chậu trồng hoa lan kiểu Sông Bé, lu ghè hầm cám cho heo, bò ăn...

Ngoài các sản phẩm của gia đình làm ra, ông Trung còn thu mua lại sản phẩm của những người khác trong làng để tiêu thụ. Ngày trước bán được một gánh hàng không dễ. Còn bây giờ, với ông Trung, do có sản phẩm độc quyền và chất lượng tốt, tiếng lành đồn xa, nên khách hàng trong tỉnh và các tỉnh như Huế, Đà Nẵng, Bình Định... đều tìm đến tận nhà mua sỉ. Nhờ làm và tiêu thụ sản phẩm gốm, đất nung dân dụng thuận lợi mà kinh tế gia đình ông Trung ngày càng phát triển. Ba người con của ông đều đã được học qua đại học. Đặc biệt, Lê Phương Nam, con trai của ông, sau khi tốt nghiệp Cao đẳng công nghệ thông tin đã tự nguyện trở về cùng với cha gầy dựng sự nghiệp bằng nghề làm gốm từ đất nung. Chuyện giữ nghề của cha con người thợ gốm ở thôn Trung Sơn là đóa hoa đẹp trên xứ sở Lò Nồi.

Nặng lòng nghệ nhân

Trong cái se lạnh của những ngày cuối năm, người thợ gốm Đặng Văn Trịnh vẫn hì hục với công việc của mình ở cái lò gốm duy nhất còn lại ở làng gốm Mỹ Thiện, thị trấn Châu Ổ (Bình Sơn). “Tôi cố làm sớm để có đủ đồ gốm cho vô lò nung. Một tháng mà không đốt lò là mình thấy buồn lắm!”, người thợ gốm tuổi đã ngũ tuần với 35 năm theo đuổi nghề đã nói như vậy, trong khi hàng trăm hộ của làng gốm trên 200 năm tuổi này đã không còn theo nghề của cha ông.

Gian nan, vất vả, đã bao lần ông Trịnh thao thức trước quyết định giữ lại nghề của làng mỗi khi đối mặt với khó khăn, túng thiếu và nhìn những người trong làng lần lượt giàu lên sau khi bỏ nghề gốm. Đặc biệt, cơn bão số 9 năm 2009 đã quật nát lò nung gốm của ông, làm cho ông gần như bị trắng tay. Thế nhưng, không chịu thua, ông Trịnh vay mượn vốn của các nơi tiếp tục giữ nghề. Và rồi, ông cũng đã trụ được với nghề truyền thống của cha ông. Ông cho biết, hàng gốm của ông làm ra bao năm nay được bạn hàng mua để bán ở nhiều nơi như: Vào Bình Định, lên Tây Nguyên, ra đến Hội An, Đà Nẵng, Huế và Quảng Trị. “Tuy cả làng Mỹ Thiện từ 22 năm nay chỉ còn một mình tôi giữ nghề, nhưng các sản phẩm tôi bán ra thì ai cũng gọi là gốm Mỹ Thiện. Cho nên, tuy mình còn khổ, nhưng cái tên làng nghề còn tồn tại là mình hạnh phúc lắm rồi!”, ông Trịnh nói.

Truyền nghề
Truyền nghề. Ảnh: Bảo Anh

Cũng giống như làng gốm Mỹ Thiện, làng đúc Chú Tượng, xã Đức Hiệp (Mộ Đức), trải qua những biến thiên của thời gian, làng nghề vẫn tồn tại trong bao thăng trầm. Hiện tại, cả làng nghề với hàng trăm gia đình có nghề, nhưng vỏn vẹn chỉ còn 5 người giữ nghề. Đây là những nghệ nhân tâm huyết. Họ giữ nghề không chỉ vì kế sinh nhai, mà còn vì không muốn để những giá trị văn hóa đặc trưng của làng nghề trở thành “dấu xưa xe ngựa...”.

Trong số những nghệ nhân ít ỏi “bám” nghề ấy, có cụ Nguyễn Thị (79 tuổi), nhưng hằng ngày vẫn luôn gìn giữ “linh hồn” của làng nghề để các thế hệ con cháu nối tiếp. Đặc biệt, đợt lũ lịch sử xảy ra hồi giữa tháng 11.2013 đã nhấn chìm và cuốn trôi tất cả đồ nghề và nhiều tài sản. Thế nhưng, điều ấy vẫn không làm cụ Nguyễn Thị nản lòng mà vẫn tiếp tục đầu tư, gắn bó với nghề. Đối với cụ, "còn người là còn nghề!".

Giờ đây, tuy tuổi đã cao, nhưng cụ vẫn say sưa với nghề, tiếp tục làm ra những sản phẩm tinh xảo để lại cho đời sau. “Cả cuộc đời bám trụ với nghề truyền thống của cha ông, nuôi mấy đứa con trưởng thành và vẫn giữ được tên tuổi của làng nghề là tôi mãn nguyện lắm rồi”, lão nghệ nhân Nguyễn Thị tâm sự. Trong lúc trò chuyện, đôi mắt của lão nghệ nhân ấy thỉnh thoảng ánh lên niềm vui và ẩn hiện những nỗi niềm mong ước cho làng đúc Chú Tượng mãi còn lưu truyền cho đến tận mai sau.

 (Theo: Báo Quảng Ngãi)

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

18
Đang xem:
72.491.082
Tổng truy cập: