NGHỆ NHÂN -NĂNG KHIẾU - NGƯỜI CÓ CÔNG
Ứng xử với "báu vật sống"
(Ngày đăng: 31/03/2014   Lượt xem: 1021)
Nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam, Làng tranh Đông Hồ. Ảnh: MAI DƯƠNG

Nước ta được mệnh danh là đất nước của làng nghề, đặc biệt là có hàng nghìn làng nghề thủ công truyền thống. Nơi đó hội tụ những tinh hoa văn hóa dân gian được bồi đắp theo bề dày lịch sử, sản sinh và lưu giữ những giá trị có hàm lượng văn hóa, tinh thần đặc sắc của dân tộc. Thế nhưng, các làng nghề hiện phải đối diện với bài toán - tồn tại hay không tồn tại. Câu trả lời không đơn giản là lo đầu ra cho sản phẩm mà nằm ở chính việc, đến khi nào, những nghệ nhân được ứng xử đúng với vai trò "linh hồn" của làng nghề truyền thống?

Chưa làm tròn trách nhiệm với nghệ nhân

Nghề thủ công ở nước ta có truyền thống từ lâu đời, có nghề lịch sử hàng trăm năm, nghìn năm như Gốm Chu Đậu, Bát Tràng; tơ lụa Vạn Phúc; kim hoàn Châu Khê; đồng Định Công, Đồng Xâm, Ý Yên, Đại Bái; thêu Quất Động; thổ cẩm Mai Châu; mây tre đan Phú Vinh,... Từ xa xưa, đã có những nghệ nhân chế tác ra các sản phẩm truyền thống và không chỉ dừng ở đó, còn đưa chính những tác phẩm của mình theo những chuyến tàu vượt biển đi đến rất nhiều nước trên thế giới, trở thành "sứ giả" giao thương, giúp thế giới hiểu được bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. Bước vào thời kỳ hội nhập sâu rộng, cũng chính các nghệ nhân làm nòng cốt phát triển làng nghề, với những con số xuất khẩu ấn tượng tới hàng trăm triệu đô-la một năm, tạo công ăn việc làm cho hàng triệu lao động ở nông thôn. Nhiều làng nghề truyền thống có mức sống cao từ 3 đến 5 lần mức sống của các làng nghề thuần nông. Chính họ đã góp phần vào công cuộc xây dựng nông thôn mới. Tuy đã có những thời kỳ phát triển rực rỡ như thế, nhưng lúc này, trước ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, các làng nghề cũng bị ảnh hưởng chung. Hàng loạt khó khăn như thiếu vốn, thiếu mặt bằng sản xuất, bí đầu ra, chưa có vùng nguyên liệu ổn định, ô nhiễm môi trường đang khiến cho nhiều làng nghề đình đốn, khó khăn.

Nghệ nhân làng gốm Bát Tràng (Hà Nội) chế tác mẫu gốm mới. Ảnh: TRANH GIANG

Đến nay mới chỉ có 37 nghệ nhân làng nghề truyền thống được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân và Nghệ nhân Ưu tú.

Tuy nhiên, trong cái khó của làng nghề hôm nay, câu chuyện không đơn giản đến từ các yếu tố khách quan mà từ chính nội tại của làng nghề. Nó khiến bộc lộ rõ hơn sự bất cập trong chính sách phát triển làng nghề trong suốt thời gian dài. Các nghệ nhân xưa cũng như nay thật sự là những báu vật sống của làng nghề. Thế nhưng, nhiều năm qua, họ chưa nhận được sự quan tâm đúng mức. Từ trung ương, chưa có sự phân cấp rõ ràng trong đánh giá tiêu chí, thống nhất các danh hiệu. Do đó, nhiều tổ chức đứng ra phong danh hiệu, tạo ra sự nhiễu loạn trong việc phong danh hiệu, có hơi hướng thương mại hóa danh hiệu. Có chuyên gia chỉ ra rằng: Chồng chéo về quản lý cũng như các quy định sẽ dẫn đến việc phong tặng không đúng, không trúng, dẫn đến tình trạng "vàng thau lẫn lộn", điều đó đôi khi gây nên sự xúc phạm đối với những người tài năng thực sự. Việc tuyển chọn ở địa phương không có đầu mối rõ ràng, nơi thì do ngành công thương, nơi thì do ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, vì thế đã bỏ sót rất nhiều nghệ nhân cao tuổi thực sự tài năng.

Hơn thế, ở một số địa phương, các cơ quan chức năng vô trách nhiệm với nghệ nhân, không đánh giá đúng giá trị của họ. Cụ thể, "đất trăm nghề" Hà Tây cũ (nay thuộc về Hà Nội) không được chú ý, các nghệ nhân tiêu biểu xuất sắc không được đề xuất phong tặng. Nghệ nhân nổi tiếng TP Hồ Chí Minh, Trần Thị Ý Lan đã từng làm tranh cát rất độc đáo để làm quà tặng cho các nguyên thủ quốc gia dự Hội nghị APEC lại không có tên trong danh sách tôn vinh. Nghệ nhân Lê Văn Vòng và một số nghệ nhân khác ở làng Kiêu Kỵ (Gia Lâm) làm hồ sơ đã lâu nhưng không ai nhắc đến. Một số nghệ nhân nổi tiếng như Nguyễn Thị Mãi (rượu Làng Vân), Đặng Văn Tố (nặn tò he)... chưa được xem xét kịp thời và trong số đó nhiều người đã qua đời, tài năng bị bỏ phí.

Đã vậy, khâu phong tặng nghệ nhân lại lộ rõ bất cập và nhiều điều chưa hợp lý. Thí dụ, những nghệ nhân được phong tặng chưa có quyền lợi gì về vật chất, tiền chế độ khi nhận bằng tôn vinh hoặc chậm, hoặc chưa đến tay. Theo quy định thì sau khi được phong tặng danh hiệu, nghệ nhân sẽ được tham gia các lớp tập huấn, hội chợ miễn phí, đồng thời có nghĩa vụ truyền dạy nghề tại địa phương. Song, nhiều nghệ nhân đã được phong mấy năm nhưng vẫn "chẳng có tương tác nào với xã hội". Việc tổ chức phong tặng thường diễn ra im lìm ở làng, xã, không tạo ra sự kiện chú ý, quan tâm trong dư luận xã hội. Chính việc chúng ta chưa làm tròn trách nhiệm với đội ngũ những nghệ nhân nghề truyền thống với tư cách là động lực phát triển của làng nghề, đã khiến họ mòn mỏi đi trong nỗ lực giữ nghề và truyền nghề.

* Cả nước hiện có hơn 2.000 làng nghề được công nhận, trong đó hơn 400 làng nghề truyền thống với 53 nhóm nghề.

* Thủ đô Hà Nội mở rộng có khoảng 1.350 làng nghề, trong đó có 224 làng nghề truyền thống với hơn 47 nhóm nghề

"Bảo tồn" nghệ nhân - tại sao không?

Việc ứng xử tốt với nghệ nhân, ghi nhận, vinh danh họ là những việc làm không thể chậm trễ. Họ là tài sản, là linh hồn của làng nghề. Vậy mà, từ rất nhiều bất cập kể trên đã ảnh hướng đến các nghệ nhân, ảnh hưởng lớn đến việc truyền dạy, tiếp nối, gìn giữ linh hồn của làng nghề. Thời gian không chờ đợi ai, thất truyền không phải mối lo suông. Nó hiện hữu trong nỗi trăn trở của nghệ nhân già. Nó cũng trĩu nặng trong tâm tư của những người trẻ muốn theo nghề cha ông mà chưa tìm được cơ hội để ở lại bám nghề, bám làng.

Muốn có sự tôn vinh xứng đáng nghệ nhân, thiết nghĩ nên giao trách nhiệm cụ thể cho các đầu mối là bộ, ngành. Chẳng hạn, nếu liên quan đến vấn đề sản xuất, kinh doanh, cần giao Bộ Công thương xây dựng tiêu chí bình xét, phong tặng nghệ nhân. Còn nếu liên quan đến lĩnh vực văn hóa xã hội, văn hóa phi vật thể, nên giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu, xét tiêu chí phong tặng nghệ nhân. Mặt khác, Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam cần thể hiện vai trò rõ nét hơn trong việc thực hiện bình xét tiêu chí, phong tặng các nghệ nhân thông qua cơ chế nghiên cứu đóng góp và phản biện để bảo đảm không phong sai, không bỏ sót.

Chúng tôi có dịp sang Nhật Bản tham quan các làng nghề. Ở thời điểm mới tiến hành công nghiệp hóa, làng nghề cũng rơi vào tình cảnh lớp trẻ đua nhau bỏ ra thành phố, ở làng chỉ còn toàn người già và trẻ con. Sau này, chính phủ Nhật Bản đã phát triển mô hình "bảo tồn" nghệ nhân, quan tâm đến đời sống vật chất của nghệ nhân, ưu ái họ về mặt bảo hiểm. Khi đời sống được nâng lên, họ dành thời gian truyền dạy, lo việc phát triển nghề. Chỉ thời gian không lâu, các làng nghề đã phục hồi và phát triển.

Một số nước ASEAN cũng đã thể hiện sự trân trọng đối với các nghệ nhân như có cơ chế để trưng bày sản phẩm ở các phòng truyền thống, cơ chế khuyến khích động viên như có chế độ chăm sóc sức khỏe định kỳ, được khen tặng biểu dương từ cấp lãnh đạo nhà nước...

Thiết nghĩ, Việt Nam cũng cần học tập kinh nghiệm từ các nước và sớm áp dụng vào thực tế. Nếu muốn khôi phục được làng nghề, cần làm tốt công tác "bảo tồn" nghệ nhân. Thêm vào đó, việc đào tạo truyền dạy nghề đang là công việc rất bức thiết không phải trong ngắn hạn. Cần phải có tư duy chiến lược, dài hạn để không chỉ gìn giữ mà còn phát triển nghề truyền thống, gia tài quý giá của ông cha, một bộ phận của di sản văn hóa dân tộc. Xét đến cùng, những nghệ nhân chính là linh hồn của làng, là cha đẻ của sản phẩm truyền thống. Làng và người gắn bó như một sự tổng hòa, một sự cộng sinh, mỗi sự chia cắt đều là một nỗi đau có thể xâm hại đến mạch chảy của nghề truyền thống trong nhịp sống đương đại. Chỉ có thể giữ được làng nghề khi có được cách ứng xử đúng đắn với nghệ nhân. Hãy để dòng máu nghệ nhân chảy trong huyết thống những thế hệ yêu và sống chết với nghề truyền thống.

GS, TSKH Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam: Muộn còn hơn không

Muốn giữ nghề truyền thống, nhà nước, các cơ quan chức năng cần quan tâm hơn đến các nghệ nhân thông qua việc khẩn trương hoàn thiện các quy định về chế độ ưu đãi, công nhận danh hiệu nghệ nhân. Lâu nay, có nhiều nghề truyền thống bị mai một đến mức không thể cứu vãn vì thiếu cơ chế. Cần hành động thà muộn còn hơn không!

Nghệ nhân Nguyễn Văn Trung, Chủ nhiệm CLB Nghệ nhân làng nghề Phú Vinh (Chương Mỹ, Hà Nội): Thiếu sự tương tác

Xây dựng các chính sách hỗ trợ nghệ nhân là rất cần thiết, cần đặc biệt ưu tiên cho những nghệ nhân ở các làng nghề có tiềm năng. Từ nhiều năm qua, việc tương tác giữa các nghệ nhân và cơ quan chức năng, cũng như cơ hội giao lưu giữa các cơ sở làng nghề chưa được quan tâm nhiều.

Ông Vũ Mạnh Hải, Chủ tịch Hội Nghệ nhân, thợ giỏi Hà Nội: Đừng vinh danh rồi để đấy

Người nghệ nhân không chỉ xứng đáng được vinh danh nghệ nhân, mà còn cần được quan tâm thực chất hơn nữa. Chúng tôi đang kiến nghị các cơ quan chức năng nên hỗ trợ nghệ nhân về bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội.

                                                                                            Theo: nhandan
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

12
Đang xem:
72.495.043
Tổng truy cập: