Sinh năm 1978, tại làng nghề thêu ren Quất Động, Thường Tín, Hà Nội, Lê Văn
Hưng đã có gần 30 năm gắn bó với những thăng trầm của làng nghề. Dòng tranh thêu
tay của anh góp phần làm giàu thêm nét văn hóa xứ Việt và là món quà quý cho
quê hương.

Sáng tạo từ tinh hoa truyền thống
Nếu có dịp đi qua con phố Nguyễn Trãi, Hà Đông, Hà Nội, du khách sẽ bị hút
hồn vào thế giới tranh thêu đa dạng, trưng bày tại cửa hàng thêu tay số 24A, không
phải bởi không gian phố phường nơi đây mà bởi chính những tác phẩm của người
thợ thêu tài hoa, vui tính nhưng lại rất khiêm tốn Lê Văn Hưng. Và khi được
biết về tuổi đời cùng tuổi nghề của ảnh cũng không ít người khỏi trầm trồ thán
phục tài cầm kim thiên bẩm của người thợ thêu này.

Chân dung
anh Lê Văn Hưng
Bắt đầu vào nghề từ năm 8 tuổi, Lê Văn Hưng là một cậu bé thông minh và nhanh
nhẹn. Ngoài giờ đi học và phụ giúp gia đình việc đồng áng, anh vẫn sắp xếp
khoảng thời gian nhất định trong ngày để học nghề từ các bậc tiền bối tài hoa
trong làng nghề. Bức tranh đầu tiên do anh làm là bức Rồng hạc. Mặc dù đường kim mũi chỉ ban đầu chưa được khéo léo và mềm
mại cho lắm, nhưng bức thêu tay phá cách đó đã phần nào khẳng định tính cách,
tài năng của một đôi tay trẻ thơ không một chút vụng về…
Tài sản của người thợ thêu rất đơn giản, chỉ có bộ khung thêu, kim chỉ, hình
mẫu, nhưng qua bàn tay khéo léo, đôi mắt tinh tường và một miền nghệ thuật riêng,
tác phẩm của anh hiện lên mềm mại, sống động và tươi tắn như ngoài đời thực.
Với 28 năm gắn bó cùng biết bao thăng trầm trong nghiệp cầm kim, Lê Văn Hưng
vẫn âm thầm sáng tạo, làm ra những bức tranh thêu hoàn mỹ. Bên cạnh những mẫu
mã có sẵn, mẫu do khách đặt hàng, anh đã tạo ra nhiều mẫu mã độc đáo, có một
hồn tranh mà ở đó anh là một họa sỹ truyền thần. Anh còn chỉ ra cho khách hàng
biết rõ đâu là tranh truyền thống, đâu là tranh không rõ xuất xứ, hay là việc
anh tìm mua những dòng tranh gắn đá, tranh vẽ mốc, mang về đặt trong cửa hàng
để có thể giải thích rõ hơn cho khách. Anh cho biết, không ít khách hàng quan
tâm đến tranh thêu mang tâm lý lo sợ khi mua về tranh sẽ bị mốc, nhưng khi được
anh giải thích, họ rất yên tâm và thêm yêu tranh thêu tay hơn.


Những phong cảnh của Hà Nội như Hồ Tây, Đền Ngọc Sơn, Tháp Rùa, Hồ Hoàn Kiếm…
là những chủ đề mà anh Hưng rất tâm đắc. Mặc dù có rất nhiều tranh về phong
cảnh Hà Nội, nhưng tranh của anh vẫn thu hút người xem hơn cả bởi cái “hồn”,
cái thần khí trong tranh mà anh chuyển tải. Từ những nguyên liệu của tinh hoa
truyền thống anh đã đưa vào những sáng tạo riêng giúp sản phẩm tranh thêm độc
đáo… Xem tranh của anh, ta như lạc bước vào một thế giới thực sống động, mới
lạ, hấp dẫn ở những đường lượn, đường viền, ở các khối hình đa màu sắc, và có
một điểm đặc biệt là không ai có thể sao chép được tranh của anh. Nói về điểm
này, anh Hưng tự hào chỉ vào bức Khuê Văn
Các, và khoe: “Bức Khuê Văn Các này mình đã rất kỳ công từng đường kim mũi
chỉ để có thể hoàn thành. Riêng phần các bậc thềm của Khuê Văn Các, khi thêu
mình dùng 15 loại chỉ màu khác nhau để lên màu cho từng viên gạch của bậc, tạo
cho bức tranh một điểm sáng khác biệt. Điểm này người khác muốn sao chép cũng
khó có thể làm được, hoặc cũng chỉ làm được với 12 màu mà thôi, người tinh mắt
hay người trong nghề có thể nhận ra ngay”.

Bức “Khuê
Văn Các” đặc biệt
Người thợ thêu tài hoa này đã khéo léo hòa quyện những sợi chỉ mịn màng,
thành một thể thống nhất không một lỗi chân chỉ hay trái canh. Anh đã tạo được những
đường chỉ điêu luyện, khéo léo kết hợp giữa nhịp điệu tranh truyền thống và hơi
thở của thời đại mới, tô điểm cho tranh thêu những chấm phá làm say mê người
yêu nghệ thuật.
Những bước đi âm thầm
Người thợ giỏi Lê Văn Hưng vẫn miệt mài bước những bước âm thầm trên con
đường truyền nghề, để cái nghề thuộc về nghệ thuật này ngày càng quý giá hơn trong
bức tranh văn hóa truyền thống. Anh đã và đang lưu lại trong lòng người yêu
tranh những thanh âm mộc mạc đến khó quên.
Trên hành trình giữ lửa cho nghề tranh thêu tay, người thợ thêu vẫn cần mẫn,
miệt mài đi khắp mọi miền tổ quốc, ghi dấu chân mọi làng quê Việt Nam, tìm hướng
ra cho sản phẩm của mình và của làng thêu ren nói chung. Anh đã trực tiếp giảng
dạy miễn phí cho bao thế hệ thợ trẻ, bởi theo anh, đó là vinh dự của một người
con trong cái nôi làng nghề, giúp cho tinh hoa nghề tỏa sáng hơn, giá trị hơn.
Đằng sau các chuyến đi Nam Định, Lào Cai… những lớp dạy nghề cho 20 - 30 học
viên là minh chứng cho nhiệt huyết hăng say lao động, học hỏi kinh nghiệm và
trau dồi sáng tạo đối với nghề thêu của anh Lê Văn Hưng.
Hiện tại, xưởng của anh ở Quất Động có khoảng 40 thợ lành nghề, và trong
gia đình, vợ và con anh cũng là những người thợ thêu khéo. Dù điểm bắt đầu của anh
nhiều gian nan, sóng gió, anh vẫn giữ trọn trong tim mình một bầu tâm huyết với
nghề, chính điều đó đã tiếp thêm cho anh sức mạnh để vượt qua. Với những bước
đi âm thầm như thế, tài năng của anh xứng đáng được tôn vinh, trân trọng.
Với niềm tin yêu nghề của anh, mong rằng anh sẽ tạo cho mình những bước chân
vững vàng hơn thế, sẽ tìm ra lối đi vinh quang cho dòng tranh thêu tay. Bên
cạnh đó, anh Lê Văn Hưng cũng rất cần những tổ chức trong và ngoài làng nghề,
ngày càng lưu tâm hơn về sản phẩm thuộc về tranh truyền thống, cùng chung tay,
góp sức tìm ra hướng phát triển cho dòng tranh thêu tay.
Một số tác phẩm của anh Lê Văn Hưng:




Mọi chi tiết về xưởng và sản phẩm thêu tay Phúc Hưng
xin liên hệ:
Lê Văn Hưng - Chủ cơ sở.
Số điện thoại: 0904.551.603
Cửa hàng: 24A - Nguyễn Trãi - Hà Đông - Hà Nội
Xưởng sản xuất: Xã Thắng Lợi - Thường Tín - Hà Nội